Phụ nữ Iraq trở thành nạn nhân của bọn tội phạm buôn người

Thứ Tư, 08/09/2010, 14:40
Hậu quả chiến tranh đã biến vô số phụ nữ và cô gái trẻ của Iraq trở thành góa phụ hay mồ côi. Tỉ lệ những cuộc ly hôn chính thức, nhất là với những cuộc hôn nhân đa sắc tộc, tăng lên gấp đôi sau cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ - đó là chưa kể đến rất nhiều cuộc chia tay không chính thức.

Rơi vào tình thế cô đơn và không được bảo vệ, rất nhiều phụ nữ Iraq chọn con đường lẩn tránh sang SyriaJordan. Tuy nhiên viễn cảnh sống ở hai quốc gia này càng ảm đạm hơn. Không một chính quyền nào công khai thừa nhận số phụ nữ Iraq này là dân tị nạn hay bảo đảm quyền làm việc của họ.

Một số người Iraq được cấp visa tạm thời vào Syria, nhưng những biện pháp hạn chế cấp visa đã được thắt chặt hơn từ năm 2007 khiến cho phần đông người Iraq không có được tiêu chuẩn để nhập cư. Trước tình trạng này, hàng ngàn phụ nữ và cô gái trẻ Iraq trở thành miếng mồi ngon cho bọn buôn người lợi dụng môi trường hỗn loạn để kiếm chác.

Phụ nữ được "tuyển dụng" ở SyriaJordan làm vũ công quán rượu rồi sau đó họ bị cưỡng ép hành nghề mại dâm sau khi hộ chiếu của họ bị bọn thuê người tước đoạt. Trong khi đó, một số phụ nữ khác bị bắt cóc ngay trên đường phố Iraq rồi sau đó bị bọn buôn người bán sang SyriaJordan để trở thành nô lệ tình dục trong guồng máy kinh doanh sex nơi xứ người.

Thậm chí những người Iraq tuyệt vọng còn bán cả những thành viên nữ trong gia đình mình - một vài cô bé chỉ mới 11 tuổi - sang hai quốc gia láng giềng để có tiền trả nợ hay giải quyết những bất đồng.

Một số cô gái trẻ Iraq được mai mối lấy chồng người nước ngoài để gia đình có được một số tiền từ chú rể và "đám cưới" - thực chất là một sự sắp xếp buôn bán thân xác trong thời gian ngắn hạn - kết thúc ở một thời điểm đặc biệt. Sau khi đến nhà chồng ở Jordan hay Syria, những "cô dâu" trẻ tuổi này thường bị rơi vào tay bọn buôn người. Cuối cùng họ bị lợi dụng thân xác để kiếm tiền cho những kẻ khác và không bao giờ có đường quay về quê nhà nữa.

Hiện tại chính quyền hai quốc gia này chỉ mới bắt đầu thừa nhận sự tồn tại của mạng lưới buôn người là một loại hình tội phạm đang phát triển mạnh bên trong lãnh thổ của họ. Theo TiP Report, cả hai quốc gia này đều "không tuân theo hoàn toàn những tiêu chuẩn tối thiểu về sự loại trừ tội phạm buôn người".

Tháng 6/2010, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ báo cáo về nạn buôn người (gọi là TiP Report) trong đó Mỹ tái xác nhận trách nhiệm của họ là chấm dứt thảm họa này. Mặc dù chính quyền Syria mới đây đã thừa nhận tình trạng buôn người đang nở rộ nhiều hơn trong nước họ và đã thông qua luật công nhận buôn người là một tội phạm, nhưng theo Bộ Ngoại giao Mỹ thì điều này cũng không dẫn đến bất cứ sự thực thi pháp luật cụ thể nào cả.

Trên thực tế những phụ nữ Iraq bị cưỡng ép làm gái mại dâm ở Syria và Jordan không được đưa đến những điểm cư trú dành cho phụ nữ ở hai quốc gia này, mà thậm chí một số người còn bị bắt giữ và trục xuất trở về Iraq như bản thân họ là tội phạm. Điều kinh khủng hơn là khi bị đưa trở về Iraq, số phụ nữ này sẽ bị gia đình giết chết vì danh dự!

Nước Mỹ lẽ ra đã có biện pháp giúp đỡ phụ nữ Iraq thoát khỏi tình huống vô vọng này từ lâu - bằng cách đưa những nạn nhân buôn người của Iraq vào nhóm dân tị nạn tái định cư "ưu tiên 2" (P-2) để từ đó thúc đẩy nhanh quá trình tái định cư của họ. Đây là cách tốt nhất và nhanh nhất giúp phụ nữ Iraq thoát khỏi những điều kiện sống kinh khủng mà họ đang phải đối mặt. Hơn nữa Bộ Ngoại giao Mỹ cũng được luật pháp nước này (năm 2008) cho phép chọn "bộ phận người dân dễ bị xâm hại" của Iraq vào nhóm dân tị nạn P-2.

Nước Mỹ cũng từng sử dụng tình trạng ưu tiên này trong quá khứ để giúp những nhóm dân tị nạn sau những chiến dịch quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không lập các nhóm P-2 cho người Iraq. Chính sự không hành động này đã khiến cho ngày càng nhiều phụ nữ Iraq rơi vào bẫy của bọn buôn người.

Ngoài trách nhiệm phải giúp đỡ những phụ nữ nạn nhân buôn người của Iraq, Mỹ cũng có thể thúc giục UNHCR tập trung giải quyết số phận của những phụ nữ này ở JordanSyria hiện nay. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy UNHCR nhận được sự hỗ trợ từ phía Mỹ quá ít để có thể nhanh chóng tạo điều kiện tái định cư cho dân tị nạn Iraq đang trong tình trạng mạng sống bị đe dọa.

Ở Syria, nơi mà nạn buôn bán phụ nữ vào con đường mại dâm là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, người tị nạn Iraq chỉ được trợ giúp một số tiền ít ỏi và còn phải chờ đợi đến 2 năm trước khi được hưởng chính sách tái định cư. Điều tồi tệ hơn nữa là việc chứng minh bản thân là nạn nhân của bọn buôn người rất khó khăn và càng làm cho sự chờ đợi được tái định cư kéo dài lâu hơn. Điều đó có nghĩa là những phụ nữ IraqSyriaJordan đang chờ sự bảo vệ của UNHCR càng bị bọn tội phạm lợi dụng thân xác trong thời gian dài, nếu chẳng may bị mất cơ hội tái định cư

D.S. (tổng hợp)
.
.