POLRI - Lực lượng Cảnh sát quốc gia Indonesia

Thứ Sáu, 27/03/2009, 20:20
Từ năm 1945, Lực lượng Cảnh sát quốc gia Indonesia (POLRI) đã trở thành lực lượng quốc gia, được bao cấp, chỉ đạo và tổ chức bởi chính quyền trung ương. POLRI gia nhập lực lượng vũ trang vào năm 1964, dưới thời Tổng thống Sukarno. Đến thời Tổng thống Suharto, ông này đã từng bước quân đội hóa cảnh sát theo Luật Quốc phòng năm 1982 và Luật Cảnh sát năm 1997.

Là một bộ phận không thể tách rời của Các lực lượng Vũ trang Indonesia (ABRI), lực lượng cảnh sát chịu sự chế định theo cơ cấu quân sự, bao gồm cấp bậc, ngân sách, nhiệm vụ và thậm chí cơ cấu tiền lương.

Năm 1992, quân số POLRI có khoảng 180.000 người. Nhiệm vụ chính của POLRI là duy trì trật tự và an ninh xã hội. Cũng giống như các lực lượng vũ trang khác, cảnh sát được coi là một lực lượng xã hội phục vụ vì lợi ích quốc gia, và vì vậy họ cũng tham gia vào các nhiệm vụ bảo vệ dân sinh.

Năm 1993, POLRI được phép thành lập một lực lượng đặc biệt khác chịu trách nhiệm chống bạo loạn đường phố. Lực lượng BRIMOB (Lữ đoàn di động) là một lực lượng trang bị quân sự hóa nhiều nhất trong POLRI, lực lượng này được huấn luyện đặc biệt để trấn áp các cuộc bạo loạn lớn...

Người đứng đầu POLRI là Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và là người có quân hàm cao nhất. Trụ sở POLRI được đặt tại Jakarta, bao gồm đội ngũ nhân viên và một vài bộ phận hành chính độc lập nhằm thực hiện các chức năng chuyên môn.

Tấn công trấn áp tội phạm.

Cảnh sát quốc gia cơ cấu thành 17 bộ tư lệnh cảnh sát vùng (Polda). Mỗi Polda lại phân chia thành những đơn vị hành chính nhỏ hơn tại các cấp quận, huyện và làng xã. Polda Metrojaya có nhiệm vụ quản lý trật tự xã hội tại thủ đô Jakarta.

Mỗi Polda đều có trụ sở chính ở thành phố hoặc thị xã, và được phép điều chỉnh quân số và thành phần cảnh sát theo yêu cầu cùng tính chất xã hội của vùng. Những lực lượng này được hình thành bởi cảnh sát thành phố hoặc các đơn vị địa phương và dưới sự lãnh đạo của Chỉ huy trưởng Polda, người chịu trách nhiệm trực tiếp với cơ quan đầu não của Cảnh sát quốc gia. Toàn bộ cảnh sát địa phương đều nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền tại nơi họ đang hoạt động.

Về chức năng, cơ quan cảnh sát được chia thành nhiều thành phần chuyên biệt. Thành phần lớn nhất là cảnh sát mặc đồng phục, bao gồm cảnh sát trưởng, các phó cảnh sát trưởng, trợ lý và các đơn vị tham mưu, hậu cần, cảnh sát giao thông, nữ cảnh sát.

Các đơn vị đặc nhiệm có nhiệm vụ duy trì trật tự trong trường hợp xảy ra khủng bố ngoài khả năng kiểm soát của các lực lượng khác. Những đơn vị này được trang bị vũ khí tốt hơn và cơ động hơn những cảnh sát bình thường và họ thường sống ở một doanh trại riêng biệt với kỷ luật cực kỳ khắt khe. Đội đặc nhiệm có đồng phục giống như các cảnh sát khác nhưng họ được nhận diện bởi huy hiệu đặc biệt.

Cảnh sát đường thủy và hàng không ngoài nhiệm vụ chính của mình, còn hỗ trợ các đơn vị khác thông qua việc điều phối giao thông, chống buôn lậu, khai thác trộm hải sản và cung cấp dịch vụ vận chuyển. Các đơn vị này cũng tích cực hỗ trợ giải quyết thảm họa thiên tai. Họ được trang bị trực thăng, máy bay chiếu đèn và rất nhiều máy bay cứu hộ biển loại nhỏ.

Cảnh sát thường phục có nhiệm vụ điều tra hình sự, đặc biệt trong các vụ án phức tạp hoặc các vụ án liên quan đến một số cơ quan luật pháp. Họ cũng giải quyết các vấn đề thuộc pháp lý, đặc vụ, an ninh và kỹ thuật hình sự.

Hiện nay, quân số của POLRI khoảng 250.000 người, hưởng lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước. POLRI là thành viên của Interpol và Aseanpol. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, tình hình tội phạm quốc tế trong khu vực và trong nước có nhiều diễn biến rất phức tạp, đặc biệt Indonesia phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị khủng bố từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan, trong đó tâm điểm là đảo Bali nên nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng Cảnh sát quốc gia ngày càng nặng nề.

Chính phủ Indonesia cho biết, trong thời gian tới tiếp tục xây dựng lực lượng cảnh sát theo hướng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Nguyễn Hoàng Đoàn (theo Indopolice News)
.
.