"Săn lùng" thuốc giảm đau dẫn đến bùng nổ thị trường thuốc phiện trên Internet

Thứ Ba, 11/07/2017, 20:25
Các loại thuốc giảm đau thuộc dạng thuốc phiện (oipoid) đang được bán tràn lan trên Internet dẫn đến nhiều cái chết do sử dụng quá liều. Bất chấp đã có nhiều vụ bắt giữ, con số những người bán thuốc trái phép - chủ yếu hoạt động ở châu Á - vẫn tăng lên không ngừng và từ đó đặt ra mối đe dọa thậm chí còn nghiêm trọng hơn loại tội phạm ma túy.


"Con đường tơ lụa" trên Internet

Giới chức chính quyền các nước thường gặp thất bại trong nỗ lực phá vỡ mạng lưới bán trái phép thuốc giảm đau nhóm opioid như fentanyl trên Internet bởi vì hoạt động diễn ra trên thị trường "dark web" (web đen) là nơi hàng chục ngàn khách hàng có thể truy cập ẩn danh và sử dụng tiền ảo Bitcoin. Cần biết rằng, fentanyl có tác dụng giảm đau mạnh hơn morphin gấp 100 lần.

Thuốc giảm đau nhóm opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, bao gồm cả morphin. Các opioid khác là các loại thuốc bán tổng hợp và tổng hợp như hydrocodone, oxycodone và fentanyl. Không giống heroin và các loại thuốc kê đơn giảm đau có hình thù to và khá nặng, một lượng fentanyl nhỏ đủ khiến 50.000 người phê thuốc có thể đựng vừa trong một phong bì đóng dấu chuyển hỏa tốc.

Muốn giao dịch trên Dark Web, người dùng cài đặt phần mềm đặc biệt và sử dụng trình duyệt cải biến. Dark Web được mã hóa nhiều lớp cho nên cảnh sát rất khó tấn công. Nhờ vào tính hiệu nghiệm mà thuốc nhóm opioid được sử dụng nhiều hơn cả heroin trong một số khu vực ở Mỹ.

Dark Web cung cấp thuốc opioid tổng hợp đến người dùng một cách dễ dàng.

Cũng do hiệu quả giảm đau cao mà thuốc opioid dễ dàng bán được trên Internet. Trong bối cảnh số ca sốc thuốc và những vụ bắt giữ các đối tượng buôn bán thuốc bất hợp pháp đã tăng lên đáng kể, giới chức Mỹ cho hay các thuốc opioid đang được mua bán rầm rộ trên mạng. Việc bán trên mạng đã giúp những loại opioid tổng hợp như fetanyl - nguyên nhân gây ra sốc thuốc đang tăng mạnh nhất trên khắp nước này - đến tận từng nhà trên khắp nước Mỹ trong các kiện hàng bưu điện cực nhỏ.

Vấn đề bán hàng trên các trang web đen như vậy đã được đưa ra ánh sáng vào năm 2013, khi nhà chức trách Mỹ triệt phá "khu chợ" bán các loại ma túy tổng hợp trực tuyến có tên gọi "Con đường tơ lụa". Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, rất nhiều khu chợ tương tự đã xuất hiện thế chỗ, khiến các loại thuốc opioid nói chung đã trỗi dậy, khiến ma túy trở nên "lúc nào cũng có sẵn" với hàng chục nghìn khách hàng mà nếu không có những trang web như vậy sẽ không mua được.

Hồi tháng 5-2017, chính quyền liên bang Mỹ thông báo bắt giữ được nhóm 6 người tại bang Utah mua trên dark web một lượng lớn fentanyl dạng bột từ Trung Quốc và sau đó nén thành viên để bán trực tuyến cho người dùng Mỹ. Theo điều tra, nhóm này đã bán được hàng trăm ngàn viên nén loại này song thường quảng cáo là ít nguy hiểm. Kẻ cầm đầu đường dây được cho là Aaron Shamo.

