Chuyện lách luật của các tiệm internet kinh doanh game

Thứ Năm, 30/07/2015, 05:20
Việc các quán Internet lách luật, làm trái với quy định hoạt động kinh doanh của Nhà nước chính là địa điểm gặp gỡ giao du của các game thủ, luôn miệt mài vào những trò chơi ảo trên mạng thâu đêm. Hằng đêm những game thủ vẫn đốt tiền, đốt sức lực vào thế giới ảo game online. Từ đó dẫn đến những hệ lụy khó lường cho chính bản thân các game thủ và cho xã hội.

Lách luật để kinh doanh, các game thủ "cày" thâu đêm

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BTTTT quy định về thời gian quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng (game online) chỉ được hoạt động (từ 8 giờ đến 22 giờ cùng ngày).

Luật đã được ban hành và áp dụng, nhưng rất nhiều quán Internet trên địa bàn Hà Nội vẫn lách luật để kinh doanh, hoạt động cả ngày lẫn đêm để phục vụ các game thủ.

Để rõ hơn về cách hoạt động của các quán Internet, vào một buổi tối tôi đi xe máy một vòng qua phố Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), dãy phố dài gần 1km nhưng có đến hơn chục quán Internet, tôi dừng xe và đi thẳng vào một quán, bên ngoài dựng rất nhiều xe máy.

Khi bước vào bên trong quán nhìn xung quanh thì có đến hơn 40 máy tính phục vụ khách hàng, may mắn vẫn còn một máy chưa có người dùng, tôi tiến lại và ngồi vào máy đó. Ngồi được chừng 10 phút tôi đã cảm thấy ngột ngạt, khó thở bởi mùi khói thuốc. Xung quanh tôi là những game thủ đang miệt mài cày với những trò chơi online, những tiếng chửi bới, văng tục phát ra liên tục. Một nam thanh niên ngồi bên cạnh tôi, cay cú đập bàn phím và văng tục khi bị thua trong một ván đấu của trò chơi đột kích.

Đang ngồi thì chủ quán đứng ở giữa phòng nói to: "Ai ngồi qua đêm mà đi xe thì ra ngoài đem xe vào trong nhà để khóa cửa nhé". Tôi nhìn đồng hồ thì lúc đó đã 22 giờ, nghe theo lời chủ quán, tôi đứng dậy và ra ngoài đem xe vào nhà theo chỉ dẫn của một người đàn ông. Sau khi xe đã được đem hết vào trong nhà, chủ quán kéo cửa và dùng tấm rèm che cửa lại rồi tắt điện. Phía bên trong quán hàng chục màn hình máy tính vẫn sáng, cùng với đó là những thanh niên cả trai lẫn gái ngồi dán mắt vào màn hình. Lúc này không khí trong quán không còn ồn ào như lúc trước nữa, nếu có ai đó nói quá to thì ngay lập tức bị chủ quán nhắc nhở ngay.

Một nam thanh niên cởi trần đứng dậy nói: "Anh em chia đội, lập kèo chơi vài trận liên minh đi". Ngay sau đó, các game thủ xung quanh ủng hộ và bắt đầu chia đội. Nam thanh niên cởi trần nói tiếp: "Anh em làm trận 3 lít nhé" (PV - 300.000 đồng), được sự đồng ý của các game thủ khác, "trận chiến" được bắt đầu.

Cứ thế, xong trận này các game thủ lại sang trận khác, "cuộc chiến" cứ thế tiếp tục. Xong một trận nếu đội nào thua sẽ phải trả tiền ngay cho đội thắng. Miệng ngậm điếu thuốc, tay ấn bàn phím liên tục, mắt chăm chú nhìn màn hình, thanh niên cởi trần nói với chủ quán: "Anh ơi làm em bát mì tôm trứng", chủ quán ngay lập tức đứng dậy phục vụ. Các game thủ khi chơi qua đêm tại quán, nếu có nhu cầu ăn uống đều được chủ quán phục vụ đầy đủ.

Các game thủ cởi trần chơi game thâu đêm tại quán Internet.

