“Siêu lừa” Thái Lương Trí và những chiêu trò lách luật

Thứ Bảy, 02/11/2013, 10:10

Ở độ tuổi U80, tóc bạc, da mồi đáng kính nhưng Thái Lương Trí, Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương có trụ sở ở thành phố Vinh, Nghệ An lại là một "siêu cao thủ". Không chỉ lừa đối tác quốc tế mà cả những giám đốc doanh nghiệp Việt Nam từng trải trên thương trường cũng bị lừa, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, những chiêu trò "áp dụng luật" của ông ta cũng khiến những người cầm cân nảy mực trong tiến trình tố tụng… chóng mặt.

Chẳng thế mà dù Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao ra văn bản chỉ rõ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại Hà Nội vi phạm quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng các phiên phúc thẩm phải hoãn thêm 2 lần, nâng tổng số lần quan tòa phải hoãn xét xử lên con số kỷ lục "mới"  8 lần (cấp sơ thẩm 4 lần, cấp phúc thẩm 4 lần).

Giả chữ ký đối tác nước ngoài, qua mặt đối tác trong nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Sau 4 lần hoãn xét xử, ngày 5, 6, 7 và 14/7/2011, TAND Tp Hà Nội mở phiên  hình sự sơ thẩm Thái Lương Trí, Dương Minh Hải phạm tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Quá trình bị cáo  Thái Lương Trí thực hiện hành vi phạm tội được Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, đánh giá qua lời khai của bị cáo, bị hại; phần tranh tụng của luật sư; tài liệu chứng cứ… cho thấy, sự tinh vi trong hành vi phạm tội của người đứng trước vành móng ngựa đang ở tuổi "tri thiên mệnh".  Sinh năm 1940 tại Nghệ An, khi ở tuổi 56 (năm 1996), Thái Lương Trí thành lập Công ty TNHH Thái Dương.

Tháng 11/2004, Thái Lương Trí ký Hợp đồng số 2/2004 TD với ông Oong Khăm Sivilay (quốc tịch Lào), Giám đốc Công ty Khai thác khoáng sản Thảo Oong Khăm (gọi tắt là Công ty Thảo Oong Khăm). Hợp đồng thỏa thuận, phía Việt Nam góp 100% vốn bằng giá trị hợp đồng gồm máy móc, thiết bị, tiền mặt. Phía Lào lấy dự án thăm dò làm tài sản thay thế vốn góp, đồng thời chịu trách nhiệm về toàn bộ hồ sơ trình Chính phủ Lào xin cấp giấy phép thành lập công ty liên doanh. Phần lợi nhuận thu được phía Việt Nam 65%, phía Lào 35%.

Lẽ ra, sự hợp tác này sẽ xuôi chèo mát mái nếu như ông Trí là người ngay thẳng. Thế nhưng để có hồ sơ trình Bộ KH&ĐT Việt Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài, Thái Lương Trí đã soạn thảo Hợp đồng số 07 ngày 15/6/2006 ký tên, đóng dấu rồi sai người đưa sang Lào để ông Oong Khăm Sivilay ký tên, đóng dấu. Khi nhận được bản hợp đồng này, ông Oong Khăm Sivilay không ký mà cũng chẳng đóng dấu. Thế nhưng sau đó, bản hợp đồng 07 này được phù phép thành có chữ ký của ông Oong Khăm Sivilay và dấu của công ty ông này.

Biết rõ mười mươi là chữ ký giả nhưng ông Trí vẫn sử dụng hợp đồng này để hoàn thiện bộ hồ sơ trình Bộ KH&ĐT Việt Nam. Ngày 2/11/2006, Bộ KH&ĐT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài, "Công nhận Công ty TNHH Thái Dương liên doanh với Công ty Khai thác khoáng sản Thảo Oong Khăm để thành lập Công ty Đại Phú".

Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm tháng 7/2011.

Hành vi làm giả chữ ký trong Hợp đồng 07 bị ông Oong Khăm Sivilay phát hiện. Ngày 25/5/2007, ông này có đơn gửi Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát Lào kiện ông Trí về hành vi trên. Ngày 31/7/2007, Sở KH&ĐT tỉnh Hủa Phăn ra thông báo đình chỉ hoạt động liên quan đến việc tìm kiếm, thăm dò mỏ Huội Chừn. Ngày 4/6/2007, Công an tỉnh Xiêng Khoảng ra Lệnh số 1 thụ lý vụ án, mở cuộc điều tra. VKSND tỉnh Xiêng Khoảng ra lệnh bắt Thái Lương Trí do có hành vi làm giả hợp đồng, giả chữ ký ông Oong Khăm Sivilay.

Không chỉ dừng lại ở hành vi sử dụng con dấu giả, Thái Lương Trí còn có hành vi sử dụng tài liệu giả "Biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thái Dương" ngày 19/3/2008 để lừa dối Bộ KH&ĐT Việt Nam trong việc làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép đầu tư số 08/BKH-ĐT ngày 2/11/2006, đổi tên doanh nghiệp "Công ty Đại Phú" thành "Công ty Liên doanh khoáng sản Lào - Việt". Tại phiên tòa, bị cáo và các luật sư bào chữa cho rằng biên bản trên là biên bản thật, chỉ có sai sót ghi thành phần tham gia cuộc họp không đúng với thực tế.