Thống kê của tờ New York Times cho biết, tính đến đầu tháng 6 vừa qua, AlphaBay - trang web đen hàng đầu trong hoạt động buôn bán các sản phẩm thuộc nhóm opioid - có hơn 21.000 các bài đăng mua bán opioid và hơn 4.100 bài đăng bán fentanyl và loại thuốc khác từ hàng chục nhà bán lẻ quy mô từ nhỏ đến lớn.

Theo nhiều người dùng trên AlphaBay, Aaron Shamo lấy tên cho "cửa tiệm" của hắn trên web là Pharma-Master và đã có 8.332 cuộc buôn bán thành công trên trang web trên. Các diễn đàn mạng xã hội trên AlphaBay và các trang tương tự ngập tràn những cuộc trao đổi về tác hại khôn lường của các loại thuốc và hậu quả là các ca cấp cứu và tình trạng bất tỉnh.

Hai nạn nhân nhỏ tuổi Grant Seaver (trái) và Ryan Ainsworth..

2 cậu bé 13 tuổi - Grant Seaver và Ryan Ainsworth - chết hồi mùa thu năm 2016 tại khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Park City thuộc bang Utah miền tây nước Mỹ sau khi sử dụng quá liều thuốc opioid tổng hợp, còn gọi là U-47700 hay Pinky. Cả hai cậu bé nhận được thuốc dạng bột này từ một thiếu niên địa phương.

Theo báo cáo từ cảnh sát trưởng Park City, thiếu niên này dùng tiền Bitcoin mua thuốc trên dark web và bán lại trên đường phố. Hồi tháng 2 năm nay, một người đàn ông sống tại bang South Carolina bị buộc tội nhận hơn 3 kg fentanyl đặt hàng trên mạng đen - một lượng có thể giết chết 1,5 triệu người trưởng thành vì chỉ 2mg chất này đã có thể gây chết người. Đến tháng 4 tại New Jersey, một thanh niên 21 tuổi tên là Chukwuemeka Okparaeke, với tên truy cập Fentmaster trên AlphaBay cũng bị bắt giữ. Anh ta đã nhận 2kg fentanyl từ một địa chỉ ở Hồng Kong.

Tiếp sau đó, Alec Steinberger, sinh sống tại Cleveland, cũng 21 tuổi, bị bắt giữ và buộc tội nhận gói thuốc furanyl fentanyl mà hắn đang chuẩn bị bán ra bên ngoài. Trước đó, đối tượng này đã nhắn tin cho một cậu bé 19 tuổi chuyên giúp hắn phân phối fentanyl để cảnh báo về sự tàn phá của thuốc. Tuy nhiên, cậu bé 19 tuổi đó vẫn đã thử thuốc và bị sốc thuốc, dẫn tới tử vong.

Fetanyl được "ưa chuộng" ở Mỹ và Canada vì bị "chê" ở Trung Quốc

Mỹ không phải là nước duy nhất đối mặt nạn mua bán tràn lan ma tuý tổng hợp nhóm opiod qua đường bưu điện. Canada và một số nước châu Âu gần đây cũng có nhiều vụ bắt giữ tình nghi buôn bán qua mạng, sau nhiều vụ sốc thuốc dẫn đến tử vong.  Nhưng con số tử vong tại Mỹ thật sự đáng báo động. Năm 2015, số người chết do fentanyl và các loại thuốc tương tự là 9.580 vụ, tăng 73% so với 2014.

Số người chết do sốc thuốc vẫn…tăng đều tại Mỹ. Các nhà chức trách cho rằng, nguồn cung cấp ngầm opioid được điều chế tại các phòng thí nghiệm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nơi các hóa chất được cho phép sử dụng và dễ kiếm. Các đường dây buôn bán ở khu vực Mỹ Latinh cũng lấy opioid từ châu Á và chuyển vào Mỹ. Nhưng việc gửi thuốc dễ dàng qua đường bưu điện đã giúp người điều chế tại Trung Quốc thuận tiện hơn trong quá trình này, và trong số đó nhiều người có khả năng tự lập trang mạng đen.

