Quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trên địa bàn TP HCM:

Súng ống đâu phải chuyện đùa!

Thứ Ba, 29/03/2016, 15:00
Súng quân dụng và công cụ hỗ trợ chuyên dụng là mặt hàng cấm nhưng nếu cần, chỉ với vài triệu đồng các đối tượng đã có ngay một con “chó lửa” giắt lấp ló trong lưng quần. Chỉ một mâu thuẫn nhỏ, trên bàn tiệc hoặc trên lộ trình tham gia giao thông, các đối tượng sẵn sàng móc súng “dí” vào đầu đối thủ để… “nói chuyện”. Tình trạng sử dụng súng quân dụng và các loại công cụ hỗ trợ chuyên dụng khác đã đến hồi báo động.


Từ những vụ náo loạn đường phố

Vụ sử dụng súng quân dụng gây náo loạn đường phố xảy ra trên đường Bà Hom, phường 13, quận 6, TP Hồ Chí Minh mới đây do Vũ Mạnh Sơn, tự Sơn “bắc”, sinh năm 1974, sinh sống tại Hà Nội. Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người dân đã tỏ ra hoang mang khi biết việc Sơn “bắc” thường xuyên sở hữu một số lượng lớn vũ khí quân dụng.

Sơn “bắc” có ba tiền án về tội mua bán, tang trữ, chiếm đoạt sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Cuối năm 2015, Sơn “bắc” được Thuận “Trắng” (chưa rõ lai lịch) đòi giùm hơn 100 triệu của một đối tượng ở quận 7 nên Sơn “bắc” gọi điện liên hệ với đối tượng này. Vì nghe danh xưng của Sơn “bắc”, đối tượng trên hoảng hốt đem hơn 100 triệu trả cho Thuận “Trắng” trước khi Sơn “bắc” ra tay.

Hiện trường vụ nổ súng của Sơn “bắc” khiến khu dân cư náo loạn.

Đầu năm 2016, Sơn “bắc” nhiều lần gọi điện cho Thuận “trắng” để “xin” khoản tiền đòi nợ giùm mà Thuận “trắng” hứa sẽ trả công, tuy nhiên gọi hoài không thấy Thuận “trắng” trả tiền nên Sơn “bắc” cầm theo một lô hàng nóng gồm 2 khẩu súng, 2 quả lựu đạn, một mìn tự chế, một mô hình mìn tự chế, một bình xịt hơi cay, một con dao Thái Lan đến tìm Phan Hồng Phú, tự Phú “rác", sinh năm 1972, ngụ quận 6 nhờ Phú chỉ đường đến nhà Thuận “trắng”.

Sơn “bắc”, đối tượng đòi nợ thuê sử dụng súng thị uy.

Được biết toàn bộ số “hàng nóng” trên, Sơn “bắc” mua tại biên giới phía Bắc rồi đem vào TP Hồ Chí Minh. Biết Phú “rác” là người rõ lai lịch của Thuận “trắng” nên Sơn “bắc” tìm đến nhờ Phú đi đòi nợ cùng mình nhưng Phú “rác” không đồng ý. Bực tức Sơn “bắc” móc khẩu K59 ra đạn hù dọa. Phú “rác” cũng không vừa. Dù họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào đầu mình nhưng Phú “rác” vẫn đánh bật và giằng co khẩu súng với Sơn “bắc” khiến súng nổ liên tiếp 2 phát gây náo loạn con hẻm 242, đường Bà Hom, phường 13, quận 6.

Bị tước súng, Sơn móc trong người ra hai trái lựu đạn, mìn tự chế hù dọa cho nổ khiến dân tình bỏ chạy tán loạn, người đi đường cũng vứt xe tháo chạy tạo ra một khung cảnh hỗn loạn. May mắn là công an quận 6, lực lượng bảo vệ dân phòng và người dân đã kịp thời khống chế Sơn “bắc” và vô hiệu hóa số lựu đạn, mìn tự chế mà Sơn “bắc” mang theo.

Vụ sử dụng súng, công cụ hỗ trợ ra oai, thị uy trên đường phố gần đây của ông Phó tổng giám đốc ngân hàng V.A cũng khiến dư luận hoang mang về chuyện các đối tượng ra đường kè kè hàng nóng trong người. Là một Phó tổng giám đốc ngân hàng nên H có giấy phép sử dụng súng, công cụ hỗ trợ, trong một lần dừng xe trên lề đường quận 7 lại trúng vào vị trí dừng xe của hãng taxi M.L. Bị chị H.T.T.V. (nhân viên điều phối xe của công ty M.L) nhắc nhở, H đã móc súng ra dí vào đầu chị V. Sự việc tuy cũng êm xuôi, song khiến những người gần đó không khỏi tá hỏa.