Các game thủ đang say sưa thì chủ quán bảo tất cả mọi người im lặng, "phường" đi qua. Tất cả mọi người trong quán dừng chơi và im lặng, chủ quán nhìn ra ngoài qua lớp rèm để quan sát. Sau một hồi quan sát, chủ quán quay lại bảo "phường đi rồi, anh em tiếp tục đi, nói bé thôi không nó quay lại". Các game thủ lại tiếp tục lao vào cuộc chiến.

Lúc này đã 2 giờ sáng, tôi mệt và cảm thấy buồn ngủ nên gục đầu xuống bàn, nhưng không ngủ được vì những lời nói, tiếng chửi bới của các game thủ. Tôi ngẩng đầu lên nhìn thì những cặp mắt vẫn đang dán chặt vào màn hình, có một số thanh niên ngủ gục ngay tại bàn, có người kê ghế nằm. Chủ quán thì tất bật phục vụ đồ ăn cho khách.

Một nam thanh niên tóc tai bù xù, vẻ mặt mệt mỏi gọi  chủ quán: "Anh ơi, mở cửa cho em về với", chủ quán hỏi lại: "Mày có đi xe máy không, nếu đi xe máy thì không được. Giờ lôi xe ra mất công, tốn thời gian lắm. Mở cửa cho mày ra không may công an đi qua thì chết tao à". Nam thanh niên nghe vậy đành quay lại chỗ ngồi rồi gục mặt xuống bàn.

Tôi cũng có ý định lấy xe ra về vì đã quá mệt nhưng nghe thấy chủ quán nói thế nên cố gắng trụ đến khi chủ quán cho về. Đang ngồi đọc tin tức trên mạng thì một nam thanh niên nói với một thanh niên khác: "Mày ngồi đây mấy hôm rồi hả Tuấn, sao không về nhà đi, hay lát về nhà tao mà ngủ", đang ăn mì tôm, Tuấn trả lời: "Tao đang dạt nhà (PV - bỏ nhà), không ngồi đây thì đi đâu, có tiền thì cho tao vay ít tối ra nhà nghỉ ngủ. Còn mỗi cái điện thoại để liên lạc, hôm trước cắm xe máy rồi". Câu chuyện qua lại giữa 2 nam thanh niên cho đến khi một thanh niên khác quát to: "Thôi, anh em làm trận FiFa đi, mai tính tiếp".

Có tận mục sở thị mới thấy quán Internet rõ ràng là nơi trú ngụ cho những kẻ dạt nhà để rồi mỗi tối phải vật vờ tại quán. Từ việc bỏ nhà đi chơi bời, vì không có tiền đã phải cầm cố tài sản để có tiền ăn chơi.

Sau đêm hôm đấy, tôi chuyển địa điểm đến khu vực phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, một con phố có nhiều quán Internet, game online. 23 giờ tôi xách xe chạy một vòng qua phố, thấy mọi quán đều đóng cửa và tắt điện. Tôi dừng lại và đứng ở vệ đường thì thấy một nhóm thanh niên 4, 5 người đi bộ trên vỉa hè và họ dừng lại trước cửa một quán Internet, một thanh niên trong nhóm gõ cửa và gọi tên ai đó, cửa quán được mở ra, nhóm thanh niên lách người vào.

Thấy vậy, tôi cũng liền phi xe vào, khi đến cửa chủ quán quát: "Mày không tắt máy xe đi à, tắt máy dắt xe vào trong", tôi lập tức làm theo. Sau khi tôi dắt xe vào, chủ quán khóa cửa và không quên kéo tấm rèm để che chắn. Khi vào bên trong quán, tôi nhìn thấy hàng chục nam thanh niên đang ngồi chơi game. Cũng như quán game hôm trước tôi đã từng vào, chủ quán này luôn nhắc nhở mọi người nói nhỏ, giữ trật tự. Các game thủ vẫn miệt mài, tập trung vào những trò chơi đầy bạo lực.

