Tái diễn trò gọi điện thoại lừa tiền tỉ
Cú điện thoại trị giá… 2,3 tỉ đồng!
Vào một buổi trưa cuối tháng 10/2014, bà L.T.P. (SN 1952, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đột nhiên nhận được một cú điện thoại từ một đối tượng tự xưng là… cán bộ Công an. Sau khi hỏi về số chứng minh nhân dân (CMND) của bà P. đối tượng này thông báo cho bà biết hiện thuê bao điện thoại của bà đang nợ tiền cước viễn thông lên tới nhiều triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, số CMND mang tên bà còn liên quan đến một vụ việc tiêu cực lớn, với số tiền lên tới 16 tỉ đồng. Đối tượng còn tra hỏi bà hiện có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng, bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm…
Sau khi nhận được cú điện thoại này, bà P. vô cùng hoảng sợ và ra sức "thanh minh" rằng mình không hề liên quan gì đến những vụ việc tiêu cực kia. Đối tượng đã chuyển điện thoại cho một thanh niên khác xưng là… "Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra" để cho bà P. tiếp tục trình bày. Các đối tượng tiếp tục khẳng định bà P. hiện có liên quan đến một đường dây hối lộ lớn. Và để chứng minh rằng không có liên quan thì bà P. phải chuyển hết số tiền tiết kiệm của bà là 2 tỉ 350 triệu đồng vào tài khoản cho… "cơ quan công an" để xác minh. Sau khi đã làm rõ, "cơ quan công an" sẽ hoàn trả lại đầy đủ cho bà, không thiếu một xu.
Bên cạnh đó, đối tượng còn dặn bà P. rằng đây là một chuyên án lớn của lực lượng công an, yêu cầu bà phải giữ kín, không được tiết lộ cho bất kỳ ai kể cả chồng, con. Và cũng phải giữ liên lạc thật chặt chẽ với "cơ quan điều tra". Ngay hôm sau, bà P. tuân thủ đi rút hết sổ tiết kiệm rồi chuyển vào 8 tài khoản ngân hàng Techcombank do các đối tượng cung cấp. Nhiều ngày sau, bà P. gọi điện thoại lại cho "cơ quan công an" thì thấy không liên lạc được nữa. Lúc này bà mới vỡ lẽ ra là bị lừa, và lên Cơ quan điều tra để trình báo.
Cũng giống như bà P, cũng trong tháng 10 vừa qua chị T.T.T.A. (SN 1969, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng được một đối tượng xưng là công an gọi đến để điều tra. Kịch bản cũng giống hệt với bà P., chỉ có khác là lần này các đối tượng thông báo cho chị A. biết hiện thuê bao điện thoại của chị có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Chị A. được yêu cầu chuyển hết tiền đang có vào tài khoản cho bọn chúng để điều tra, xác minh. Tin lời các đối tượng, chị A. đã chuyển 1,2 tỉ và bị các đối tượng chiếm đoạt.
Danh sách bị hại còn kéo dài với bà N.T.M.H. (SN 1944, trú tại quận Ba Đình) đã chuyển cho bọn chúng 800 triệu, bà V.T.H. (SN 1955, trú tại quận Cầu Giấy) bị lừa mất 400 triệu đồng; bà N.T.K.H. bị lừa 800 triệu… Tổng cộng đã có 10 bị hại (chủ yếu là phụ nữ và người già) đã mắc lừa với tổng số tiền lên tới 6 tỉ 590 triệu đồng.
Các đối tượng tại cơ quan Công an. |
Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận khoảng tháng 4/2014 thông qua mạng xã hội Facebook và Group (nhóm) "Việc làm Tiếng Trung", đối tượng Vũ Văn Đại đã nhận phiên dịch cho 2 đối tượng người Đài Loan tại Hà Nội. Quá trình đi phiên dịch 2 đối tượng này bàn bạc và thuê Đại dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản Visacard và Mastercard với giá 3,4 triệu đồng/tài khoản.
