Nữ sinh viên dàn dựng vụ bắt cóc tống tiền cha mẹ

Thứ Bảy, 12/09/2015, 17:07
Bị dụ dỗ vay tiền "tín dụng đen" với lãi suất cao để tham gia kinh doanh đa cấp, Nguyễn Thị Hà, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội đã dàn dựng một vụ bắt cóc chính mình, gửi tin nhắn tống tiền bố mẹ đẻ nhằm lấy tiền trả nợ. Vụ việc là hậu quả đau lòng và bài học cảnh tỉnh các bạn sinh viên nhẹ dạ, vì muốn làm giàu nhanh đã sập bẫy đa cấp...

Vụ "bắt cóc tống tiền" lúc rạng sáng

Khoảng 12 giờ ngày 9/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Quang ở thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trong tâm trạng hết sức hoảng loạn đến Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trình báo: 15 giờ ngày 8/9, con gái ông là Nguyễn Thị Hà (SN 1994) từ quê xuống Hà Nội học. Đến 2 giờ ngày 9/9, ông Quân nhận được tin nhắn của một đối tượng gửi về từ số điện thoại của cháu Hà với nội dung thông báo Hà đã bị một đối tượng nghiện ma túy bắt giữ.

Liên tục  sau đó, đối tượng này nhắn tin đe dọa, yêu cầu gia đình Hà phải chuyển 70 triệu đồng vào tài khoản của Hà ngay trong ngày, nếu không cháu Hà sẽ bị giết hoặc mang bán qua biên giới. Cho đến khi trời sáng thì đối tượng tắt điện thoại, không liên lạc nữa. Lo lắng cho cô con gái đang trong tay bọn bắt cóc, ông Quang vội vã thu xếp xuống Hà Nội và trình báo Cơ quan Công an.

Ngay sau khi nhận tin báo, xác định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng liên quan đến tính mạng nạn nhân, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy đã báo cáo Phòng PC45 Công an Hà Nội phối hợp khẩn trương tổ chức  xác minh, truy tìm sinh viên Nguyễn Thị Hà. Đội Cảnh sát hình sự được giao nhiệm vụ chủ công phối hợp với Đội 4 Phòng PC45 tiến hành điều tra.

Công việc truy tìm Hà gặp nhiều khó khăn do cô sống khép kín, ít quan hệ với bạn bè. Mới hơn một năm ở Hà Nội nhưng Hà đã thay đổi nơi thuê trọ 3 lần ở địa bàn quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm. Ở những nơi thuê trọ này, mọi người cũng không có thông tin gì về Hà.

Nguyễn Thị Hà và Lưu Hà Minh, 2 sinh viên sập bẫy vay "tín dụng đen" để tham gia kinh doanh đa cấp.

Theo ông Quang cho biết, gần đây, Hà nói mới chuyển nơi ở tới phường Xuân Đỉnh, nhưng cụ thể ở đâu thì ông cũng không biết. Xác minh tại trường đại học, được biết Hà đã bỏ học 1 tháng nay. Từ khi bỏ học, Hà cũng không liên lạc với nhà trường cũng như bạn cùng lớp. Để có thông tin về Hà, lực lượng điều tra đã phối hợp với Công an các phường Xuân Đỉnh, Dịch Vọng Hậu rà soát tất cả các khu vực có nhà cho thuê trọ. Tuy nhiên việc rà soát cũng không có kết quả bởi Hà chỉ thuê trọ trong một thời gian ngắn rồi chuyển đi.

Đáng lo ngại là trong lúc Cơ quan Công an tiến hành xác minh, đối tượng tiếp tục nhắn tin cho ông Quang thúc giục, ép buộc việc chuyển tiền vào tài khoản. Ban đầu đối tượng cho thời hạn chuyển tiền đến 16 giờ ngày 9/9, sau đó rút xuống chỉ cho đến 14 giờ cùng ngày. Cùng với việc rà soát, truy tìm Hà, lực lượng điều tra đã hướng dẫn ông Quang khéo léo nhắn tin, trì hoãn, kéo dài thời gian chuyển tiền cho đối tượng.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đêm 9/9 rạng sáng ngày 10/9, lực lượng điều tra đã xác định Hà đang ở khu vực phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Công an quận Bắc Từ Liêm cũng được huy động phối hợp rà soát, kiểm tra toàn bộ các khu thuê trọ, cơ sở lưu trú tại khu vực này.

Đến 0 giờ 30 phút ngày 10/9, Cơ quan Công an đã phát hiện và tìm thấy Hà đang ở trong một nhà nghỉ trên đường Phạm Tuấn Tài (phường Cổ Nhuế 1) cùng bạn trai là Lưu Hà Minh (SN 1996, quê Thanh Hóa), cũng là sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Kiểm tra phòng nghỉ, lực lượng điều tra xác định Hà không bị đối tượng nào bắt cóc, khống chế và đe dọa. Cơ quan Công an đã đưa cả Hà và Minh về trụ sở Công an quận Cầu Giấy để làm rõ vụ việc.

