Somalia: Tổ chức Bác sĩ không biên giới ngừng hoạt động vì lý do an ninh

Thứ Tư, 04/09/2013, 16:35

Bác sĩ không biên giới (MSF) là tổ chức quốc tế phi chính phủ từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1999 vì những hoạt động thiện nguyện tại các vùng bị thiên tai, xung đột kéo dài. Sau 22 năm nỗ lực hoạt động tại Somalia, vừa qua, MSF đã tuyên bố ngừng hoạt động tại đất nước này khi mà họ không có nổi những điều kiện tối thiểu để cứu chữa bệnh cho người dân do tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng.

Buộc phải ra đi

Thông thường, MSF là tổ chức thiện nguyện uy tín cuối cùng rời khỏi vùng có chiến sự, bất chấp tình hình bạo lực tại đó gia tăng và giới chức thiếu tôn trọng lực lượng viện trợ nhân đạo. Nhưng lần này, sự rút lui của MSF khỏi Somalia cho thấy rõ những y tá, bác sĩ dũng cảm và tận tụy tại đất nước này đã không còn đủ kiên nhẫn để làm việc trong điều kiện sống và làm việc vô cùng khổ sở và nguy hiểm.

Không những thế, sự rút lui này khiến cộng đồng hoạt động nhân đạo quốc tế quan tâm và nể phục trước sự làm việc âm thầm trong môi trường vô cùng khắc nghiệt của các nhân viên cứu trợ trong suốt 22 năm qua.

Sự kiện này còn là cú đánh mạnh vào uy tín của chính phủ được quốc tế hậu thuẫn ở thủ đô Mogadishu. Chủ tịch MSF, ông Unni Karunakara, chia sẻ với các phóng viên: "Việc chúng tôi chấm dứt các hoạt động y tế là kết quả trực tiếp của các cuộc tấn công cực đoan nhằm vào đội ngũ nhân viên của chúng tôi, trong một môi trường mà các nhóm vũ trang và các lãnh đạo dân sự ngày càng ủng hộ, dung túng, hoặc bỏ qua việc giết hại, hành hung và bắt cóc các nhân viên cứu trợ nhân đạo".

Chủ tịch MSF cho biết thêm rằng, càng ngày rủi ro đến với họ càng nhiều và điều kiện cứu chữa bệnh cho người dân càng thu hẹp lại do những thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc men, dụng cụ y tế. Và khi hoạt động trong những vùng luôn biến động như Somalia thì tôn chỉ trung lập của tổ chức sẽ không còn được giữ vững.

Người dân Somalia nghèo khổ sẽ ra sao khi không còn sự giúp đỡ của Tổ chức Bác sĩ không biên giới?

Theo ông Karunakara, việc dừng hoạt động là một quyết định vạn bất đắc dĩ của MSF tại Somalia, bởi MSF đã bị đặt ở mức nguy hiểm chưa từng có. Tháng 10/2011, 2 nhân viên MSF bị bắt cóc từ trại tị nạn Dadaab ở Kenya. Hai tháng sau, 2 nhân viên khác của tổ chức bị giết hại ở Mogadishu. Đáng nói hơn, thủ phạm của vụ giết hại này đã được thả tự do ngay sau đó mà không hề có một lời tuyến bố hay giải thích nào.

Gần đây nhất là vụ việc 2 nữ nhân viên làm công tác hậu cần người Tây Ban Nha bị bắt cóc vừa được trả tự do vào tháng trước sau 21 tháng bị giam giữ ở Somalia.

Từ năm 1991 đến nay, đã có 16 nhân viên của MSF bị sát hại tại Somalia. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi có lẽ cũng không đánh gục được MSF ở Somalia. Nguyên nhân khiến họ phải đưa ra quyết định đau lòng chính là hàng chục cuộc tấn công với quy mô lớn nhằm vào nhân viên, xe cứu thương và các cơ sở y tế của MSF.

Ông Karunakara đưa ra kết luận rằng: "Sự tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo, vốn luôn là một điều rất mong manh trong các vùng xung đột, giờ đây đã không còn tồn tại ở Somalia. Chúng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa".

Hệ quả nặng nề

Đất nước Somalia - một nước kiệt quệ vì xung đột kéo dài, là tâm điểm của những rối loạn tại vùng Sừng châu Phi với những người dân nghèo đói và bệnh tật rồi sẽ ra sao khi không còn sự giúp đỡ của tổ chức MSF? Vai trò vô cùng quan trọng của MSF trong việc khám chữa bệnh cho người dân Somalia là không thể phủ nhận. Hơn 1.500 nhân viên hoạt động viện trợ nhân đạo của MSF đã và đang cung cấp nhiều dịch vụ y tế khác nhau trên khắp đất nước Somalia. Chỉ tính từ năm ngoái đến nay, MFS đã cứu chữa cho hơn 300.000 người dân Somalia bị bệnh tật hành hạ. Không còn MSF, trước mắt Somalia gần như không còn một tổ chức y tế nào có thể đứng ra đảm đương việc chăm lo sức khỏe cho người dân.

Việc đóng cửa các hoạt động y tế của MSF ở ít nhất 11 địa điểm - trong đó có cả cơ sở duy nhất có dịch vụ chăm sóc trẻ em chuyên sâu tại thủ đô Mogadishu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người Somalia nghèo khổ. Đa phần những địa điểm này không thuộc sự kiểm soát của chính quyền trung ương, và như vậy có nghĩa là cuộc sống của người dân những khu vực đó sẽ vô cùng nguy hiểm. MSF cũng chấm dứt hoạt động ở các khu vực chịu sự kiểm soát của những phần tử cực đoan Shebab, những người này đã từng cho phép MSF làm việc trong khi cấm vận mọi cơ quan cứu trợ quốc tế khác.

Nhưng ngay khi MSF tuyên bố rút lui, những tay súng Shebab đã đột kích và chiếm khu trại của họ tại ở Dinsor. Một nhân viên người địa phương của MSF đề nghị được giấu tên thuật lại: "Những tay súng Shebab xông vào, ra lệnh cho tất cả các nhân viên phải rời đi, rồi họ lấy tất cả mọi thứ, kể cả máy làm việc cá nhân".

Theo ông Karunakara, các nhóm vũ trang muốn xâu xé nguồn ngân quỹ tài trợ vốn đã thiếu thốn của MSF, và sự dung túng cho hành động bất lương này của các lãnh đạo dân sự đã cướp đi cơ hội nhỏ nhoi được chăm sóc y tế của người dân Somalia"

Huyền Châm (tổng hợp)
.
.