Cuộc chiến kiểm soát súng ở Mỹ:

Sự thất bại dai dẳng của nền chính trị thực dụng nhất thế giới

Thứ Sáu, 19/08/2016, 19:10
Hàng chục ngàn người chết vì súng mỗi năm, trong đó có nhiều trẻ em, vẫn chưa đủ làm thức tỉnh những cái đầu “lạnh tanh” của nước Mỹ. Họ có thể xúc động rơi lệ trước cái chết của những đứa trẻ vô tư, nhưng khi các nhà vận động cấm vũ khí sát thương yêu cầu họ bỏ phiếu, lập tức họ bỏ phiếu chống lại ngay. Đó là một sự thất bại dai dẳng của nền chính trị chuyên nghiệp và thực dụng bậc nhất thế giới trước vấn nạn bạo lực súng đạn.

Vấn nạn đặc thù của xã hội Mỹ

Theo thống kê của Cơ quan kiểm soát dịch bệnh và tội phạm Mỹ (CDC), trung bình mỗi năm ở Mỹ có khoảng 33.500 người chết vì súng đạn, tương đương số người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó, hơn 10.000 người bị bắn chết, khoảng 20.000 người tự sát bằng súng. Tổng cộng có đến gần 100.000 người Mỹ sẽ chết hoặc bị thương vì súng.

Nói cách khác, tỉ lệ người Mỹ chết vì súng đạn chiếm gần 11 trên 100.000 dân. Cứ trung bình 15 phút ở Mỹ có 1 người chết vì súng đạn. Ngay cả những quốc gia được cho là nguy hiểm nhất, có chiến tranh và thương vong cao, nhưng con số dân thường chết vì súng đạn cũng còn thấp hơn nhiều.

Chẳng hạn như Iraq, nơi bạo lực súng đạn và cả bom kéo dài dai dẳng, con số thương vong tính bình quân mỗi năm chưa bằng môt nửa, còn năm cao nhất (2006-2007) cũng chưa đến con số 30.000. Hay Syria, nơi đang diễn ra cuộc nội chiến giữa phiến quân nổi dậy và quân đội chính phủ, và cuộc chiến chống IS, số thương vong vì súng, đạn, bom mỗi năm cũng không bằng một nửa ở Mỹ.

Tổng thống Barack Obama rơi nước mắt khi nói về thảm họa súng đạn ở Mỹ và kêu gọi người dân chung tay kiểm soát súng.

Bạo lực súng đạn được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm những vụ bắn giết, thanh toán nhau bằng súng giữa các nhóm thanh thiếu niên, những vụ xả súng giết người hàng loạt của những kẻ bệnh hoạn, những vụ tự sát bằng súng, và cả bạo lực gia đình. Nhưng khi nói đến bạo lực súng đạn ở Mỹ, người ta lại thường chỉ nói đến xả súng giết nhiều người. Đây cũng là một hiện tượng mang tính đặc thù của Mỹ, và hiện tượng đó đang trở nên đáng báo động.

Ngày nay, khi nói đến xả súng hàng loạt ở Mỹ, giới chính khách và các nhà vận động kiểm soát súng thường nhắc đến vụ xả súng tại Trường Tiểu học Sandy Hook, không chỉ vì mức độ nghiêm trọng, số lượng thương vong cao, mà còn vì đây là vụ việc gây chấn động lớn ở nước Mỹ, được xem như là một vụ thảm sát, và xảy ra ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, người có nhiều nỗ lực thúc đẩy việc kiểm soát súng.

Theo báo cáo của cảnh sát, vụ xả súng này có đến 20 học sinh lớp 1 (độ tuổi 6-7 tuổi) thiệt mạng, cùng với 7 giáo viên và trợ giáo. Hung thủ tên Adam Lanza cũng tự sát bằng một phát đạn vào đầu. Cảnh sát cho biết, trước khi đến Trường Sandy Hook gây ra thảm án, Lanza đã bắn chết mẹ mình tại nhà ở cách trường không xa.

Người ta thống kê, trong 3 năm rưỡi kể từ sau vụ Sandy Hook, ở Mỹ đã xảy ra 1.000 vụ bắn giết bừa bãi, trong đó xả súng nơi công cộng gây thương vong lớn là 19 vụ. Và vụ Sandy Hook cũng là một trong những sự kiện đáng buồn trong lịch sử súng đạn của nước Mỹ. Đó là vụ xả súng học đường tồi tệ nhất, làm chết nhiều người nhất, chủ yếu là học sinh nhỏ tuổi.

