Pakistan: Trừng phạt nghiêm khắc những kẻ tấn công bằng axit

Thứ Ba, 06/04/2010, 20:35
Chỉ sau vài phút ngắn ngủi mà cô bé 13 tuổi xinh đẹp có đôi má hồng, đôi môi đầy đặn và nụ cười tươi tắn đã bị mất đi ánh sáng của đôi mắt và khuôn mặt bị biến dạng đến ghê sợ.

Kẻ tấn công là Irshad Hussein, người theo đuổi Naila Farhat nhưng đã bị cô từ chối. Irshad Hussen cùng với bạn của hắn là Mazhar Hussein, cũng chính là thầy giáo dạy môn khoa học của nạn nhân, đã rình chờ Farhat tan trường về nhà ở thị trấn Layyah thuộc tỉnh Punjab của Pakistan và sau đó hắn tạt axít vào mặt cô.

Farhat nói: "Em bất ngờ cảm thấy bỏng rát nơi mặt và không trông thấy gì nữa nhưng có thể nghe được tiếng chúng cười rộ lên. Em muốn pháp luật trừng trị bọn chúng". Và suốt 6 năm sau đó, Farhat kiên trì kêu cứu công lý ở nhiều tòa án, có mặt tại mỗi phiên tòa xét xử dù rằng cô rất hỏang sợ khi phải đối mặt với kẻ đã gây đau khổ triền miên cho cô.

Riêng tên “thầy giáo” tòng phạm đã bỏ trốn biệt tăm sau khi được cho là đã hối lộ cảnh sát địa phương để không bị truy tố trước pháp luật. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, đây là trường hợp phổ biến ở Pakistan và một số cảnh sát không muốn hoặc không thể bắt giữ những kẻ tấn công.

Nhưng trong trường hợp này, Irshad Hussein đã lãnh án tù 12 năm và bồi thường thương tật cho nạn nhân với số tiền là 1,2 triệu rupees (gần 15.000USD). Sau đó, Irshad Hussein chống án lên Tòa án Tối cao Pakistan đề nghị được giảm án. Không nao núng, nạn nhân Farhat - với sự giúp đỡ của  Quỹ Những nạn nhân sống sót của tội phạm axít (ASF) - đã đấu tranh để bản án được phục hồi nhanh chóng.

Tổ chức ASF ở Bangladesh tổ chức mít tinh ở Dhaka với sự tham gia của khoảng 600 nạn nhân của axít đến từ Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Campuchia, Uganda và Nepal.

Tháng 11/2009, cô gái trở thành người phụ nữ đầu tiên chiến thắng trong một vụ án tấn công bằng axít ở Pakistan. Sự đấu tranh kiên trì của Farhat đã buộc chính quyền Pakistan phải đem lại công lý cho nạn nhân.

Sau vụ án này, chủ tọa Tòa án Tối cao Pakistan là Iftikhar Mohammad Chaudhry đề xuất thông qua luật quốc gia ngăn ngừa và trừng phạt những vụ tấn  công bằng axít bằng sự kiểm soát chặt chẽ việc mua bán axít và tuyên mức án cao nhất cho những kẻ tấn công.

Kết hợp với nhiều năm hoạt động ở hành lang nghị viện của những nhà nhân quyền, cuối cùng kết quả mới đây là dự thảo luật ngăn ngừa tội phạm axít và kiểm soát chất axít được đệ trình lên Quốc hội Pakistan.

Những số liệu chính xác về các vụ tấn công bằng axít ở Pakistan khó mà thành lập được - các nhà hoạt động nhân quyền không thể thực hiện điều tra thống kê tại những vùng bị chiến tranh tàn phá của Pakistan, đồng thời cũng sợ bị trả thù và vết nhơ về mặt xã hội sẽ cứ mãi ám ảnh nạn nhân và gia đình của họ.

Những vụ án liên quan đến axít thường xuất phát từ việc hai người đàn ông cùng phải lòng một phụ nữ hoặc vì những lý do không dính líu đến giới tính như là tranh chấp về tài sản hay những bất đồng khác trong xã hội. Theo ghi nhận của nữ Chủ tịch ASF là Valerie Khan, khỏang một nửa số nạn nhân trong vụ tấn công axít là phụ nữ, trong đó 26% là nam giới và số còn lại là trẻ em - thường là do tai nạn.

