Rượu lậu, rượu giả và những cái chết bi thảm

Thứ Bảy, 04/07/2015, 22:30
Tính đến nay, tổng số nạn nhân tử vong ở Mumbai do uống rượu giả là 95 người, trong khi còn hơn 40 người khác vẫn đang được cấp cứu trong bệnh viện và dự báo con số người chết có thể tăng đến 100 người.

Bi kịch rượu giả xảy ra tại khu ổ chuột Laxmi Nagar ở vùng ngoại ô Malad của Mumbai. 8 sĩ quan cảnh sát cũng bị đình chỉ công tác do bị buộc tội xao lãng nhiệm vụ, không phát hiện sớm những trường hợp ngộ độc rượu.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 nghi phạm vận chuyển và bán rượu giả, còn một tên đang bỏ trốn. Đây là bi kịch lớn thứ 2 ở Mumbai trong vòng gần chục năm qua. Năm 2004, 104 người mất mạng sau khi uống rượu giả ở vùng ngoại ô Vikhroli của Mumbai, và sau đó 19 người bị tuyên án tù giam.

Những người sống sót vẫn đang trong tình trạng nguy kịch và được tích cực chữa trị tại 2 bệnh viện King Edward Memorial và Shatabdi ở Mumbai. Tuy nhiên, nguy cơ mù mắt của họ là rất cao. Do tính chất nghiêm trọng của bi kịch, thanh tra cảnh sát Mumbai Rakesh Maria đã chuyển giao vụ án cho bộ phận điều tra hình sự.

Người phát ngôn của cảnh sát Dhananjay Kulkarni cho biết: "Phần lớn các nạn nhân là công nhân xây dựng và tài xế xe lam".

Những người tiêu thụ rượu giả thường là người nghèo.

Theo các nhân chứng, nhiều người bắt đầu nôn mửa và đau bụng dữ dội sau khi uống rượu vào tối 17/6 tại một quán rượu trong khu ổ chuột Laxmi Nagar. Cảnh sát cũng đã thu thập các mẫu rượu giả để phân tích lượng methanol chứa trong đó. Methanol (gây tổn hại hệ thần kinh trung ương) thường được sử dụng để nấu rượu giả và được bán với giá chỉ 1 USD/ chai 250ml. Hiếm khi có vụ ngộ độc rượu giả methanol nào nghiêm trọng như thế xảy ra ở Mumbai mà trước đó thường được ghi nhận ở các vùng nông thôn.

Năm 2011, gần 170 người chết ở bang Tây Bengal sau khi uống rượu giả. Tháng 10-2013, cảnh sát đã bắt giữ 12 người sau khi có 30 người dân ở bang Uttar Pradesh chết vì rượu giả. Tháng 1/2015, 31 người chết do uống rượu giả tại bang này. Tại sao bi kịch chết người vì rượu giả vẫn tiếp tục xảy ra? Những cái chết do rượu giả rất phổ biến tại đất nước mà nạn buôn bán rượu bất hợp pháp luôn tồn tại ở nhiều bang mà thường do cảnh sát nhắm mắt làm ngơ. Rượu bán bất hợp pháp trở nên độc hại do được pha chế với cồn methyl (methanol) cũng như các loại cồn công nghiệp khác. Và, người tiêu thụ đa số là dân nghèo.

Một bệnh nhân ngộ độc rượu chết tại bệnh viện.

Rượu giả thường được bán rộng rãi trong những khu ổ chuột và cảnh sát do ăn tiền của bọn buôn rượu lậu nên đã làm ngơ. Một nhà báo ở bang Gurajat cho biết: "Những nạn nhân của rượu giả nói rằng, họ không thể làm việc hay ngủ được nếu không uống rượu. Bởi vì, rượu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Do đó, dân nghèo lao động thường là những người nghiện rượu nặng".

Theo điều tra của cảnh sát, khoảng 2/3 lượng rượu tiêu thụ tại Ấn Độ là sản xuất bất hợp pháp. Năm 2011, chính quyền bang Gurajat đã thông qua một luật cho phép tuyên án tử hình đối với những người sản xuất rượu giả gây chết người. Luật này ra đời sau vụ 157 người chết do rượu giả tại thành phố Ahmadabad, thủ phủ bang Gurajat, năm 2009. Gurajat, Mizoram và Nagaland là 3 bang duy nhất ở Ấn Độ có lệnh cấm rượu.

Di An (tổng hợp)
.
.