Tại Cơ quan Công an, từ tâm trạng lo lắng cho tính mạng của Nguyễn Thị Hà đang bị đe dọa, ông Nguyễn Văn Quang chết lặng, chua chát khi nghe cô con gái trình bày nguyên nhân vụ "bắt cóc tống tiền" gia đình do chính Hà dàn dựng. Hà khai, khoảng tháng 3/2015, Hà được một người bạn trên facebook tên là Bính rủ làm nhân viên bán thực phẩm chức năng tại Công ty CP LMTD Việt (ở 252 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Bính "mời" Hà đến trụ sở để xem việc kinh doanh của Bính.

Do hoàn cảnh gia đình bố mẹ làm nông, để nuôi Hà ăn học đại học cũng hết sức khó khăn nên Hà muốn có việc làm thêm để trang trải cuộc sống đỡ đần cha mẹ. Hà nhận lời và đến Công ty Vietnet gặp Bính. Tại đây, Hà được Bính  tư vấn rằng khi tham gia vào mạng, nếu giới thiệu được càng nhiều người tham gia thì sẽ được công ty trả hoa hồng càng cao. Trực tiếp giới thiệu được 1 người vào làm cộng tác viên sẽ được công ty trả 680.000 đồng. Tuy nhiên, để trở thành cộng tác viên thì theo quy định của công ty, Hà phải mua 1 mã sản phẩm  thực phẩm chức năng của công ty với giá 10 triệu đồng.

Bị mờ mắt trước viễn cảnh làm giàu mà các cộng tác viên này đưa ra, Hà đồng ý để họ dẫn đi vay tiền. Rất thành thạo, các cộng tác viên đưa Hà đến nhiều điểm cho vay tiền ở khu vực phố Đặng Thùy Trâm (phường Cổ Nhuế 1), phố Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch) và gần Trường đại học Thủy Lợi. Tổng cộng Hà được vay 24 triệu đồng với lãi suất cao, từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Hà dùng 20 triệu đồng để mua 2 mã sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty và trở thành cộng tác viên.

Theo hướng dẫn, Hà tiếp tục lôi kéo được 2 người là bạn "phây" làm cộng tác viên cho công ty và được thưởng ngay 680.000 đồng/người. Tuy nhiên sau đó, không "phát triển" thêm được cộng tác viên đồng nghĩa với việc không được công ty trả hoa hồng, không có tiền trả nợ, tháng 6/2015, Hà nghỉ làm. Bị các chủ nợ đòi tiền, cộng với khoản lãi suất tăng vù vù theo cấp số nhân mỗi ngày, Hà đã tự nghĩ ra kịch bản bị đối tượng nghiện bắt cóc và nhắn tin về tống tiền bố mẹ nhằm lấy tiền trả nợ "tín dụng đen".

Người bạn trai Lưu Hà Minh ở cùng trong nhà nghỉ, là bạn trai Hà quen khi mới vào công ty. Minh cho biết cậu ta cũng bị lôi kéo vào mạng từ tháng 11/2014. Khi đó đang là sinh viên năm thứ nhất, mới từ quê ra Hà Nội nên còn nhiều bỡ ngỡ. Được một bạn "phây" tên Quyên gợi ý tìm việc làm thêm và rủ đến nơi Quyên làm việc tại 252 Hoàng Quốc Việt, với ý nghĩ muốn đỡ đần gánh nặng kinh tế giúp gia đình, Minh đã đến chỗ làm của Quyên để tìm hiểu. Tại đây, sau khi được nghe thuyết giảng về mô hình kinh doanh của với lợi nhuận hoa hồng từ giới thiệu người tham gia, Minh cũng được người trong công ty dẫn đến hiệu cầm đồ vay 20 triệu đồng với lãi suất cao để đóng tiền mua 2 mã sản phẩm.

Tháng đầu tham gia, Minh lôi kéo được 4 người bạn khác cùng tham gia và cũng được trả hoa hồng 680.000 đồng/người. Tuy nhiên sau đó Minh không tìm thêm được ai. Ban đầu, Minh dùng tiền đóng học để trả nợ. Nhưng 4 tháng sau, tiền gốc là lãi đã lên đến 23 triệu đồng. Minh đành về gia đình nói thật việc bị lừa vay tiền tham gia kinh doanh đa cấp và xin bố mẹ trả nợ giúp.

Sau khi quen Hà và được biết Hà cũng là nạn nhân, Minh khuyên Hà cố gắng xin gia đình tiền trả nợ sớm nhưng Hà không nghe. Đến ngày 9/9, Hà rủ Minh đi chơi cùng. Minh không hề biết việc Hà nhắn tin cho bố dàn dựng vụ bắt cóc, tống tiền gia đình.

