Bi kịch người chuyển giới từ một vụ án mạng

Thứ Sáu, 01/07/2016, 21:50
Người chuyển giới Alisha là điều phối viên ở thành phố Peshawar miền bắc Pakistan và là một trong 8 thành viên điều hành Trans Action Alliance (TAA) - hội các nhóm người chuyển giới cùng hợp tác hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng này. Alisha bị hung thủ bắn 8 phát đạn và bỏ mặc cho đến chết. Vụ sát hại Alisha đã phơi bày trước dư luận quốc tế về sự áp bức mà cộng đồng người chuyển giới ở Pakistan đang phải đối mặt.

Khi Alisha được cấp tốc đưa đến bệnh viện, các bác sĩ đã thẳng thừng từ chối cấp cứu cho nạn nhân do sự khác biệt giới tính. Mặc dù các thành viên hội người chuyển giới TAA đã cố cầu xin các bác sĩ cứu mạng Alisha song vẫn vô ích.

Alisha trong căn phòng của mình.

Farzana Jan, lãnh đạo chi hội TAA ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, miền bắc Pakistan, kể lại vụ việc với báo chí: "Trong khi chúng tôi tập hợp lại trước bệnh viện để yêu cầu các bác sĩ cứu chữa cho Alisha, đám đông toàn đàn ông bu lại xung quanh đặt nhiều câu hỏi dồn dập cũng như bình phẩm về ngoại hình của chúng tôi. Nhiều người còn hỏi chúng tôi lấy giá bao nhiêu cho tình một đêm, số khác thì hỏi địa chỉ nhà chúng tôi. Thậm chí, một số khác nữa trơ trẽn hỏi bộ ngực của chúng tôi có tự nhiên hay không".

Phần đông những người chuyển giới ở Pakistan đều bị gia đình ruồng bỏ vì coi đó là sự nhục nhã. Qamar Naseem, người thành lập Blue Veins (tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền của cộng đồng người chuyển giới) thừa nhận sự phân biệt đối xử với người chuyển giới ở Pakistan thật là kinh khủng: "Bạo lực dã man được dùng để chống lại họ và khiến họ mất hết tự tin vào bản thân. Họ bị đánh đập ngay trong gia đình. Đến trường học thì họ bị mọi người phỉ nhổ".

Một nhóm người chuyển giới biểu tình ở Islamabad, năm 2008.

Người chuyển giới còn là nạn nhân của bạo lực tình dục. Đối mặt trước sự chối bỏ của gia đình và nhà trường, người chuyển giới chỉ có được niềm an ủi trong chính cộng đồng của họ. Do không được học hành đến nơi đến chốn cũng như bị xã hội thù ghét, người chuyển giới không còn cách nào sống ngoài con đường bán dâm hay nhảy múa mua vui cho người khác.

Theo tiếng Urdu, người chuyển giới từ nam sang nữ được gọi là "hijras" và ước tính cộng đồng thiểu số này ở Pakistan vào khoảng 500.000 người. Năm 2011, lần đầu tiên Tòa án Tối cao Pakistan thừa nhận người chuyển giới là giới tính thứ 3, và trao cho họ một số quyền công dân như là quyền bầu cử, quyền thừa kế cũng như bảo đảm quyền được giáo dục cơ bản và được bảo vệ trước pháp luật. Tòa án cũng ra lệnh phát hành thẻ căn cước ghi rõ 2 mục: "chuyển giới nam" hay "chuyển giới nữ".

Trước khi TAA ra đời, đã có một vài nhóm đấu tranh cho quyền người chuyển giới ở Pakistan, song phần lớn còn quá nhỏ để tạo nên sự tác động trong xã hội hay đối với chính quyền. Một số vấn đề đáng lo ngại nhất mà cộng đồng người chuyển giới hiện nay ở Pakistan đang phải chịu đựng là nạn tấn công bạo lực tình dục, không được ngành y tế quan tâm và thiếu ngân sách dành cho phúc lợi xã hội.

