Pháp: Tranh cãi quanh hai vụ khủng bố đã xếp hồ sơ

Thứ Tư, 10/08/2011, 04:40

Hai vụ khủng bố nhắm vào công dân Pháp xảy ra cách đây đã lâu, từ 9 đến 15 năm và kết luận điều tra đều đã được công bố trước công chúng. Thế nhưng hiện nay, một cuộc tranh cãi lại nổ ra xung quanh 2 vụ việc này khi vị thẩm phán điều tra trẻ Marc Trevidic lật lại hồ sơ, xới lại những tình tiết vụ việc và đưa ra nghi vấn rằng đã có những sai sót nghiêm trọng trong công tác điều tra trước đây.

Những người trong chính phủ hiện tại của Tổng thống Nicolas Sarkozy lại không muốn thẩm phán Trevidic làm lớn chuyện vì vụ việc có thể làm xáo trộn nghiêm trọng chính trường Pháp.

Trung tâm của mọi sự nghi ngờ, soi xét là cựu thẩm phán Jean-Louis Bruguière - một chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của nước Pháp đã dừng công việc từ năm 2007. Trong 3 thập niên qua, ông Bruguière nổi tiếng là một khắc tinh của bọn khủng bố quốc tế. Ông đã thành công trong nhiều vụ truy xét và lùng bắt khủng bố khắp thế giới, đặc biệt là vụ lùng bắt trùm khủng bố có biệt danh “Carlos the Jackal” tại Sudan cách đây đã mấy thập niên. Bọn khủng bố thánh chiến Hồi giáo cực đoan toàn cầu xem ông như kẻ thù không đội trời chung.

Ông Bruguière bị nghi ngờ đã bỏ sót những chứng cứ hết sức quan trọng, có thể nói là quyết định bản chất vụ việc nên đã để lọt thủ phạm, đồng thời đưa ra kết luận điều tra không đúng sự thật. 2 vụ việc được mang ra soi xét là vụ "khủng bố Algeria chặt đầu 7 thầy tu người Pháp" xảy ra năm 1996 và thứ hai là vụ "khủng bố đánh bom liều chết làm thiệt mạng 11 kỹ sư tàu ngầm người Pháp" ở Karachi, Pakistan.

Cựu thẩm phán Jean-Louis Bruguière (trái) và thẩm phán trẻ Marc Trevidic, 45 tuổi, người kế nhiệm vai trò thẩm phán điều tra chống khủng bố của ông Jean-Louis Bruguière.

Trong vụ việc thứ nhất, thẩm phán Trevidic cho rằng ông Bruguière đã bỏ sót các chi tiết quan trọng nên đã quy cho khủng bố ở Algeria là thủ phạm trong vụ chặt đầu 7 thầy tu người Pháp. Trevidic đã tìm gặp lại những quan chức Pháp và Algeria từng liên quan trong cuộc điều tra trước đây do thẩm phán Bruguière tiến hành, và những người này đều cho rằng thủ phạm của vụ án thật ra là quân đội Algeria chứ không phải Al-Qaeda.

Các nhân chứng khai rằng, các quan chức Algeria và Pháp đã tìm cách dàn xếp ém nhẹm vụ việc, không công bố ra công chúng những tình tiết liên quan như xác của 7 thầy tu đã được âm thầm chôn cất vì e ngại nếu để công chúng nhìn thấy những cái xác đầy vết đạn đó, người ta có thể truy ra thủ phạm là quân đội chứ không phải Al-Qaeda. Là người thuộc phái bảo thủ trong đảng UMP của Tổng thống Sarkozy, ông Bruguière buộc phải đưa ra kết luận đúng như các quan chức Algeria và Pháp đã công bố nhằm tránh cho phe bảo thủ bị công luận kết tội vì đã ém nhẹm sự thật vụ việc.

Giới chuyên môn nhận định, việc cựu thẩm phán Bruguière quy kết thủ phạm là các chiến binh Hồi giáo trong cả 2 vụ khủng bố nêu trên là một hành động dễ hiểu vì đó là cách thuận tiện nhất trong cả 2 vụ việc vì bản thân thẩm phán Bruguière là một chuyên gia chống khủng bố hàng đầu và nổi tiếng khắp thế giới cho nên lời tuyên phán của ông dễ thu hút khiến dư luận tin rằng thủ phạm đích thực là Al-Qaeda.

Giả sử, theo lập luận của giới chuyên gia, nếu sự thật vụ án ở Algeria được công khai ngay từ đầu rằng quân đội Algeria là thủ phạm giết chết 7 thầy tu Pháp thì chắc chắn hướng điều tra đã khác đi và diễn biến vụ việc có khi lại phức tạp hơn nhiều, ảnh hưởng cả đến quan hệ giữa 2 nước Pháp và Algeria, vì quân đội Algeria không dễ dàng nhận trách nhiệm trong vụ việc.

Đáng chú ý là trong vụ thứ 2, thẩm phán Trevidic đã đưa ra giả thuyết chính Cơ quan tình báo ISI của Pakistan là chủ mưu thực hiện vụ đánh bom giết chết 11 kỹ sư người Pháp nhằm trả đũa cho việc nước Pháp không thực hiện chiết khấu cho quân đội Pakistan trong hợp đồng mua tàu ngầm năm 1994. "Điểm chết" của vụ này là nguyên nhân dẫn đến việc ISI trả đũa Pháp trong vụ đánh bom Karachi.

Theo giải thích trên báo Time của Mỹ hôm 21/7 vừa qua, việc chi trả chiết khấu cho quân đội Pakistan đã bị Tổng thống Jacque Chirac ra lệnh ngưng vào năm 2000 sau khi ông nắm được thông tin rằng một phần khoản tiền chiết khấu đó đã được bí mật tuồn trở lại Pháp một cách bất hợp pháp và rót vào quỹ tranh cử của một ứng cử viên đối thủ của ông trong cuộc bầu cử năm 1995. Chính vì vậy, sau khi thắng cử, ông Chirac đã hạ lệnh ngưng chi trả chiết khấu để ngăn chặn tình trạng tương tự tái diễn trong các cuộc đua vào Điện Elysée.

Tổng thống hiện nay Sarkozy là một trong những người từng tham gia chiến dịch tranh cử đối đầu với ông Chirac, kể cả một số người thân cận trong chính phủ hiện tại cũng từng cùng ông tham gia chiến dịch năm xưa. Đây có lẽ là lý do khiến Tổng thống Sarkozy và một số quan chức trong Chính phủ Pháp không muốn thẩm phán Trevidic làm lớn chuyện điều tra tới nơi tới chốn toàn bộ vụ việc.

Nếu thẩm phán Trevidic điều tra lại toàn bộ cả 2 vụ việc nêu trên thì chắc chắn ông sẽ phải cử một phái đoàn điều tra quay trở lại Pakistan và Algeria để truy xét các chứng cứ từ đầu và xét hỏi lại những người từng có liên quan trong vụ việc. Khi đó, không ai bảo đảm những bí mật hậu cung như vừa kể sẽ không bị tung hê ra trước công chúng. Và biết đâu chừng, có đến 2 quả bom nổ tung cùng lúc sẽ gây ra hậu quả còn lớn hơn cả vụ bê bối của cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, chính trường nước Pháp sẽ còn chao đảo dữ dội hơn

Văn Trương (tổng hợp)
.
.