Nhiều đầu mối cung cấp ở Trung Quốc giấu fentanyl trong các bưu kiện trước khi gửi sang Canada. Đôi khi họ còn giấu thuốc trong các miếng thử nước tiểu.

Những thị trường bất hợp pháp được tạo ra bởi những trang web đen đang khiến việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán các loại thuốc có thể gây chết người trở nên phức tạp hơn nhiều với lực lượng chức năng.

"Chúng tôi có thể phát hiện những kẻ buôn lậu ma túy vận chuyển nhiều kg thuốc từ Mexico. Nhưng việc tìm ra người đặt hàng từ tầng hầm của người thân họ chẳng hạn khó hơn nhiều", ông Joseph M.Pinuh, người đứng đầu lực lượng chống tội phạm tại Cleveland, cho biết. Các giới chức Mỹ đang tìm cách giải quyết khó khăn này với việc trình ra Quốc hội dự thảo luật để thắt chặt các yêu cầu về thu thập thông tin đối với dịch vụ bưu điện.

Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) và Bộ Công an Trung Quốc (MPS) cũng hợp tác mở nhiều cuộc điều tra nhằm triệt phá mạng lưới buôn lậu thuốc nhóm opioid vào Canada thông qua dark web.

Theo giám đốc RCMP Scott Doran, phần lớn thuốc opioid như là fentanyl cũng như các tiền chất của nó được vận chuyển từ Trung Quốc vào Canada - chủ yếu vào thành phố cảng Vancouver - bằng các kiện hàng nhỏ khó phát hiện. Scott Doran giải thích về hiệu quả của việc buôn lậu trên dark web: "Thực tế cho thấy người mua và người bán đều không biết nhau trừ phi hai bên có mối quan hệ thân thiết từ trước".

Ông Mike Tucker, người phát ngôn Đơn vị Cảnh sát Phòng chống Ma túy nguy hiểm (ALERT) thừa nhận, có kẽ hở pháp luật để những trùm buôn ma túy khai thác, bán fenanyl dưới dạng thuốc giảm đau OxyContin giả. Ông còn cho biết, phần lớn nguồn cung fentanyl có nguồn gốc từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, là một loại ma túy ở dạng bột chưa tinh chế được các băng nhóm tội phạm ở Canada nén vào những viên thuốc giảm đau. Các đối tượng có thể kiếm nhiều tiền bằng cách trộn fentanyl với loại thuốc chứa chất gây nghiện khác, sau đó bán như heroin. Loại thuốc độc này tràn lan trên đường phố theo biệt danh "fake 80s" hoặc "greenies".

Sĩ quan Lindsey Houghton thuộc Đơn vị Cảnh sát Hình sự Đặc nhiệm British cung cấp cho báo Vancouver thông tin: những viên thuốc sau khi nén Fentanyl có thể bán từ 50-100 USD/viên trên những tuyến phố ở một số khu dân cư. Loại ma túy mới này được vận chuyển dọc tuyến đường truyền thống phía Bắc Thái Bình Dương cùng với thuốc lắc và cần sa.

Theo số liệu thống kê mới nhất, khoảng 2.500 người dân Canada chết vì sử dụng thuốc opioid quá liều trong năm 2016 - so với khoảng 2.000 người vào năm trước đó. Những nạn nhân này tử vong do tự ý mua thuốc uống hay có chỉ định từ bác sĩ. Vấn đề tệ hại đến mức cảnh sát, bác sĩ, giới chức y tế và cả chính khách đều tham gia vào cuộc chiến chống buôn lậu trực tuyến thuốc opioid ở Canada.

