Phía sau những tấm huy chương vàng Olympic ở Hàn Quốc

Thứ Tư, 08/07/2020, 14:46
Theo các số liệu chính thức được trích dẫn trong một báo cáo do Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc, trong 4 năm qua đã có 124 báo cáo về bạo lực thể xác và tấn công tình dục đối với các vận động viên - bao gồm 16 vụ hãm hiếp, 5 vụ trong đó có liên quan đến vận động viên trượt băng...


Vụ tự sát của nữ vận động viên gây rúng động Hàn Quốc

Cái chết của nữ vận động viên trẻ tuổi đầy triển vọng của Hàn Quốc Choi Sook-hyun vào ngày 26/6/2020 đã gây rúng động xã hội nước này sau khi những cáo buộc cô bị bạo hành được tiết lộ trong quá trình điều tra của cảnh sát.

Nữ vận động viên 3 môn phối hợp Choi Sook-hyun tự tử ở tuổi 22 sau khi nộp đơn tố cáo về việc bản thân bị quấy rối và đánh đập bởi huấn luyện viên và bác sĩ của đội. Quá trình điều tra của cảnh sát về vụ việc này diễn ra chậm chạp khiến gia đình của nữ vận động viên xấu số bức xúc, trong khi đó nhiều nữ vận động viên khác đã từ chối đưa ra lời khai vì lo sợ bị trả thù.

Choi Sook-hyun được chọn vào đội 3 môn thể thao phối hợp quốc gia của Hàn Quốc vào năm 2015 khi còn là một thiếu niên.

Đài truyền hình YTN TV đưa ra các băng ghi âm xác nhận các cáo buộc của cha mẹ nữ vận động viên rằng Choi Sook-hyun bị đánh đập, bạo hành bằng lời nói và quấy rối bởi huấn luyện viên, một bác sĩ của đội và các vận động viên cấp cao khác. Cuốn nhật ký của Choi cũng là bằng chứng.

Trong đó, cô ghi lại việc mình “khóc mỗi ngày” và “thà chết” sau khi liên tục bị “đánh đập. Cha của nữ vận động viên xấu số còn tiết lộ với báo giới việc con gái bị ép mua bánh mì trị giá 200.000 won (166 USD) và phải ăn hết trong một lần như là một hình phạt của việc bị tăng cân.

Cái chết của Choi khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ. Một bình luận trên YTNTV nói rằng cô bị hành hạ đến chết, trong khi nhiều bình luận khác nhấn mạnh bạo lực giữa huấn luyện viên với vận động viên là điều xảy ra nhiều tại Hàn Quốc bởi họ tin “đó là điều cần thiết để vận động viên giành huy chương”.

Trong một tuyên bố, Liên đoàn Thể thao 3 môn phối hợp Hàn Quốc hứa sẽ hành động chống lại những kẻ bị cáo buộc bạo hành đồng thời bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đối với gia đình và bạn bè của Choi - người được chọn vào đội ba môn phối hợp quốc gia của Hàn Quốc vào năm 2015 khi còn là một thiếu niên.

Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc cũng cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành. Trong tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi rất tiếc vì sự việc nghiêm trọng như thế này lại diễn ra ngay cả khi tất cả đang nỗ lực ngăn chặn bạo lực và tấn công tình dục để bảo vệ quyền con người của các vận động viên”.

Ủy ban cũng nói thêm rằng họ có kế hoạch tiến hành các chương trình giáo dục nhằm ngăn chặn sự việc xảy ra lần nữa. Trong một thông báo riêng, Ủy ban Olympic Hàn Quốc cho biết họ sẽ điều tra cáo buộc về việc đơn tố cáo của Choi đã không được xem xét.

Cái chết của nữ vận động viên Choi Sook Hyun gợi nhớ trường hợp nhà vô địch trượt băng Shim Suk-hee năm 2018 khi cô dám lên tiếng tố cáo huấn luyện viên xâm hại tình dục, hé lộ về góc khuất tàn nhẫn tủi nhục sau những tấm huy chương. Huy chương vàng Olympic 22 tuổi Shim Suk-hee cáo buộc huấn luyện viên cũ của cô xâm hại tình dục bắt đầu khi cô 17 tuổi.

Huấn luyện viên Cho Jae-beom đã bị kết tội vào tháng 9/2019 khi tấn công tình dục Shim Suk-hee.

Huấn luyện viên Cho Jae-beom đã bị kết tội vào tháng 9/2019 khi tấn công tình dục Shim Suk-hee và 3 vận động viên trượt băng khác, và bị bỏ tù 10 tháng. Vụ việc gây rúng động xứ Kim Chi khiến tổng thống phải can thiệp và chính phủ mở cuộc điều tra phỏng vấn các vận động viên trẻ xem họ có bị bạo hành hay xâm hại hay không.

Sự dũng cảm của Shim cổ vũ những nữ đồng nghiệp khác lên tiếng đòi hỏi thay đổi văn hóa bảo thủ và gia trưởng, đặc biệt là những tiêu cực trong làng thể thao lâu nay vẫn được che giấu. Cả Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc và Liên đoàn Trượt băng Hàn Quốc đã đưa ra lời xin lỗi công khai vào thời điểm đó, cam kết sẽ thúc đẩy cải cách. 

Yeo Jun-hyung, một nhà hoạt động nhân quyền đã giúp làm sáng tỏ vụ án của Shim, cho biết một số thay đổi đã được thực hiện - bao gồm việc thành lập các trung tâm để nhận được khiếu nại lạm dụng từ các vận động viên và đưa ra các hình phạt khắc nghiệt hơn cho bạo lực, nhưng cũng lưu ý rằng một nền văn hóa sợ hãi vẫn còn phổ biến trong giới thể thao của Hàn Quốc.