Kể từ vụ xả súng tại Trường Tiểu học Cleveland tháng 1-1989 (chết 5 học sinh lớp 1), đến vụ xả súng tại Trường Trung học Littleton năm 1999 (chết 13 người, 20 người bị thương), sang đầu thế kỷ XXI liên tục xảy ra các vụ xả súng nghiêm trọng, như vụ Virginia Tech vào năm 2007 làm chết 32 người và bị thương 17 người; vụ tấn công gần Đại học California tại Santa Barbara vào năm 2014 làm chết 6 học sinh và bị thương 14; đến vụ bắt giết tại trường Đại học Cộng đồng Umpqua ở Roseburg, bang Oregon, vào năm 2015 làm chết 9 người, bị thương 9. Danh sách còn dài nữa.

Với người Mỹ, súng là vật sở hữu “bất ly thân”.

Sau vụ xả súng tại Trường Tiểu học Sandy Hook, đích thân Tổng thống Obama đã đến hiện trường để an ủi, động viên gia đình các nạn nhân xả súng. Chứng kiến nỗi đau vì mất con của các bậc phụ huynh Trường Sandy Hook, Tổng thống Obama đã quyết tâm phải “làm cái gì đó” để thay đổi tình trạng bạo lực súng đạn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng này.

Và khi chứng kiến vụ xả súng tại một hộp đêm ở Orlando hồi tháng 6-2016 giết chết 49 người do một tay súng tự xưng là có liên hệ với IS thực hiện, một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao điều này cứ tiếp tục xảy ra?”.

Loay hoay tìm giải pháp

Có một câu chuyện khá khôi hài được báo chí Mỹ nêu ra, trong đó người ta lấy điển hình Australia ra để làm “tấm gương” và muốn nước Mỹ cũng làm theo. Khôi hài là bởi vì quy mô sử dụng súng của người Australia quá nhỏ so với Mỹ, số lượng vụ việc liên quan đến súng và số nạn nhân tử vong vì súng cũng quá nhỏ so với Mỹ.

Câu chuyện ở Australia bắt đầu từ vụ việc một gã đàn ông đang trong tâm trạng bực tức mang một khẩu súng trường AR-15 đi vào điểm di tích lịch sử đang có đông khách tham quan vào năm 1996, xả súng vào quán cà phê và cửa hàng bán quà lưu niệm trong khuôn viên di tích làm 35 người chết, 19 người nguy kịch. Ngay sau đó, các lãnh đạo bảo thủ của Australia lập tức đẩy nhanh việc cải cách luật về súng đạn.

Một trong những điểm mới quan trọng trong việc cải cách luật đó là nhà nước bỏ tiền ra thu mua trở lại 600.000 khẩu súng trường bán tự động và các loại súng trường khác. Những khẩu súng này sau đó được mang đi nấu chảy để lấy kim loại. Tổng cộng, Chính phủ Australia đã thu hồi và tiêu hủy khoảng một triệu khẩu súng như thế. Và cũng từ đó, tình trạng xả súng bừa bãi ở Australia giảm hẳn, hầu như không còn nữa.

Trong khi đó, nước Mỹ có số lượng súng các loại lưu hành trong dân chúng cao nhất thế giới, và cho đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ sau mỗi lần xảy ra một vụ xả súng. Cuộc tranh cãi dai dẳng ở nước Mỹ hiện nay không phải để làm sao chấm dứt được tình trạng sở hữu súng đạn tràn lan, để làm sao chất dứt những vụ bắn giết hàng loạt, mà chủ yếu người ta tranh cãi làm thế nào để ngăn chặn các vụ xả súng hàng loạt để giảm bớt số thương vong.

Liệu một luật mới về súng có giúp giảm được các vụ xả súng như thế hay không? Giới chuyên môn cho rằng, tập trung quá nhiều sự quan tâm vào các vụ xả súng được báo chí đăng trên tin tức hằng ngày cũng là một điều không tốt. Vấn nạn súng của Mỹ không chỉ có xả súng.

Súng trường tấn công đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng nước Mỹ, cho dù bản thân loại súng này chỉ tham gia vào 3% số vụ bắn giết. Từ khi nước Mỹ ban hành luật cấm vũ khí tấn công vào năm 1994 (hết hiệu lực vào năm 2004), rồi sau đó là luật quy định về khai báo nhân thân người sở hữu súng, tranh cãi xung quanh vấn đề sở hữu súng chưa bao giờ dứt.

Người ta tranh cãi về nhiều khía cạnh liên quan đến súng, như quyền sở hữu súng đã được Hiến pháp quy định, tranh cãi về những quy định pháp luật hạn chế việc sử dụng súng, như cấm sử dụng súng trường tấn công, về mức độ hạn chế kích cỡ băng đạn, về những thủ tục bắt buộc người sở hữu súng phải tuân thủ,… Kẻ ủng hộ, người phản đối.

