Mối nguy hiểm của lục địa đen: Đường hầm chưa thấy lối thoát
Tính đến ngày 21-9-2014, phiến quân Houthi với sự yểm trợ về vũ khí và tài chính của Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi, đã kiểm soát một phần thủ đô Sanaa, Yemen, bao gồm các tòa nhà chính phủ, đài phát thanh và thị trấn vùng ven Rada.
Các quốc gia vùng Vịnh tin rằng Houthi cũng nhận được viện trợ từ Iran nhưng Iran phủ nhận điều này. Rằng họ vẫn ủng hộ tổng thống Yemen được bầu lên hợp pháp là ông Hadi, trong lúc Arab Saudi cố gắng giúp đỡ Chính phủ Yemen để vùng đất này không lọt vào tay những phần tử Hồi giáo cực đoan, quá khích.
Đòn trả thù của IS
Ngày 20-1-2015, quân Houthi chiếm dinh tổng thống ở thủ đô Sanaa. Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi đầu hàng sau khi Houthi bảo đảm rằng ông sẽ được về nhà an toàn. Đến ngày 6-2, Houthi tuyên bố thành lập cái gọi là “Ủy ban cách mạng”, lãnh đạo bởi “Hội đồng tổng thống” gồm 5 thành viên Houthi, đồng thời ra lệnh giải thể quốc hội Yemen.
Máy bay trinh sát không người lái của Mỹ bị Houthi bắn hạ. |
Trong số những nhà lãnh đạo của “Ủy ban cách mạng”, có sự xuất hiện của những nhân vật thuộc Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi. Rất nhanh chóng các đơn vị “Vệ binh cách mạng Yemen” liên tiếp ra đời dưới sự chỉ huy trực tiếp của Al-Qaeda. Thời điểm này, Houthi có hơn 100.000 tay súng cùng khoảng 120.000 tín đồ Hồi giáo ở Yemen tuyên bố ủng hộ họ. Chưa hết, Hamdan, một trong những bộ tộc mạnh nhất Yemen ở phía bắc cũng thề sẽ hỗ trợ Houthi.
Sự việc ấy đã khiến Nhà nước Hồi giáo Irac và Levant - một nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) “sôi máu” vì từ năm 2014, sau khi IS chiếm được thành phố Raqqa, Syria và thành phố Mosul, Iraq để lập nên “Vương triều Caliphate”, giữa IS và Al-Qaeda đã nổ ra những cuộc xung đột nhằm tranh giành vùng ảnh hưởng.
Vì vậy, khi thấy Houthi tiến vào thủ đô Sanaa và nhất là thấy thế thượng phong của Aa-Qaeda ở Yemen, sáng ngày 20-3-2015, Nhà nước Hồi giáo Irac và Levant tổ chức đánh bom tự sát nhắm vào đền thờ Hồi giáo giáo Al-Badr ở thủ đô Sanaa. Đến trưa, một vụ đánh bom tự sát khác xảy ra ở đền thờ Al-Hashoosh, giết chết tổng cộng 142 phiến quân Houthi và làm bị thương hơn 351 người, khiến nó trở thành cuộc tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Yemen.
Trong bài một phát biểu trên truyền hình vào ngày 22-3, nhà lãnh đạo nhóm Houthi là Abdul Malik al-Houthi đã lên tiếng cáo buộc Mỹ và Israel ủng hộ các vụ tấn công khủng bố, các quốc gia Arab tài trợ cho các nhóm khủng bố hoạt động bên trong Yemen.
Chiếm được phần phía bắc đất nước Yemen, nhóm Houthi nhanh chóng tiến hành những chính sách khắc nghiệt. Tổ chức Nhi đồng thế giới UNICEF thuộc Liên Hiệp Quốc cáo buộc Houthi ép trẻ em phải cầm súng và số trẻ em này chiếm đến 1/3 trong lực lượng vũ trang Yemen.
Một nhân chứng mà UNICEF đưa ra trình diện trước báo chí là một cậu bé người Yemen tên Akram, 9 tuổi, sống ở thành phố Saada, được Houthi cho mặc một áo bom trong kế hoạch tấn công tự sát vào một mục tiêu cũng ở thành phố Saada, nơi vẫn thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ. Do vô tình, Akram làm đứt sợi dây nối giữa kíp nổ và bộ phận kích nổ nên âm mưu đánh bom tự sát bất thành.
Bị cảnh sát Yemen bắt rồi trả về cho gia đình thì chỉ 1 ngày sau khi báo chí loan tải sự việc này, nhà của Akram bị Houthi đánh bom nhưng may mắn lúc ấy chỉ có mình em trai Akram ở nhà, và bị thương nặng.
