Nước Nga trong cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Bắc Cực

Thứ Bảy, 06/08/2011, 18:40

Đến năm 2014, Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp nhận bản tuyên bố về từng phần ở Bắc Cực từ 3 quốc gia Canada, Đan Mạch và Nga, sau đó sẽ quyết định xem chương trình được gọi là nghiên cứu khoa học đằng sau những tuyên bố này có chính xác hay không. Nhưng nếu các tuyên bố chồng chéo lên nhau, Liên Hiệp Quốc sẽ quyết định xem 3 nước này chia nhau "khẩu phần" như thế nào.

Rob Huebert, chuyên gia về chiến lược quân sự Bắc Cực ở Đại học Calgary của Canada, nhận định: "Do việc nước Nga hầu như đã xác nhận quyền kiểm soát khu vực. Họ đã phát đi tín hiệu rằng, nếu bất cứ ai muốn đưa ra tuyên bố cạnh tranh tất phải gặp phản ứng mạnh mẽ".

Mới đây Vladimir Vystotsky, lãnh đạo hải quân Nga, cũng tuyên bố sự tăng cường mở rộng quân đội, bao gồm việc nâng cấp cho Hạm đội phương Bắc của Nga. Vystotsly chỉ ra rằng, NATO là nguồn gốc của sự căng thẳng, liên minh quân sự này đã "đánh dấu Bắc Cực là khu vực thuộc quyền kiểm soát của họ". Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Nga cho biết, hành trình của tàu phá băng Rossiya (được hạ thủy vào tháng 6/2011) và một tàu nghiên cứu khoa học tháp tùng theo trong mùa hè năm nay sẽ cho phép Nga củng cố tuyên bố của nước này về Bắc Cực tại Liên Hiệp Quốc trong năm tới, tức trước thời điểm quy định là năm 2014.

Do hiện tượng tan chảy nhanh của các khối băng, những con đường hàng hải mới và mỏ dầu ở Bắc Cực sẽ mở ra trong thời gian nay mai, và chẳng bao lâu nữa các quốc gia phương Bắc có thể quyết định xem ai có quyền kiểm soát chúng. Rắc rối hơn nữa là những quốc gia láng giềng của Nga ở Bắc Cực - Mỹ, Canada, Nauy, Đan Mạch và Greenland - đều là thành viên của NATO, và phần đông trong số họ thậm chí cũng đã cho tăng cường xây dựng quân đội phương Bắc nhằm chuẩn bị việc đối đầu với Nga. Trong tháng 5/2011, Wikileaks đã tiết lộ một số tài liệu ngoại giao của Nga cho thấy nhiều tham vọng của phương Tây đối với Bắc Cực. Wikileaks cũng tiết lộ kế hoạch gây ảnh hưởng đến Greenland của Mỹ, và trong một tài liệu  ngoại giao khác cho thấy Ngoại trưởng Đan Mạch Per Stig Moeller nói vui rằng, nước này sẽ "chia cắt" Bắc cực nếu Mỹ đứng ngoài cuộc.

Tuy nhiên, còn phải kể đến việc một số đối thủ mới đã lộ diện trong cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát biên giới năng lượng lớn cuối cùng của thế giới. Như từ năm 2004, Trung Quốc đã có chương trình xây dựng một căn cứ nghiên cứu ở quần đảo Svalbard (diện tích 62.049km2, với dân số vài ngàn người) thuộc Nauy ở Bắc Cực và hiện đang nỗ lực đóng chiếc tàu phá băng đầu tiên của nước này. Trong khi đó một số quốc gia khác như Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng lớn tiếng về vai trò của họ trong mọi vấn đề liên quan đến "khu mỏ khổng lồ" Bắc Cực.

Trong tháng 5 năm nay,  ủy ban Bắc Cực (tổ chức chính của Liên Hiệp Quốc quyết định mọi chính sách về Bắc Cực) đã cho hoãn lại cuộc bàn luận xung quanh việc có nên cho phép bất cứ quốc gia nào tham gia cùng thảo luận hay không. Robert Corell, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về thay đổi khí hậu và Bắc Cực, nói: "Càng nhiều tiếng nói càng khiến cho mọi chuyện trở nên rối rắm hơn. Nhưng Bộ Quốc phòng của chúng ta (Mỹ) rõ ràng nhìn thấy được Bắc Cực là khu vực ẩn tàng nhiều xung đột, vì thế mà chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh".

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là hiến chương của  ủy ban Bắc Cực lại ngăn cấm bất cứ cuộc bàn luận nào về vấn đề an ninh mà giao chuyện đó lại cho từng quốc gia thành viên ngồi thảo luận với nhau - điều đó cho thấy rõ vai trò của Nga về Bắc Cực trong thời gian mới đây có sức nặng rất lớn. Paul Berkman, giáo sư địa chính trị vùng Bắc Cực ở Đại học Cambridge nhận định: “Nước Nga với tiềm lực to lớn, và theo ý nghĩa nào đó, họ sẽ tự quyết định vụ việc khi những cuộc tranh cãi nổi lên"

T.T.P. (tổng hợp)
.
.