Chung quy những người ủng hộ việc hạn chế súng đạn đứng trên lập trường cho rằng việc sử dụng súng tràn lan và kích cỡ băng đạn không hạn chế là nguyên nhân hàng đầu gây ra số thương vong cao vì súng đạn mỗi năm. Điều này về cơ bản đúng. Nhưng đi tìm nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ bắn giết hàng loạt là một việc tốn nhiều thời gian. Xã hội Mỹ đầy rẫy những bất công, kỳ thị màu da.

Các nạn nhân vụ thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook gây chấn động nước Mỹ.

Ngay vào thời điểm hiện tại, ở thành phố Milwaukee, bang Connecticut, người dân biểu tình rầm rộ để phản đối tình trạng cảnh sát da trắng bắn giết người da đen. Súng được sử dụng như một phương tiện cưỡng chế bảo vệ pháp luật, để trấn áp tội phạm, đồng thời súng cũng gây ra tội ác gây phẫn nộ trong xã hội. Một nhà vận động kiểm soát súng nói rằng, ngay cả các tổ chức vận động kiểm soát súng hàng đầu nước Mỹ, khi nói đến việc cấm vũ khí tấn công cũng phản đối, vì quan điểm của họ là không phải cấm, mà phải làm sao “giảm số thương vong”.

Sự thất bại của nền chính trị

Một danh hài Mỹ, Samantha Bee, đã đặt câu hỏi: Vì sao hết thành phố này đến thành phố khác của Mỹ đều phải chứng kiến những vụ xả súng gây chết người hàng loạt? Một trong những lý do được mang ra để lý giải, đó là luật về súng của Mỹ quá lỏng lẻo, nếu không nói là thiên vị hẳn cho những nhà sản xuất súng. Nếu thật sự muốn dẹp nạn bạo lực súng đạn, nước Mỹ hẳn sẽ làm được, và họ không phải không có giải pháp.

Vấn đề là họ không muốn làm thế. Cả nền chính trị của nước Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến chống lại thảm kịch do súng gây ra hằng năm. Dường như có một lằn ranh bất di bất dịch đã ngăn họ vượt qua khi bàn đến chuyện cấm sử dụng súng trường tấn công hay hạn chế kích cỡ băng đạn.

Những người vận động kiểm soát súng ở Mỹ chua chát thừa nhận rằng, sự thất bại của nước Mỹ trong vấn đề này không chỉ do người Mỹ quá coi trọng quyền sở hữu súng của cá nhân, mà còn vì một lý do hết sức quan trọng khác mà không nói ra ai cũng biết: Đó là lợi ích của ngành công nghiệp vũ khí ở Mỹ quá lớn, và giới chủ sản xuất vũ khí có những người bạn, những người đại diện cho lợi ích nhóm của họ trong Quốc hội Mỹ.

Tổng thống Bill Clinton từng là người tiên phong kiểm soát súng ở Mỹ. Năm 1994, ông đã thúc đẩy Quốc hội thông qua Luật Cấm vũ khí tấn công. Thế nhưng, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm đó, đảng Dân chủ của ông thất cử, đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội, cuộc chiến kiểm soát súng bắt đầu trở nên khó khăn hơn.

Các nhóm vận động kiểm soát súng lánh xa dần việc cấm vũ khí tấn công, đơn giản vì quá khó. 10 năm sau, tuy số vụ phạm tội liên quan đến súng trường tấn công có giảm đi nhưng rốt cuộc quyết tâm chính trị để kiểm soát việc sở hữu súng đã thất bại, với việc Luật Cấm vũ khí tấn công bị chấm dứt hiệu lực vào năm 2004, dưới chính quyền của Tổng thống George W. Bush, người thân thiện với giới công nghiệp sản xuất súng và chống luật kiểm soát súng.

Đến thời Tổng thống Obama, ý tưởng về việc cải cách luật về súng đạn đã được khơi dậy sau khi ông Obama chứng kiến vụ thảm sát học sinh tại Trường Tiểu học Sandy Hook. Nhưng những nỗ lực của ông Obama cho đến nay xem ra vẫn chưa đưa đến một kết quả cụ thể nào. Thế giới vẫn chưa quên những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới khi ông phát biểu trước công chúng Mỹ kêu gọi mọi người cùng hành động để chống lại nạn bạo lực súng đạn hồi đầu tháng 1-2016.

Cả nước Mỹ xúc động trước bài phát biểu quá thuyết phục và những giọt nước mắt trước công chúng của ông. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại đó. Ngay bên trong nội bộ Nhà Trắng cũng không hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Obama trong vấn đề này.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng kêu gọi kiểm soát súng tốt hơn. Nhưng, các cố vấn của bà Clinton cũng không quên cảnh giác bà, chuyện súng đạn là chuyện rất gay cấn và rất khó, không khéo nó làm hỏng đại cuộc của bà như chơi.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.