Súng Mỹ và thảm họa đẫm máu ở Mexico

Thứ Tư, 26/01/2011, 20:15
Trong vòng 4 năm qua, cuộc chiến ma túy đẫm máu ở Mexico đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người - một con số kinh hoàng, còn hơn cả chiến trường Iraq những năm cao điểm. Đóng góp không nhỏ vào thảm họa đó là hàng trăm ngàn khẩu súng được sản xuất tại Mỹ.

Cho đến nay, Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu súng sang Mexico nhưng cho đến nay cơ quan này bất lực vì “đấu” không nổi với các nhà sản xuất súng quá mạnh ở Mỹ.

"Thiên đường" của súng

Ở Mỹ có một câu nói thế này: "Không có bang nào cung cấp súng bị tịch thu nhiều bằng bang Texas. Ở bang đó, không có thành phố nào cung cấp nhiều súng liên quan đến tội phạm ở Mexico bằng thành phố Houston. Và ở thành phố giàu dầu mỏ này cũng chẳng có nhà buôn súng nào có thể sánh bằng ông trùm Bill Carter".

Năm nay 76 tuổi, Carter quả thực là tay lái súng cự phách nhất nước Mỹ, đứng trên hàng chục ngàn người. Ông ta quản lý một chuỗi cửa hàng bán buôn và bán lẻ súng mang bảng hiệu Carter's Country gồm 4 cái ở thành phố Houston (Texas) và 1 cái ở California, cùng với 4 cửa hàng bán lẻ trong thung lũng Rio Grande.

Thế lực của "ông trùm" Carter là điều không cần bàn cãi. Chuỗi cửa hàng Carter's Country của ông ta từng dính vào nhiều vụ buôn bán súng trái phép (bán cho đối tượng buôn lậu xuyên biên giới) nhưng Carter vẫn ung dung không hề hấn gì. Sau nhiều lần bị phiền toái vì các vụ kiện tụng liên quan đến súng do mình bán, năm 2003, Carter đã chi một khoản tiền cho các nhà vận động hành lang để thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua luật mới nhằm bảo vệ những thông tin "bí mật" của các nhà buôn súng.

Còn Texas là bang có nhiều cửa hàng bán súng nhất: có đến 3.800 cửa hàng bán lẻ súng, riêng Houston có đến 300 cái. Và trong 12 cửa hàng bán buôn súng hàng đầu nước Mỹ thì có đến 8 cái nằm ở bang này, trong đó có 2 cái mang bảng hiệu Carter's Country của ông trùm Carter.

Ngoài Carter's Country, Houston còn có vài cửa hàng lớn nổi tiếng khác như Academy Sports and Outdoors, Collectors Firearms và J&G. Với số lượng cửa hàng súng đông đúc ấy, sự cạnh tranh khiến cho giá bán súng ở thành phố Houston nói riêng và bang Texas nói chung rẻ hơn nhiều so với các địa phương khác dọc biên giới Mỹ-Mexico. Do đó, thành phố Houston, bang Texas cũng nghiễm nhiên trở thành "thiên đường" của súng, được bọn tội phạm ma túy ở Mexico chọn là nguồn cung cấp súng hàng đầu của chúng.

Nói chung, dù ở Texas hay là tiểu bang nào của nước Mỹ, ngành sản xuất và buôn bán súng đều được xem là hợp pháp và được luật pháp bảo vệ. Luật pháp kiểm soát súng của Mỹ chỉ chế tài đối với những trường hợp tội phạm dùng súng và sử dụng súng không được cấp phép, những đối tượng không được phép sở hữu súng mà dùng súng, và cả những người bán súng cho đối tượng không được phép sở hữu súng cũng bị bắt phạt, có khi phải ở tù. Nhưng hiếm khi có chuyện những người buôn bán súng ở Mỹ bị bắt. Thường chỉ có các tay cò mua bán súng lẻ tẻ bị "hy sinh" thay cho các ông trùm lớn, có thế lực mạnh, như "ông trùm" Carter nêu trên.

Hàng chục ngàn khẩu súng của Mỹ rơi vào tay bọn tội phạm Mexico đã được thu hồi.

Đường đi của súng

Với một "thiên đường súng đạn" nằm ngay sát biên giới thì chuyện súng Mỹ trở thành "vấn nạn quốc gia" của Mexico là điều ai cũng biết và ai cũng thấy qua những vụ án giết người như cơm bữa trên các đường phố ở Ciudad Juarez (bang Chihuahua), Culiacan (bang Sinaloa) và ngay cả ở thủ đô Mexico City.

Điều trớ trêu là, Mexico là một trong những nước có quy định kiểm soát súng chặt chẽ nhất, nhưng lại là nước có số người chết vì súng đạn thuộc hàng cao nhất thế giới, đến 30.000 người trong 4 năm, chủ yếu là những vụ án mạng trong cuộc chiến ma túy đã biến Mexico thành đất nước "có chiến tranh" mặc dù nước này không đánh nhau với ai cả. Tiếp tay cho thảm họa này chính là những khẩu súng nhập khẩu từ Mỹ qua con đường buôn lậu xuyên biên giới.