Theo cách thức được hướng dẫn Đại thuê các đối tượng Độ, Đức, Bình, Hà đi chụp ảnh rồi giao cho Đức để Đức dán vào 80 giấy CMND do Đức mua của đối tượng Phương với giá 1 triệu đồng/30 cái. Sau đó Đức chuyển lại CMND giả đó cho Độ, Hòa, Bình cùng với sim điện thoại của mạng Mobiphone để đến 3 ngân hàng Techcombank, BIDV và Maritime Bank để mở tài khoản làm thẻ Visacard và Mastercard. Đại sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển các thẻ sim và điện thoại cho các đối tượng người Đài Loan. Tổng cộng Đại và đồng bọn đã làm được 146 tài khoản và thu lời bất chính 500 triệu đồng.
Đến đầu tháng 10/2014, khi phát hiện một số tài khoản bị phong tỏa, và nghe trên phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức trên, Đại nghi ngờ việc làm của mình có lên quan đến vụ lừa đảo này nên đã thông báo cho nhóm Đức dừng việc mở tài khoản và tẩu tán các tài liệu có liên quan.
Ngày 8/11, một tổ công tác Phòng PC50 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thi hành lệnh khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Trọng Đức và Vũ Văn Đại, thu giữ 1 laptop, 7 CMND có dấu hiệu bị làm giả, 3 sim điện thoại, 3 thẻ ngân hàng và nhiều vật chứng khác.
Tang vật của vụ án. |
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Cũng theo Trung tá Hà, trong vụ án này các đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi, khiến cho rất nhiều con mồi bị sập bẫy mà cứ ngỡ mình đang… làm việc tốt là giúp cho Cơ quan Công an phòng chống tội phạm.
Trước hết, nhóm đối tượng đã "phân công phân nhiệm" khá cụ thể cho từng người. Ai đóng vai là "điều tra viên", ai đóng là "lãnh đạo" cấp phòng, cấp bộ đều được lên kế hoạch và có kịch bản chi tiết. Tiếp đó, các đối tượng còn sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại gọi đến cho các bị hại (đều mang số của Cơ quan Công an thật). Do đó, nếu bị hại nào nghi ngờ thì khi gọi lại các số điện thoại trên thì đều được xác nhận đó đúng là của trực ban Cơ quan Công an.
Ngoài ra, bọn chúng còn sử dụng chiêu đóng giả người địa phương khác để khiến cho bị hại khó khăn trong việc xác thực thông tin. Ví dụ như khi gọi cho bị hại ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì đối tượng giả là Công an của TP HCM và các tỉnh phía Nam, giả giọng nói miền Nam khiến cho bị hại tin là thật. Ngược lại, khi gọi vào cho bị hại là người miền Nam thì giả giọng Công an Hà Nội… Để gây hoang mang lo lắng cho bị hại, các đối tượng thường vu cho họ có liên quan đến các vụ tiêu cực, buôn bán ma túy.
Còn nhớ, tháng 6/2014 cũng tại Hà Nội đã xảy ra một vụ lừa đảo với thủ đoạn rất giống với nhóm đối tượng trên. Bị hại là ông Nguyễn Văn Đ., 70 tuổi, cán bộ hưu trí tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngày 23/6/2014, ông Đ. đang ở nhà một mình thì điện thoại cố định đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, giọng một phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên VNPT thông báo cước điện thoại tháng 6 của gia đình ông Đ. đang sử dụng là 8.930.000 đồng. Phát hoảng vì số cước điện thoại khủng từ trên trời rơi xuống như vậy, ông Đ. thắc mắc "hàng tháng cước nhà tôi chỉ 20.000 đến 25.000 đồng/tháng", kẻ xưng nhân viên bưu điện hướng dẫn ông bấm thêm phím số "9" để kết nối tới Cơ quan Công an làm rõ sự việc.
