Quấy rối tình dục - Xử lý thế nào?
Động thái này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người, nhất là nữ giới…
1. Phải mất một hồi lâu thuyết phục, Linh, 19 tuổi, sinh viên của Trường Đại học Bách khoa TP HCM mới chịu kể cho tôi nghe chuyện cô bị "quấy rối" như thế nào: "Trường em có cơ sở ở Thủ Đức. Do sợ nguy hiểm nếu chạy xe gắn máy nên ba mẹ kêu em đi xe bus cho an toàn. Hơn nữa, một trong những trạm lên xuống lại nằm gần nhà em tại quận 10 nên cũng tiện". Tùy theo lịch học, Linh sử dụng phương tiện giao thông công cộng ấy mỗi tuần 3-4 lần. Cô nói: "Tuyến xe bus từ nhà em đi Thủ Đức thường rất đông khách. Nhiều bữa lên xe em phải đứng, có bữa đứng gần 2/3 đoạn đường".
Thế rồi một sáng, như thường lệ Linh lên xe và vẫn phải đứng. Khi tới vòng xoay ngã sáu Lý Thái Tổ, xe đột ngột thắng gấp để tránh một chiếc xe đạp bất ngờ quẹo ngang. Cú thắng gấp khiến hầu hết những người đứng trên xe chúi nhủi về phía trước và ngay lúc ấy, Linh thấy có một bàn tay bóp vào mông mình: "Sau vài giây, em nhận ra đó không phải là sự va chạm tình cờ mà là có chủ ý bởi lẽ khi mọi người trên xe đã lấy lại thăng bằng thì bàn tay đó vẫn… để yên tại chỗ!".
Cố gắng lách người về phía trước rồi quay lại, Linh thấy một thanh niên khoảng 30 tuổi, đứng ngay sau lưng cô, một tay bám vào thành ghế còn tay kia vừa buông thõng xuống. Mặt anh ta tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Linh nói: "Từ đó cho tới khi ra xa lộ, cứ mỗi lần xe thắng gấp thì em lại phải chịu thêm một lần… bóp mông!". Chỉ đến lúc có hai người khách xuống ngã tư Thủ Đức, Linh chen lên phía trước thì cô mới thoát nạn.
Hành vi này chính là quấy rối tình dục. |
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà nữ giới hay bị quấy rối tình dục, gồm bến xe, nhà ga, công viên, nhà chờ xe buýt. Mặc dù kết quả khảo sát chỉ thực hiện với 2.046 người nhưng nó đã phần nào phản ánh tình trạng bị xâm hại thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương tâm lý, tình cảm, sức khỏe của phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công cộng.
Trong một nghiên cứu khác về nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho thấy: 78,2% nạn nhân của tệ nạn này là nữ giới, độ tuổi từ 18 đến 30.
Hằng, nhân viên của một trung tâm mua bán điện thoại đi động, máy tính tại quận 1 cho tôi biết ở cửa hàng cô, vì chủ nhà tiết kiệm diện tích nên muốn đi vệ sinh thì phải đi ngang khu vực dành cho nam giới. Hằng kể: "Trong số nhân viên có một thằng hễ thấy tụi em đứa nào vô toa lét là chút xíu sau nó vô theo. Khi ra, tụi em phải đi qua chỗ dành cho nam và lần nào cũng vậy, nó mở cửa, quần tụt xuống ngang đùi, phơi "nguyên con"!
Chịu không nổi, các nữ nhân viên phản ánh với người quản lý thì gã trai biến thái kia cười hề hề: "Tui tiểu tui muốn cởi quần hay mặc quần là chuyện của tui. Ai biểu mấy bà nhìn làm gì mà giờ thắc mắc…". Để chấm dứt, quản lý bắt buộc mọi người chỉ được mở cửa phòng vệ sinh bước ra khi quần áo đã tề chỉnh đàng hoàng!”.
2. Theo định nghĩa của Cơ quan Chống xâm hại và tội ác tình dục, Mỹ, thì quấy rối tình dục là: "Một hay nhiều người nào đó có thái độ liên quan đến giới tính, được thể hiện bằng lời nói, hành động hoặc ngôn ngữ thân thể (body language) với một hay nhiều người khác giới - kể cả đồng giới, gây tổn thương đến phẩm giá của họ, hoặc tạo ra môi trường có tính dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm họ, làm cho họ phải bối rối".