Valerie Khan còn cho biết có khỏang 150 vụ xảy ra trong một năm trên toàn Pakistan. Shahnaz Bokhari, Trưởng điều phối và chuyên gia tâm lý học lâm sàng của Hội Phụ nữ tiến bộ (PWA) ở Rawalpindi nói, tổ chức của bà đưa ra con số 8.000 nạn nhân bị bỏng nặng, trong đó bao gồm những vết thương do axít cũng như dầu hỏa hay bếp lò, từ năm 1994 cho đến nay.

Bà nói: "Đó là trong phạm vi RawalpindiIslamabad. Tôi không nói đến toàn nước Pakistan". Cả hai nhà hoạt động nhân quyền nói trên đánh giá rằng, chỉ vào khỏang 30% vụ án liên quan đến axít được chính thức ghi nhận. Axít là thứ vũ khí dễ tìm mua với giá rẻ - chưa đầy 1USD/lít và thường được dùng để vệ sinh trong gia đình hay để xử lý sợi bông ở các vùng nông thôn.

Hiện nay Quốc hội Pakistan đang tranh luận về việc sửa đổi Luật Hình sự quốc gia cũng như đưa axít vào danh sách những chất nguy hiểm. Luật mới cũng tăng mức án tối đa từ 10 năm đến tù chung thân đối với tội phạm liên quan đến axít, đồng thời tăng mức tiền phạt thật nặng cũng như buộc hung thủ phải chi trả toàn bộ viện phí điều trị cho nạn nhân.

Cuối cùng, dự luật sẽ cấm bán axít cho các cá nhân không có giấy phép đặc biệt, và những ai bán trái phép chất axít sẽ bị phạt tiền từ 500 rupees (khỏang 6 USD) đến 100.000 rupees và có thể ngồi tù 1 năm cho lần vi phạm đầu tiên. Riêng dự luật về bạo lực gia đình đã được Quốc hội Pakistan đưa ra thảo luận từ mùa hè năm ngoái dưới sự chủ trì của một nhà lập pháp Hồi giáo.

Bà Shahnaz Bokhari - người từng bị phe chống đối gọi là "kẻ khủng bố nhân danh quyền phụ nữ", một biệt danh mà bà thấy hãnh diện - nói: "Những vấn đề về quyền phụ nữ không được trao cho những nhóm tôn giáo cuồng tín này quyết định. Khi chúng ta nói chuyện với những giáo sĩ Hồi giáo này, thậm chí họ không thèm đếm xỉa đến chúng ta".

Trong khi đó bà Valerie Khan lo sợ bản dự thảo luật có thể bị Hội đồng Tư tưởng Hồi giáo bác bỏ. Hội đồng này là một nhóm lập hiến cố vấn cho nghị viện và chính phủ về luật sharia (Luật Hồi giáo) với Chủ tịch là Mohammad Khalid Masood.

Theo Masood, hiện có xung đột ngầm giữa những phần tử bảo thủ vốn "sợ tính hiện đại sẽ gây nên cuộc nổi loạn ở phụ nữ" và những tiếng nói ôn hòa hơn của nhóm học giả Hồi giáo (Ulema). Masood nói một số nhân vật bảo thủ chắc chắn sẽ bỏ qua những trường hợp bạo lực gia đình vì cho rằng, theo quan điểm Hồi giáo, đàn ông hay người chồng không thể bị trừng phạt chỉ vì một sự tổn hại thân thể sinh ra do việc anh ta thi hành kỷ luật một thành viên gia đình. Nhưng, Masood nói, vấn đề là chính phủ rất nhạy cảm trước sức ép chính trị trên đường phố Pakistan, mà "trên đường phố thì còn nhiều người bảo thủ".

Bất chấp những khó khăn mà dự thảo luật đang phải đối mặt, vụ án của Naila Farhat  đã đem lại nhiều thay đổi cho các nạn nhân bị tấn công bằng axít. Naila Farhat nói: "Sau những gì đã xảy đến cho tôi, những phụ nữ khác bây giờ đã có thể đi thẳng đến tòa án tối cao để dự phiên tòa xét xử. Sau chiến thắng của tôi sẽ có những chiến thắng khác nữa"

Trần Thanh Phong (theo Time)
.
.