Khi ông Đ. làm theo hướng dẫn này, một người đàn ông nói giọng miền Nam thông báo ngoài số điện thoại tại Hà Nội thì ông Đ. còn đứng tên đăng ký một số điện thoại khác tại TP. HCM. Sau đó, đối tượng yêu cầu ông cung cấp số điện thoại di động (ĐTDĐ) đang sử dụng để liên lạc.
Đối tượng chuyển sang liên lạc với ông Đ. bằng ĐTDĐ. Trên màn hình điện thoại của ông Đ. hiển thị số gọi đến là (+83) 92311xx, đối tượng hướng dẫn ông có thể kiểm tra số điện thoại 083.92311xx qua tổng đài 1080 sẽ biết đang làm việc với ai. Ông Đ. gọi 1080 kiểm tra, được trả lời số máy 083.92311xx là của một đơn vị Công an tại TP HCM nên tin rằng đang làm việc với Cơ quan Công an. Số điện thoại hiển thị (+83) 92311xx chủ động liên lạc lại với ông Đ., đối tượng chuyển điện thoại cho ông Đ. nói chuyện với "sếp".
Người này tự xưng là Lê Minh, điều tra viên của "đội điều tra ma túy" đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Huy Hùng, nhân viên ngân hàng S. cầm đầu đã sử dụng một số tài khoản tại ngân hàng vào các phi vụ mua bán hàng trăm bánh hêrôin nên cần làm rõ những người liên quan. "Lê Minh" tra hỏi ông Đ. có giao dịch nhà đất, chứng khoán hay có tài khoản, sổ tiết kiệm… tại ngân hàng này không? Ông Đ. thật thà "khai báo" có một sổ tiết kiệm 720 triệu đồng gửi tại ngân hàng S. và khẳng định bản thân là cán bộ hưu trí hoàn toàn trong sạch, số tiền này là tiền tích cóp, tiết kiệm cả đời chứ không liên quan gì đến tội phạm ma túy.
"Lê Minh" đề nghị ông cung cấp số sổ tiết kiệm để "xác minh". Sau đó, "Lê Minh" thông báo vì cơ quan điều tra ở tận TP HCM nên không có điều kiện tới ngân hàng S. nơi ông Đ. gửi tiền để làm việc, trong khi yêu cầu điều tra xác minh rất gấp nên yêu cầu ông Đ. chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm trên vào tài khoản của cơ quan công an để "phục vụ việc điều tra".
Rất lo lắng về việc "liên quan đến đường dây ma túy xuyên quốc gia" như đối tượng thông báo. Với mong muốn được nhanh chóng minh oan nên ông Đ. răm rắp làm theo hướng dẫn của "Lê Minh": Tới ngân hàng S. rút toàn bộ 720 triệu đồng, sau đó mang đến một chi nhánh giao dịch của ngân hàng M., gửi vào số tài khoản do "Lê Minh" cung cấp. Mấy hôm sau ông Đ. gọi lại để hỏi về số tiền trên thì không thể liên lạc được với "điều tra viên Lê Minh" nữa!
Trung tá Đặng Hồng Minh, Đội phó Đội 2 PC50 cảnh báo: Để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ. Đặc biệt là người yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng… Trường hợp có người xưng là Công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó. Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai, và sử dụng vào mục đích gì. Không mua bán chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy CMND. Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng Internet, nhất là các trang mạng xã hội để tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho Cơ quan Công an. Trong những bình luận có thể "chọc giận" Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14/11 vừa qua cho biết ông muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và Australia nhằm hiện thực hóa một tương lai thịnh vượng, an toàn và hòa bình trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Abe đã vạch ra viễn cảnh mở rộng quan hệ hợp tác quân sự ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 do "người bạn thân nhất" của Nhật là Australia chủ trì tại thành phố Brisbane. Viễn cảnh về một liên minh ba bên chặt chẽ hơn có thể gây lo ngại tại Bắc Kinh rằng Nhật Bản, Mỹ và Australia đang cùng nhau "tạo vòng vây" để kìm hãm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. |