Rio de Janeiro - một thành phố bất ổn

Thứ Sáu, 30/10/2009, 16:55
Cách đây hơn 2 tuần, khi thành phố Rio de Janeiro được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chọn làm địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa hè 2016, Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva cho rằng đây là minh chứng cho thấy sự tiến bộ về kinh tế và xã hội ở Brazil. Tuy nhiên, thời điểm đó, bạo lực ở thành phố lớn thứ nhì Brazil này chưa đến mức nghiêm trọng như hiện tại. Giờ đây đã có nhiều câu hỏi về độ an toàn của thành phố này khi đón tiếp các vận động viên.

Trước tiên phải khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lula, đất nước Brazil đã có được động lực phát triển mạnh mẽ. Kinh tế phát triển nhanh, ngay trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Brazil là nước ít bị ảnh hưởng nhất và mau chóng tìm lại sự tăng trưởng.

Giờ đây, Brazil đã trở thành một nhân tố không thể thiếu được trong các cuộc cải cách các định chế tài chính quốc tế, các cuộc thương lượng thương mại  hay thảo luận về khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên vấn đề gây đau đầu cho chính phủ nước này là tình hình an ninh ở Rio de Janeiro.

Giới phân tích nhận định việc chọn Rio là thành phố đăng cai Olympic 2016, tự thân nó chưa phải là tất cả nhưng điều này đã tạo được một hình ảnh tích cực đối với Brazil, nó chứng tỏ đất nước này đang vươn lên trên trường quốc tế có đủ khả năng, phương tiện để tham dự vào các công việc lớn của thế giới.

Mặc dù còn gần 7 năm nữa mới diễn ra sự kiện thể thao cấp thế giới này, nhưng những gì đang diễn ra ở Rio de Janeiro làm dư luận không khỏi lo ngại. Chỉ trong vòng 10 ngày qua, đã có ít nhất 30 người chết và 8 người bị thương trong các vụ thanh toán giữa những nhóm buôn lậu ma túy, trong đó có cả vụ 3 nhân viên cảnh sát thiệt mạng sau khi chiếc trực thăng chở họ bị các tên cướp bắn hạ. Chiếc trực thăng bị bắn chỉ cách sân vận động Maracana khổng lồ (sức chứa trên 100.000 người) hơn 1 km. Nơi đây sẽ tổ chức trận chung kết Cúp bóng đá thế giới 2014 cũng như lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2016. Cô Nadine Matos, 21 tuổi, làm việc tại tiệm uốn tóc gần sân vận động nói: "Điều này thực sự gây sốc với người dân Brazil".

Vụ bạo động gần đây nhất xuất phát từ những tên buôn lậu ma túy đang ở tù, chúng đã ra lệnh cho đồng bọn bên ngoài tại khu ổ chuột Morro São João tấn công các nhóm đối địch ở khu Morro dos Macacos kế cận dẫn tới sự can thiệp của cảnh sát làm ít nhất 26 người chết.

Các vụ bạo động khiến người ta lo ngại về sự an toàn của các vận động viên và cả hàng trăm ngàn du khách tới nước này trong dịp Olympic 2016. Trung bình, những năm qua, hàng năm có hơn 6.000 người ngã xuống vì các vụ bạo động, trong đó có hơn 1.000 cảnh sát. Ông Savio Pontes, một cảnh sát tại Rio cho rằng tình trạng ma túy và tội phạm ở đây kinh khủng hơn những gì mọi người biết.

Tỉnh trưởng Rio de Janeiro, nơi có thành phố cùng tên, ông Sergio Cabral bộc bạch: "Chúng tôi đã nói với IOC rằng, chúng tôi không chỉ muốn sẵn sàng cho những ngày đặc biệt vào năm 2016 mà còn muốn chứng tỏ với thế giới rằng Rio de Janeiro trước, trong và sau Olympic 2016 là nơi bình yên. Điều này thật khó".

Một quan chức của IOC từng nêu vấn đề an ninh của Rio trước khi thành phố này được chọn làm chủ nhà Olympic 2016 cho rằng Rio không phải là ngoại lệ khi xảy ra bạo động sau khi được quyền đăng cai. Ông dẫn ra rằng, năm 2005, sau khi London được trao quyền tổ chức Olympic 2012, bọn khủng bố đã cho nổ bom hàng loạt ở bến xe điện và xe buýt làm 56 người chết và 700 người bị thương.

Cả Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) cũng tỏ ra lo ngại không kém khi Brazil cũng là nước chủ nhà World Cup 2014. Brazil đạt nhiều tiêu chuẩn xứng đáng để tổ chức 2 sự kiện trên nhưng IOC và FIFA không thể để ngoài tai những âu lo về tình trạng an ninh ở Rio de Janeiro.

Từ nhiều năm qua, những khu ổ chuột tại thành phố này gần như đã bị cảnh sát buông lỏng. Điều này đã biến chúng thành những hang ổ cho bọn tội phạm, chủ yếu là các băng buôn lậu ma túy dữ tợn. Cho tới nay cảnh sát ở đây không thể nào kiểm soát nổi các nguồn vũ khí tuồn vào khu ổ chuột này và vụ bắn rơi trực thăng cảnh sát là minh chứng.

Theo các nhà phân tích, số người nghèo thất nghiệp cao tại Rio là một nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động. Các băng nhóm buôn lậu ma túy ngày càng lôi kéo được đông đảo những người này với thù lao hậu hĩnh. Mặt khác, bọn buôn lậu ma túy cũng đã mua chuộc nhiều cảnh sát khiến cho nhiều vụ bạo động do các băng nhóm buôn lậu ma túy gây ra bị làm ngơ.

Thị trưởng Rio de Janeiro, ông Eduardo Paes thẳng thắn cho biết: "Chúng tôi không bao giờ giấu giếm những vấn đề này trong khi đăng cai. Chúng tôi luôn nói với mọi người rằng chúng tôi còn đối mặt với nhiều vấn đề, còn nhiều việc phải làm".

Từ đầu năm tới nay, Brazil đã thử nghiệm cơ chế cảnh sát cộng đồng để giảm các vụ bạo động, nhất là tại các khu ổ chuột nơi 1/3 trong tổng số 6 triệu dân Rio de Janeiro đang sinh sống. Theo mô hình này, một số cảnh sát chuyên trách bám sâu vào các khu ổ chuột thay vì chỉ gác bên ngoài, đợi xảy ra sự việc rồi mới huy động cảnh sát tới. Điều này giúp trấn áp ngay các mầm mống bạo loạn và bớt gây lo ngại cho cư dân khi hàng loạt cảnh sát đột ngột ập tới. Tuy nhiên, vụ bạo động mới đây đã khiến mọi người đặt nghi vấn về hiệu quả của cơ chế này.

Theo ông Rodrigo Pimentel, cựu sĩ quan cảnh sát quân sự Brazil: "Chi phí cho an ninh sẽ rất cao nhưng đó là khoản chi cần thiết. Hãy thành thật rằng nếu có thêm nhiều vụ bạo động lớn như vụ trực thăng cảnh sát bị bắn rơi thì sẽ làm tăng nguy cơ Brazil bị tước quyền đăng cai 2 sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh".

Tổng thống Brazil ông Lula da Silva đã phải lên tiếng rằng Chính phủ Brazil sẽ chi thêm nhiều tiền để tăng cường an ninh cho Rio

Trương Minh (tổng hợp)
.
.