Phản cảm trò “quay clip đóng giả khủng bố quăng bom trên đường phố”

Thứ Năm, 24/11/2016, 17:15
Tự quay clip hài hước, những trò đùa nhằm mục đích gây cười cho người xem, sau đó tung lên mạng xã hội để câu like, hưởng lợi tiền quảng cáo... đang là xu hướng kiếm tiền của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Việc vui đùa đôi khi là vô hại nhưng có khi lại gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm pháp luật mà người tung clip không lường trước được...

Diễn trò khủng bố quăng bom

Ngày 21-11, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã tạm giữ 5 thanh niên - “tác giả” đã thực hiện dàn dựng và tung clip “trò đùa troll bom đường phố” lên mạng xã hội YouTube gây xôn xao cộng đồng mạng.

Trước đó, đầu tháng 11-2016, trên mạng xã hội lan truyền một clip dài gần 4 phút do một nhóm bạn trẻ thực hiện có nội dung “ra đường đốt bom”. Mở đầu clip, 1 thành viên của nhóm nói: “Xin chào tất cả các bạn, hôm nay chúng tôi sẽ thực hiện một clip ra đường đốt bom”.

Máy quay sau đó ghi cận một thanh niên mặc áo choàng trắng, đầu đội vải trắng có vành giống kiểu trang phục người Hồi giáo, bịt mặt ôm một bọc có nhiều khối trụ tròn màu đỏ bó chặt với nhau, trên gắn nhiều đoạn dây màu đen. Bọc bom giả này có gắn que phát sáng.

Các cảnh quay sau đó ghi nhận thanh niên trên ôm bọc bom giả đi trên xe bus, đến các khu vực công cộng như công viên, nhà chờ xe bus, cầu vượt đi bộ... tìm những người đi đường, đang ngồi trên ghế đá... đốt que phát sáng trên bọc bom giả rồi thả trước mặt họ khiến những người này hoảng sợ bỏ chạy.

Nhóm “Monster NTN” thực hiện clip “trò đùa đốt bom đường phố” làm việc tại cơ quan Công an.

Clip “đốt bom đường phố” phản cảm trên đã được nhiều người chia sẻ lại trên các mạng xã hội, gây dư luận xấu. Ngay sau khi thông tin được lan truyền, PC50 Công an Hà Nội đã khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm nhóm “tác giả” của clip trên.

Chiều 20-11, nhóm thanh niên thực hiện clip “đốt bom đường phố” đã được Đội 3 PC50 Công an Hà Nội làm rõ và mời về trụ sở Cơ quan công an làm việc gồm Nguyễn Thành Nam (22 tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình), Vương Sơn Lâm (22 tuổi ở Pom Lót, Điện Biên), Đào Khôi Nguyên (20 tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình), Vũ Minh Thắng (20 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) và Bùi Quang Minh (20 tuổi, ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội).

Trước đó khoảng 2 tháng, Nguyễn Thành Nam thành lập nhóm “Monster NTN” do Nam làm nhóm trưởng, các thành viên gồm Lâm, Nguyên, Minh. Nhóm hoạt động với hình thức dựng các clip trò đùa thực tế để đăng tải trên mạng xã hội YouTube, hưởng lợi tiền quảng cáo từ số lượng người truy cập xem clip.

Khoảng cuối tháng 10, sau khi xem clip “troll bom đường phố” của nước ngoài trên mạng Internet, Nam đã khởi xướng dựng một clip tương tự tại Hà Nội để đăng trên YouTube và được các thành viên trong nhóm đồng ý thực hiện. Nhóm chuẩn bị “đạo cụ” bom giả làm bằng bìa cứng, quay bằng máy ảnh của Nam và sử dụng lại bộ quần áo trắng đã dùng trong một clip dọa ma trước đó.

Nhóm “Monster NTN”...

Trong 2 ngày 30-10 và 1-11, nhóm của Nam đã thực hiện 11 cảnh quay tại các địa điểm hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, bến xe bus trạm trung chuyển Long Biên, cầu vượt đi bộ Đại Cồ Việt (trong đó Thắng là bạn học của Nguyên đi theo hỗ trợ nhóm).

