Peru: Nỗ lực tróc nã "vàng tặc" có tổ chức
- Vì sao nạn "vàng tặc" ở Quảng Nam vẫn dai dẳng?
- Truy quét “vàng tặc” ở núi Định Yên
- Truy quét “vàng tặc”
Theo đó có 4 người trong đám người này giữ nhiều giấy tờ liên quan đến việc vận chuyển một lượng lớn vàng lậu. Bộ Nông nghiệp và Khoáng sản Peru (MEM) tuyên bố những người có giấy phép nhưng khai thác nhập nhèm sẽ bị tước đăng ký. Tuy nhiên, về phía cơ quan pháp luật lại cho rằng đang có những kẽ hở trong hệ thống cấp giấy phép tạo điều kiện cho “vàng tặc” lộng hành.
Các cuộc vây ráp chớp nhoáng đã diễn ra cùng lúc trong 9 đường hầm ngầm tại quận Parcoy (khu vực phía Bắc La Libertad, nơi dẫn đến các vùng Piura, Lima, Ica và Arequipa của Peru). Hoạt động đột kích thành công đã phanh phui toàn bộ quy trình mà các tổ chức giang hồ sử dụng để “rửa” vàng từ các điểm khai thác bị cấm.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng lột mặt nạ cách thức mà băng đảng tội phạm đã sử dụng để che đậy các hành vi làm ăn gian trá thông qua Cơ quan đăng ký khai khoáng chính thức thuộc Bộ Năng lượng và Khoáng sản Peru (REINFO). Các thành viên của băng Los Topos đã sử dụng giấy phép đăng ký của 4 người trong bộ sậu nhằm hợp pháp hóa việc biến thành thợ mỏ để tuồn hàng hóa và vàng thô ra ngoài.
Los Topos đã sử dụng gian kế này để “rửa” vàng khai thác chất lượng cao được lấy từ các hố đào khổng lồ trong các ngọn đồi ở 2 khu vực Retama và Fernandini (quận Parcoy, nơi cũng có những cơ cấu nhà cửa được xây cất tinh vi náu trong các sườn núi).
“Chuột chũi” là những ai?
Trong số 18 thành viên của băng đảng Los Topos bị tóm có những người chịu trách nhiệm khai thác và tàng trữ quặng, họ cũng là chủ nhân của các ngôi nhà trá hình nhằm che chắn lối vào các hố khai thác; họ cũng là “hoa tiêu”, người vận chuyển quặng, những thành viên chuyên trách lưu giữ giấy tờ liên quan đến việc “rửa” vàng; những người giữ vàng thô, và cả những người chuyên đưa vàng thô đi xuất khẩu.
Ngoài ra còn có 2 người ngoại quốc đều là người Trung Quốc (trong đó một người Australia gốc Trung Quốc) cũng nằm trong số 18 người bị bắt. Thông qua các công ty khác nhau, 18 người này bị buộc tội mua và xuất khẩu khoáng sản được chứng thực bởi cảng vụ Callao.
120 kg vàng thỏi bị tịch thu từ các công ty xuất khẩu. Ảnh nguồn: PNP Medio Ambiente. |
Hoạt động tội phạm này đã dẫn đến việc bắt giữ một lượng vàng lớn trị giá tới 10 triệu USD, cũng như tịch thu nhiều tài liệu, vũ khí, chất nổ và hóa chất.
Ông Raúl Del Castillo đến từ Tổng cục Cảnh sát Peru, ông chuyên phụ trách thực thi luật môi trường, phát biểu: “Đây là lần đầu tiên mà việc khai thác lậu bị phơi bày theo kiểu đó: nhiều giấy tờ cùng số vàng lớn bị tịch thu. Chúng tôi tin rằng từ sự thành công của vụ này sẽ bắt đầu cho một thời đại mới trong cuộc chiến chống khai thác lậu. Đằng sau hoạt động lậu này vẫn còn có những tổ chức giang hồ giấu mặt, thực sự vấn đề này chưa được xử lý đến nơi đến chốn”.
Hoạt động khai thác vàng lậu bắt đầu từ quận Parcoy và đi trót lọt qua cảng Callao rồi cuối cùng hạ cánh ở các thị trường Á và Âu Châu.
Hồ sơ của REINFO
Suốt 6 tháng ở khoảng giữa tháng 2 và tháng 7 năm 2019, Văn phòng công tố viên Peru (PPO) và cảnh sát đã dán mắt vào các khối nhà nằm ngay trên tuyến đường cái Parcoy, họ theo dõi từng chiếc xe tải chở số quặng lên tới hàng tấn và chỉ hoạt động nhộn nhịp vào ban đêm.
Lối dẫn vào các hầm ngầm được che giấu tinh vi bởi các ngôi nhà nằm trên sườn đồi. Ảnh nguồn: PNP Medio Ambiente. |
Công tác trinh sát đã đưa các nhà điều tra tới các trung tâm lưu hàng ở Trujillo rồi từ đó tới các nhà máy xử lý khoáng sản ở Piura, Lima, Nazca (Ica) và Arequipa, và cuối cùng là cảng Callao, nơi vàng được dập thành từng thỏi hay ở dạng đá xay. Cùng với sự giúp đỡ từ các tài liệu thuộc về các thợ mỏ thủ công có đăng ký với REINFO mà đã bảo chứng cho một quy trình “rửa” vàng hết sức tinh vi.
