Phong trào Gulen, một thế lực mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Năm, 26/09/2013, 16:50

Từ một phong trào xã hội, một làn sóng tư tưởng tôn giáo, họ có mặt khắp nơi, không chỉ trong các ngôi trường học mang tên người sáng lập ra phong trào, mà còn xuất hiện dày đặc trong bộ máy nhà nước, trong lực lượng quân đội, cảnh sát. Họ không chỉ hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn bành trướng, lan rộng sang Trung Á và nhiều nơi khác trên thế giới. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, thế lực của họ rất mạnh, nhiều khi lấn át cả quyền lực của Thủ tướng.

Phong trào Gulen do một giáo sĩ Hồi giáo tên là Fethullah Gulen sáng lập vào khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ XX. Gulen khi đó đã là một giáo sĩ nhiều kinh nghiệm, đã đi thuyết giảng nhiều nơi trên thế giới. Sinh năm 1941, Fethullah Gulen xuất thân từ một gia đình tôn giáo, là con trai của một Imam. Cho nên, ngay từ nhỏ, việc học kiến thức ở nhà trường phổ thông đối với Gulen không còn cần thiết. Ông đã sớm đi theo con đường của cha: học về Hồi giáo.

Ngoài 20 tuổi, Gulen đã là một giáo sĩ thuyết giảng đạo Hồi khắp vùng Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 30 tuổi, Gulen bị nhà chức trách bắt giam vì dám làm thay đổi cơ sở hệ thống Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới nghiên cứu về Gulen, ông luôn thuyết giảng về trường phái Hồi giáo Hanafi vùng Anatolia, vận dụng các các thuyết lý Hồi giáo Sunni của giáo sĩ Bediuzzaman Said Nursi và phát huy, hiện đại hóa chúng. Là một giáo sĩ Hồi giáo, nhưng Gulen có tư tưởng rất phóng khoáng, tin vào khoa học và tin vào sự giao lưu đối thoại giữa các tôn giáo.

Năm 1966, Gulen bắt đầu mang các thuyết giáo của Nursi đi truyền giảng tại Izmir, và kể từ đó bắt đầu một hành trình giảng đạo khắp Thổ Nhĩ Kỳ và cả ở nước ngoài (Mỹ và châu Âu). Gulen tham gia vào tất cả các cuộc tranh luận xã hội có liên quan đến tương lai của Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã viết và xuất bản hơn 60 quyển sách và nhiều bài báo, ghi âm, ghi hình về nhiều vấn đề xã hội, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học,…

Gulen bắt đầu đặt nền móng đầu tiên cho Phong trào Gulen vào năm 1978, với việc thành lập trung tâm học tập (dershane) đầu tiên. Một năm sau, thêm tờ báo khoa học mang tên Sizinti ra đời. Năm 1982, ngôi trường mang tên Gulen đầu tiên bắt đầu đi vào hoạt động, mở ra thời kỳ bành trướng ảnh hưởng của Gulen bằng các buổi thuyết giảng khắp nơi. Sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991 đã tạo ra cơ hội cho phong trào Gulen mở rộng, bành trướng ảnh hưởng sang tận các quốc gia Trung Á thuộc Liên bang Xôviết. Sau đó, Gulen bắt đầu bành trướng sang Mỹ, với trường học mang tên Gulen đầu tiên được thiết lập tại Pennsylvania vào năm 1999, và châu Âu với trường Gulen đầu tiên được lập tại Stuttgart, Đức, vào năm 1995.

Cũng bắt đầu từ năm 1999, Gulen rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ di cư sang Mỹ, định cư tại bang Pennsylvania. Tính từ khi ngôi trường mang tên Gulen đầu tiên ra đời năm 1982 đến nay đã có hơn 1.000 ngôi trường Gulen được lập tại hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ là 300 và ở Mỹ là 100 ngôi trường như thế. Các hoạt động giảng dạy của những ngôi trường này được đánh giá là "chỉ hướng đến cái tốt, cái thiện", không phải thuộc dạng thuyết giáo bạo lực như các trường học Hồi giáo của thành phần cực đoan.

