Quấy rối tình dục và những “lỗ hổng” pháp lý

Thứ Ba, 09/04/2019, 11:34
Công luận đang không chỉ đợi chờ kết quả xử lý vụ việc có dấu hiệu dâm ô trẻ em xảy ra tại chung cư Galaxy 9, Quận 4, TP Hồ Chí Minh, mà còn phẫn nộ bởi mới tháng trước thôi, vụ "cưỡng hôn" nữ sinh trong thang máy tại Hà Nội đã kết thúc trong sự bất bình của nhiều người, khi kẻ sàm sỡ chỉ bị xử phạt rất "tượng trưng" với số tiền 200.000 đồng.

Phải chăng đang tồn tại những "lỗ hổng" pháp lý để đối phó với sự gia tăng đáng lo ngại của vấn nạn tấn công tình dục?

Tội phạm hoàn thành

Tội phạm xâm hại trẻ em đang diễn biến rất phức tạp. Một hiện tượng khá bất thường trong những tháng đầu năm 2019, đó là tần suất xảy ra các vụ tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ, trẻ em rất cao. Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, cả nước rúng động trước thông tin vụ cô nữ sinh "ship" gà bị hiếp, giết tại tỉnh Điện Biên.

Tiếp đến vụ thầy giáo "véo mông, sờ đùi" học sinh tại Việt Yên, Bắc Giang. Tháng trước, vụ "cưỡng hôn" cô nữ sinh trong thang máy tại Hà Nội đã gây phẫn nộ trong dư luận bởi sự bỉ ổi, bệnh hoạn của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng, chỉ phải nhận mức phạt 200.000 đồng khiến dư luận dậy sóng.

Hình ảnh cắt ra từ clip ghi lại vụ "cưỡng hôn" nữ sinh trong thang máy ngày 4-3, tại khu chung cư Gold Palm (Hà Nội).

Sự việc chưa kịp lắng xuống, lại xảy ra vụ ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên là Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) tấn công tình dục một bé gái trong thang máy khu chung cư Galaxy 9 (Quận 4, TP Hồ Chí Minh).

Những ngày qua, tâm điểm chú ý của dư luận là dõi theo từng động thái từ các cơ quan tiến hành tố tụng. Có những ý kiến hồ nghi, sợ rằng cũng như vụ "cưỡng hôn", sẽ có những yếu tố cản trở việc làm rõ sự thật, và ông Linh cũng chỉ phải chịu những hình thức xử lý mang tính "tượng trưng".

So sánh sự khác nhau giữa hai vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) nêu quan điểm: "Cả hai vụ việc này giống nhau ở chỗ đều là hành vi của những người đàn ông đã thành niên, tấn công tình dục có tính chất dâm ô (ôm ghì để hôn) người cùng đi trong thang máy.

Tuy nhiên, tính chất của hai vụ việc hoàn toàn khác nhau, bởi nạn nhân của đối tượng Hùng là phụ nữ đã thành niên, còn trong vụ thứ hai tại TP Hồ Chí Minh, nạn nhân là trẻ em mới 9 tuổi. Sự khác biệt này dẫn tới hậu quả pháp lý khác nhau.

Hiện nay Bộ luật hình sự năm 2015 không có tội dâm ô với người từ đủ 16 tuổi trở lên, nhưng có tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Cho nên, chỉ có thể xử phạt hành chính đối tượng Hùng với mức 200.000 đồng theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Còn ở vụ việc tấn công bé gái tại thang máy chung cư Galaxy 9, việc xử lý hình sự đối tượng theo quy định tại Điều 146, BLHS 2015 là có căn cứ".

Theo Luật sư Cường, với những diễn biến sự việc mà camera trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 ghi lại được, thì hành vi của ông Linh đã cấu thành tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi".