Trong các cảnh quay, Nam trực tiếp quay phim và làm “đạo diễn”, hướng dẫn các vai diễn thực hiện kịch bản đốt bom kiểu khủng bố để mọi người hoảng sợ bỏ chạy. Vương Sơn Lâm nhận nhiệm vụ đóng vai kẻ khủng bố, mặc trang phục kiểu Hồi giáo, ôm bom giả đi khắp các địa điểm công cộng trong cảnh quay, tìm người để “đốt bom”.

Ngoài các thành viên của nhóm tham gia, Nam còn thuê khoảng 10 người làm “diễn viên” trong vai người dân với “cát-sê” 50.000 đồng/người. Sau khi hoàn thành các cảnh quay, Nam về nhà tại Thái Bình dàn dựng clip.

Đến ngày 6-11, Nam sử dụng tài khoản cá nhân “Monster NTN” đăng tải clip lên YouTube, sau đó chia sẻ, link trên mạng xã hội Facebook để mọi người xem. Sau khi Nam chia sẻ, các thành viên trên cộng đồng mạng đã tải về và chia sẻ trên mạng Internet với nhiều hình thức khác nhau.

...và đạo cụ trong clip.

Theo Cơ quan công an, nhóm thanh niên thực hiện clip “trò đùa đốt bom đường phố” đa phần đều đang là sinh viên các trường đại học tại Hà Nội. Các thành viên khai nhận xuất phát từ sở thích làm phim và dàn dựng các clip trò đùa thực tế trên đường phố, từ khi thành lập, nhóm đã dựng được khoảng 10 clip khác nhau. Riêng clip “trò đùa đốt bom đường phố” đã được 570.000 lượt người xem và được hưởng khoảng 100 USD tiền quảng cáo.

Làm việc tại Cơ quan công an, Nguyễn Thành Nam cho biết sau khi dư luận phê phán việc đăng clip phản cảm, ảnh hưởng xấu đến ANTT và Cơ quan công an vào cuộc xác minh, nhận thức được vấn đề, Nam đã gỡ clip. “Lúc đầu, nhóm chúng em chỉ định làm  clip với mục đích gây cười chứ không nghĩ nhiều. Bây giờ em biết việc đăng clip trên là sai rồi” - Nam chia sẻ.

Hậu quả khôn lường

Được biết Nguyễn Thành Nam và Vương Sơn Lâm là những thanh niên trẻ, năng động, thông minh, có đam mê làm phim, clip gây cười trên mạng xã hội. Ngoài đam mê thì những thanh niên này còn kiếm được tiền từ việc quảng cáo thông qua những clip này được đăng tải trên YouTube.

Thậm chí Nguyễn Thành Nam còn dàn dựng những clip thực tế gây xúc động cho người xem như clip cõng bà cụ nghèo 77 tuổi đi hái rau bán, clip Nam đi chợ mua thịt về nấu cháo tặng những người vô gia cư trên đường phố trong đêm khuya...

Thời gian gần đây, học theo trào lưu những trò đùa, chơi khăm trên đường phố của nước ngoài, Nam và  Lâm đã làm theo, có nhiều clip thu hút nhiều người xem. Song đến clip “trò đùa đốt bom đường phố”, nhóm “làm phim” này đã phạm sai lầm khi mang hình ảnh tội phạm khủng bố ra làm trò đùa.

Theo PC50 Công an TP Hà Nội, clip “trò đùa đốt bom đường phố” được dàn dựng và ghi hình tại các địa điểm công cộng ở Hà Nội, nơi tập trung đông người, là hành động phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng. Điều khiến người xem bức xúc nhất là đoạn ghi hình ở trạm xe bus, nơi nhiều người và phương tiện qua lại nên rất nguy hiểm. Người bị hù dọa dễ gặp tai nạn nếu hoảng loạn chạy xuống đường.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, một số thành viên đang sinh sống ở nước ngoài cũng phê phán hành động ôm bom giả có thể gây ra nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng. Học theo trào lưu nước ngoài có tên “Prank” (trò chơi khăm) dựng lên những tình huống để trêu chọc người đi đường nhưng nếu trò đùa này tiếp tục lan rộng, mọi người sẽ mất cảnh giác và nếu có vụ việc thật xảy ra thì mọi người sẽ không biết phòng tránh.