Theo một điều tra riêng của báo The Washington Post, trong 4 năm qua, hàng trăm ngàn khẩu súng các loại xuất xứ từ Mỹ, được các tay cò súng, lái súng và đội ngũ buôn lậu súng chuyển từ Mỹ sang Mexico. Cùng thời gian đó, theo các nhà chức trách Mexico, khoảng 93.000 khẩu súng các loại do Mỹ sản xuất đã bị cảnh sát và quân đội Mexico thu hồi tại hiện trường các vụ án và tịch thu của tội phạm.

Các cửa hàng súng dọc biên giới Mỹ-Mexico không được phép bán súng cho những đối tượng không được cấp phép đến từ bên kia biên giới. Thế nhưng, giới buôn súng cũng như bọn buôn lậu súng có đủ mọi cách để "lách luật". Súng Mỹ du nhập sang Mexico bằng nhiều cách.

Thường thì để mua súng một cách hợp pháp tại các cửa hàng Mỹ, bọn buôn lậu và bọn tội phạm Mexico nhờ những người có giấy phép sở hữu súng mua giúp. Những đối tượng mua giúp này được gọi là các "dân rơm" mua súng (straw purchaser). Theo điều tra của The Washington Post, có những "dân rơm" mỗi ngày mua đến hàng chục khẩu súng các loại từ vài cửa hàng khác nhau.

Một "dân rơm" tên Hernan Ramos, công dân Mỹ 22 tuổi, chỉ trong vòng 3 tháng đã mua tổng cộng 112 khẩu súng tại các cửa hàng ở thành phố Tucson, bang Arizona, với giá hơn 100.000 USD, trong đó có 30 khẩu mua tại cửa hàng Mad Dawg nổi tiếng nhất bang này. Số súng này được Ramos giao cho các tay vận chuyển súng, thường gọi là bọn "kiến thợ" (người Mỹ gọi là gunrunner), mang đến giao cho một thành viên của tập đoàn ma tuý bang Sinaloa của Mexico. Ở Mexico có rất nhiều bọn "kiến thợ" như thế. Chúng là thành phần không thể thiếu để đưa những khẩu súng từ Mỹ đến "chiến trường" khắp Mexico.

Việc điều tra để bắt được bọn buôn lậu súng kiểu này luôn rất khó khăn, nếu nói là không thể. Súng được bán đi không để lại bất kỳ thông tin gì về đối tượng mua và sử dụng chúng. Do đó cũng khó xác định những khẩu súng đó tham gia vào những tội ác nào ở Mexico.

Vì vậy, để kiểm soát được đường đi của hàng trăm ngàn khẩu súng được tuồn lậu sang Mexico, năm 2006, ATF đã triển khai một chương trình có tên gọi là Project Gunrunner (Dự án Truy lùng bọn vận chuyển súng) với chi phí 60 triệu USD, gọi nôm na là chương trình "truy tìm súng". Chương trình này huy động hơn 220 nhân viên điều tra và 165 thanh tra viên thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán súng dọc biên giới.

Từ khi triển khai chương trình này, ATF đã thực hiện hơn 1.000 cuộc thanh tra dọc biên giới và tịch thu khoảng 400 khẩu súng, tước giấy phép 2 nhà buôn súng. Tuy nhiên, chương trình truy tìm súng của ATF đã bị Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ đánh giá là kém hiệu quả nghiêm trọng vì không thể ngăn chặn được lượng súng khổng lồ từ Mỹ tràn sang Mexico. Với nhân lực mỏng hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, việc ATF thu được kết quả nghèo nàn qua dự án Project Gunrunner là điều khó tránh khỏi.

Băng đảng tội phạm ma túy Mexico.

Hỏng từ khâu quản lý

Sự thất bại của ATF trong nhiều nỗ lực kiểm soát súng dọc biên giới Mỹ-Mexico phản ánh một thực tế hệ thống thượng tầng của Mỹ không mặn mà lắm với việc ngăn chặn tình trạng buôn bán súng tràn lan. Với chức năng là cơ quan kiểm soát súng của toàn liên bang, thế nhưng ATF lại đang trở nên yếu thế hơn ngành công nghiệp mà mình chịu trách nhiệm quản lý. Hiện cơ quan này giống như một thứ "của nợ" mà Bộ Tư pháp Mỹ dù không muốn vẫn phải "cưu mang".

Thử hình dung, ở một đất nước có đến 115.000 cửa hàng bán buôn súng được cấp phép, chưa kể 60.000 người bán lẻ và hàng trăm ngàn chân rết, buôn lậu. Nhưng số lượng nhân sự được phân bổ cho ATF chỉ vỏn vẹn có 2.500 người cộng với ngân sách khá khiêm tốn, chỉ 1,4 tỉ USD/năm. Đã vậy, từ 4 năm nay, cơ quan này lại không có lấy một giám đốc chính thức.