Ông Cường phân tích: "Qua clip phản ánh rất rõ việc ông Linh đã ôm, rồi hôn nhiều lần vào miệng, sờ soạng vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể cháu bé trong thang máy chung cư Galaxy 9. Rõ ràng đây là hành vi nhằm tìm kiếm sự kích thích, sự thỏa mãn về dục vọng. Chứ không thể nói rằng đó chỉ là việc trêu đùa hay âu yếm trẻ con. Hơn nữa, giữa ông Linh và cháu bé chẳng hề có quan hệ gì để lý giải cho một hành động mang tính "cưng nựng" như ông ta khai. Có thể thấy hành động của ông Linh đã khiến cháu bé rất sợ hãi, hoảng loạn. Hành vi này đủ căn cứ để xử lý hình sự".

Hiểu đúng về dâm ô

Hiện nay có quan điểm cho rằng khó chứng minh được ông Linh phạm tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi", vì có lời khai của cháu bé rằng không bị người đàn ông này sờ mó vào bộ phận sinh dục. Mặt khác, đoạn clip do góc quay cũng không thấy được có hành vi này hay không.

Phản bác quan điểm này, ông Cường lập luận: "Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam chưa có một khái niệm cụ thể về hành vi quấy rối tình dục hay dâm ô, tấn công tình dục... mà chỉ được mô tả trong một số văn bản hướng dẫn pháp luật.

Chẳng hạn, hành vi dâm ô được biểu hiện qua động tác sờ mó, hôn hít, chà sát bộ phận sinh dục của nạn nhân, hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình... nhằm kích thích, thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.

Hình ảnh vụ ông Nguyễn Hữu Linh xâm hại tình dục một bé gái trong thang máy khu chung cư Galaxy 9 (Quận 4, TP Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, không nên hiểu máy móc rằng dâm ô chỉ bao gồm những tác động tới cơ quan sinh dục và các bộ phận "nhạy cảm" khác của nạn nhân.

Trên thực tế hành vi này được thể hiện rất đa dạng. Người phạm tội có thể tác động đến nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nạn nhân, thậm chí gồm cả những lời dễ mang lại sự kích thích hay cảm giác tình dục. Điều tối quan trọng để nhận diện loại tội phạm này, phân biệt nó với hành vi quấy rối tình dục, đó là dâm ô có mục đích là tìm kiếm sự thỏa mãn, kích thích tình dục".

Tán thành quan điểm của Luật sư Cường, Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích rõ thêm: "Trong mặt khách quan của tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi", luật hình sự Việt Nam hiện hành không quy định dấu hiệu  bắt buộc người phạm tội phải tiếp xúc vào bộ phận sinh dục của nạn nhân, hoặc tiếp xúc vào vị trí nhạy cảm khác trên cơ thể nạn nhân. Hành vi tiếp xúc cơ thể có được xác định là dâm ô hay không, căn cứ vào việc đánh giá hành vi đó có nhằm mục đích thỏa mãn kích thích, nhu cầu tình dục của người phạm tội hay không. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng Luật hình sự không bảo vệ một bộ phận cụ thể nào trên thân thể trẻ em, mà bảo vệ sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của chúng. Trẻ em như tờ giấy trắng, khi bị dâm ô sẽ bị sang chấn, lệch lạc tâm lý. Do đó, với hành động ôm ghì hôn hít cháu bé của ông Linh, tôi cho rằng đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội phạm "Dâm ô với người dưới 16 tuổi" . 

"Lỗ hổng" cần vá

Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2018 cả nước đã có 1.547 vụ xâm hại được phát hiện, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em), với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trong năm đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác.

Ngoài ra, trong đời sống hiện tượng quấy rối tình dục trẻ em khá phổ biến, như vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang).

Tuy nhiên cho đến nay khái niệm "quấy rối tình dục" vẫn chưa được định nghĩa hay giải thích rõ ràng, cũng chưa có chế tài nào để xử lý hành vi này. Pháp luật hình sự hiện hành không quy định tội danh "quấy rối tình dục". Có thể thấy chúng ta đang thiếu vắng hành lang pháp lý để xử lý hành vi quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em, tức là thiếu công cụ để ngăn chặn vấn nạn đang gây nhức nhối xã hội. Trong khi đó ở một số nước trong khu vực, hành vi này có thể bị xử tù, với mức án phạt khá cao.

