Sự thật về công ty Blackwater qua một vụ hối lộ

Thứ Hai, 23/11/2009, 15:25
Từ khi Mỹ tấn công Afghanistan và chiếm đóng Iraq tới nay, với vai trò là một công ty tư nhân chuyên đào tạo và huấn luyện chiến thuật, bảo đảm an ninh, cái tên Blackwater đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân hai nước này qua hàng loạt các vụ bê bối nhưng vẫn được quân đội và Chính phủ Mỹ ưu ái. Điều tra mới nhất của báo The New York Times đã cho thấy thêm điều đó.

Trong bài báo trên tờ The New York Times ngày 10/11 vừa qua, Blackwater bị phanh phui vụ đưa hối lộ lớn cho các quan chức Iraq. Các lãnh đạo Blackwater đã ra lệnh công ty này đưa 1 triệu USD cho các quan chức Iraq nhằm "bịt miệng" họ và mua chuộc sự ủng hộ sau vụ các nhân viên bảo vệ của Blackwater bắn chết 17 thường dân ở Quảng trường Nisour, Baghdad tháng 9/2007. Vụ này do chính các cựu quan chức của Blackwater tố cáo.

Vụ bắn giết nói trên gây nên sự phẫn nộ đối với người dân Iraq. Blackwater lo ngại vụ bắn giết này sẽ sớm đưa họ về nước, thiệt hại từ các hợp đồng với Bộ Ngoại giao Mỹ lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm, nên đã bật đèn xanh cho kế hoạch mua chuộc các quan chức Iraq. Thật đáng ngạc nhiên là sau đó, điều tra của các quan chức Mỹ và Iraq kết luận rằng vụ bắn giết đó là không có chủ ý.

4 cựu nhân viên của Blackwater (được báo The New York Times giữ bí mật) cho biết Chủ tịch Blackwater lúc đó, ông Gary Jackson đã chấp thuận một khoản hối lộ và khoản tiền này được chuyển từ văn phòng của Blackwater tại Amman, Jordan tới Iraq qua tay của Rich Garner, quan chức điều hành Blackwater tại Iraq.

Từ trái sang: cựu Chủ tịch Gary Jackson, cựu Phó Chủ tịch Cofer Black và người sáng lập Erik Prince.

Cofer Black, Phó chủ tịch Blackwater thời điểm đó cho biết ông đã nghe nói đến kế hoạch mua chuộc các quan chức Iraq khi đến nước này thảo luận việc đền bù cho các gia đình có nạn nhân bị bắn.

Biết được kế hoạch mua chuộc này, ông Black đã trở về Mỹ chất vấn Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Blackwater, ông Erik Prince, ông này bác bỏ vấn đề nêu ra. Sang năm 2008, ông Black từ chức.

Số tiền mua chuộc được giao cho các quan chức tại Bộ Nội vụ Iraq, cơ quan ra quyết định cấp phép hoạt động cho Blackwater. Hiện Rich Garner vẫn còn làm cho Blackwater nhưng ông này đã không lên tiếng về cáo buộc này. Hiện chưa rõ là ông có liên quan đến vụ hối lộ này hay không hay chỉ đơn giản là làm nhiệm vụ giao tiền.

Các quan chức hiện điều hành Blackwater đều bác bỏ cáo buộc này. Riêng ông Black thì không tiếp chuyện phóng viên The New York Times. Ông cựu Chủ tịch Jackson thì cho rằng "không quan tâm" đến vụ việc mà báo này nêu. Trong khi, hầu hết các cựu quan chức của Blackwater xác nhận rằng chính các ông chủ của Blackwater đã tạo ra một "văn hóa cao bồi" khiến Blackwater coi thường luật pháp và quy định của chính phủ và trên hết là họ lại được Nhà Trắng dung dưỡng.

Nhân viên của Công ty Blackwater tiếp tục có mặt tại IraqAfghanistan.

Tháng 3/2009, Iraq đã ngừng cấp phép hoạt động cho Blackwater, đến tháng 5/2009, Bộ Ngoại giao Mỹ đã "dứt sữa" với công ty này bằng việc đưa  Công ty Triple Canopy vào thế chỗ. Thế nhưng hiện nay, Blakwater vẫn tiếp tục có mặt tại Iraq với một hợp đồng mới 200 triệu với chính phủ của Tổng thống Obama.

Đối với người dân Iraq, sự hiện diện của Blackwater cho thấy đất nước họ vẫn chưa có chủ quyền thật sự và dấu hỏi là những tội ác của Blackwater cho đến nay vì sao vẫn được Nhà Trắng bỏ qua. Những hệ lụy của họ gây ra tại Iraq tiếp tục đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Thật vậy, Blackwater đã gắn liền với tình trạng vô trật tự và cả tội ác trong bộ máy chiến tranh của Mỹ. Công ty này đã gây ra hàng loạt vụ bắn giết thường dân Iraq và Afghanistan trong khi nhiều nhân viên của công ty này cho biết người sáng lập Công ty Erik Prince "tự xem mình là chiến binh của Thập tự chinh nhằm loại trừ người Hồi giáo ra khỏi địa cầu này". Ngoài ra còn có hàng loạt vụ mua chuộc các quan chức IraqAfghanistan.

Những vụ bê bối của Blackwater thật khó liệt kê hết. Vào đêm Giáng sinh 2006, một nhân viên của Blackwater say rượu đã bắn chết một bảo vệ người Iraq ngay trong vùng Xanh ở Baghdad. Lúc đầu Đại sứ quán Mỹ đề nghị Blackwater đền 250.000 USD nhưng công ty này tranh cãi rằng số tiền đó quá lớn, dễ khiến người Iraq khiêu khích để bị bắn chết và người thân của họ sẽ nhận tiền. Vì vậy, số tiền đền bù sau đó giảm còn 15.000 USD.

Đỉnh điểm là vụ các nhân viên bảo vệ của Blackwater bắn chết 17 thường dân ở Quảng trường Nisour. Chính phủ Iraq từng yêu cầu Blackwater đền bù mỗi gia đình nạn nhân 8 triệu USD. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Mỹ, đại diện cho Blackwater chỉ đền bù mỗi gia đình nạn nhân từ 10.000 USD tới 12.500 USD.

Liên quan đến vụ này, 5 nhân viên của Blackwater chuẩn bị ra trước tòa án liên bang vào năm 2010 với cáo buộc đã "ngộ sát" 14 người dân vô tội Iraq

Trương Minh (tổng hợp)
.
.