Pakistan: Bà nội trợ quyết định ra tranh cử Quốc hội

Thứ Năm, 18/04/2013, 09:45

Lớn lên trong một đất nước còn nặng truyền thống "chồng chúa vợ tôi", mọi quyền lực đều thuộc về đàn ông, bà nội trợ 40 tuổi này can đảm khẳng định rằng phụ nữ ngày nay xứng đáng có được một vị thế quan trọng trong xã hội và hoàn toàn bình đẳng với nam giới.

Badam Zari sống ở Bajur, vùng lãnh thổ bán tự trị của các bộ tộc thiểu số Pakistan, giáp biên giới Afghanistan. Trong buổi họp báo tuần trước tại Khar, thủ phủ của Bajur, bà Zari quấn chiếc khăn màu sặc sỡ quanh người và che kín mặt. Bà nói với các phóng viên rằng tham gia cuộc bầu cử Quốc hội ngày 11/5 tới với hy vọng có tiếng nói cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bộ tộc thiểu số.

"Tôi muốn vào Quốc hội để nói lên tiếng nói của giới nữ, đặc biệt là ở những nơi phụ nữ còn chịu cảnh bất công vì ảnh hưởng của nền văn hóa bộ tộc. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng tôi tin mình sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng".

Bà Zari đã nộp đơn ứng cử tại một đơn vị bầu cử ở Khar, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa gia trưởng. Đó là nơi mà phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà, làm việc nội trợ và nhiệm vụ chủ yếu là sinh con đẻ cái. Bà thuộc số rất ít phụ nữ thiểu số đã học hết bậc trung học, cho biết, vì chưa có con nên không vướng bận nhiều với việc nhà và được sự ủng hộ hoàn toàn từ Sultan Khan chồng bà, và  cũng là chỗ dựa vững chắc trong suốt quá trình bà nộp đơn ứng cử.

Đây là một hành động lịch sử vì phụ nữ ở Bajur thường không được khuyến khích đi bầu và bà Zari cho biết sẽ nỗ lực vận động phụ nữ tham gia bỏ phiếu. Tại đơn vị bầu cử của bà có 186.000 cử tri ghi danh trong đó 67.000 cử tri là phụ nữ. Luật bầu cử Pakistan quy định ứng cử viên nào chiếm được số phiếu cao nhất là đắc cử, không cần phải là đa số, vì vậy bà Zari có thể có nhiều triển vọng.

Badam Zari ra tranh cử với tư cách độc lập, do vậy khả năng chiến thắng của bà thực tế là rất thấp. Dù vậy bà vẫn rất tự tin rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của những phụ nữ từng rất thấm thía với thân phận thấp hèn và muốn sớm đến ngày có cơ hội cải thiện cuộc sống.

Bà Zari thừa nhận, tấm gương của Malala Yousafzai là một trong những lý do khiến bà đi đến quyết định ra ứng cử. Năm 2012, Malala Yousafzai bị phiến quân Taliban bắn vào đầu gây trọng thương nhằm ngăn cản việc cô bé quyết tâm đến trường. Từ đó, cô bé này trở thành biểu tượng của sự can đảm và lòng quyết tâm vươn đến tương lai của mọi phụ nữ Pakistan.

Khi được hỏi liệu có sợ bị trả thù hay tấn công tương tự như vụ Malala Yousafzai, Badam Zari trả lời quả quyết: "Đây là quyền hiến pháp của tôi, và tôi không phải sợ ai hay bất cứ điều gì". Nói về quyết tâm của bà Zari, quan chức tỉnh Bajur, ông Asad Sarwar, thán phục: "Cô ấy đã phá vỡ rào cản xã hội bấy lâu nay. Quả là một hành động dũng cảm, đáng khâm phục".

Badam Zari là phụ nữ bộ tộc thiểu số Pakistan đầu tiên tự ra ứng cử Quốc hội.

Đại đa số người Pakistan cho rằng phụ nữ chỉ là "vật" thuộc quyền sở hữu của các ông chồng. Nhiều phụ nữ không được đến trường, hiếm khi có cơ hội tiếp xúc với xã hội bên ngoài và luôn phải mặc những bộ y phục trùm kín mít từ đầu đến chân mỗi khi ra khỏi nhà, thậm chí phải có chồng đi theo. Đó là lý do khiến Pakistan đứng thứ 2 trong báo cáo về lỗ hổng giới tính toàn cầu trong diễn đàn kinh tế thế giới năm 2012 đã cho thấy sự bất bình đẳçng giới trong chính trị, sức khỏe và giáo dục.

Những khu vực bộ tộc bán tự trị hay những vùng nghèo bị cô lập bởi bộ lạc Pashtun ở khu vực Tây Bắc Pakistan thường được biết đến là nơi không dành cho phái yếu. Đặc biệt, Bajur là khu vực cực kỳ bảo thủ nơi mà hầu hết phụ nữ không được đi học và tham gia chính trị.

Trong những năm gần đây, cuộc sống của người phụ nữ ở khu vực này trở nên khó khăn hơn khi có sự xuất hiện ngày càng gia tăng của phiến quân Taliban. Trong cuộc bầu cử 2008, 1/3 phụ nữ ở Bajur đã bị quân Taliban cản trở việc bỏ phiếu. Các tờ rơi được rải khắp nơi với lời cảnh báo sẽ xảy ra các vụ nổ bom hoặc áp dụng những hình phạt hà khắc nếu phụ nữ không tránh xa các khu vực bỏ phiếu.

Bất chấp những điều cấm kị xung quanh việc phụ nữ xuất hiện trước công chúng, Badam Zari hy vọng sẽ tổ chức được các cuộc biểu tình, dấy lên một phong trào cải cách điều kiện sống cho người phụ nữ thuộc các bộ tộc ở các khu tự trị lạc hậu

Lê Thúy - Doãn Anh (tổng hợp)
.
.