HĐXX đã chỉ ra rằng, những người liên quan và kể cả bị cáo khai tại Cơ quan điều tra (căn cứ vào các bút lục) là không có cuộc họp ngày 19/3/2008, biên bản trên là giả. Với hành vi này, Thái Lương Trí đã có hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo điểm b, khoản 2, Điều 267 Bộ luật Hình sự; Dương Minh Hải có hành vi "Sử dụng con dấu giả" theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm.

HĐXX đã tuyên phạt, Thái Lương Trí 3 năm tù giam về tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và 20 năm về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (bị hại là Công ty cổ phần Dịch vụ và Việc làm Thái Dương, Công ty TNHH Thiên Phú là những đối tác trong việc hợp tác liên doanh thành lập Công ty Khai thác khoáng sản Việt - Lào để khai thác mỏ Huội Chừn, tại Lào); Dương Minh Hải 2 năm tù giam về tội "Sử dụng con dấu giả của cơ quan tổ chức", 15 năm về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Ly kỳ việc thay đổi biện pháp ngăn chặn, 8 lần hoãn phiên xét xử

Vụ án Thái Lương Trí khiến dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ vì ông ta đã "lật kèo" hai đối tác là Công ty cổ phần Dịch vụ và Việc làm Thái Dương và Công ty TNHH Thiên Phú một cách trắng trợn; dùng "miếng bánh" là thăm dò, khai thác mỏ Huội Chừn để nhử 9 cá nhân và doanh nghiệp khác "nộp" cho y 29,5 tỉ đồng mà còn bởi "tài năng" xuất chúng trong việc "vận dụng luật".

"Tòa án phúc thẩm TAND tối cao, Tòa án Quân sự Trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kết từ ngày nhận được hồ sơ vụ án".

(Điều 242, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003)

"Trong trường hợp hoãn phiên tòa, thời hạn hoãn cũng không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn".

(Điều 245 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003)

Đầu tiên phải kể đến pha "tạm biệt trại giam" nhưng 5 ngày sau bị bắt lại của Thái Lương Trí. Được biết, Thái Lương Trí bị bắt tạm giam ngày 27/5/2009. Thời gian tạm giam được suýt soát 1 năm thì ngày 19/5/2010, Thái Lương Trí nhận được quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn. Tạm biệt Trại tạm giam B14 của Bộ Công an, trở về ngôi nhà trong sự chào đón nồng nhiệt của đại gia đình. Thế nhưng, những ngày "tự do" ngắn chẳng tày gang. Chỉ 5 ngày sau, Thái Lương Trí bị bắt trở lại (ngày 24/5/2010). Lý do? Cơ quan chức năng đã làm rõ, quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Thái Lương Trí là vi phạm pháp luật.

Việc bắt Thái Lương Trí quay lại trại tạm giam lần này quả thực rất bi hài. Khi Cơ quan Công an đến bắt thì cả Trí và Hải đều đang… truyền nước ở bệnh viện. Được biết, mới tờ mờ sáng hai người này đã vào bệnh viện đòi… cấp cứu. Không thể để người bệnh đang "cấp cứu" bị dẫn giải, nhỡ nguy hiểm đến tính mạng nên các bác sĩ đi theo đoàn công tác của Bộ Công an phải "ra tay" để biết tình hình sức khỏe của hai người này. Kết quả khám cho thấy, sức khỏe của họ "đủ" để dẫn giải ra Hà Nội và thực hiện lệnh tạm giam.

Thái Lương Trí được "tự do" trong 5 ngày và việc ra quyết định thay đổi biện pháp quản chế trái pháp luật chưa ly kỳ bằng việc 8 phiên tòa phải hoãn xét xử. Chỉ riêng 4 phiên xét xử ở giai đoạn phúc thẩm phải hoãn cũng đã là "kỳ án". Bởi, theo quy tại Điều 242, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, Tòa án phúc thẩm TAND tối cao, Tòa án Quân sự Trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

Điều 245, Bộ luật này cũng quy định, trong trường hợp hoãn phiên tòa, thời hạn hoãn cũng không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn. Thế nhưng tính đến nay, phiên xét xử sơ thẩm diễn ra 2 năm, 3 tháng rồi. Quãng thời gian này, quá quy định đến 9 lần. Đấy còn chưa kể, pháp luật quy định chỉ được hoãn phiên tòa không quá 30 ngày nhưng những lần hoãn lại kéo dài thời gian gấp nhiều lần 30 ngày.

Đặc biệt, việc vi phạm quy định tố tụng của Tòa phúc thẩm TAND tối cao không chỉ "được" Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhắc nhở mà cả VKSND tối cao nêu rõ mười mươi trong văn bản là: "Vi phạm khoản 2, Điều 245 Bộ luật Tố tụng Hình sự".

Điểm lại những lý do hoãn phiên tòa trong giai đoạn phúc thẩm để thấy, 100% đều do phía Thái Lương Trí. Lần thì luật sư của bị cáo vắng mặt, lần bị cáo ốm, lần thì sức khỏe ông này yếu… Là người kêu oan nên phải viết đơn kháng cáo, vậy mà bị cáo này lại "không thích" ra trước công đường.

Rõ ràng việc kéo dài thời gian của Trí có dụng ý không bình thường. Vì lý do nào đấy, Tòa phúc thẩm TAND tối cao vi phạm quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự đã làm mất lòng tin của người dân

Vĩnh Nghi
.
.