Các vận động viên thể thao đơn giản không thể lên tiếng vì sợ rằng sự nghiệp thể thao của họ sẽ kết thúc. “Huấn luyện viên của họ biết điều này và họ vẫn tận dụng sự im lặng của họ”, Yeo nói.

Sự thật trong thành công Olympic của Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về một loạt các cáo buộc tấn công tình dục chống lại các thành viên cấp cao của cộng đồng thể thao của đất nước. Ông nói: “Một loạt các tuyên bố gần đây về bạo lực và tấn công tình dục đã tiết lộ khía cạnh hạt giống của Hàn Quốc là một cường quốc thể thao. Chúng ta không được để mất cơ hội cải tổ này”.

Nhà vô địch đường đua ngắn Olympic Hàn Quốc Shim Suk-hee chụp hình bên ngoài Tòa án quận Suwon, phía nam Seoul.

Nhưng theo “Những Đại diện Đoàn kết cho các vận động viên trượt băng trẻ tuổi” - một nhóm vận động do Yeo Jun-hyung thành lập, một cựu huấn luyện viên tốc độ quốc gia khác – “trường hợp của Shim chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”. Nhóm này đã xác định được 6 vụ nghi ngờ xâm hại tình dục (trong đó bao gồm một nạn nhân tuổi thiếu niên) kể từ khi họ tiến hành thu thập các báo cáo từ tháng 7/2018.

Môn thể thao trượt băng tốc độ (speedskating) có một lượng người theo dõi đông đảo và cuồng nhiệt tại Hàn Quốc - quốc gia đã giành được nhiều huy chương vàng trong môn này hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, thành công đã có giá phải trả.

Chung Yong-chul, Giáo sư Giáo dục thể thao, Đại học Sogang ở Seoul, cho biết: “Trong cuộc đua giành huy chương Olympic trong quá khứ, không ai thực sự quan tâm đến những gì xảy ra đằng sau hậu trường. Khi lá cờ đang được giương cao với quốc ca tại Thế vận hội, tất cả các hành vi lạm dụng đều trở thành quá khứ và hoàn toàn bị lãng quên. Người Hàn Quốc chúng ta đều là đồng phạm trong những tội ác không được báo cáo này”.

Shim kỷ niệm chiến thắng trong trận chung kết trượt băng tiếp sức tốc độ cự li 3.000 mét dành cho nữ tại Thế vận hội mùa đông 2014.

Trong lời khai trước tòa án vào tháng 12/2018, Shim đã kể về cách huấn luyện viên Cho đấm và đá cho đến khi cô cảm thấy mình có thể chết vì tập luyện trước khi Thế vận hội mùa đông 2018 diễn ra ở Pyeongchang. 

Việc sử dụng bạo lực như thế đã quá quen thuộc với Byun Chun-sa từ hơn 10 năm trước. Cô là một trong 5 tay đua tốc độ đường dài Hàn Quốc đã từ bỏ trại huấn luyện của họ trong Thế vận hội mùa đông năm 2006 vì những lời phàn nàn về tấn công bạo lực.

Byun Chun-sa nói với đài truyền hình JTBC TV trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1/2019: “Tôi đã bị sốc khi thấy những điều xảy ra với chúng tôi vẫn tiếp tục diễn ra trong bóng tối”.

Giáo sư Chung cáo buộc Liên đoàn Trượt băng Hàn Quốc quá khoan dung với những kẻ phạm tội. Ông trích dẫn trường hợp của một trong những người tiền nhiệm của ông Cho đã buộc phải từ chức vào năm 2014 về các cáo buộc tấn công tình dục chống lại một nữ vận động viên. Cựu huấn luyện viên ban đầu đã bị đình chỉ vô thời hạn, nhưng sau đó đã quay trở lại với môn thể thao này chỉ 3 năm sau đó.

Giáo sư Chung bình luận: “Những bài học chưa được rút kinh nghiệm. Các vận động viên rùng mình khi nghĩ rằng sẽ không có gì xảy ra ngay cả khi họ tiếp tục đưa ra ánh sáng những câu chuyện của riêng mình”.

Một buổi tập tại địa điểm đua tốc độ Gangneung Oval ở Hàn Quốc.

Các cáo buộc sử dụng bạo lực và tấn công tình dục cũng không giới hạn ở môn thể thao trượt băng. Trong những ngày kể từ khi Shim công khai câu chuyện riêng tư, Shin Yu-yong, một nữ cựu võ sĩ 24 tuổi, đã trả lời phỏng vấn một tờ báo địa phương, trong đó cô cáo buộc huấn luyện viên trung học của mình về nhiều vụ hãm hiếp từ năm 2011 đến 2015. Shin tuyên bố cô được người đàn ông đã có vợ đề nghị 500.000 won (445 USD) để giữ bí mật mối quan hệ.

Theo các số liệu chính thức được trích dẫn trong một báo cáo do Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc, trong 4 năm qua đã có 124 báo cáo về bạo lực thể xác và tấn công tình dục đối với các vận động viên - bao gồm 16 vụ hãm hiếp, 5 vụ trong đó có liên quan đến vận động viên trượt băng. Nhưng Yeo Jun-hyung cho rằng con số thực sự có lẽ cao hơn nhiều.

Thế vận hội mùa đông năm 2018 được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc.

Yeo phát biểu: “Nhiều người phạm tội vẫn còn hoạt động trong vai trò huấn luyện viên hoặc quan chức trong thể thao và những vận động viên trượt băng trẻ tuổi vẫn sợ huấn luyện viên của họ. Trong bầu không khí mà mọi thứ đang bị che giấu, đây luôn là một trận chiến khó khăn cho các vận động viên và cha mẹ của họ để chiến đấu chống lại những kẻ phạm tội”.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.