Sự hợp tác trao đổi thông tin tình báo và điều tra giữa RCMP và MPS chỉ chính thức bắt đầu vào năm 2016 sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau ký thỏa thuận với đối tác Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Ottawa vào tháng 9 cùng năm. Năm 2016, RCMP và đặc vụ An ninh Biên giới Canada (CBSA) bắt giữ được khoảng 18kg thuốc opipoid. Scott Doran nhận định với 18kg này, nếu là cocaine hay cần sa thì chẳng có nghĩa lý gì song nếu đó fentanyl thì hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Trung Quốc là nguồn cung cấp fentanyl cho toàn cầu do cơ chế kiểm soát yếu kém trong khi mạng lưới sản xuất hóa chất cũng như dược phẩm bất hợp pháp mọc lên như nấm ở nước này. Theo thông tin từ nội bộ DEA, mạng lưới phân phối fentanyl thường vượt qua các nỗ lực ngăn chặn bằng cách giao dịch fentanyl thành phẩm và những sản phẩm liên quan nào không chịu sự quản lý ở Trung Quốc.

Trong khi luật pháp Mỹ giới hạn và kiểm soát gắt gao những thành phần chính được sử dụng để sản xuất fentanyl, thế nhưng những loại hóa chất này lại không chịu sự quản lý ở Trung Quốc. Chính lỗ hổng này tạo điều kiện cho bọn buôn lậu ở châu Mỹ dễ dàng tiếp cận nguồn vật liệu tại Trung Quốc để tự sản xuất fentanyl. Ngoài ra, theo giới chức Mỹ, fentanyl không phải là lựa chọn ưa thích của người nghiện ở Trung Quốc, đồng nghĩa nước này có thể không mấy mặn mà với việc kiểm soát hoạt động mua bán chất này.

Vì thế, vào tháng 5-2016, Thượng nghị sĩ Mỹ Pat Toomey đã lên tiếng thúc giục Washington tăng cường sức ép lên Bắc Kinh để họ tăng cường quản lý và trấn áp mạnh tay hơn đối với fentanyl. Đáp lại, tại một cuộc họp về ma túy tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York hồi đầu năm nay, ông Liu Yuejin, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, cho rằng, không nên chỉ đòi hỏi các nước sản xuất ma túy trấn áp loại tội phạm này. Theo ông, bản thân những quốc gia tiêu thụ ma túy cũng phải giải quyết những vấn đề liên quan đến thị trường của "nàng tiên nâu".

Cuộc chiến càng khó khăn hơn khi các hiệp ước kiểm soát chuyện mua bán các loại hóa chất và ma túy của Liên Hiệp Quốc vẫn chưa "để mắt" tới fentanyl. Sự chần chờ thể hiện rõ trong phát biểu của bà Barbara Remberg, nhà tư vấn cấp cao của Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (trực thuộc Liên Hiệp Quốc): "Chúng tôi có kế hoạch tìm hiểu về fentanyl nhưng bất cứ hành động nào cũng cần thời gian".

Trước mắt, chính quyền Bắc Kinh đã chính thức cấm sản xuất và bán 4 dạng fentanyl từ ngày 1-3-2017 - động thái mà giới chức Cục Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) đánh giá là tích cực trong cuộc chiến chống buôn lậu thuốc opioid. Còn giới chức Canada bắt đầu xem xét để đưa ra hình thức cảnh báo bằng hình ảnh giống như đối với thuốc lá.

Qua đó, những hình ảnh về bệnh nhân nghiện thuốc giảm đau và dùng thuốc quá liều sẽ được in và dán trên bìa hộp thuốc - giúp người dùng hiểu được hệ quả nghiêm trọng của thuốc giảm đau. Không chỉ dừng ở đó, Bộ Y tế Canada cũng sẽ điều chỉnh bảng phân loại thuốc an thần, thuốc giảm đau giúp người bệnh hiểu được loại nào nên dùng hay không nên dùng.

Duy Ân- Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.