Tôi đang lướt xem tin tức thì một nam thanh niên mặc áo trắng đồng phục học sinh nói: "Anh em có làm tý cỏ cho nó tỉnh táo không, mỗi người làm hơi chơi cho nó máu", vừa nói nam thanh niên này vừa rút trong túi quần ra 1 điếu thuốc rồi tiếp tục nói: "Chiều nay tan học, ra quán nước ngồi cuốn được điếu to cho anh em đây", vừa dứt lời thanh niên này bật lửa để châm hút, rít mạnh một hơi rồi chuyển tay cho những thanh niên khác. Hút xong, cả bọn cười nói nhiều hơn, vừa chơi game, vừa kể những câu chuyện cười cho nhau nghe. Chủ quán liên tục nhắc nhở giữ im lặng nhưng nhóm thanh niên này vẫn không nhịn được cười. Một thanh niên vừa cười vừa nói: "Đúng là thần dược, hút vào tỉnh cả người, vui như được tiền ấy".

Việc ngồi tại quán Internet xuyên đêm không chỉ cày những trò chơi online mà các nam thanh niên còn sử dụng các chất kích thích, gây nghiện như là cỏ. Sử dụng những chất kích thích làm các game thủ thêm ảo giác hơn với những trò bạo lực, bắn giết, đâm chém ở thế giới ảo. Bị ảo giác và kích thích từ những chất gây nghiện làm các game thủ không kiểm soát được hành vi cũng như nhận thức của mình.

Việc các quán Internet lách luật, làm trái với quy định hoạt động kinh doanh của Nhà nước, chính là địa điểm gặp gỡ giao du của game thủ. Hằng đêm những game thủ vẫn đốt tiền, đốt sức lực vào thế giới ảo.

Trên địa bàn Hà Nội tình trạng các quán Internet mở quá giờ quy định phổ biến, mở thâu đêm để kinh doanh. Từ việc kinh doanh trái phép của các quán Internet (game online) dẫn đến nhiều chuyện rắc rối và phức tạp cho xã hội, xuất phát từ những game thủ ngày đêm ăn nằm tại quán.

Hệ lụy từ việc nghiện game

Trong các game bạo lực, bắn giết, đâm chém ở thế giới ảo rất dễ dẫn đến những hành động bạo lực trong thế giới thực. Bởi khi đã bị nhiễm nặng, trở về thế giới thực thì, đôi khi các game thủ đã không thể kiểm soát được bản thân, kéo theo đó là tình trạng rối loạn tâm sinh lý, hành động đồi bại. Đó là thực tế đáng báo động đang xảy ra hiện nay. Từ việc cần tiền để chơi game, nhiều thanh niên đã cầm cố đồ đạc  và khi không còn gì để cắm thì nảy sinh ra ý định trộm cắp đồ của người khác và đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa là các con nghiện game có thể giết người cướp của để lấy tiền chơi game, từ đó xảy ra hệ lụy không sao kể hết. Nhiều gia đình đã "tan cửa, nát nhà" khi không may có người con nghiện game.

Đơn cử vụ Vũ Tiến Sơn xảy ra cách đây chưa lâu là một ví dụ trong nhiều vụ việc đau lòng từ hệ lụy do giới trẻ mê game.

Vì quá nghiện game, khi không còn tiền để chơi game, Vũ Tiến Sơn (sinh năm 1996, sống tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã giết bà chủ quán Trần Thị Nội để cướp nhẫn vàng lấy tiền chơi game. Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo - hung thủ Vũ Tiến Sơn về các tội giết người và cướp tài sản với mức án tù hơn 10 năm v.v...

Chỉ vì quá ham game online, những thanh thiếu niên đã tự hủy hoại cả sức khỏe, sự nghiệp và tương lai của mình. Không chỉ dừng lại ở bỏ bê học hành, việc làm, gia đình tới mức mất cả việc làm, bỏ nhà đi hoang, những "con nghiện" game thậm chí còn sẵn sàng cầm dao cướp của, giết người chỉ để có tiền... chơi game.

Bởi vậy, đối với mỗi gia đình có con em đang trong độ tuổi trưởng thành, ngoài sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ quản lý của gia đình là yếu tố quyết định, giúp các em tránh xa những tiêu cực mà game online có thể mang lại, thì cũng cần phải kết hợp chặt chẽ với nhà trường để luôn nắm bắt tình hình việc học tập trên lớp, để cùng nhà trường giáo dục con em mình tốt hơn.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp và tiến hành tuần tra, kiểm tra chặt chẽ đối với các quán hoạt động Internet trái phép để có hình thức xử lý thích đáng.

Thanh Xuân
.
.