Kỷ luật hàng loạt cán bộ sai phạm về quản lý đất đai

Thứ Sáu, 30/08/2019, 16:29
TP HCM vừa xem xét kỷ luật nhiều cán bộ huyện Bình Chánh liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trái phép trên địa bàn.

Trước đó, cũng tương tự, hàng loạt cán bộ có trách nhiệm của nhiều quận huyện như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Hóc Môn... cũng bị xử lý kỷ luật với nhiều mức độ khác nhau. Tình trạng xây dựng trái phép ở các địa phương này nhức nhối đến mức Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phải chỉ đạo xử lý nghiêm minh, cần thiết cách chức cán bộ để xảy ra tình trạng này.

Tuy vậy, thực tế vẫn… muôn hình vạn trạng, bởi cả ba bên - gồm "cò", người dân và cán bộ đều có được mối lợi trong "liên minh" này?!

Những cái kết không thể khác

Ngày 23-8-2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TP HCM đã yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh kiểm điểm nghiêm túc và đề ra các giải pháp khắc phục khuyết điểm, vi phạm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Hình ảnh "loang lổ", tạm bợ, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi.

Sau đó, Huyện ủy Bình Chánh đã quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách đối với Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, Đội Thanh tra địa bàn huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và ba trường hợp cá nhân khác là: Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A; Huỳnh Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện.

Huyện ủy Bình Chánh cũng quyết định phê bình rút kinh nghiệm đối với bốn tổ chức Đảng: Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B, Đảng ủy xã Tân Nhựt và Đảng ủy bộ phận Phòng Quản lý đô thị huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. Chi bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhiệm kỳ 2015 - 2017, 2017 - 2020. Đồng thời, Huyện ủy Bình Chánh còn phê bình rút kinh nghiệm ba trường hợp cá nhân; thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với Nguyễn Thanh Phương, Đội trưởng Đội Thanh tra huyện Bình Chánh…

Hiện Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối với một số cán bộ có liên quan.

Tuy vậy, việc kỷ luật như vậy có phải là giải pháp căn cơ để hạn chế hay thậm chí dẹp hẳn được tình trạng xây dựng trái phép hay không? Có lẽ không ai có thể trả lời chắc chắn được câu hỏi nan giải này, bởi nhiều lý do. Và cũng bởi thực tế không chỉ Bình Chánh, tại nhiều quận huyện của TP HCM cũng xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian qua, chỉ là mức độ nhiều ít khác nhau.

Thậm chí một số xã, phường ở các quận, huyện vùng ven như xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi); Đông Thạnh (huyện Hóc Môn); Phú Hữu, Phước Long B (quận 9); Linh Trung, Tam Phú (quận Thủ Đức)… xây dựng không phép tồn tại thành từng khu, lên đến hàng chục nhà. Hệ lụy kéo theo là hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật.

Đơn cử như quận Thủ Đức, trước đó UBKT Thành ủy TP HCM cũng có thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên trên địa bàn quận Thủ Đức. Theo đó, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cùng hàng loạt lãnh đạo phường Linh Đông, Tam Phú và Đội Thanh tra địa bàn quận Thủ Đức đã bị kỷ luật vì để xảy ra xây dựng sai phạm.

Xác minh, xử lý triệt để nhóm lợi ích

 Qua một số địa bàn cụ thể, việc nhiều tổ chức, cán bộ đã bị xử lý kỷ luật đã cho thấy tính chất phức tạp của lĩnh vực này.

Trên phạm vi toàn thành phố, tại Hội nghị trực tuyến Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, đại diện Sở Nội vụ TP HCM cho biết trong những năm gần đây đã có hơn 300 cán bộ, thanh tra ở thành phố bị xử lý do vi phạm trật tự xây dựng (nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức, thôi việc). Đặc biệt, chỉ có một trường hợp bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng là trường hợp của ông Đỗ Duy Hải, cán bộ Thanh tra Xây dựng huyện Nhà Bè bị xử 1 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Tuy nhiên, cũng như tham nhũng trong các lĩnh vực khác, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng rất khó phát hiện, vì về cơ bản cả người đưa và người nhận đều có lợi nên đôi bên đều không dại gì nói ra…

Nói thẳng về thực tế này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định công trình không phép, sai phép vẫn tồn tại là có quy luật. Và quy luật ở đây chính là việc tồn tại đó có lợi cho một số đối tượng, nhóm người cụ thể. Dĩ nhiên, khi có lợi thì họ muốn duy trì.

Cụ thể, như "cò" là đối tượng góp phần duy trì thực trạng này và họ có lợi từ người mua, người bán. Với người dân, tuy ai cũng biết đó là nhà xây dựng trái phép nhưng họ vẫn chấp nhận mua lại để có nhà ở nên họ không phản đối bởi họ cũng có lợi. Còn với cán bộ công chức nếu không bị phát hiện, xử lý theo luật pháp, thì những người này đương nhiên vẫn có lợi nên vẫn làm, vẫn tiếp tục sai phạm.

Vì thế, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố phải tính làm sao để những người vi phạm pháp luật sẽ bị bất lợi chứ không phải có lợi. Làm thế nào để những người không làm tốt nhiệm vụ sẽ bị xử lý, làm sao cứ vi phạm pháp luật là không thể tồn tại được. Có như vậy, thực trạng này mới được hạn chế, thậm chí dẹp bỏ.

Phú Lữ
.
.