Phát hiện số lượng “khủng” vũ khí tại các sân bay

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:00
Tình trạng an ninh tại các sân bay cũng như công tác quản lý súng đạn tại Mỹ lại một lần nữa bị đặt vào mức báo động khi, chỉ trong cuối tuần qua, các nhân viên của Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải Mỹ (TSA) đã phát hiện 73 khẩu súng ngắn, trong đó 68 khẩu đã được nạp đủ đan, tại nhiều sân bay lớn như sân bay quốc tế Logan (Boston), Tucson (Arizona), Raleigh-Durham (Bắc Carolina), Dallas-Fort Worth (Dallas), Phoenix và Detroit.

Tuy nhiên, lạ một điều là nếu số vũ khí này được gửi trong hành lý ký gửi thì chúng dễ dàng được “thông quan”.

Không chỉ súng, trong một số trường hợp, TSA còn tìm thấy cả bom, lựu đạn hoặc những thứ mô phỏng chất nổ, dẫn đến tình trạng chậm trễ nghiêm trọng tại sân bay trong khi cơ quan chức năng kiểm tra để xác định thật giả. Thậm chí, có hành khách còn định mang theo đạn chống tăng lên máy bay. Khi bị giữ lại, hầu hết các hành khách này đều giải thích rằng, do họ quên để lại chúng ở nhà, hoặc không biết về luật không được mang những đồ vật có tính sát thương trong hành lý xách tay, hoặc chỉ đơn giản là… quên. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, TSA đã phát hiện tổng cộng hơn 2.500 vũ khí các loại tại các sân bay Mỹ.

Một đại diện của TSA cho hay: “Hành khách có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 11.000 USD khi bị bắt do mang vật nguy hiểm đến khu vực kiểm soát an ninh. Chúng tôi thường có biển báo nhắc nhở hành khách ngay lối vào kiểm tra. Tuy nhiên, mang vũ khí chưa đủ để kết luận hành khách có ý định xấu, việc đó nên để cho cảnh sát quyết định”.

Không chỉ súng, trong một số trường hợp, TSA còn tìm thấy nhiều loại vũ khí khác.

Công tác quản lý súng đạn tại Mỹ từ lâu luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ. Theo số liệu do Viện Nghiên cứu và Phát triển quốc tế có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cung cấp, trong năm 2015, người dân Mỹ sở hữu khoảng 310 triệu khẩu súng dân sự các loại, gồm 114 triệu khẩu súng ngắn, 110 triệu khẩu súng trường và 86 triệu khẩu súng bắn đạn ghém. Tổng số người sở hữu súng trên khắp thế giới khoảng 644 triệu người, Mỹ chiếm đến 42% trong khi dân số Mỹ chỉ chiếm 4,43% dân số toàn cầu.

Giới chính trị gia Mỹ giải thích rằng, việc sở hữu súng đạn là quyền và cũng là biểu tượng của sự tự do cá nhân. Khi người dân Mỹ sở hữu súng bên mình, họ có thể tự vệ trong trường hợp bạo lực xảy ra vì, theo những chính trị gia này, cảnh sát thường chỉ có mặt sau khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nước Mỹ đã trả một cái giá quá đắt cho cái gọi là “dân chủ” khi người dân sử dụng súng.

Theo thống kê, trung bình hằng năm có khoảng 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương do súng ở Mỹ, biến nước này trở thành quốc gia có tỷ lệ giết người liên quan tới loại vũ khí này cao nhất trên thế giới.

Trước bối cảnh trên, Tổng thống Mỹ Barack Omaba đã rất nhiều lần đề xuất ban hành dự luật kiểm soát súng đạn nhưng lại luôn vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Quốc hội. Hồi tháng 1 vừa qua, ông chủ Nhà Trắng đã triển khai chiến dịch thuyết phục Quốc hội và người dân ủng hộ dự luật siết chặt các quy định về kinh doanh và sở hữu súng đạn. Ông Obama đã công bố các biện pháp thắt chặt quản lý hoạt động mua bán súng đạn mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.

Khẩu súng lục đã nạp đủ đạn tại sân bay ở Texas và một quả đạn chống tăng ở sân bay Washington-Dulles.

Tuy nhiên, với việc sử dụng quyền hành pháp, không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội của đảng Cộng hòa.

Một số chính trị gia của đảng này đã đe dọa sẽ kiện chính phủ ra tòa để hủy bỏ các quy định kiểm soát súng đạn mới. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cáo buộc ông chủ Nhà Trắng xâm phạm quyền sở hữu súng đạn của người Mỹ. Sở dĩ Quốc hội Mỹ luôn ngăn chặn dự luật kiểm soát súng đạn do Tổng thống Obama đề xuất chủ yếu là do sức ép từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA), với hơn 4,5 triệu thành viên và là một thế lực rất mạnh trong chính trường Mỹ.

Nhiều thành viên của NRA còn trúng cử vào Quốc hội Mỹ. Do vậy, các chính khách rất ngại khi chống lại NRA. Chiến lược gia Steve Schmidt của đảng Cộng hòa còn khẳng định rằng: “Mọi người sẽ không phản đối NRA đâu. Đó là nhóm lợi ích có quyền thế nhất ở Washington”.

Rõ ràng, cái gọi là “dân chủ” trong việc sử dụng súng đạn mà các chính trị gia rêu rao đã trở thành cơn ác mộng với người dân Mỹ. Kết quả nhiều quốc gia khảo sát cho thấy, phần lớn người dân Mỹ ủng hộ thắt chặt các quy định kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, sự ủng hộ này đã giảm sút phần nào do mối lo ngại về nguy cơ khủng bố.

Khổng Hà
.
.