Pháp: Tiếng kêu cứu từ những bậc cha mẹ bị con cái ngược đãi

Thứ Hai, 14/12/2009, 15:45
Đường dây nóng của bộ phận tiếp nhận những lời kêu cứu vì bạo lực của Pháp (Jeunes Violences Ecoute) ghi nhận một sự gia tăng đáng kể số lượng cuộc gọi tố cáo các hành vi bạo lực của con cái đối với cha mẹ trong thời gian gần đây. Đa số các bậc làm cha làm mẹ, khi phải chịu đựng những tổn thương nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần theo cách này hoặc cách khác, thật sự không phải lúc nào cũng biết cách phản ứng phù hợp.

Một bà mẹ bị con trai đẩy mạnh vào tường, một bà mẹ khác bị con gái tát vào mặt, những ông bố, bà mẹ thường xuyên phải nghe lời chửi bới, làm nhục phát ra từ đứa con đang trong cơn khủng hoảng của tuổi vị thành niên...

Đó là tình cảnh mà ngày càng nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt tại Pháp. Những người mẹ đơn độc, thậm chí những gia đình theo kiểu truyền thống thuộc mọi tầng lớp xã hội, đều không tránh khỏi vấn nạn này.

Nhóm gần 20 nhân viên trực đường dây nóng Jeunes Violences Ecoute được cơ quan cố vấn địa phương vùng Ile-de-France (Pháp) thành lập năm 2000 cho biết, cuộc gọi từ các bậc cha mẹ bị con cái hành hung ngày càng tăng. "Hiện tượng này chưa từng xảy ra trước năm 2001. Ngày nay nó chiếm khoảng 5%  số cuộc gọi thường niên (khoảng 650 trên 13.000 cuộc gọi) đến đường dây của chúng tôi" - Brigitte Cadéac, người đứng đầu cơ quan cho biết.

"Mọi chuyện bắt nguồn từ những bất đồng nhỏ, dẫn đến những mâu thuẫn trầm trọng hơn và phát sinh các hành vi bạo lực (được xem như là một giải pháp)" - nhà tâm lý học lâm sàng Aurélie Baretje, người phụ trách chuyên môn cho đường dây nóng Jeunes Violences Ecoute giải thích nguyên nhân của hiện tượng.

An tâm vì không phải tiết lộ danh tính khi yêu cầu được tư vấn, các bậc phụ huynh có thể trình bày một cách cởi mở hoàn cảnh của mình, điều mà họ không thể làm trước mặt những người thân khác trong gia đình. Điều này cũng cho thấy rằng, các bậc phụ huynh có nhu cầu phá vỡ  luật im lặng và mong muốn thoát khỏi tình trạng làm nạn nhân của chính con cái họ.

Khi đã tránh khỏi những cái nhìn soi mói từ bên ngoài, họ nhanh chóng thổ lộ rằng bản thân bị sốc trước những hành động bạo lực chưa từng xảy ra trước đây, và cũng nghẹn ngào thừa nhận trách nhiệm và sự xấu hổ khi không hoàn thành vai trò của người làm cha làm mẹ.

"Đối với các hành vi bạo lực về ngôn từ, chúng tôi cố gắng trấn an các bậc phụ huynh và giải thích cho họ hiểu rằng mọi thứ sẽ được cải thiện, với điều kiện chúng ta dạy bảo và uốn nắn trẻ ngay khi trẻ nói hỗn với cha mẹ. Nếu những giới hạn không sớm được đặt ra thì những tình huống đáng buồn như vậy có thể sẽ lặp lại" - Aurélie Baretje cho biết.

Một đôi vợ chồng nọ, bàng hoàng trước những lời lẽ xúc phạm và dối trá lặp đi lặp lại từ đứa con gái của mình và không biết nên xử trí thế nào nên đành im lặng. Trên thực tế, cặp vợ chồng nói trên sợ rằng nếu chỉ trích hành động đó, cô bé vị thành niên sẽ không thương yêu và trò chuyện với họ nữa. Người mẹ đã khóc trên điện thoại, nhưng chúng tôi đã an ủi đồng thời nhấn mạnh rằng phải đặt ra những giới hạn đối với cô bé" - bà Aurélie Baretje phân tích tình huống.

Không ít thanh thiếu niên, một khi không tìm được ngôn từ để biểu lộ sự tức giận, đã chọn cách xô đẩy và tấn công cha mẹ mình. Một phụ nữ sống và nuôi con một mình đã liên lạc với  Jeunes Violences Ecoute vì tình huống tương tự. Dù đã nhận được nhiều sự giúp đỡ nhằm giáo huấn và đưa đứa con trai tuổi vị thành niên vào lại khuôn phép, nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn diễn ra y như trước, và từ một năm nay mọi hoạt động giám sát và giáo dục đối với cậu thiếu niên này đã bị ngưng trệ. Tệ hơn nữa, người mẹ thú nhận rằng rất sợ hãi mỗi khi chỉ có hai mẹ con với nhau.

Đứng trước tình trạng cấp bách đó, nhiều phụ huynh buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát, hoặc kiện ra tòa nhằm đặt dấu chấm hết cho những hành động tàn nhẫn của con cái. "Đó là một việc hết sức khó khăn, nhưng cầu cứu cảnh sát với tư cách là bên thứ ba sẽ cho phép thiết lập những giới hạn cần thiết. Nếu chúng ta không cương quyết, bọn trẻ sẽ lại tái phạm và những nguy cơ tiềm ẩn là rất khó lường" - nhà tâm lý học nhấn mạnh

G.K. (tổng hợp)
.
.