Đến trở thành hung khí

Một lượng hàng nóng “khủng” trong đường dây buôn bán ma túy đá “khủng” do Phan Anh Tuấn, sinh năm 1977, sinh sống tại Hà Nội cầm đầu vừa bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - CA TP Hồ Chí Minh triệt phá tại quận Tân Bình cho thấy, các đối tượng buôn bán “cái chết trắng” không từ một thủ đoạn nào, luôn thủ sẵn hàng nóng bên người để triệt hạ đối thủ, chống lại lực lượng truy bắt và thị uy với đàn em.

Các đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy chuyên sử dụng súng của Tuấn.

Có 9 năm “ăn cơm tù” về tội liên quan đến ma túy, khi ra trại, Tuấn vẫn ngựa quen đường cũ thiết lập một đường dây buôn bán ma túy đá từ Hà Nội vào đến TP Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm sau nhiều lần bị bắt, Tuấn không trực tiếp lộ mặt mà giao cho một số đàn em thân tín trực tiếp ra mặt điều hành. Ma túy đá của Tuấn là nguồn hàng được cho là chất lượng lại rẻ hơn so với thị trường nên nhiều người tìm đến đường dây của Tuấn lấy hàng. Vì nguồn hàng bán ra ngoài rẻ hơn các đầu mối khác nên chuyện làm ăn phải có va chạm xích mích.

Muốn có số má trong giới, Tuấn đã trang bị cho mình nhiều loại “hàng nóng” và khi nào cũng găm trong người. Với mức độ liều lĩnh ngông cuồng, giới buôn ma túy phải dè chừng Tuấn. Không chỉ có Tuấn mà đàn em của Tuấn cũng luôn thủ theo “hàng nóng”, sẵn sàng rút ra “nói chuyện” theo sự chỉ đạo của đàn anh.

Trong một lần khan hàng, Tuấn kêu đàn em tên Hải đem 600 triệu đồng ra Thái Nguyên trực tiếp lấy 2kg ma túy đá về bán. Tuy nhiên Hải không làm theo lệnh của Tuấn mà ôm tiền bỏ trốn. Bực tức vì bị đàn em qua mặt, Tuấn mang theo nhiều hàng nóng trực tiếp ra Thái Nguyên tìm Hải để “xử”.

Số súng quân dụng thu giữ trong đường dây ma túy của Tuấn.

Tuy nhiên cùng thời điểm này, các địa điểm buôn bán ma túy mà Tuấn đặt trong các khách sạn tại TP Hồ Chí Minh do đàn em Tuấn điều hành bị triệt phá nên chưa kịp đi Thái Nguyên xử đàn em phản bội thì Tuấn và đàn em trong đường dây buôn bán ma túy bị bắt. Ngoài tang vật hơn 10kg ma túy đá, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP Hồ Chí Minh còn thu giữ 4 khẩu súng các loại, hàng chục viên đạn và nhiều hung khí khác.

Dân chơi hàng đá tại Cao Lãnh, Đồng Tháp không ai không biết đến hai đầu nậu hàng đá là Trương Kim Hoàng và Dương Văn Hồng. Xuất thân từ con nghiện, từng có tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cướp giật tài sản”, Hoàng và Hồng luôn sẵn có các đầu mối cung cấp ma túy đá từ TP Hồ Chí Minh về để hai đối tượng này phân phối cho các đối tượng nghiện ở Đồng Tháp.

Hoàng vốn là quản lý của một khách sạn lớn tại Cao Lãnh nên đối tượng này đã biến khách sạn này thành nơi giao dịch ma túy cho các con nghiện. Để làm ăn thuận lợi trong việc làm ăn cũng như thị uy với đàn em, lấy số với các đối thủ, Hồng và Hoàng luôn kè theo hai khẩu súng K54 và Colt45 trong người khiến cho không ai dám động đến… Mãi cho đến khi cả đường dây bị lực lượng Công an bóc gỡ.

Và đường đi của “hàng nóng”

Trước khi bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt về hành vi buôn bán trái phép vũ khí quân dụng, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ Lian Shao Ming (tức Trần Thiện Minh) đã giết chết một người tại Quảng Đông (Trung Quốc) và bị nước này ra lệnh truy nã. Thiện Minh trốn sang Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn rồi đến Hà Nội và vào TP Hồ Chí Minh, làm giả giấy tờ mang quốc tịch Việt Nam.

