Tại sao nạn nhân tình dục lại chọn cách im lặng?

Thứ Năm, 06/02/2014, 22:45

Theo nhiều báo cáo tại Syria - đất nước bị chiến tranh tàn phá 3 năm qua, nạn hiếp dâm đã trở thành một đại dịch mà cả hai phe sử dụng nhằm đe dọa và hạ nhục lẫn nhau. Để khai thác được thông tin đằng sau những tội ác đang ngày một lan rộng này là việc vô cùng khó khăn, thậm chí là bế tắc. Vì yếu tố chính trị, truyền thống gia đình, lòng tự trọng bản thân khiến những nạn nhân buộc phải câm nín cho dù sự đau đớn lên đến tột cùng của chịu đựng.

Hãm hiếp luôn là một vấn nạn của các cuộc chiến tranh, nhưng vấn nạn này đã trở thành mối quan tâm đặc biệt ở Syria - đây không chỉ là một tội ác "bình thường" mà còn là một thủ đoạn đã được tính toán nhằm khuất phục những binh sĩ cũng như dân thường.

Một báo cáo của Ủy ban Cứu trợ quốc tế khảo sát những người tị nạn Syria ở Lebanon và Jordan cho thấy hãm hiếp là lý do chính khiến những người tị nạn phải đưa gia đình rời khỏi đất nước.

Erika Feller - trợ lý ủy viên cấp cao tại cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc khi tham gia xử lý các vấn đề nhân quyền ở Geneva nhận định: "Ngoài bom đạn, Syria ngày càng trở nên tồi tệ khi mà tình trạng hãm hiếp và bạo lực tình dục được sử dụng như một công cụ của chiến tranh nhằm phá hủy bản sắc, nhân phẩm và cấu trúc gia đình cũng như cộng đồng".

Báo chí rất khó khăn khi tiếp cận nạn nhân để khơi lên phần nào sự thật vì sự nguy hiểm và hỗn loạn nơi đây. Văn hóa và tín ngưỡng cũng trở thành rào cản lớn để có một báo cáo chính xác hơn. Người dân ở đây quan niệm trinh tiết của người phụ nữ ngoài là thước đo nhân phẩm còn là danh dự của cả một gia đình.  Vì thế, nhiều nạn nhân đã chọn cách tự tử sau khi bị cưỡng hiếp vì họ cảm thấy ô nhục. 

Những phụ nữ từng bị giam tiết lộ rằng họ thường xuyên bị đe dọa hãm hiếp nếu không chịu “hợp tác” khai báo. Một người phụ nữ cho biết, cô đã bị hãm hiếp trong khi thẩm vấn, những người khác có thể cũng bị hãm hiếp như cô nhưng họ đã không dám tiết lộ điều này.

Tại những ngôi làng hoặc thị trấn nhỏ thì đúng là mảnh đất cho nạn hãm hiếp và bạo lực tình dục khi mà những phụ nữ vì công việc hằng ngày họ phải đi qua những trạm kiểm soát. Họ bị ám ảnh thực sự về những chốt gác này, thậm chí từng phe nhóm nổi dậy có những nơi giam giữ nạn nhân. Cho nên thật khó cho những tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá quốc tế hay Tổ chức theo dõi nhân quyền thu thập được những bằng chứng về tình trạng lạm dụng tình dục đang diễn ra nơi đây. 

Một phụ nữ trẻ sống ở miền Bắc Syria cho hay cô đã bị giam giữ và buộc phải chứng kiến cảnh những binh sĩ hành hạ mẹ của mình. Những binh sĩ này đe dọa sẽ hãm hiếp mẹ của cô, rồi sau đó chúng nói với bà mẹ rằng, chúng sẽ hãm hiếp cô con gái, cô nói:  "Đây là áp lực tâm lý lớn nhất ám ảnh cuộc đời .".

Trường hợp khác ở Alepo - thành phố lớn nhất của Syria - một trong những nơi xảy ra những cuộc chiến khốc liệt và tàn bạo nhất, cô gái trẻ tiết lộ: "Tôi bị bịt mắt, lột truồng và trói vào ghế. Tôi nghe nói tôi sẽ được chuyển tới cho những gã đàn ông". 

Chưa hết, Nada, 25 tuổi, hiện đang sống ở Ngôi nhà an toàn tại Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria. Vẫn những lời đe dọa lột sạch quần áo và ném vào buồng giam của nam giới nếu không khai báo theo yêu cầu. Nada gào thét nhưng vẫn phải khai báo mặc dù có khai ra bao nhiêu lời thì cũng không có nghĩa lý với những kẻ thẩm vấn. Cô bị luân chuyển tại nhiều nhà tù khác nhau cho đến khi dừng tại  một trung tâm tra tấn nổi tiếng nhất ở Damacus.

Sau đó cô cũng không rõ vì sao cô được trả tự do khi một ngày nọ, gã cai ngục nhắc cô thu dọn đồ cá nhân và đi ngay. Nada đã tìm cách lẩn trốn trong hai tuần trước khi rời đến một nơi khác với niềm thất vọng về cơ hội quay trở lại với gia đình tại Syria. 

Phải chăng các phe phái lính chiến ngoài hiểu biết về súng ống, họ cũng hiểu rõ văn hóa, truyền thống nơi này khi mà những nạn nhân là phụ nữ trẻ sau khi bị hãm hiếp nếu tiết lộ hoặc thừa nhận mình đã từng là nạn nhân thì họ tự đặt dấu chấm hết cho sự trở lại cuộc sống của một công dân bình thường trên đất nước này. Đó là lý do tại sao các nạn nhân chọn cách giữ im lặng và nạn bạo hành vẫn đang leo thang

Quỳnh Dương (tổng hợp)
.
.