Phong trào #MeToo và vết nhơ của Google

Thứ Ba, 06/11/2018, 11:19
Gã khổng lồ về công nghệ - Google đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng sau khi một báo cáo tiết lộ rằng, hãng đã đưa ra một “gói thoát lợi nhuận” cho nhân viên điều hành cấp cao bị cáo buộc quấy rối tình dục và “dung túng” cho hành động lạm dụng tình dục nơi công sở.


Lời thú nhận bàng hoàng

8 tháng sau khi vấp phải vụ kiện phân biệt đối xử nam nữ do cựu kỹ sư phần mềm của hãng là Loretta Lee đứng đơn, hôm 25-10, lần đầu tiên Google đã thừa nhận về những sai phạm trong hãng liên quan đến việc quấy rối tình dục và môi trường làm việc không bình đẳng với nữ giới. Trong email gửi tới các nhân viên, CEO Google Sundar Pichai khẳng định, từ năm 2016 đến nay, hãng này đã quyết định sa thải 48 nhân viên vì các hành vi quấy rối tình dục.

Cùng với thông tin gây sốc này, CEO Google Sundar Pichai nhấn mạnh: “Google hoàn toàn nghiêm túc về việc đảm bảo rằng sẽ cung cấp một nơi làm việc an toàn và bình đẳng". CEO Google Sundar Pichai cũng cho biết, Google đã thực hiện một số thay đổi trong những năm gần đây, bao gồm cả việc sa thải nhiều nhân viên vì các hành vi quấy rối tình dục, trong đó có 13 người là các quản lý cao cấp và cả những người giữ vị trí cao hơn. Không có ai trong số những người này nhận được khoản tiền bồi thường nghỉ việc từ Google.

CEO Google Sundar Pichai đã gửi một email tới nhân viên, thừa nhận về những sai phạm trong hãng liên quan đến việc quấy rối tình dục và môi trường làm việc không bình đẳng với nữ giới. Ảnh: Reuters.

Nói rõ hơn về việc này, CEO Google Sundar Pichai tiết lộ, từ năm 2015, hãng đã áp dụng các chính sách khắt khe hơn về cách ứng xử và hành vi không phù hợp đối với các nhân viên. Những quy tắc này yêu cầu tất cả các phó chủ tịch và phó chủ tịch cấp cao của Google phải báo cáo cụ thể bất kỳ mối quan hệ riêng tư nào với nhân viên, ngay cả khi họ không làm việc trong cùng một bộ phận hoặc có bất kỳ xung đột tiềm năng nào khác.

Tờ The Age cho hay, bức thư đã được Phó Giám đốc nhân sự Eileen Naughton ký với một điểm nhấn nữa là khuyến khích các nhân viên trong hãng báo cáo về các hành vi quấy rối hoặc "chia sẻ về bất cứ hành vi không phù hợp nào bạn trải qua hoặc chứng kiến". Eileen Naughton còn nhấn mạnh rằng, để cho mọi chuyện không ảnh hưởng đến công việc của người tố cáo, Google sẵn sàng chấp nhận cả những báo cáo ẩn danh và sẽ tiến hành điều tra nội bộ ngay lập tức.

Phong trào #MeToo ngày càng phát triển ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Getty.

"Chúng tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng chúng tôi xem xét mọi đơn khiếu nại về quấy rối tình dục hoặc hành vi không phù hợp. Chúng tôi sẽ điều tra và chúng tôi hành động. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã thực hiện một số thay đổi, bao gồm việc thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm về hành vi không phù hợp của những người ở các vị trí có thẩm quyền. Những người cư xử không phù hợp sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng", email có đoạn viết.

Tiết lộ về khoản bồi thường 90 triệu USD

Thông tin đăng tải trên tờ The Verge cho biết, sở dĩ đột nhiên các nhân viên của Hãng Google nhận được một email lạ lùng như trên là bởi vì trước đó, tờ The New York Time đã gây chấn động làng công nghệ quốc tế khi đưa tin rằng, Google trả cho cha đẻ của hệ điều hành di động Android – Andy Rubin 90 triệu USD tiền bồi thường nghỉ việc vì cáo buộc quấy rối tình dục nhân viên dưới quyền.

