Đấu tranh chống quấy rối tình dục trên không gian mạng

Thứ Sáu, 26/06/2020, 09:08
“Ôi chao, áo của bạn thực sự trong suốt. Bạn đang mặc đồ lót phù hợp?” - Người đàn ông nói một cách khiếm nhã. Đó là một mô phỏng thực tế ảo - nhưng nó đủ để khiến Elizabeth Lee 23 tuổi sốc đến mức phải im lặng khi kịch bản diễn ra trên tai nghe của cô. Công nghệ thực tế ảo (VR) là một phần của dự án “Girl, Talk” nhằm mục đích giúp phụ nữ chống lại sự quấy rối hiện đang trở nên phổ biến ở Singapore.


Dự án “Girl, Talk”

Lee thừa nhận: “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ trả lời theo cách đối đầu hơn. Tôi cảm thấy rất gần gũi về thể chất, thật khó chịu khi nghe những lời nhận xét thô bỉ như vậy”. Quấy rối tình dục đã trở thành một vấn đề nóng trong các khuôn viên trường đại học Singapore sau khi một sinh viên tại một ngôi trường hàng đầu đã lên Instagram để kể lại một câu chuyện được quay phim bí mật trong phòng tắm ký túc xá. 

Nạn nhân tên là Monica Baey cảm thấy thủ phạm bị trừng phạt quá nhẹ nên quyết định công bố dự án của cô gọi là phong trào #MeToo của Singapore.

Hai nữ sinh viên Tan Tong và Chin Hui Shan xem mô phỏng thực tế ảo về những người đàn ông đưa ra những bình luận dâm dục.

Theo thông tin Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung cung cấp cho Quốc hội Singapore vào tháng 5/2019, có đến 56 trường hợp hành vi lệch lạc về tình dục liên quan đến sinh viên của 6 trường đại học nước này được ghi nhận trong giai đoạn các năm 2015-2017. Nhưng nhiều sinh viên cho biết con số thực tế cao hơn nhiều và nhiều sự cố không được báo cáo.

Dự án “Girl, Talk” (tạm dịch: Cô gái hãy lên tiếng) được tạo ra bởi 4 người nữ sinh viên - Danelia Chim, Seow Yun Rong, Heather Seet và Dawn Kwan - tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Nhóm nữ sinh viên cho rằng phong trào #MeToo giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ về nạn quấy rối tình dục đồng thời trang bị kiến thức cần thiết cho mọi người để có được khả năng xử lý đúng đắn trong các tình huống nhạy cảm khác nhau. 

Nhóm tuyên bố trên trang web của họ: “Ngay cả khi bạn bị bắt gặp trong tình huống dễ bị tổn thương về thể chất, việc có thể đánh giá tình huống của bạn và đưa ra lựa chọn về cách cư xử và phản ứng có thể truyền sự tự tin đáng kinh ngạc”.

Dự án “Girl, Talk” được tạo ra bởi 4 nữ sinh viên tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU).

Mô phỏng VR có 5 kịch bản dựa trên kinh nghiệm thực tế. Họ vận động các bạn nam diễn kịch bản và quay phim. Dự án được lấy cảm hứng một phần từ nghiên cứu của nhóm nhà tâm lý học một trường đại học Mỹ - những người đã phát triển một chương trình VR để giải quyết vấn đề quấy rối tình dục sau khi phát hiện ra rằng phụ nữ trẻ có phản ứng mạnh mẽ hơn với các kịch bản ảo so với kịch bản thông thường.

Lee giải thích: “Tôi nghĩ rằng VR chắc chắn giúp tôi chuẩn bị tốt hơn cho những khả năng khác nhau. Nó giúp cho tôi chuẩn bị cách cư xử. Tôi sẽ biết những bước tiếp theo để hành động. Tôi sẽ biết cách đề cập vấn đề với một người bạn để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng xung quanh và sau đó thực hiện thêm hành động nào đó nếu cần thiết. Tôi thực sự nghĩ rằng nạn quấy rối tình dục khá phổ biến trong xã hội hiện nay và thật đáng buồn là nó đã được bình thường hóa. Khi bạn mổ xẻ những gì mọi người nói với bạn, một số trong những điều này thực sự hơi thô bỉ và rất không phù hợp, và cần phải thừa nhận rằng nó không ổn khi nói những điều như vậy về cơ thể phụ nữ”.

