Đằng sau những thành quả của hơn một năm trấn áp ma túy ở Philippines

Thứ Ba, 29/08/2017, 16:00
Nhậm chức Tổng thống Philippines vào ngày 30-6-2016, qua 14 tháng, ông Duterte đã chứng tỏ ông thực hiện đúng lời cam kết "xóa bỏ căn bệnh xã hội độc hại" bằng những con số: 5.000 đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy bất hợp pháp đã bị xử tử và 80.000 người bị bắt.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người, bao gồm các chính trị gia đối lập, các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và người dân Philippines… lên tiếng chỉ trích rằng, theo chỉ thị của Tổng thống, lực lượng cảnh sát đã bắn giết các nghi phạm ma túy không cần qua xét xử mà không sợ bị luận tội. Điều này càng khiến cho tình trạng bạo lực tại Philippines trở nên nghiêm trọng hơn.

Ào ạt và thẳng tay

Các quan chức chính phủ Philippines nói rằng, nhờ chiến dịch trấn áp ma túy thẳng tay do Tổng thống Duterte khởi xướng, tỷ lệ tội phạm đã giảm đáng kể. Hàng nghìn kẻ buôn bán ma túy bị bắt vào tù. Khoảng 1 triệu người nghiện đăng ký tham gia các chương trình cai nghiện ma túy.

Theo hãng tin Reuters, trong 11 tháng đầu tiên sau khi cuộc chiến chống ma túy tại Philippines bắt đầu nổ ra, 3.155 nghi phạm đã bị bắn chết trong các chiến dịch do lực lượng cảnh sát tiến hành. Ngoài ra, cảnh sát cũng đang tiến hành điều tra hơn 2.000 vụ giết người khác, được cho là có liên quan tới ma túy. Những kết quả đạt được sau hơn một năm triển khai chiến dịch chống ma túy đồng nghĩa với việc các thế hệ tương lai tại Philippines sẽ được bảo vệ trước mối đe dọa nguy hiểm của vấn nạn ma túy.

Tổng thống Duterte và Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines Ronald dela Rosa.

Theo Oscar Albayalde, Cảnh sát trưởng thủ đô Manila, người dân, đặc biệt là ở Malina, giờ đây cảm thấy an toàn hơn nhờ chiến dịch trấn áp những con nghiện, những người mà ông cho rằng gây ra hầu hết các vụ phạm tội. "Đúng là có hàng nghìn người đã phải chết nhưng có hàng triệu người được sống tốt".

Các cuộc khảo sát do tổ chức thăm dò ý kiến Social Weather Stations (SWS) ở Manila tiến hành cho thấy, đúng là phần lớn người dân ủng hộ chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte nhưng họ cũng lo ngại về các phương thức trấn áp tàn bạo của chiến dịch này và nghi ngờ về tính hiệu quả của nó. Leo Laroza, nhà nghiên cứu cấp cao ở SWS, cho biết: 3 quý đầu tiên sau khi ông Duterte nhậm chức và chính thức phát động cuộc chiến chống ma túy, mức độ hài lòng rất cao biểu thị trong kết quả thăm dò.

Trong cuộc khảo sát gần đây nhất, công bố vào tháng 4, 92% người được hỏi nói rằng, điều quan trọng là phải bắt sống nghi can ma túy. Những người trả lời khảo sát cũng cho biết số các vụ cướp bóc đường phố và đột nhập trộm cắp tăng 6,3%. Hơn 50% nói rằng, họ lo sợ khi ra ngoài vào ban đêm, một tỷ lệ hầu như không thay đổi kể từ chiến dịch chống ma túy bắt đầu.

Tại Philippines bắt đầu nổ ra cuộc tranh cãi về số người thiệt mạng chính thức trong cuộc chiến chống ma túy này. Cảnh sát xác định đây là những đối tượng bị giết trong các vụ việc liên quan đến ma túy hoặc những nghi phạm bị bắn chết trong các chiến dịch truy bắt của cảnh sát. Những ý kiến chỉ trích cho rằng, số người thiệt mạng không chỉ khoanh vùng ở con số 5.000 người nêu trên, mà thực tế là nhiều hơn.

Hầu hết nạn nhân đều là những con nghiện và những kẻ buôn bán ma túy "cò con", trong khi đó, những kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ma túy với lợi nhuận béo bở phần lớn vẫn chưa bị "sờ gáy" và vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Phó Tổng thống Leni Robredo thuộc đảng đối lập tiếp tục lên án chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte.