Bài báo trên tờ The New York Time còn nói rõ chi tiết rằng số tiền nói trên được chi trả trong 4 năm, với khoản tiền 2 triệu/tháng (bao gồm tiền mặt và cổ phiếu). Đến tháng 11, Google chi trả nốt khoản 2 triệu USD cuối cùng là “hết nợ”. Vụ bê bối của Andy Rubin diễn ra vào năm 2014. Khi đó, cha đẻ của hệ điều hành di động Android tuyên bố rời Google để thực hiện một dự án cá nhân. Thay vào vị trí của Andy Rubin là James Kuffner, một nhà nghiên cứu khoa học tại Google và cũng là thành viên của nhóm phát triển robot tại hãng này.

Andy Rubin, cha đẻ của Androi, người đã phải rời Google năm 2014 vì bê bối quấy rối tình dục. Ảnh: Enlarge.

Lý do mà Andy Rubin dứt áo ra đi khỏi Google được Reuters tường thuật là để ông này bắt đầu thành lập một dự án với mục tiêu hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp (startup) đam mê lĩnh vực thiết bị phần cứng công nghệ. Khi đó, CEO Google Larry Page đã có những lời cảm ơn đẹp đẽ dành cho Andy Rubin trước sự ra đi của ông này. "Với Android, Andy Rubin đã tạo ra một thứ đáng chú ý, điều này được thấy rõ thông qua con số một tỷ người dùng hạnh phúc của nền tảng này".

Nhưng không ai có thể ngờ được rằng, sự thật lại hoàn toàn khác. Ban lãnh đạo Google đã yêu cầu Andy Rubin từ chức sau khi nhận được phản ánh từ một đồng nghiệp rằng ông đã ép cô quan hệ tình dục bằng miệng trong một phòng khách sạn vào năm 2013. Tuy rằng cáo buộc nhằm vào Andy Rubin hoàn toàn đúng sự thật, nhưng hãng vẫn chi trả một khoản tiền để ông ra đi một cách êm thấm với thoả thuận rằng, ông sẽ không làm việc cho bất kì đối thủ lớn nào của Google hay đưa ra những thông tin bất lợi về hãng.

Sau sáu tháng rời khỏi Google, Andy Rubin đã tự tay bắt đầu một công ty liên doanh mang tên Playground Global, một công ty mà Google đã đầu tư vào. Tờ Business Insider cho biết, vụ kiện bởi một đồng nghiệp nhằm vào Andy Rubin chỉ là một trong số những bê bối tình dục mà ông này gây ra ở Google. Nhân viên an ninh của Google năm 2014 đã phát hiện các video “người lớn” tự quay trong máy tính cá nhân của ông Andy Rubin, ảnh chụp màn hình tin nhắn và cả bằng chứng về việc ông này trả tiền để quan hệ tình dục với những nữ nhân viên.

Rất nhiều cáo buộc khác liên quan tới hành vi quấy rối tình dục của cha đẻ Android, khi vẫn còn làm việc tại Google đã bị phanh phui. Cụ thể, Andy Rubin được cho là đã hẹn hò với 4 nữ nhân viên khác trong khi đã kết hôn, trong đó có một nhân viên nữ thuộc nhóm phát triển Android. Ngay cả vợ cũ của Andy Rubin là bà Rie Rubin trong vụ kiện ly hôn cũng khẳng định bà biết ông có mối quan hệ với nhiều phụ nữ và ông đã trả cho những phụ nữ này hàng trăm ngàn USD để duy trì các mối quan hệ.

Chưa hết, sau những gì xảy ra ở Google năm 2014, Andy Rubin vẫn “chứng nào tật nấy” và thậm chí còn hoạt động mạnh bạo hơn bởi ông thấy mình không bị xử phạt mạnh. Năm 2017, một lần nữa Andy Rubin lại rời Essential thuộc Playground Global vì một bê bối tương tự. Essential là startup với chiếc điện thoại viền siêu mỏng rất đẹp và Andy Rubin đã rời đi trong thời điểm hiện tại khá nhạy cảm khi mẫu Essential Phone mặc dù có thiết kế và tính năng cao cấp nhưng doanh số bán khá chậm. Sản phẩm buộc phải giảm giá từ 699 USD xuống 449 USD sau chỉ 3 tháng bán ra.

Và sự phát triển của phong trào #MeToo

Đáng chú ý là Andy Rubin không phải là CEO duy nhất của Googe dính vào bê bối tình dục nơi công sở. Tờ The Information trích dẫn tài liệu tòa án và các cuộc phỏng vấn nói rằng, ngoài Andy Rubin, còn có hai giám đốc điều hành cấp cao khác được Google đã bảo vệ trong thập kỷ qua sau khi bị khiếu nại về hành vi tình dục không phù hợp. Tuy nhiên, tờ The Information lại không tiết lộ tên của hai CEO này.