Nhận thấy giang hồ tại TP Hồ Chí Minh có nhu cầu rất lớn về “hàng nóng”, Thiện Minh đã lần mò sang PhnomPenh (Campuchia) và được một đối tượng môi giới bán hai khẩu súng ngắn của Mỹ với giá 1.000USD/khẩu. Thiện Minh đặt mua hai khẩu súng, 200 viên đạn rồi quay trở lại TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Khi đến khu vực huyện Bến Cầu, Tây Ninh, Thiện Minh đã bị Công an huyện Bến Cầu phát hiện bắt giữ…

Nêu một vụ việc xảy ra để cho thấy, phần nguồn hàng nóng mà các đối tượng tội phạm sử dụng chủ yếu được các đối tượng mua từ Campuchia, Lào, Trung Quốc rồi xách tay về Việt Nam qua nhiều đường khác nhau, trong đó chủ yếu là đường bộ. Đối tượng thích kè kè theo “chó lửa” chủ yếu cầm đầu các đường dây buôn bán ma túy, đòi nợ thuê và các đối tượng tội phạm có mục đích cướp tiệm vàng.

Đối với các đối tượng buôn bán ma túy, khi vận hành đường dây, các đối tượng tự biết khi bị bắt mức án dành cho mình là bao nhiêu nên khi có “hàng nóng” trong người các đối tượng sẵn sàng chống trả lại để thoát thân. Riêng về lực lượng bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, khi các băng nhóm này tranh giành địa bàn, muốn có số má, muốn thị uy thì phải có “hàng nóng” cho nên dù giá cả có dao động khá lớn, các đối tượng này sẵn sàng chi tiền để có được một khẩu súng phòng thân.

Vận chuyển vũ khí quân dụng bằng đường bộ gặp rủi ro cao vì dễ bị phát hiện, dễ bị bắt nên trong thời gian gần đây, “hàng nóng” lại được rao bán một cách công khai trên mạng nhưng quá trình giao dịch lại khá tinh vi, khó phát hiện. Khi mạng xã hội được phát triển rộng rãi trong xã hội, những trang mạng xã hội do các đối tượng buôn bán vũ khí cũng được lập ra thu hút nhiều đối tượng tham gia đặt hàng. Chỉ cần 4,5 triệu là có một khẩu súng vài viên đạn lận lưng. Ngoài súng quân dụng, nhiều công cụ hỗ trợ, hung khí cũng được rao bán nhan nhản.

Từ năm 2012 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện xử lý 441 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Thiếu tá Hoàng Tuấn Nam, Đội trưởng Đội 4 Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2012 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã vận động các cơ quan, tổ chức và nhân dân giao nộp 530 khẩu súng quân dụng, 460 khẩu súng săn, 63 súng tự chế, 16.282 viên đạt, 3.987 công cụ hỗ trợ, 8.163 vũ khí thô sơ…

Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng Công an thành phố đã phát hiện, xử lý 139 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nhìn vào số liệu trên cho thấy vũ khí quân dụng, vật liệu nổ còn lưu hành trong cuộc sống khá nhiều, đây còn chưa kể đến vũ khí và vật liệu nổ mà các đối tượng phạm pháp còn cất giấu.

Trước diễn biến phức tạp của việc các đối tượng sử dụng “hàng nóng” để điều  hành các đường dây buôn bán ma túy, giải quyết mâu thuẫn, bảo kê, đòi nợ thuê… Công an TP Hồ Chí Minh đã tăng cường phối hợp với các quận, huyện tuyên truyền vận động sâu rộng tới các chủ vựa phế liệu, lò rèn… nói không với việc mua bán các loại hung khí nguy hiểm và chế tạo vũ khí thô sơ như mác, mã tấu, dao… cho bất cứ đối tượng nào.

Tuy vậy nhưng theo đánh giá của Công an TP Hồ Chí Minh  số lượng vũ khí, công cụ hỗ trợ vẫn còn nhiều bên ngoài xã hội tiềm ẩn nguy cơ cao. Nguyên nhân được xác định là do công tác quản lý chưa thật sự đi vào chiều sâu; việc phối hợp, trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến hoạt động của bọn tội phạm giữa các tỉnh, thành tiếp giáp biên giới với TP Hồ Chí Minh chưa được thường xuyên; công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với tình trạng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng internet chưa được duy trì thường xuyên, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm….

Để ngăn chặn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không phải là ngày một ngày hai, của một đơn vị hay cá nhân nào mà cần có sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của các tỉnh thành giáp biên giới ngăn chặn nguồn hàng nóng từ biên giới  tràn vào Việt Nam. Ngoài ra cần có cơ chế kiểm soát ngăn chặn những website, những trang mạng xã hội có nội dung buôn bán, chế tạo các loại vũ khí, chất nổ, phương tiện kích nổ.

Mạnh Đức - M.Hải
.
.