Fethullah Gulen, người sáng lập phong trào Gulen.

Nhưng Phong trào Gulen không chỉ có hoạt động giáo dục, hay đối thoại liên tôn giáo và tranh luận xã hội. Phần quan trọng của phong trào Gulen chính là những dính líu đến chính trị trong nước. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người theo phong trào Gulen hiện đang được xem là đã tạo ra một kiểu "nhà nước bên trong nhà nước".

Những người theo Gulen hiện diện không chỉ trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trong tất cả các cơ quan quyền lực nhất, như Quốc hội, quân đội, cảnh sát, tòa án,… Họ chối bỏ những lời cáo buộc rằng họ nắm quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giới ngoại giao nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, "đó là điều không cần bàn cãi", tức là hiển nhiên đúng.

Ảnh hưởng của phong trào Gulen trong hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho thế lực của phong trào này không ai dám thách thức. Những chiêu trò gian manh, xảo trá, kể cả trò bẩn đều có thể được sử dụng chỉ nhằm mục đích giành ưu thế, đẩy những kẻ chống đối, những người chỉ trích vào con đường "tuyệt lộ".

Báo chí từng kể một trường hợp: một gã lính quèn theo phong trào Gulen tại một căn cứ quân sự, bị bắt quả tang cài hồ sơ giả mạo để gây rắc rối cho các sĩ quan quân đội. Công tố viên quân đội lập tức điều tra vụ việc và kết quả là chính ông này bị ngồi tù chứ không phải gã "lính quèn" kia. Một trường hợp khác, một sĩ quan cảnh sát cấp cao có quan hệ thân cận với phong trào Gulen do lỡ viết một bài báo phản ánh về các hoạt động của phong trào nên bị buộc tội "hợp tác với cánh tả" và bị bỏ tù.

Cách thức để những người của phong trào Gulen xét xử và gán tội, cầm tù những người đối nghịch với mình thật thâm độc. Lực lượng cảnh sát thuộc phong trào Gulen có thể ập đến lục soát nơi ở của đương sự bất cứ lúc nào để thu thập tài liệu và chứng cứ. Nhưng nếu chứng cứ cần thiết không tìm được thì vẫn có chứng cứ, và cả nhân chứng không biết từ đâu ra để buộc tội cho bằng được đương sự. Rồi lực lượng truyền thông Gulen vào cuộc, tuôn ồ ạt thông tin sai lệch, giả mạo một cách trắng trợn nhằm bôi xấu, làm cho dư luận hiểu nhầm rằng một người nào đó thật sự "có tội".

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan biết tất cả những chuyện làm sai trái của phong trào Gulen, nhưng ngay bản thân ông cũng muốn lợi dụng thế lực của phong trào Gulen để phục vụ mục đích thâu tóm quyền lực cho riêng mình nên đã ngầm ủng hộ nó. Thế nhưng, khi đạt mục đích khống chế được lực lượng thế tục, Thủ tướng Erdogan không còn thấy phong trào Gulen cần thiết nữa, thì cũng là lúc quan hệ giữa 2 bên bắt đầu xấu đi. Và ngay lập tức, tháng 2/2012, phong trào Gulen tung chiến dịch quật ngã người của Thủ tướng Erdogan đang nắm giữ cơ quan tình báo quốc gia. Erdogan phản pháo bằng hành động cách chức nhiều người thuộc phong trào Gulen.

Mặc dù vậy, giới quan sát ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng khả năng chống cự của ông Erdogan với phong trào Gulen là rất hạn chế. Sau màn đấu đầu năm 2012 đó, Văn phòng Thủ tướng Erdogan đã bị cài máy nghe lén. Giới quan sát nhận định, có vẻ như Thủ tướng Erdogan đang thất thế so với phong trào Gulen. Người ta cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ bỗng dưng thay đổi quan điểm, dứt khoát không can thiệp vào Syria chính là do sự ngăn cản của phong trào Gulen

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.