Sẽ có “cuộc hôn nhân” quái đản IS và al Qaeda?

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:52
Có dấu hiệu cho thấy liên kết “quái vật” giữa IS và al-Qaeda đang hình thành. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị dồn vào đường cùng trên khắp các chiến trường, từ Syria, Iraq, Leabanon...

Mất đất, mất nguồn cung tài chính, hết vũ khí, thành viên bị tiêu diệt... IS đang tính tới việc liên kết với Al Qaeda để hình thành nên “con quái vật” khủng bố mới, tiến hành một cuộc “thập tự chinh” duy nhất chống lại những ai chống lại Hồi giáo cực đoan.

“Một cuộc thập tự chinh duy nhất”

Cách đây ít năm, sau các cuộc tấn công dồn dập Al Qaeda và một số tổ chức khủng bố khác đi vào thoái trào, IS nổi lên như tổ chức lãnh đạo của cuộc thánh chiến toàn cầu năm 2014, đã qua thời kỳ vinh quang. Hiện tại, tổ chức này đang trong giai đoạn thất thủ, tìm kiếm liên minh và đấu tranh cho sự sống còn của mình.

Không giống như những cuộc tấn công năm 2014 khi IS đang mở rộng lãnh thổ, gây sốc cho cộng đồng quốc tế bằng những đoạn video tàn bạo và dùng tiền để thu hút những người theo chủ nghĩa khủng bố nước ngoài lên tới con số hàng nghìn người.

Những tên khủng bố thuộc IS đang bị quân đội Iraq và Syria truy kích. Ảnh: RT.com.

IS đã vấp phải những tổn thất đáng kể về lãnh thổ ở Iraq và Syria, những hạn chế về vấn đề nhập cảnh đã giúp làm giảm số lượng các máy bay chiến đấu nước ngoài, giảm tài chính và tăng tỷ lệ thương vong cho chiến binh thánh chiến. Trong khi đó, không thể phủ nhận rằng mạng lưới khủng bố al-Qaeda là nhà lãnh đạo và “nhà vô địch” của các cuộc thánh chiến toàn cầu cho đến năm 2014, nhưng nhóm này cũng đang ở trong tình trạng khó khăn tại Afghanistan và Pakistan.

Kể từ cái chết của Osama bin Laden, al-Qaeda đã "như rắn mất đầu". Tại khu vực Af-Pak, Afghanistan, chỉ còn 50-60 thành viên và các chiến binh của al-Qaeda còn hoạt động. Số còn lại hoặc bị tiêu diệt, hoặc bị bắt hay di dời đến Trung Đông. Al-Qaeda đã không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nào trong 7 năm qua.

Nguy cơ từ nhóm khủng bố này đã được đánh giá là suy giảm trong các đánh giá nguy cơ hằng năm. Hiện tại, nhóm này phụ thuộc vào chi nhánh ở Yemen và al-Qaeda ở Bán đảo Arập (AQAP) để có được nguồn tài trợ và nhờ các đồng minh Taliban tìm chỗ trú ẩn, bảo vệ và di chuyển.

Các thành viên Al Qaeda tại một trại huấn luyện ở Somali. Ảnh: The Telegraph.

Những sự kiện gần đây đã gây ra tranh cãi gay gắt về những tác động từ sự bùng nổ của IS và sự suy giảm của al-Qaeda. Quan trọng hơn là IS sẽ lựa chọn hướng đi nào: phân quyền hoạt động và trở thành một phong trào hệ tư tưởng tương tự chiến lược hậu 11-9 của al-Qaeda, hay tìm kiếm sự sáp nhập với al-Qaeda?

Trong một cuộc họp an ninh tại thủ đô Moskva, người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga Aleksandr Bortnikov đã chỉ ra rằng khi phải đối mặt với thất bại tại Iraq và Syria... IS và các nhóm thánh chiến khác đang đàm phán để phát triển một chiến lược mới trên quy mô toàn cầu. Ông Bortnikov khẳng định rằng cả hai nhóm đang phát triển các thành trì mới trải từ Afghanistan đến Yemen và đến châu Phi.

Thông tin trên cho thấy những thông điệp kêu gọi các nhóm thánh chiến thống nhất gần đây của thủ lĩnh Zawahiri là có mục đích rõ ràng: "Đoàn kết, lại gần hơn với những người Hồi giáo và chúng sẽ lớn mạnh trên toàn thế giới, vì đó là một cuộc “thập tự chinh” duy nhất chống lại những kẻ chống lại người Hồi giáo trên toàn thế giới".