“Đám thợ thủ công ra vào các đường hầm mà không đem theo giấy tờ, và còn có các cơ quan làm ra giấy đăng ký chỉ để bán. Rõ ràng REINFO đã bị lợi dụng và sai mục đích”, dẫn lời phân tích của ông Sal y Rosas, công tố viên chịu trách nhiệm cho các hoạt động điều tra.
Theo báo cáo của ông Sal Y Rosas thì có 4 người có giấy đăng ký với REINFO (những giấy tờ này được sử dụng cho nhiều dịp để vận chuyển và chứng thực vàng). Những gì mà các giấy tờ chính thức này cho phép đó là hành lang đưa vàng ra khỏi mỏ, là xác thực vàng được khai thác tại các cửa hàng có ủy quyền và đã đăng ký bởi một ai đó đã đăng ký với REINFO.
Tuy nhiên, khi nhà chức trách tiếp cận các địa điểm cửa hàng thì họ phát hiện hầu như không có hoạt động khai thác nào từng tồn tại ở các địa điểm đó. Một trong các trường hợp bị tình nghi liên quan đến một chiếc xe tải đã rời Trujillo đến Arequipa vào tháng 2 năm 2019 và nó chở theo tới 35 tấn quặng vàng. Mạng lưới tội phạm có liên quan đến việc sử dụng giấy tờ thuộc về một người tên là Sumner Deybin Inga Campos, nhân vật này có đăng ký khai thác với REINFO và đang chịu sự điều tra của quận Usquín, theo các hồ sơ chính thức của MEM.
Một xe tải chở 17 tấn quặng vàng khác đã rời đi vào tháng 3 năm 2019 mang theo giấy tờ của công ty khai khoáng Matwork vốn thuộc về Jenss Marty Lara Tantaquilla, người này đã đăng ký với REINFO khi có 2 cửa hàng vàng ở quận Chillia.
Một trường hợp tương tự khác đã xảy ra với các giấy tờ thuộc về Jeik Deidi Fernández Paredes, người này đã đăng ký với REINFO và làm chủ một cửa hàng vàng ở Ongón, theo các hồ sơ của công tố viên Sal y Rosas; và trường hợp thứ tư là các giấy tờ thuộc về nhân vật Ynocente Matos Anticona, người này cũng đăng ký với REINFO và cũng đang bị điều tra ở quận Chillia cùng viên tổng quản lý Consorcio Minero Chilia. Trong tất cả 4 trường hợp đều có sự đăng ký hợp pháp nêu rõ hoạt động khai thác ở các địa điểm khác nhau cùng các bất động sản ở khu vực Retama (Parcoy) nơi vàng được xuất đi.
Công tố viên Sal y Rosas khẳng định: “Các cửa hàng vàng của họ đều đã đăng ký với REINFO tại những địa điểm xác định, nhưng khi chúng tôi tới đó lại chả thấy hoạt động khai thác nào diễn ra. Tôi cũng cất công đi hết các địa điểm và cũng không thấy bất kỳ hoạt động khai thác nào. Vì vậy có thể khẳng định vàng đã đến từ nơi khác”.
Việc sử dụng tài liệu với thông tin sai lệch nhằm che đậy nơi khai thác vàng vốn dĩ bị cấm như các khu vực nội đô, trong trường hợp này thì các sườn đồi sẽ được xây dựng nhà cửa nhằm ngụy trang cho lối vào các đường hầm. Công tố viên Sal y Rosas trăn trở: “Ngay trong địa bàn của băng đảng tội phạm, bọn xã hội đen sẽ sử dụng mọi cách để làm cho việc khai thác lậu có vẻ như hợp pháp, chúng phân công các thành viên đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau”.
Ông Mariano Castro, nguyên thứ trưởng quản lý môi trường tại Bộ Môi trường Peru giải thích: “REINFO là một cơ chế nhằm đẩy nhanh tiến trình hợp pháp hóa. Khúc mắc lại nằm ở chỗ nếu một khi ai đó đã đăng ký giấy phép thì họ có thể di chuyển vàng đến bất kỳ đâu. Không may là vào mỗi thời khắc gia hạn đăng ký thì nhiều thợ mỏ chui lại tái đăng ký, và giai đoạn đầu tiên của tiến trình không bao giờ kết thúc”.
Hồi tháng 10 năm 2019, Peru đã thông qua một đạo luật nhằm gia hạn thời hạn chót đăng ký cho các thợ mỏ chính thức với REINFO cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2021. Trước khi gia hạn, thời hạn chót là tháng 8 năm 2020. Hợp pháp hóa khai thác đã được khuyến khích trong thời cầm quyền của Tổng thống Peru, Ollanta Humala, nhằm xóa bỏ khai thác lậu, và nhiều hạn chót đăng ký cũng đã được gia hạn thêm kể từ đó.