Phong trào #MeToo gây xôn xao năm 2017 bởi những tiết lộ về những hành vi lệch lạc về tình dục của ông trùm phim thất sủng Harvey Weinstei và từ đó đã lan rộng khắp thế giới. Weinstein, 68 tuổi, đã bị bỏ tù 23 năm sau khi bị kết án tấn công tình dục và cưỡng hiếp. 

Những cáo buộc tương tự đã làm rung chuyển những người có tiếng tăm trong hầu hết mọi ngành công nghiệp từ Bollywood của Ấn Độ tới sân khấu opera của Italy cho đến các chính trị gia và những tập đoàn công nghệ khổng lồ. Mặc dù phong trào này lan rộng chậm ở châu Á, nhưng nó đã có được sức hút mạnh ở Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc – những nơi đều chứng kiến các vụ kiện cấp cao.

Một cuộc khảo sát của YouGov cho thấy hơn một phần tư phụ nữ ở Singapore đã trải qua các vụ quấy rối tình dục nhưng chỉ 56% đã báo cáo các sự cố. Tuy nhiên, không có luật cụ thể nào chống lại điều đó – thay vì các hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ khỏi Hành vi Quấy rối rộng hơn, hình phạt tối đa thường chỉ là 6 tháng tù và phạt tiền 5.000 USD.

Hành vi quay phim lén phụ nữ tăng cao ở Singapore trong thời gian gần đây.

Và trong khi Singapore được coi là một trong những nơi an toàn nhất thế giới với ít tội phạm bạo lực, các trường hợp lạm dụng tình dục đã tăng hơn 15% lên 1.632 vụ trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2019. Tấn công tình dục tăng từ 6 vụ trong năm 2016 lên 13 vụ vào năm 2019, nhưng số vụ hãm hiếp được Tòa án Nhà nước Singapore (một trong hai tầng của hệ thống tòa án ở Singapore, tầng khác là Tòa án Tối cao) ghi nhận giảm từ 4 vụ xuống còn 2 vụ trong cùng kỳ. Trong khi đó, hành vi hiếp dâm trong hôn nhân chỉ bị hình sự hóa ở Singapore trong năm 2020.

Những người ủng hộ Monica Baey nói rằng những tiết lộ của cô đã giúp phá vỡ một bức tường im lặng xung quanh hành vi sai trái về tình dục ở đất nước bảo thủ. Cô gái 24 tuổi đang theo học Đại học Quốc gia Singapore (NUS) danh tiếng, đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội vào năm 2019 để phản đối, cho rằng nam sinh viên quay phim lén cô đã nhận hình phạt quá… khoan dung. Nam sinh viên này chỉ nhận cảnh báo có điều kiện trong 12 tháng của cảnh sát để viết một bức thư xin lỗi và cũng chỉ bị đình chỉ trong một học kỳ - theo truyền thông địa phương.

Nhiều người cảm thấy câu chuyện của Monica Baey đã giúp thúc đẩy cuộc tranh luận công khai về vấn đề nhạy cảm, trong khi các trường đại học đã cố gắng đề ra các biện pháp để bảo vệ tốt hơn cho sinh viên nữ của họ. Về phía mình, NUS đã công khai lên tiếng về nạn quấy rối tình dục trong môi trường giáo dục đại học và khẳng định rằng nhà trường có lập trường không khoan nhượng đối với những nam sinh viên có hành vi lệch lạc. 

NUS hiện đưa ra hình phạt đình chỉ học tối thiểu 1 năm đối với các vi phạm nghiêm trọng và buộc thôi học ngay lập tức đối với các trường hợp nghiêm trọng. Mô phỏng VR của “Girls, Talk” và các chiến dịch kỹ thuật số khác đang tiếp tục phá vỡ những điều cấm kỵ và giúp mang lại tiếng nói cho phụ nữ. Nữ sinh viên Chin Hui Shan nói: “Nó đã làm tôi nhận ra rằng tôi phải đối mặt với vấn đề này”.