Đắng lòng sinh viên sập bẫy kinh doanh đa cấp

Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra tình trạng một số công ty kinh doanh đa cấp biến tướng có biểu hiện dẫn dắt, lôi kéo sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia nhưng không vì mục đích kinh doanh sản phẩm mà lại hướng họ tới việc dụ dỗ thêm người tham gia để được hưởng hoa hồng. Các công ty này thường có một đội ngũ cộng tác viên giữ vai trò môi giới, đi "săn" những sinh viên ít hiểu biết về kinh doanh đa cấp tham gia. Chúng hứa hẹn, vẽ ra ảo tưởng "làm giàu không khó", kiếm tiền dễ dàng không cần mất sức lao động cho sinh viên.

Đáng lo ngại đã hình thành những đường dây dụ dỗ sinh viên vay nợ "tín dụng đen" để tham gia kinh doanh đa cấp xung quanh các trường đại học. Do hám lợi, nhiều sinh viên đã sẵn sàng sử dụng thẻ sinh viên, CMND để vay tiền kinh doanh, sao nhãng việc học tập. Đến khi không có khả năng trả nợ, không ít sinh viên đã nảy sinh những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, như trường hợp tống tiền gia đình của nữ sinh Nguyễn Thị Hà nêu trên.

Bản thân cả Hà và Minh đều thừa nhận, những khoản hoa hồng siêu lợi nhuận do các cộng tác viên của công ty vẽ ra đã khiến những sinh viên ngoại tỉnh gặp khó khăn về kinh tế như họ mờ mắt. Ngay sau khi nộp tiền cho công ty, họ đã nhận ra bị lừa nhưng vì không thể lấy lại tiền từ công ty nên đành "đâm lao thì phải theo lao", lại tìm cách lên mạng xã hội săn tìm "nạn nhân" mới, dụ dỗ họ vào mạng lưới đa cấp để có cơ hội gỡ gạc lại. Suốt ngày chỉ lo nghĩ, dành thời gian vào việc tìm kiếm, lôi kéo người mới nên sao nhãng học hành, dẫn đến việc cả Hà và Minh đều bỏ học.

Được biết trong thời gian qua rất nhiều sinh viên đã trở thành nạn nhân của Công ty CP LMTD Việt. Hồi đầu năm 2015, đã có 1 nữ sinh viên Trường đại học Thương mại sau khi sập bẫy lừa vay "tín dụng đen" để tham gia kinh doanh đa cấp tại công ty này đã tìm cách uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được phát hiện, cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, không ít sinh viên cũng đã phải bỏ học khi dính bẫy vay nặng lãi để mua mã sản phẩm của công ty. Qua tìm hiểu, được biết công ty có văn phòng giao dịch tại 15 Đặng Thùy Trâm (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).

Chiều 10/9, khi đến văn phòng này, chúng tôi thấy công ty đã đổi logo trước đây thành Aviinet. Nhân viên lễ tân công ty lấy lý do lãnh đạo và đại diện công ty đi vắng hết nên không có người tiếp (?!). Tìm hiểu trên trang web của công ty này cho thấy công ty chỉ đưa ra những thông tin hết sức hào nhoáng về một mô hình kinh doanh có tên gọi "liên minh tiêu dùng". Trong khi đó, phần sản phẩm thì chỉ giới thiệu một số... lò đốt rác thải.

Sau khi một số tờ báo lên tiếng phản ánh hiện tượng sinh viên bị dụ dỗ vay "tín dụng đen" để tham gia kinh doanh tại công ty, có dấu hiệu lừa đảo, phía công ty đã đăng một số thông báo có nội dung "chấn chỉnh đạo đức kinh doanh" trong công ty. Tuy nhiên thực tế, hoạt động lôi kéo sinh viên vay tiền lãi suất cao để kinh doanh đa cấp, hướng dẫn những người mới tham gia lôi kéo thêm người để hưởng hoa hồng của đội ngũ cộng tác viên vẫn diễn ra, và nạn nhân của vụ "bắt cóc tống tiền" là một ví dụ điển hình.

Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy cho rằng, sở dĩ các công ty đa cấp biến tướng nhằm vào đối tượng sinh viên để lừa đảo do chúng nắm được tâm lý của sinh viên lo sợ ảnh hưởng đến việc học tập nên kiểu gì cũng phải "xoay" tiền để trả nợ "tín dụng đen". Bản thân các sinh viên vì nhẹ dạ, hám lợi, mong muốn tìm việc làm thêm nên đã bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo  vào kinh doanh đa cấp, ngoài ảnh hưởng xấu đến việc học hành, khi bị sức ép đòi nợ từ việc vay tiền kinh doanh đã dẫn đến những hành vi tiêu cực hoặc vi phạm pháp luật hết sức đáng tiếc, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Vì vậy các trường đại học cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng về hậu quả của kinh doanh đa cấp để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hiện tượng lôi kéo sinh viên tham gia. Quan trọng nhất là các bạn sinh viên phải cảnh giác trước những lời mời chào "làm giàu" mà không cần kiến thức học tập của các công ty đa cấp biến tướng này. Việc có hay không liên kết giữa đa cấp và "tín dụng đen" để hoạt động lừa đảo cũng đang được cơ quan công an tiếp tục làm rõ.

Hương Vũ
.
.