Cảnh sát Philippines đang bị dư luận chỉ trích và lên án gay gắt sau "chiến công" gần đây nhất- bắn chết "một nghi phạm ma túy" là một thiếu niên 17 tuổi tên là Kian Loyd Delos Santos ở quận Caloocan, phía tây bắc thủ đô Manila. Theo báo cáo chính thức của cảnh sát, thiếu niên này đã nổ súng vào họ, buộc họ phải đáp trả để tự vệ, nhưng hình ảnh từ camera giám sát cho thấy Santos bị hai cảnh sát dùng vũ lực đưa đến một chỗ vắng, nơi sau đó, người ta tìm thấy cậu đã chết. Các nhân chứng nói với tờ ABS-CBN rằng, Santos hoàn toàn không gây một mối đe dọa nào.

Chính cảnh sát đã đưa súng, yêu cầu cậu nổ súng rồi bỏ chạy. Chính những viên cảnh sát khai đã bắn chết Santos. Vụ việc này khiến Phó tổng thống Leni Robredo thuộc đảng đối lập tiếp tục lên án chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte. Một số thượng nghị sĩ cũng nêu ý kiến quan ngại về số lượng người bị bắn chết, kêu gọi thực hiện cuộc điều tra công bằng với những dân nghèo và người yếu thế.

Nhìn lại và xem xét

Trước sự phẫn nộ của dư luận, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Ronald dela Rosa cho biết, nếu thiếu niên này không gây ra mối đe dọa, các sĩ quan cảnh sát sẽ phải chịu trách nhiệm. Ông cam kết sẽ điều tra vụ việc. Cảnh sát trưởng Manila Oscar Albayalde thông tin rằng, ba cảnh sát liên quan đến vụ nổ súng đã bị đình chỉ công tác.

Khi bị báo chí cật vấn, ông Albayalde nhấn mạnh: Văn phòng nội vụ (IAS) của Cục Cảnh sát quốc gia Philippines đang điều tra tất cả cáo buộc lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ của những cảnh sát dưới quyền. "Chúng tôi không tha thứ cho những vụ giết người dã man. Chúng tôi không phải hễ muốn là giết bất kỳ ai".

Theo số liệu từ IAS, 1.912 vụ khiếu nại liên quan đến chiến dịch ma túy đang được thẩm tra và IAS đề nghị sa thải 159 cảnh sát vì đã hành xử sai trong các chiến dịch trấn áp ma túy. Tuy nhiên, hiện chưa rõ có bất kỳ cảnh sát nào bị sa thải hay chưa.

Ngày 30-7 vừa qua, thị trưởng Reynaldo Parojinog của thành phố Ozamiz ở miền nam Philippines đã bị cảnh sát bắn chết ngay tại tư gia cùng với vợ và 5 người khác. Cảnh sát nói, họ phải nổ súng tự vệ vì bị vệ sĩ của Parojinog tấn công. Một cuộc đột kích khác tại ngôi nhà cũng của gia đình Parojinog cũng khiến 8 người thiệt mạng. Một số người bị bắt, trong đó có con gái của thị trưởng Reynaldo, Nova Princess Parojinog-Echavez. Cô bị buộc tội tàng trữ ma túy và sở hữu vũ khí bất hợp pháp.

Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, một trong những người đi đầu phản đối cuộc trấn áp ma túy của ông Duterte, mô tả các vụ "tiêu diệt tội phạm" này không khác gì một cuộc "thảm sát". "Đây là bằng chứng cho thấy chính sách của ông Duterte đã coi thường nhân quyền, thủ tục pháp lý và thượng tôn pháp luật. Đây là bằng chứng cho các vụ kiện về nhân quyền chống lại ông ta", Trillanes nói.

Được biết, thị trưởng Parojinog và con gái ông là một trong số 150 quan chức Philippines bị ông Duterte cáo buộc liên quan đến ma túy. Danh tính của họ từng bị công khai trên sóng truyền hình trực tiếp. Tổng thống Duterte đã khuyến khích các quan chức trong danh sách cáo buộc ra trình diện tại trụ sở cảnh sát quốc gia ở Manila để xóa tên "nếu họ nghĩ mình vô tội".

Parojinog và con gái đã làm vậy nhưng khi trả lời báo chí, họ cho biết bị đối thủ chính trị bịa đặt các cáo buộc chống lại họ. Tuy nhiên, gia đình Parojinog chưa bao giờ phủ nhận cáo buộc họ liên quan đến tổ chức Kuratong Baleleng, đơn vị ban đầu là dân quân vũ trang do quân đội thành lập vào cuối những năm 1980, sau này biến tướng thành tổ chức tội phạm. Các nhóm luật sư và hoạt động vì nhân quyền cho rằng, trong trường hợp cảnh sát tuyên bố họ bắn chết nghi phạm để tự vệ, các công tố viên phải xác định liệu hành động đó có chính đáng hay không.