Thiếu tá Lê Minh Hải (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) cho biết: "Trong Bộ luật lao động năm 2012, lần đầu tiên cụm từ "quấy rối tình dục" được đề cập nhưng không có giải thích, mô tả nào về nội hàm của khái niệm này.

Theo cách hiểu chung nhất, quấy rối tình dục là việc dùng lời nói hoặc cử chỉ, hành động, trong đó bao gồm cả hành vi tiếp xúc cơ thể, tác động có tính chất tình dục lên người khác, gây ra ở người đó cảm giác bị xúc phạm, xấu hổ, phiền hà.

Điểm khác biệt giữa hành vi quấy rối tình dục với hành vi dâm ô ở chỗ không nhằm thỏa mãn ham muốn tình dục của người quấy rối. Trong khi hành vi dâm ô thể hiện ở hành vi tiếp xúc cơ thể để tìm kiếm cảm giác khoái lạc. Dâm ô cũng là một dạng của hành vi quấy rối, nhưng để thỏa mãn nhu cầu hay kích thích tình dục."

Thời gian qua, tần xuất xảy ra nạn quấy rối tình dục ngày càng cao, gây nhức nhối, bức xúc dư luận. Sau vụ xử phạt 200 nghìn đồng đối với Đỗ Mạnh Hùng - kẻ biến thái "cưỡng hôn" nữ sinh trong thang máy, người dân lo ngại hội chứng "nhờn luật", hệ lụy đi ra từ việc xử phạt như "phủi bụi" đó.

Trên không gian mạng, pháp luật được đem ra chế nhạo, thành trò cười, đến mức Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo xem xét lại việc xử phạt sự việc đó. Tuy nhiên, nếu không thể xử lý Hùng về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155- BLHS 2015, thì cũng không có chế tài nào khác, ngoài mức xử phạt quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP như đã áp dụng. 

Luật sư Đặng Văn Cường bình luận: "Rõ ràng Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 đã lạc hậu so với thời cuộc. Việc áp dụng văn bản này để xử phạt hành vi quấy rối tình dục với mức từ 100 đến 300 nghìn đồng, không đảm bảo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Do đó, đã đến lúc cần những quy định mới theo hướng tăng cường những chế tài nghiêm khắc hơn để xử lý hành vi này.

Trong bối cảnh các vụ việc xâm hại tình dục liên tục diễn ra, khó kiểm soát như hiện nay, gây lo ngại, hoang mang trong xã hội thì việc áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với những kẻ "biến thái", những kẻ coi thường danh dự nhân phẩm của người khác, sẵn sàng vi phạm pháp luật, sẵn sàng xâm hại tình dục trẻ em là điều cần thiết, để bảo vệ trẻ em, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn hơn, lành mạnh hơn".

Không chỉ đề xuất tăng mức xử phạt đối với những kẻ quấy rối tình dục phụ nữ, Luật sư Cường còn cho rằng cần thiết phải "tội phạm hóa" hành vi này trong BLHS. Ông nói: "Theo quan điểm của tôi, khi sửa đổi BLHS, cần cân nhắc, nghiên cứu đưa thêm tội quấy rối tình dục, hoặc tội tấn công tình dục, hoặc tội dâm ô với người khác... để tạo ra cơ sở pháp lý đủ mạnh nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong những trường hợp tấn công tình dục đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp như hiện nay".

Bộ Công an chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Ngày 3-4-2019, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa. Phối hợp lực lượng chức năng, các ngành, các cấp, nhất là ngành giáo dục, văn hóa, lao động tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh thiếu niên, huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra cơ bản, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại; diện đối tượng có hành vi xâm hại và bạo lực để tuyên truyền, thông báo cảnh giác phòng tránh; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em…

Đào Trung Hiếu
.
.