Ông Julio Guzmán, một công tố viên công cộng chuyên trách về các loại tội phạm môi trường, cho rằng việc giữ đăng ký của REINFO sẽ tạo ra nhiều trục trặc, ông giải thích: “Quy trình này cần phải được đóng lại và những ai đã được hợp pháp hóa giấy đăng ký thì cần phải được giám sát để chúng tôi có thể biết rõ thợ mỏ có làm việc không, cho dù là một khu vực đang xuống cấp, cũng như việc phục hồi như thế nào”.
Thị trường vàng chợ “đen” Á - Âu
Công tố viên Sal Y Rosas cho biết: “Chúng tôi đã tịch thu 120 ký vàng thỏi từ các kho hàng ở cảng Callao, 80% trong số này là vàng nguyên chất 99,9%. Chúng tôi cũng tịch thu 35 container chứa ít nhất 2.000 tấn đá xay chứa một lượng lớn quặng vàng. Mọi thứ giờ đây đã sẵn sàng để phân tách”.
Các thợ mỏ bị nhốt dưới hầm suốt đêm. Ảnh nguồn: PNP Medio Ambiente. |
Theo tính toán của nhà chức trách, 120 ký vàng bị tịch thu trong các nhà kho ở cảng Callao trị giá tới 6 triệu USD (tính sơ sơ là 1 kg vàng trị giá 50.000 USD). Số vàng bổ sung chứa trong 2.000 tấn quặng vàng trong số đá xay vẫn chưa được tính.
Cảnh sát Del Castillo quả quyết tổng số lượng vàng bị tịch thu có trị giá khoảng 10 triệu USD. Số vàng trong các đường hầm ở Parcoy sẽ được bí mật chở tới cảng Callao, từ đây chúng sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia như Dubai, Trung Quốc, Thụy Sỹ thông qua các công ty khai thác chính thức. Các tài liệu được sử dụng trong những giai đoạn vận chuyển đã được dùng trong việc xác thực quặng vàng.
Hai người bị bắt trong giai đoạn xuất khẩu vàng là công dân Trung Quốc Lưu Ngọc Hàng và Nhan Thụ Hồng (quốc tịch Australia). Cả 2 người này cùng lấy tư cách pháp nhân là các công ty xuất khẩu khoáng sản có đăng ký ở Peru, đáng lưy ý là Công ty khoáng sản toàn cầu Cảnh Hồng SAC, nơi ông Lưu niêm yết chức danh là Tổng giám đốc. Các hoạt động xuất khẩu của công ty này đã được đăng ký kể từ năm 2018, theo dữ liệu của Cơ quan Giám sát quản lý thuế quốc gia Peru (SUNAT).
Ông Nhan đăng ký tư cách pháp nhân là chủ sở hữu Meta Segura SAC, các hoạt động xuất khẩu được đăng ký kể từ năm 2016. Cả 2 công ty này đều chung một mục đích: xuất khẩu vàng sang Trung Quốc. Cảnh sát Del Castillo giải thích: “Trong mọi tổ chức giang hồ đều có các lớp lang cấu trúc, giai đoạn và mức độ. Lấy ví dụ như các nhà xuất khẩu Trung Quốc đều xây dựng tấm bình phong là các công ty hợp pháp, chỉ có vàng có gốc phi pháp. Họ “rửa” chúng thông qua các công ty xuất khẩu”.
Các tập tin của công tố viên Sal Y Rosas cũng chỉ ra các công ty xử lý và xuất khẩu vàng nhận từ các hầm ở Parcoy. Trong đó công ty Veta Dorada bị chỉ đích danh. Trong một thông cáo báo chí, Veta Dorada chắc nịch: “Chúng tôi mua quặng vàng từ các nhà khai thác nhỏ và chính thức, họ đều có đăng ký với MEM. Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào cuộc điều tra của PPO”. Ngoài ra các công ty khác có tên trong báo cáo điều tra là La Azulita SAC, Minera Titan del Perú SRL và Minera Las Lomas Doradas SAC.
Công tố viên Sal Y Rosas cho hay: “Hàng hóa (vàng) từ các công ty này được tập trung ở Parcoy. Chúng tôi đã cất công theo dõi các xe chở hàng từ các mỏ đến trung tâm cung ứng ở Parcoy, và từ đó đến Trujillo và sau nữa là các khu vực Nazca (Ica), Piura, Arequipa và Lima. Những khu vực này đều có các nhà máy tinh chế vàng dùng cho xuất khẩu”.
Vào ngày 26/2/2020, 26 công tố viên đã ra tòa để yêu cầu tạm giam 18 bị can. Cảnh sát và PPO đang tiếp tục mở rộng diện điều tra nhắm vào Los Topos khi họ nghi ngờ rằng băng đảng này đã hoạt động vàng lậu suốt nhiều năm ở miền Bắc Peru. “Theo Đơn vị tình báo tài chính quốc tế (FIU) thì tội phạm thu lợi nhiều nhất ở Peru không còn gói gọn ở buôn lậu ma túy nữa, mà đã lấn sân sang khai thác lậu vàng. Đằng sau nạn khai thác lậu chắc chắn là các mạng lưới tội phạm tinh vi”.