Lời tuyên bố qua âm thanh này dường như là một lời nhắn gián tiếp tới IS để cùng sáp nhập chống lại kẻ thù chung. Đây không phải là lần đầu tiên thủ lĩnh này đưa ra tuyên bố như vậy. Thật khó có thể tưởng tượng ảnh hưởng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu sẽ như thế nào khi al-Qaeda và IS hợp nhất, và những gì 2 nhóm có thể đạt được thông qua việc sáp nhập.

Vào thời điểm này, khả năng hợp tác giữa 2 nhóm lớn hơn khả năng đối đầu. Sự giống nhau trong hệ tư tưởng giữa al-Qaeda và IS lớn hơn nhiều so với những khác biệt của 2 nhóm.

Cả al-Qaeda và IS đều tán thành những quan điểm cực đoan trên thế giới như họ đều là những người ủng hộ người Sunni và muốn tạo ra một vương triều Sunni toàn cầu. Tương tự, cả 2 nhóm đều muốn chiến đấu với phương Tây (kẻ thù xa) và chế độ Hồi giáo bỏ đạo (kẻ thù gần). Cả 2 đều đăng ký tham gia thánh chiến toàn cầu và bác bỏ trật tự thế giới toàn cầu hiện có. Cả 2 đều tin rằng một cuộc chiến đang diễn ra giữa Hồi giáo và phương Tây, và Hồi giáo đang bị đe dọa.

Liên kết ma quỷ

Thượng nghị sĩ Angus King, thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện và Ủy ban Kiểm soát vũ khí Mỹ, cho rằng "có khả năng cao" IS và al-Qaeda sẽ hợp tác với nhau, ít nhất là về mặt sách lược, song "hai bên rõ ràng sẽ không hoàn toàn đồng thuận về mọi mặt".

Các cơ quan tình báo phương Tây đã đưa ra những dấu hiệu khá rõ ràng rằng, dù gần như bị xóa sổ và yếu thế hơn các tổ chức khủng bố khác, al-Qaeda gần đây dường như phát đi tín hiệu trở lại với một thủ lĩnh mới và đó có thể là Hamza bin Laden, con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Hamza sinh năm 1991, là một trong 18 con trai và 6 con gái của Osama bin Laden và cũng là người con được trùm khủng bố yêu quý nhất. Hamza, có biệt danh là “Hoàng tử khủng bố”, là con vợ thứ ba của Osama bin Laden.

Quân đội Syria đang chiến đấu với IS để giành lại những vùng đất cuối cùng bị tổ chức này chiếm. Ảnh: BBC.

4 năm sau cái chết của Osama bin Laden, phó thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al- Zawahiri dọn đường cho Hamza lên nắm quyền. Nhân vật trẻ tuổi này đã tuyên bố sẽ tiến hành thánh chiến, gieo rắc kinh hoàng từ Washington đến Paris. Việc đẩy Hamza lên nắm quyền khi còn trẻ được cho là giúp al-Qaeda thu hút thêm một lượng lớn các tay súng Hồi giáo trẻ tuổi, những người vẫn còn ngưỡng mộ Osama bin Laden.

Các chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố nhận định Al-Qaeda dưới thời Hamza chắc chắn sẽ rất khác. Không chủ trương chỉ trích hay cạnh tranh ảnh hưởng với tổ chức khủng bố IS theo cách thủ lĩnh hiện tại Zawahiri thường hô hào, Hamza tránh làm phật lòng những người ủng hộ IS với niềm tin rằng đến một lúc nào đó họ sẽ gia nhập al-Qaeda. Điều này cho thấy Hamza là kẻ rất biết tính toán trong bối cảnh các khu vực do IS kiểm soát tại Trung Đông đang dần bị thu hẹp.

Theo con đường của cha, nhưng Hamza lại không ủng hộ đường lối thánh chiến của Osama bin Laden. Trong khi trùm khủng bố nổi tiếng về những kế hoạch khủng bố đầy tham vọng và có toan tính kỹ đánh vào các mục tiêu chiến lược thì Hamza lại vận động những phần tử khủng bố cực đoan sử dụng mọi cơ hội có được để tấn công khắp nơi trên thế giới, bằng mọi loại vũ khí có sẵn. Giống chiến lược của IS, Hamza bin Laden được cho là khuyến khích những cuộc tấn công khủng bố tự phát, không cần sự giám sát của cấp cao hơn.

Nếu các điều kiện đủ để IS và al-Qaeda kết hợp "sinh thêm các con quái thú", cộng đồng quốc tế rất có thể sẽ phải chiến đấu với một “quái vật” mới, được sinh ra từ "cuộc hôn nhân" quái đản giữa al-Qaeda và IS. Đây là lý do tại sao một cuộc chiến chống lại ý thức hệ nhằm dập tắt xung đột ở Iraq và Afghanistan, cùng với một giải pháp chính trị khả thi đối với cuộc nội chiến ở Syria sẽ là yếu tố then chốt để đánh bại sản phẩm phụ của những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố ở những vùng xáo trộn này.