Phạt tù vì sở hữu 1.400 video phụ nữ và trẻ em gái

Người đàn ông 35 tuổi đã sử dụng smartphone và các thiết bị gián điệp của mình để thực hiện các hành vi lệch lạc trong nhà vệ sinh nữ và thay đổi phòng trong hơn 800 lần. Vụ việc của can phạm đã làm dấy lên những lời kêu gọi hành động nhiều hơn để thúc đẩy bình đẳng giới ở Singapore.

Đầu tháng 6/2020, người đàn ông 35 tuổi bị tuyên án 2 năm 3 tháng tù sau khi nhận tội bí mật quay gần 1.400 video bất hợp pháp liên quan đến phụ nữ và trẻ em (15 tuổi) trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2016 bằng smartphone, đồng hồ gián điệp và bút gián điệp. Vụ việc đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi chính quyền Singapore hành động nhiều hơn để thúc đẩy bình đẳng giới trong quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp.

Năm 2019, Singapore đã thông qua luật mới với mức án tù tối đa từ 2 đến 5 năm cho hành vi lạm dụng tình dục trực tuyến.

Vụ việc thu hút sự chú ý mạnh khi các nhóm quyền phụ nữ cảnh báo rằng bạo lực tình dục tại đất nước Singapore am hiểu công nghệ và có tỷ lệ tội phạm rất thấp, đã tăng vọt trong những năm gần đây. “Anh ta đã hối hận vì những gì mình đã làm. Anh ta quyết định chấp hành bản án của mình” - luật sư T.M. Sinnadurai nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại và nói thêm rằng bị cáo không có kế hoạch kháng cáo. 

Can phạm (người không thể được nêu tên một cách hợp pháp để bảo vệ danh tính các nạn nhân), đã chụp lén những bức ảnh phụ nữ trên phương tiện giao thông công cộng, và đặt máy quay lén bí mật trong nhà vệ sinh, vòi hoa sen và phòng thay đồ trong hơn 800 lần. Cuối cùng anh ta đã bị một nữ đồng nghiệp phát hiện vào năm 2016 sau khi anh ta cố gắng quay phim cô trong phòng tắm. Vụ việc dẫn đến việc anh ta bị bắt giữ. Công tố đã gọi trường hợp này là chưa từng có từ trước đến nay ở Singapore.

Từ Anh đến Đức và Hàn Quốc, đã có một loạt các vụ án trong những năm gần đây liên quan đến việc sử dụng những tiến bộ công nghệ vượt bậc để quấy rối hay tấn công tình dục phụ nữ. Những trường hợp này bao gồm quay phim bất hợp pháp, lan truyền hình ảnh khỏa thân hoặc chụp ảnh dưới quần áo của các cô gái và phụ nữ. Tại Singapore, những trường hợp như vậy tăng gần gấp 3 lần giữa những năm 2016 và 2018 - theo một nghiên cứu được công bố năm 2019 bởi nhóm ủng hộ bình đẳng giới Aware của Singapore.

Shailey Hingorani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Aware.

Shailey Hingorani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Aware, cho biết: “Các con số trong trường hợp này - số lượng dữ liệu mà thủ phạm đã tích lũy được hơn 13 năm - thật đáng kinh ngạc”. Hingorani kêu gọi chính quyền Singapore thành lập chương trình giáo dục giới tính toàn diện để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới: “Có bao nhiêu phụ nữ phải chịu tổn thương trước khi chúng ta thực hiện các bước cụ thể để dạy đàn ông nên có sự đồng cảm?”.

Năm 2019, Singapore đã thông qua luật mới nhắm mục tiêu lạm dụng tình dục trực tuyến - bao gồm cả hành vi khiêu dâm, chụp lén dưới váy phụ nữ và hình ảnh thân mật không được yêu cầu, hoặc “cyber flashing” (tội phạm liên quan đến việc gửi hình ảnh tục tĩu cho người lạ thông qua AirDrop. 

Thuật ngữ này cũng có thể áp dụng cho cùng một hành động được thực hiện hoàn toàn thông qua Bluetooth) - với mức án tù tối đa từ 2 đến 5 năm. Có một vài vụ án xảy ra năm 2019 ở Singapore, trong đó bao gồm vụ một sinh viên đại học quay phim lén trong phòng tắm và một số vụ bắt giữ liên quan đến hành vi phân phối hình ảnh khỏa thân trong một nhóm trò chuyện trực tuyến.

Di An (tổng hợp)
.
.