Alisha lúc được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Từ khi được thành lập, TAA đã đưa những vấn đề nổi cộm này lên mạng xã hội, tiến hành những cuộc biểu tình phản đối và tổ chức những cuộc họp với giới chức chính quyền Pakistan. Do các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế chỉ hành động theo dự án đề ra cho nên các vấn đề của người chuyển giới ở Pakistan không được đề cập một cách mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Cụ thể là các tổ chức phi chính phủ không còn tiếp tục quan tâm đến cộng đồng người chuyển giới sau khi các dự án của họ hoàn thành.

Đó cũng là lý do khiến cho tiếng nói của người chuyển giới ở Pakistan khó đến được Liên Hiệp Quốc (LHQ). Hậu quả là những tổ chức nổi tiếng của LHQ như là UNOCHA (Ủy ban về các vấn đề nhân đạo của LHQ), UNHCR (Cao ủy LHQ về người tỵ nạn) và UN WOMEN (Cơ quan Phụ nữ LHQ) không có bất cứ báo cáo nào về cộng đồng người chuyển giới bị ruồng bỏ ở Pakistan.

Cộng đồng người chuyển giới ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa kiếm tiền nhờ nghề nhảy múa và ca hát giúp vui cho thực khách. Điều nguy hiểm là người chuyển giới thường hay bị cưỡng bức ngay tại những đám cưới mà họ được thuê đến giúp vui. Nhiều người chuyển giới cũng kiếm sống bằng nghề bán thân xác và chấp nhận bị tấn công tình dục.

Trong vài năm qua đã xảy ra hàng trăm vụ bạo lực tình dục đối với người chuyển giới hành nghề mại dâm. Trong nhiều vụ, hung thủ lại chính là cảnh sát. Afzal Gujjar, người ra tay sát hại Alisha, cũng là maRakh - theo tiếng Pashto nghĩa là bạn trai - của nạn nhân. Thực tế là nhiều phụ nữ chuyển giới vẫn có người đàn ông sống chung để được bao bọc về kinh tế.

Theo thời gian, Gujjar ngày càng ghen tuông và ngăn cấm Alisha nhảy múa tại các đám cưới trong khi đó cô chính là nguồn thu nhập duy nhất của hai người. Vài ngày trước khi bị giết chết, Alisha xung đột dữ dội với Gujjar về chuyện tiền bạc. Các thành viên của TAA tin rằng Gujjar nằm trong băng nhóm đe dọa người chuyển giới để tống tiền. Gujjar tuyên bố Alisha nợ hắn ta khoảng 1 triệu PKR (khoảng 14.000 USD). Nhưng Qamar Naseem cho biết: "Khi tôi hỏi Alisha về tuyên bố của Gujjar thì cô tỏ ra rất sốc. Alisha bảo rằng cô chi rất nhiều tiền cho Gujjar chứ không như Gujjar nói".

Trong khi các thành viên TAA đòi tuyên án tử hình đối với Gujjar thì Naseem chống lại ý tưởng này. Ông lập luận: "Trong cả cuộc đời hoạt động vì nhân quyền, tôi luôn chống lại án tử hình bởi vì nó không giúp thay đổi được điều gì cả. Chính ý tưởng như thế đã khiến cho cha mẹ Alisha ruồng bỏ cô, không cho cô quyền được học hành. Cái chết của một người đàn ông sẽ không làm thay đổi tình thế".

Trong vòng 18 tháng qua, chỉ riêng ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã có 46 người chuyển giới bị giết chết và hơn 300 vụ tấn công bạo lực cũng như bạo hành tình dục xảy ra đối với cộng đồng thiểu số này. Trong khi đó, những cuộc phản kháng - trên mạng xã hội cũng như trong đời thực - của người chuyển giới vẫn tiếp tục diễn ra ở Pakistan.

Di An (tổng hợp)
.
.