Về phía Tổ chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nơi này cho biết Houthi cưỡng bức những người không theo đạo Hồi phải ra khỏi nhà của họ; bắn phá vào những khu vực vẫn thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Yemen; gài mìn phong tỏa Taizz, thành phố lớn thứ ba Yemen khiến nhiều thường dân thương vong; thành lập các tòa án và nhà tù trong các khu vực Houthi kiểm soát; áp đặt luật lệ Houthi với người dân địa phương; hành quyết những người bị cho là chống đối mà không có luật sư biện hộ. Theo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR, đã có hơn 100 nghìn người Yemen phải bỏ chạy sang Arab Saudi lánh nạn.
Ngày 21-2-1015, Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi trốn thoát đến thành phố cảng Aden, nơi vẫn thuộc quyền kiểm soát của quân đội Chính phủ Yemen rồi thành lập chính phủ lâm thời. Ông tuyên bố Aden là thủ đô tạm thời của Yemen. Ngay lập tức, ngày 22-3-2015, Houthi mở chiến dịch tấn công Aden và nhanh chóng kiểm soát các thị trấn Taiz, Mocha, Lahij. Tiếp theo, Houthi tiến xuống ngoại ô Aden khiến Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi phải chạy sang Arab Saudi. Tính đến ngày 2-4, ít nhất 158 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công này.
Liên minh Arab ra đòn
Ngày 25-3-2015, nhận thấy các phe phái Hồi giáo dòng Sunny ở Yemen bị nhóm Houthi - vốn theo Hồi giáo dòng Shiite, đe dọa, người Do Thái ở Yemen bị ngược đãi, nhất là các cộng đồng Do Thái Yemen ở nông thôn bị buộc phải “cải sang đạo Hồi để ở lại hay là biến mất”, một liên minh gồm Arab Saudi, Bahrain, Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập, Jordan, Morocco và Sudan tiến hành không kích quân Houthi ở Yemen theo đề nghị của tổng thống lưu vong Hadi. Trong cuộc không kích này, phía Mỹ đã vạch ra kế hoạch đồng thời hỗ trợ về hậu cần và tin tức tình báo.
2/3 lính Houthi là trẻ em. |
Bắt đầu từ tối ngày 25-3 và kéo dài đến hết ngày 26-3, không quân Arab Saudi ném bom nhiều vị trí của Houthi ở thủ đô Sana'a và nhiều nơi khác ở Yemen. Theo thông tấn xã Al Arabiya của Arab Saudi, quốc gia này đã gửi 100 máy bay chiến đấu và 150.000 binh sĩ tham gia hoạt động ở Yemen. Bên cạnh đó, còn có gần 80 máy bay của Ai Cập, Morocco, Jordan, Sudan, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar và Bahrain, phá hủy phần lớn hệ thống phòng không và nhiều máy bay chiến đấu của Houthi cùng các kho nhiên liệu, chưa kể quân đội Ai Cập, Pakistan, Jordan và Sudan cũng sẵn sàng mở các cuộc tấn công bằng đường bộ.
Ở đường biển, 4 tàu hải quân Ai Cập vượt qua kênh đào Suez hướng tới Yemen trong sứ mệnh đảm bảo an ninh cho vịnh Aden. Chỉ huy của 4 tàu này tuyên bố bất cứ một phương tiện nào của Houthi hoặc của các thế lực ủng hộ Houthi ra vào cảng đều sẽ bị phá hủy mà không cần phải cảnh báo trước.
Tháng 7-2015, liên quân do Arab Saudi đứng đầu mở cuộc tấn công trên bộ, nhắm vào các vị trí của Houthi ở xung quanh cảng Aden rồi tiếp theo là các thành phố khác. Đến cuối năm đó, phát biểu trước báo giới, chuẩn tướng Ahmad Al Assiri, Cố vấn Văn phòng Bộ Quốc phòng Arab Saudi khẳng định liên minh quân sự do nước này đứng đầu sắp chấm dứt các hoạt động can thiệp tại Yemen nhưng liên quân vẫn có những kế hoạch dài hạn nhằm mang lại sự ổn định cho Yemen dưới hình thức hỗ trợ bằng không quân cho quân đội Yemen.