Vấn đề phát sinh từ khi Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft (thời Tổng thống George W. Bush) bổ nhiệm ông Carl Truscott làm Giám đốc ATF vào năm 2004. Và ngay sau khi ông Truscott nhận nhiệm sở, Quốc hội Mỹ đã có động thái quan trọng là ra nghị quyết quy định chức danh Giám đốc ATF phải được phê chuẩn bởi Thượng viện - tương tự như chức danh lãnh đạo các cơ quan như Cục Quản lý dược, thực phẩm (DEA) và Cục Điều tra liên bang (FBI).

Mục đích của việc này là nhằm "nâng giá" cho ATF. Tuy nhiên, mục đích đó chưa đạt thì uy tín của ATF đã bị một vố nặng sau khi ông Truscott bị buộc phải từ chức vào năm 2006 do những bê bối trong chi tiêu tài chính. Người lên thay Truscott là Michael J. Sullivan đã không được Thượng viện phê chuẩn cho đến khi phải từ bỏ chức vụ đó.

Tại sao Sullivan bị ách lại? Cần biết rằng Mỹ là đất nước của vận động hành lang. Tất tần tật mọi thứ đều có thể đạt được thông qua vận động hành lang, bất chấp hệ quả xã hội như thế nào. Trong guồng máy đó, Thượng viện Mỹ đã chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các nhà vận động hành lang thuộc đủ mọi ngành nghề khác nhau, và ngành công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí được xem là mạnh nhất. Nhờ vận động hành lang, ngành công nghiệp súng đạn của Mỹ đã lấn át hẳn cơ quan có chức năng quản lý ngành này là ATF. Chính các nhà vận động hành lang đã tác động lên Thượng viện để gây khó khăn nhằm làm suy yếu ATF. Đó chính là lý do khiến ứng viên giám đốc ATF Sullivan không thể trở thành lãnh đạo chính thức của tổ chức này.

Súng Mỹ được xem là đã tiếp tay cho những cảnh giết chóc như thế này

Cũng từ vận động hành lang của các nhà sản xuất súng mà năm 2003, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật "trói tay" cơ quan công quyền nhằm bảo vệ các nhà buôn súng. Theo các quy định này thì ATF không được phép công khai hóa các thông tin về các nhà buôn súng Mỹ và những người sở hữu súng bị phát hiện vi phạm các quy định về súng. Nói chung, ATF chỉ có quyền hạn rất hạn hẹp là xử lý bọn tội phạm có sử dụng súng, không được đụng đến những kẻ "buôn thần chết" và những người sở hữu súng vì họ là "thượng đế" của ngành công nghiệp sản xuất súng Mỹ.

Ngay cả khi ATF đã tìm đủ bằng chứng và hoàn tất hồ sơ phạm tội của đối tượng vi phạm, việc đưa ra xét xử cũng hoàn toàn không đơn giản chút nào. Đơn cử một vụ vào khoảng cuối năm 2007. Các nhân viên ngầm của ATF đã thành công trong việc đóng giả làm "dân rơm" mua súng (straw purchaser) và bắt quả tang chủ hiệu buôn súng X-Caliber tên là George Iknadosian ở thành phố Phoenix, bang Arizona buôn bán súng trái phép cho các đối tượng buôn lậu súng qua biên giới Mexico. Iknadosian đã mắc bẫy và cùng các "dân rơm" thỏa thuận việc mua bán súng để vận chuyển qua biên giới, kể cả việc "chạy" giấy tờ súng giả.

Qua kiểm tra sổ sách theo dõi, các nhà điều tra ATF phát hiện cửa hàng X-Caliber đã bán 710 khẩu súng cho bọn tội phạm ở Mexico, trong đó có hơn 500 khẩu AK47, hơn 200 khẩu SKS và có cả loại súng Barrett cỡ nòng 50 có thể bắn thủng xe bọc thép. Iknadosian bị buộc các tội gian lận, giả mạo giấy tờ, bảo kê và rửa tiền chiếu theo luật liên bang. Toàn bộ hồ sơ vụ án đã được Tổng chưởng lý bang Arizona Terry Goddard hoàn tất một cách chu đáo và chuẩn bị chuyển cho tòa án xét xử.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2009, khi vụ án sắp được chuyển đến cho đoàn bồi thẩm xem xét thì đã bị thẩm phán Robert Gottsfield tuyên bác bỏ, viện lý do là các thông tin, chứng cứ từ những nhân viên ngầm của ATF là "không đáng tin cậy". Rốt cuộc, ngay cả khi đã "tóm" được kẻ phạm pháp rồi, nhưng chưa chắc đã xử được y. Đó là lý do vì sao ATF ngày càng trở nên mất tác dụng và súng Mỹ cứ được tuồn ồ ạt vào Mexico phục vụ cho các băng đảng tội phạm ma túy

Tiểu Bảo - An Châu (tổng hợp)
.
.