Lực lượng phản ứng nhanh của Cảnh sát Quốc gia Philippines được triển khai trong một chiến dịch trấn áp ma túy ở thành phố Mandaluyong, phía đông Manila. Ảnh: Reuters.

Đại diện của Giáo hội công giáo Philippines cũng không thể im lặng. Họ chỉ trích cảnh sát hành quyết các nghi can ma túy mà không qua xét xử nhưng được miễn hình phạt. Họ cáo buộc cảnh sát hăm dọa các cộng đồng dân cư nghèo và thổi bùng tình trạng vô luật pháp mà họ có trách nhiệm kiểm soát. "Tổng thống Duterte hành xử như thể ông ấy đứng trên luật pháp và ông ấy chính là luật pháp. Ông ấy phớt lờ tính thượng tôn pháp quyền và nhân quyền", Amado Picardal, một linh mục Philippines, viết trong một bài báo.

Góc nhìn xã hội học

Các chuyên gia xã hội học thì nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh thực tế hơn: Nếu chiến lược chống ma túy của ông Duterte thành công thì theo quy luật kinh tế, giá của ma túy đá (tiếng Philippines gọi là shabu) phải tăng lên do nguồn cung bị co hẹp vì đã có hàng ngàn kẻ buôn ma túy bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, các số liệu của Cục Phòng chống ma túy Philippines (PDEA) lại cho thấy, giá shabu ở Manila có vẻ đang rẻ hơn! Vào tháng 7-2016, giá mỗi gram shabu khoảng 1.200 - 11.000 peso (24 - 220 USD) nhưng trong tháng 6 năm nay, giá của chúng dao động từ 1.000 - 10.500 peso (20 - 300 USD).

Các quan chức cho biết ma túy đá trên đường phố Manila nằm ở khoảng giá thấp nhất và giá của chúng đang xuống dù chỉ vài USD. Chuyên gia Gloria Lai ở Tổ chức chính sách ma túy quốc tế (IDPC), nhận xét: "Nếu giá ma túy giảm, cho dù chỉ vài đôla, đó là biểu hiện tính không hiệu quả trong các biện pháp thực thi pháp luật". Trong khi theo Derrick Carreon, người phát ngôn PDEA, vấn đề nằm ở chỗ trong khi 9 phòng thí nghiệm bào chế shabu trong nước đã bị triệt phá, shabu tuồn lậu từ nước ngoài đã có thể thay thế nguồn cung thiếu hụt trên thị trường.

Trở lại với vấn đề cuộc chiến chống ma túy tại Philippines bị chỉ trích là quá tập trung vào các đối tượng là người nghèo sử dụng ma túy và người bán ma túy quy mô nhỏ, giới lập pháp Philippnes nhận xét rằng, Lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) vốn nổi tiếng với tệ tham nhũng, lạm quyền và vi phạm pháp luật nhưng trách nhiệm trong cuộc chiến chống ma túy được Tổng thống Duterte đặt lên vai lực lượng gồm 170.000 thành viên này mà không phải là Cơ quan chống ma túy trực thuộc Văn phòng Tổng thống, một cơ quan được đánh giá là có năng lực nhất trong các cơ quan chính quyền.

Tổng thống Duterte đã kêu gọi quân đội đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống ma túy và bắt giam các quan chức cảnh sát tham nhũng như là một phần của việc làm trong sạch hàng ngũ PNP. Tuy nhiên, quân đội không được huấn luyện để đi đầu trong cuộc chiến này. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã từng yêu cầu Tổng thống Duterte ra lệnh bằng văn bản để làm cơ sở pháp lý cho hành động sử dụng quân đội. Tuy nhiên, không có một văn bản nào như vậy được ban hành.

Công luận vẫn nghi ngờ cuộc trấn áp ma túy đầy bạo lực đang nhắm chệch hướng đối tượng vì trong số các quan chức bị bắt giam do có liên quan đến hoạt động buôn bán hoặc sử dụng ma túy thường nhanh chóng được trả tự do.

Số liệu từ Bộ Tư pháp Philippines cho thấy, có 715 quan chức đã bị bắt giữ trong giai đoạn 2011-2016 do liên quan đến ma túy, trong đó có nhiều quan chức làm việc trong ngành hành pháp, các quan chức được dân bầu và cả các nhân viên Chính phủ. Tuy nhiên, 75% trường hợp đã được tha bổng hoặc không bị truy tố!

Q.H. (tổng hợp)
.
.