Thiếu tướng Samir Al Haj, phát ngôn viên quân đội Arab Saudi đồng thời là cố vấn của Tham mưu trưởng quân đội Yemen cũng cho biết các hoạt động quân sự của liên quân ở Yemen đang ở giai đoạn kết thúc: “Chúng tôi đang ở ngưỡng cửa của trận đánh cuối cùng để giải phóng thủ đô Sanaa, thành phố Taiz và phần lãnh thổ còn lại của các thành phố ở miền bắc”.
Chiến binh nhóm bộ tộc Hashid bên cạnh nhóm Houthi. |
Nhưng sự thể lại không như vậy. Ngoài việc máy bay liên quân đánh bom nhầm vào một đám tang tại thủ đô Sanaa khiến 140 người thiệt mạng và 534 người khác bị thương, gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng Yemen cũng như nâng mức ủng hộ Houthi lên cao hơn, và việc Iran tố cáo không quân Arab Saudi đánh bom vào Đại sứ quán của họ ở Sanaa, thì quân Houthi tỏ ra chẳng hề ngần ngại trước những đợt không kích của liên quân, thậm chí họ còn tổ chức nhiều trận đánh trả đáng kinh ngạc.
Chẳng hạn như phóng tên lửa vào một căn cứ không quân của Arab Saudi nằm ngay trong lãnh thổ Arab Saudi, bắn hạ máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, bắn cháy một tàu vận tải quân sự của hải quân Arab Saudi trên biển Đỏ và thậm chí bắn cả tên lửa vào thánh địa Mecca! Gần đây nhất, hồi 11 giờ đêm ngày 15-10-2017, phiến quân Houthi phóng tên lửa đạn đạo Qaher-M2 vào một căn cứ quân sự của Saudi Arabia ở khu vực Jizan, nằm sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia nhiều kilômét.
Về phía Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi hoạt động tại Yemen, nhân cơ hội “tranh tối tranh sáng, đục nước béo cò”, lực lượng này đã chiếm giữ thành phố cảng Mukalla ở miền nam Yemen, thủ phủ tỉnh Hadramawt lớn nhất nước này. Sau khi kiểm soát các trụ sở của chính phủ, các tay súng Al-Qaeda phá trại giam Mukalla, giải thoát khoảng 300 tù nhân, trong đó có Khaled Batrafi, một chỉ huy cấp cao của Al-Qaeda bị Yemen buộc tội chủ mưu nhiều vụ tấn công khủng bố trước đây. Trước những sự kiện ấy, Chính phủ Mỹ quan ngại rằng, Al-Qaeda có thể biến quốc gia Yemen nhiều bất ổn này thành một nơi ẩn náu an toàn chẳng khác gì Afghanistan, nhưng lại ở sát ngay biên giới Arab Saudi, một đồng minh của Mỹ.
Trước viễn cảnh tình hình Yemen ngày càng u ám, nhất là trước đó, lệnh ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ nhằm mở các hành lang nhân đạo để đưa hàng cứu trợ tới cho người dân ở những khu vực chịu nhiều thiệt hại vì chiến sự liên tục bị vi phạm, Yemen cáo buộc phiến quân Houthi trong 24 giờ đầu tiên của cuộc ngừng bắn đã nã súng cối và tiến hành các cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Yemen dọc biên giới giáp với Saudi Arabia, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Yemen đã lên tiếng kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia này, đồng thời hối thúc các bên tham chiến sớm quay lại bàn đàm phán nhằm mở ra một lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài đã nhiều năm.
Nhưng Houthi tuyên bố trước sau vẫn không chấp thuận một số điều kiện như: Công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Hadi; hạ vũ khí và rút khỏi các khu vực đã chiếm được, trong đó có thủ đô Sanaa. Theo Houthi, điều tiên quyết là Tổng thống đương nhiệm Hadi phải từ chức trước khi nói đến vấn đề đàm phán. Vì vậy, theo các chuyên gia phân tích chính trị, rất có thể vấn đề Houthi sẽ phải giải quyết bằng những biện pháp quân sự tổng thể và triệt để, và điều này nhiều khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mang tầm vóc khu vực.
Hiện tại, phiến quân Houthi vẫn kiểm soát phần lớn vùng lãnh thổ phía bắc Yemen, và chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ họ hài lòng với kết quả này một khi họ chưa lật đổ được Chính phủ Yemen dưới quyền điều hành của Tổng thống Hadi để thành lập một Nhà nước Hồi giáo Shiite Yemen trong bối cảnh bên cạnh Houthi, còn có các nhóm bộ tộc Hashid theo đạo Hồi và nhóm Al-Qaeda, đang dẹp bỏ những bất đồng để “cùng chung chiến tuyến”…