Số phận của những người Rohingya ở Myanmar đi về đâu?

Thứ Tư, 06/09/2017, 11:10
Xung đột giữa quân đội Myanmar và nhóm quân nổi dậy có vũ trang sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi gia tăng cường độ trong những ngày qua tại bang Rakhine, phía tây Myanmar. 104 người bị thiệt mạng và hơn 18.000 người Rohingya phải chạy lánh nạn.

Người Rohingya không được Chính phủ Myanmar thừa nhận và cho rằng họ chỉ là những người di cư từ Bangladesh nhưng bản thân Bangladesh cũng không coi họ là công dân nước này. Những thường dân Rohingya đang bị mắc giữa nhiều làn đạn.

Xung đột giữa quân đội Myanmar và Lực lượng Cứu nguy Arakan Rohingya (ARSA) không phải mới diễn ra mà âm ỉ từ lâu rồi thi thoảng lại bùng phát thành bạo lực. Mới đây hôm 25-8, lực lượng nổi dậy người Rohingya liên tiếp mở các cuộc tấn công vào hơn 20 chốt biên phòng ở bang Rakhine, sát biên giới với Bangladesh. Quân đội và cảnh sát đã cùng chiến đấu chống quân nổi dậy người Rohingya.

Giao tranh trong những ngày qua đã khiến hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 80 chiến binh nổi dậy. Nhà chức trách Myanmar đánh giá là đây vụ bạo lực khiến nhiều người thiệt mạng nhất từ nhiều tháng qua ở nước này. Ngày 29-8, Bangladesh ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ quân sự giúp Myanmar chống lại lực lượng nổi dậy người Rohingya.

Chiến sự lan rộng khiến thường dân Rohingya ồ ạt vượt biên qua Bangladesh lánh nạn. Ngày 30-8, Tổ chức Di dân Quốc tế (OIM ) thông báo là đã có ít nhất 18.500 người, chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya vượt biên sang tị nạn bên Bangladesh kể từ khi nổ ra các trận giao tranh giữa quân nổi dậy Rohingya với quân đội Myanmar ngày 25-8. Lo ngại các trại tị nạn trở nên quá tải, ngày 26-8, chính quyền Bangladesh tuyên bố không nhận thêm người Rohingya vào nước này, vì hiện đã có khoảng 400.000 người Myanmar sống tại Bangladesh.

Theo trang Prothom Alo, Bộ Ngoại giao Bangladesh đã triệu ông Aung Myint, quan chức ngoại giao Myanmar tại Dhaka, để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về những sự kiện mới diễn ra, đồng thời yêu cầu chính quyền Naypyidaw có những biện pháp chấm dứt nhanh chóng làn sóng người Rohingya tràn sang Bangladesh. Một phát ngôn viên của OIM nói thêm hiện còn nhiều người tị nạn đang kẹt lại ở biên giới, nhưng họ không biết chính xác là bao nhiêu.

Đoàn người Rohingya vượt biên giới sang Banladesh trốn chạy xung đột bạo lực ngày 26-8.

Hiện có khoảng 1,1 triệu người Rohingya sinh sống tại bang Rakhine. Họ là những người vô tổ quốc, không được xem là công dân Myanmar, mà chỉ là người Bengali gốc Bangaldesh nhập cư trái phép. Nhưng Bangaldesh cũng xem người Rohingya là những người nhập cư trái phép và thường không cho họ sang tị nạn.

Trong khi đó Liên Hiệp Quốc lo ngại những thường dân của sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo đang trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực trong những ngày qua ở bang Rakhine. Đầu tuần này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ra thông cáo tỏ “lo ngại sâu sắc” với số phận của những thường dân Rohingya, trong các vụ xung đột tại bang Rakhine. Đồng thời Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bangladesh cố gắng hơn nữa trợ giúp những người phải chạy trốn bạo lực mà trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em.

Vào tuần trước, một ủy ban quốc tế, đứng đầu là cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã kêu gọi chính quyền Myanmar nên cho thiểu số Rohingya được hưởng thêm nhiều quyền, nếu không thì có nguy cơ là ngày càng có nhiều người thuộc cộng đồng này trở nên cực đoan. Ủy ban Annan được thành lập vào năm ngoái chính là theo yêu cầu của bà Aung San Suu Kyi.

Báo cáo của ủy ban này đề nghị chính quyền đóng cửa toàn bộ các trại tạm cư, hiện đang có tổng cộng 120.000 người Rohingya tản cư, ở bang Rakhine và cho họ một nơi ở đàng hoàng hơn. Nhưng trong báo cáo, Ủy ban Kofi Annan đã tránh dùng chữ “Rohingya”, một từ vẫn là cấm kỵ ở Myanmar. Điều này cho thấy là không dễ gì giải quyết được vấn đề Rohingya và như vậy là thường dân của cộng đồng thiểu số này sẽ còn tiếp tục kẹt giữa hai làn đạn.

Giới quan sát quốc tế cho rằng cuộc khủng hoảng sắc tộc này ngày càng làm lu mờ hình ảnh giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi, lãnh đạo đối lập chủ chốt ở Myanmar, Nghị sĩ Quốc hội, một chính trị gia vốn rất năng nổ trong các vấn đề trong nước và quốc tế, từ đầu cuộc khủng hoảng đã giữ im lặng một cách khó hiểu. Theo giới quan sát, dù là bàng quan, hay thực dụng thì thái độ lảng tránh như vậy sẽ làm sứt mẻ nhiều uy tín chính trị của nhà đối lập hàng đấu Myanmar này trước quốc tế.

Theo báo chí Pháp, từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, bà Suu Kyi vẫn đều đặn dự các phiên họp Quốc hội tại Naypyidaw và bà vẫn không mảy may bày tỏ quan điểm hay lên tiếng đề nghị chính quyền về vấn đề người Rohingya. Duy nhất là hôm 19-5, khi trả lời báo chí, nhà đối lập phát biểu ngắn gọn rằng “chính phủ phải giải quyết vấn đề này”.

Thái độ dè dặt, hay có thể gọi là né tránh như vậy của nhà đối lập hàng đầu Myanmar đã khiến nhiều người cảm thấy không hiểu điều gì đã thay đổi trong biểu tượng dân chủ ở Myanmar, người từng hy sinh cuộc sống bản thân, đấu tranh vì những giá trị nhân bản cao quý.

Theo giải thích của báo Pháp, dù rằng bà Suu Kyi đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2015, nhưng bà lại ở trong tình thế tế nhị trong quan hệ với bên quân đội vì phe này mặc nhiên kiểm soát 25% số ghế tại Quốc hội và nắm giữ 3 bộ chủ chốt. Chính quân đội đã lôi kéo bà vào trong tiến trình chuyển tiếp, qua đó, buộc bà phải chia sẻ trách nhiệm, đồng thời có thể gây áp lực và kiểm soát giải Nobel Hòa bình.

Mặt khác, theo tờ Libération, bà Aung San Suu Kyi không hề là một người chống quân đội, mà luôn tỏ ra khâm phục quân đội được coi là định chế duy nhất bảo đảm sự thống nhất đất nước.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.