Ở Mỹ, nếu một người đàn ông nói với một phụ nữ - mà người này không phải là vợ, tình nhân hoặc bạn bè thân thuộc của anh ta, rằng "em có thân hình tuyệt quá" thì bị xem là quấy rối tình dục. Ở Anh, hai người đàn ông nói chuyện với nhau về tình dục tại nơi công cộng như nhà ga, bến tàu, quán ăn - nhưng cố tình để cho những phụ nữ bên cạnh nghe thấy cũng bị xem là quấy rối tình dục.
Tuy nhiên ở nước ta, vẫn có khá nhiều người mơ hồ về khái niệm thế nào là quấy rối tình dục. Trong một buổi tọa đàm về vấn đề quấy rối tình dục nơi công sở do Bộ LĐ-TB &XH tổ chức với sự tham dự của hơn 100 người, là đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động, học sinh, sinh viên, có người còn cho rằng chỉ khi nào xảy ra quan hệ tình dục hoặc vuốt ve, sờ mó thì mới gọi là quấy rối tình dục, còn với những hành vi như gọi điện thoại, nhắn tin nói bóng gió hoặc nói thẳng về "chuyện ấy", hoặc gửi hình ảnh khiêu dâm lại chưa được coi là "quấy rối".
Liễu, làm việc tại một doanh nghiệp ở quận 5 kể cho tôi nghe câu chuyện về tay trưởng phòng của cô: Nhiều lần khi cô đang hệ thống hóa hồ sơ chứng từ trên máy tính thì anh ta đến sau lưng cô rồi cúi sát đầu xuống, má kề má để xem "có sai sót gì không", hoặc một tay đặt lên vai cô còn tay kia chỉ trỏ "em phải trình bày như thế này". Rất khó chịu nhưng Liễu không dám phản ứng, một phần vì cô là "lính", phần khác cô cũng không nghĩ những hành vi đó là quấy rối tình dục.
Có thể nói, quấy rối tình dục được thể hiện muôn hình muôn vẻ, và lắm trường hợp người bị quấy rối tức anh ách nhưng chẳng biết phải phản ứng thế nào. Hồi đi lấy tư liệu viết bài về đời sống của công nhân nữ trong các khu công nghiệp tại TP HCM, tôi được Liên cùng nhóm bạn với cô ở khu nhà trọ trên đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Tân kể rằng trong khu nhà trọ của cô, phía bên dãy phòng nam, có một thanh niên cứ đến buổi chiều, khi thấy các cô đi làm về là anh ta… tắm: "Nó đóng cửa chính nhưng cửa sổ lại mở toang hoác. Tắm xong, nó trần truồng đi lại trong phòng, ai nhìn vào cũng thấy". Chẳng biết phải phản ứng thế nào vì người ta ở trong phòng của người ta, muốn làm gì là quyền của họ. Còn để như vậy thì tức không chịu nổi. Cuối cùng, dãy phòng trọ nữ đành chọn giải pháp là khi ra sân để phơi quần áo hoặc làm những việc lặt vặt, họ… không thèm nhìn qua dãy phòng nam!
Xe bus là một trong những nơi dễ bị quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa) |
Tại công ty của chị Dung, chiều thứ bảy hằng tuần, mọi người trong phòng kinh doanh cùng góp tiền đi ăn uống, sau đó là hát karaoke. Biết chị Dung bỏ chồng hơn 3 năm nay, lại chưa có con nên Thành, là phó phòng thỉnh thoảng vẫn buông lời chọc ghẹo.
Cứ nghĩ đó chỉ là những lời đùa giỡn nên chị Dung không để ý. Ai dè một bữa hát karaoke và lúc cả hai cùng song ca bài "Căn nhà màu tím" thì bất ngờ Thành khoác tay lên vai chị, bàn tay làm như vô tình đặt vào ngực chị. Khi chị Dung hất ra thì Thành thản nhiên: "Bài này mùi mẫn nên anh cũng "mùi" cho vui vậy mà". Chị Dung bức xúc: "Biết thằng chả cố ý dê mình nhưng vì chả nói "mùi cho vui" nên mình đành chịu".