Hơn nữa, cả thế giới đang chung tay lên án tội phạm khủng bố nên việc dàn dựng clip với hình ảnh đóng giả IS quăng bom dọa người dân của nhóm “Monster NTN” là hết sức phản cảm bởi tiếng cười mang lại từ nỗi sợ hãi của người khác.

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các mạng xã hội hiện nay đang chi phối mạnh mẽ đời sống, tình cảm và hành động của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Lối sống, phong cách thẩm mỹ của giới trẻ cũng thay đổi thông qua các trào lưu được chia sẻ trên mạng xã hội.

Bên cạnh những trào lưu mang tính tích cực thì có không ít trào lưu đã bị biến tướng thành những trò đùa vô ý thức, thiếu văn hóa, thậm chí gây phản cảm, đáng lên án.

Lời xin lỗi trên facebook của Vương Sơn Lâm và một số cảnh từ "trò đùa đốt bom đường phố".

Hành động sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, những hình ảnh phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, gieo rắc tư tưởng khủng bố trên mạng xã hội Việt Nam... là những nguy cơ gây hậu quả khôn lường.

Điều đáng tiếc là các thông tin này nhiều khi lại được đọc, chia sẻ và lan truyền, gây nên các hiệu ứng và hậu quả không tốt cho xã hội. Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, nhiều trường hợp xuất phát từ vui đùa nhưng đôi khi lại gây hậu quả nghiêm trọng bởi do không hiểu biết về pháp luật nên có khi vi phạm pháp luật lúc nào không biết.

Trước clip “trò đùa đốt bom đường phố”, dư luận xã hội từng hoang mang và bức xúc khi trên mạng xã hội Facebook tại Việt Nam xuất hiện hàng loạt tài khoản Facebook dùng hình ảnh đại diện nhận là nghi phạm tham gia vụ thảm sát đẫm máu trong sự kiện vụ khủng bố ở Paris ngày 13-11-2015, viết những dòng status liên quan đến khủng bố. Trong thời gian ngắn, thông tin trên đã được một bộ phận cộng đồng mạng chia sẻ, thu hút nhiều bình luận, trong đó có bình luận kích động khủng bố, bạo lực, cực đoan.

Trước sự việc trên, Bộ trưởng Bộ Công an đã có điện gửi các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố... yêu cầu xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những người lợi dụng Internet, mạng xã hội đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích hành động khủng bố, bạo lực cực đoan.

Thủ phạm của những tài khoản mạo danh IS trên đã được làm rõ là 3 học sinh cấp II ở các tỉnh phía Nam. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, song do lứa tuổi các em chỉ từ 13-14 tuổi, khai báo thành khẩn, thừa nhận sai phạm nên Bộ Công an đã giao chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường có biện pháp quản lý, giáo dục.

Đối với vụ việc của nhóm Monster NTN dàn dựng clip “trò đùa đốt bom đường phố”, hiện Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục làm rõ những vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên qua vụ việc này cũng cảnh báo những bạn trẻ đã và đang thực hiện dàn dựng, quay phim, clip để đăng tải trên mạng Internet phải tìm hiểu các quy định của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Chưa nói đến các hành vi vi phạm pháp luật khác, nhưng việc dàn dựng và đăng clip “trò đùa đốt bom” của nhóm Monster đã vi phạm Nghị định số 158/2013/NĐ-CP khi đã sản xuất phim có nội dung kích động bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Sau khi được Cơ quan công an phân tích, Vương Sơn Lâm đã lên Facebook cá nhân nhận lỗi và gửi lời xin lỗi đến mọi người, hứa sẽ cùng các thành viên trong nhóm Monster NTN làm một clip xin lỗi. Nguyễn Thành Nam cũng nhắn gửi đến các bạn trẻ khác trước khi làm việc gì đó cần tìm hiểu để không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến người khác, nhất là những hành động khiến mọi người hoảng sợ.

Khi tham gia mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung, mỗi công dân cần đưa thông tin, hình ảnh, số liệu một cách có ý thức, kể cả việc chia sẻ thông tin từ các nguồn và của người khác. Trước khi viết bài, đăng tải thông tin nào trên mạng xã hội, hãy nghĩ tới trách nhiệm, tác động của nó tới cộng đồng. Không cổ súy cho những trò câu view nhảm nhí - Đại diện PC50 Công an TP Hà Nội khuyến cáo.

Hương Vũ
.
.