Trong khi đó, phóng sự trên tờ The New York Time tiếp tục vẽ một bức tranh rộng lớn và rắc rối hơn về nơi làm việc của Google, với các ví dụ khác như việc Google bảo vệ các giám đốc điều hành khỏi phải đối mặt với những lời buộc tội về hành vi sai trái và tham gia một lập trường khoan dung về các giám đốc cấp cao có quan hệ tình dục với nữ nhân viên. 

Cố vấn chung của Google, David Drummond, được cho là đã có mối quan hệ với một nhân viên trong bộ phận pháp lý và chuyện này chỉ được tiết lộ sau khi họ có chung một đứa con. Google đã chuyển nhân viên này đến một bộ phận khác trước khi cô rời hãng còn David Drummond tiếp tục được thăng chức.

Trong một trường hợp khác, Richard DeVaul - Giám đốc điều hành tại Google X đã có quan hệ tình dục với một phụ nữ mà anh đang phỏng vấn để làm việc cho Burning Man. Người phụ nữ này kể, Richard De Vaul đã đón cô trong bộ dạng cởi trần và yêu cầu cô mát xa ngực và cố gắng tấn công tình dục cô nhưng không thành. Cuối cùng, người phụ nữ này không được nhận vào làm.

Còn theo thông tin từ tờ Times, Eric Schmidt, người cho đến năm ngoái vẫn là Chủ tịch điều hành Google Alphabet của Google và giữ một vị trí trong Hội đồng quản trị thì đã cất nhắc tình nhân cuả mình vào vị trí nhà tư vấn trong khi chuyên môn của cô này không phù hợp. Đồng sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page cũng được cho là có mối quan hệ ngoài luồng với nhân viên…

Tất cả các tờ báo nói trên của Mỹ khi thông tin những vụ việc này đều khẳng định, những thông tin về quan hệ tình dục của các nhân viên cấp cao trong Google đều được báo cáo lên ban lãnh đạo của hãng và chính ban lãnh đạo Google đã có những quyết định nhằm kiểm soát tình hình và những thiệt hại có thể xảy ra.

Tờ The New York Time còn cáo buộc: “Có vẻ như đã có khoảng thời gian dài, Google không coi trọng việc xem xét tình trạng quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Ngược lại họ bao che cho những việc này bởi những người phạm phải nó lại đang mang lại lợi nhuận lớn cho hãng”. Mark Spund – luật sư làm việc tại Hãng Luật Davidoff Hutcher & Citron, nhận định, khả năng Hội đồng quản trị Google biết những vấn đề xấu này là hoàn toàn có thể. Họ đã im lặng và chấp nhận nó. Nếu kiện tụng xảy ra, Google sẽ phải chịu thiệt hại lớn. Vì thế, email thông báo tình hình của Sundar Pichai được xem như một cách chữa cháy trước khi các vụ việc bị bùng nổ”.

Trên thực tế, quấy rối tình dục hay lạm dụng tình dục không phải là chuyện hiếm ở thung lũng Silicon. Đầu năm 2017, hàng loạt công ty và các hãng công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon đã rúng động với những cáo buộc này. Uber – nơi cũng xảy ra vụ tai tiếng của một nhân viên cấp cao cho biết, các cáo buộc quấy rối là một trong một loạt các tranh cãi trong năm 2017 và cuối cùng dẫn đến sự ra đi của nhiều giám đốc điều hành hàng đầu, bao gồm cả người sáng lập Travis Kalanick.

Nhưng với Google – hãng lớn thứ 4 của Mỹ theo vốn hoá thị trường và cổ phần cao thì bê bối lại kéo theo một cuộc tranh luận quốc gia về trách nhiệm giải trình trong lực lượng lao động. Google đã phải đối mặt với sự giám sát khó khăn từ Washington trong năm 2018 về một số vấn đề. Mùa hè vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng cao khả năng Google và các công ty công nghệ lớn khác có thể phải đối mặt với tình trạng "chống độc quyền". Mark Spund cho biết, dù rủi ro đối với Google từ bài báo của The New York Time đã được hạ thấp nhưng hãng này vẫn phải “bắt đầu thực hiện nghiêm túc vấn đề này”.

Các nhà phê bình và ủng hộ phong trào #MeToo nói rằng, những vấn đề tại Google và các công ty công nghệ khác sẽ phải được yêu cầu tiếp cận một cách  toàn diện.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.