Khi Al Qaeda và IS “về một nhà”

IS trước kia từng tuyên thệ trung thành với al-Qaeda, nhưng vài năm lại đây đã tự xem mình là nhóm thánh chiến Salafi dòng Sunni xuất chúng, và vượt mặt "ông chủ cũ" trong ván cờ riêng của mình. IS ra đời trong bối cảnh bạo lực lan tràn tại Iraq sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003. Do những hành động bạo lực tồi tệ tại Iraq, IS hầu như đã bị đánh bại và biến mất trước áp lực từ quân đội Mỹ cộng với sự “tẩy chay” của người Hồi giáo dòng Sunni địa phương.

Tuy nhiên, việc Syria rơi vào nội chiến đã trở thành chiếc “phao cứu sinh” giúp IS trở lại và phát triển. Đầu tiên, tổ chức này không sử dụng danh xưng “Nhà nước Hồi giáo” mà chỉ được biết đến như một chi nhánh của al-Qaeda tại Iraq. Điều này cho thấy cả hai nhóm đều có cùng những ý thức hệ và mục tiêu tương tự.

Quy mô tấn công ngày càng mở rộng của IS và lời kêu gọi mang tính ý thức hệ của chúng trên toàn cầu là lý do để người ta tin rằng IS có thể là tổ chức khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại. Tính hủy diệt tàn bạo và quy mô tấn công của tổ chức này không kém gì mạng lưới al-Qaeda cách đây 10 năm. Kể từ khi bị buộc phải rút khỏi Afghanistan, al-Qaeda đang "tiến hóa" để bao gồm không chỉ một nhóm cốt lõi có trụ sở tại Nam Á, mà còn cả các chi nhánh khắp Bắc Phi và bán đảo Arab.

Các thành viên Al-Qaeda tại một trại huấn luyện ở Somali. Ảnh: EpicTimes.

Các chi nhánh này đã được thành lập như một phản ứng của cuộc chiến nhằm đảm bảo sự tồn tại hậu 11-9 của al-Qaeda, Tuy nhiên qua thời gian, các nhóm này trở nên quan trọng. Sự tái định hướng này đã giúp al-Qaeda thiết lập các quan hệ gần gũi với người dân địa phương, nơi các chi nhánh của chúng đang hoạt động.

Sau một loạt vụ đánh bom và tấn công ở khắp phương Tây, nhiều chuyên gia cho rằng IS là vấn đề nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, nhóm chuyên gia khác cho rằng, nhận định trên là một sai lầm. Al Qaeda hiện là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với phương Tây.

Các tiếp cận mềm mỏng và ít bạo lực hơn của al-Qaeda đang tìm cách giúp các bộ lạc Sunni địa phương giảm bớt những bất bình của họ. Như tại Syria, cách tiếp cận này đang giúp al-Qaeda xây dựng những căn cứ địa phương thành các vùng lãnh thổ được kiểm soát.

Theo thời gian, al-Qaeda dường như đang hy vọng "hợp nhất" các nhóm địa phương vào nhóm của họ. So sánh với trọng tâm của IS là chiếm đóng các vùng lãnh thổ, phù hợp với triết lý tương đối thực dụng, al-Qaeda đang duy trì một kế hoạch lâu dài hơn nhiều cho việc thành lập một vương quốc Hồi giáo.

IS không theo đuổi các vụ tấn công lớn như cách mà al-Qaeda từng làm, nhưng khả năng của tổ chức này trong việc thu hút rất nhiều tín đồ ở nhiều nước đồng nghĩa với việc chúng có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố (thậm chí quy mô lớn) tại hầu hết các nước.

Nếu al-Qaeda chỉ nổi tiếng với vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 ở ngay trong lòng nước Mỹ và chỉ nhằm vào các lợi ích của phương Tây,  trái lại, IS đang và đã thể hiện rằng chúng lớn mạnh và đang kiểm soát một khu vực địa lý rộng lớn ở Iraq, Syria với hệ thống thông tin truyền thông mị dân để thu hút rất nhiều phần tử cực đoan trên toàn cầu.

Theo một số nhà phân tích, IS hiện đang chứng tỏ là một sự thay thế vượt trội hơn so với al-Qaeda trong cộng đồng thánh chiến. Nếu IS được coi là “tứ chi phát triển” thì phương Tây và Mỹ lại lo ngại những “bộ não” của al-Qaeda đang cố trở thành người bảo vệ thực sự các lợi ích của người Hồi giáo Sunni. Sự kết hợp giữa 2 tổ chức này sẽ trở lên vô cùng nguy hiểm đối với nhân loại.

Nguyễn Hòa
.
.