Theo bà Nguyễn Minh Thu - Giám đốc một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển tại Việt Nam thì hành vi quấy rối tình dục được ví như "thủ phạm giấu mặt" vì hầu như không thể dựa vào đâu để người bị quấy rối tình dục chứng minh là mình bị quấy rối. Linh, sinh viên Đại học Bách khoa nói: "Trường hợp của em, nếu em la lên là ông này bóp mông em thì ổng nói xe thắng gấp nên theo phản xạ, ổng phải chống tay vào em để khỏi té là huề cả làng".
Và không phải chỉ nữ giới mới bị quấy rối tình dục, nhiều đấng nam nhi cũng là nạn nhân của tình trạng này. Anh Nghĩa bạn tôi, làm nghề in ấn bao bì có đứa em bà con họ xa, lái xe cho nữ giám đốc của một công ty chế biến cá basa xuất khẩu.
Anh kể: "Thằng em tôi cho biết rất nhiều lần nó bị bà sếp quấy rối". Bữa xuống An Giang chẳng hạn, sau khi đặt thuê hai phòng khách sạn rồi xách hành lý cho sếp lên phòng, cậu tài xế quay ra kiểm tra lại xe vì sếp dặn sáng mai đi Châu Đốc sớm. Một lát, điện thoại reo. Móc túi lấy máy, cậu tài xế nghe sếp nói: "Em qua lấy dùm chị cái khăn tắm, chị tắm mà chị quên". Ôi trời, sếp ở trong phòng một mình, muốn lấy gì sếp cứ tự nhiên mà lấy chứ mắc mớ chi lại điện thoại gọi tài xế.
Anh Nghĩa kể tiếp: "Cửa phòng không khóa, thằng em tôi bước vào, mở tủ lấy cái khăn rồi gõ cửa buồng tắm. Khi cánh cửa buồng tắm mở ra, bà sếp tô hô như nhộng. Thằng em tôi nhắm mắt nhắm mũi đưa bả cái khăn rồi chuồn ngay".
Một lần khác đi làm việc với đối tác ở Khánh Hòa, 10h đêm sếp gọi tài xế qua nhờ đấm bóp giùm vì "ngồi xe cả ngày, chị mỏi quá". May thay khách sạn nơi cậu ta ở có dịch vụ massage nên cậu ấy điện thoại mời một nữ nhân viên lên phòng đồng thời xin lỗi sếp vì "em không biết cách xoa bóp". Hậu quả là trong suốt chuyến đi đó, mặt mày sếp lầm lầm lì lì rồi khi về đến công ty, hai ngày sau cậu em của anh Nghĩa "được" chuyển sang lái xe đông lạnh!
3. Cho đến nay, ở nước ta vẫn chưa có trường hợp quấy rối tình dục nào bị xử phạt hoặc bị đưa ra tòa như nhiều nước khác đã làm mà một phần như chúng tôi đã nói ở trên: Hầu hết phụ nữ đều ngại ngùng khi phải nhắc đến.
Phần nữa, Bộ luật Lao động mới có quy định: "Nghiêm cấm quấy rối tình dục công sở, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị quấy rối tình dục…" nhưng Luật lại chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục bởi lẽ sự quấy rối không chỉ xảy ra ở cơ quan, nơi làm việc mà còn ở nhiều môi trường khác nhau, chẳng hạn như chị Dung đi hát karaoke, hay cậu tài xế của bà giám đốc.
Chưa kể Điều 8 của Bộ luật Lao động mới chỉ nghiêm cấm người sử dụng lao động ngược đãi, quấy rối tình dục người lao động, nhưng không hề có quy định ngược lại đối với người lao động vì không chỉ sếp mới quấy rối nhân viên mà lắm khi, nhân viên lại là người quấy rối tình dục sếp.
Vì thế, để ngăn ngừa và giảm bớt tối đa tệ nạn này, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn kỹ năng tự bảo vệ, hướng dẫn cách ứng phó cho nữ giới bằng các hình thức như tọa đàm, phát tờ rơi, nhất là với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người giúp việc nhà, sinh viên, học sinh, người bệnh… Tuyên truyền, vận động chị em mạnh dạn tố cáo khi bị quấy rối tình dục và các hành vi xâm hại khác.