Taliban khai thác bất hợp pháp mỏ đá da trời ở Afghanistan

Thứ Bảy, 13/08/2016, 16:35
Tỉnh Badakhshan, miền bắc Afghanistan từng được coi là một trong những vùng khá ổn định của quốc gia này; song vào vài năm gần đây tình hình an ninh địa phương bắt đầu trở nên tệ hại đáng kể khi các nhóm phiến quân vũ trang - bao gồm Taliban - tranh giành quyền kiểm soát những khu mỏ đá quý da trời (lapis lazuli) tồn tại nhiều thế kỷ.

Đá da trời - từng được các pharaon ngày xưa Ai Cập cổ cũng như giới nghệ sĩ Phục Hưng đánh giá cao - được cho là buôn lậu từ Afghanistan vào lãnh thổ Pakistan và từ đó cung cấp cho những con buôn đá quý người Trung Quốc.

Theo đánh giá từ Liên Hiệp Quốc, đá da trời thật sự là một trong những nguồn tài chính quan trọng cho các phe chiến binh chống chính quyền.

Theo báo cáo điều tra từ Global Witness - tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường và chống tham nhũng đặt trụ sở tại thủ đô London nước Anh - tiết lộ hoạt động khai mỏ đá da trời bất hợp pháp diễn ra rầm rộ từ năm 2015 đem về cho "quỹ chiến tranh" Taliban khoảng 4 triệu USD!

Taliban đang kiểm soát các mỏ đá da trời ở tỉnh Badakhshan.

Global Witness tin rằng chính quyền Afghanistan đã bị thất thu hàng chục triệu USD do sự kiểm soát trái phép của phiến quân. Vào giữa năm 2014 và 2015, ước tính hoạt động buôn lậu đá da trời trên thị trường đen trị giá khoảng 200 triệu USD. Năm 2015, chính quyền Afghanistan bắt đầu ra lệnh cấm khai mỏ loại đá quý này nhưng vẫn không răn đe hiệu quả Taliban cũng như các nhóm chiến binh khác.

Hiện nay, Afghanistan là thị trường bất hợp pháp phát triển mạnh và mức độ đáng quan ngại của vấn đề được thổi bùng lên hồi tháng 6 vừa qua khi lực lượng an ninh nước này bắt giữ được 65 chiếc xe tải chở đầy đá da trời.

Báo cáo điều tra của Global Witness phản ánh rõ rệt những khó khăn mà ngành khai mỏ Afghanistan nói chung đang phải đối mặt. Các chuyên gia ước tính Afghanistan có trữ lượng dầu khí tự nhiên và quặng mỏ chưa khai thác trị giá 1 nghìn tỷ USD - trong đó bao gồm những trữ lượng lớn vàng, đồng và đất hiếm.

Năm 2010, tờ New York Times công bố một tài liệu nội bộ của Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng Afghanistan đang sở hữu nguồn quặng khổng lồ lithium mà cả thế giới đều thèm muốn và có thể biến nước này thành "cường quốc xuất khẩu khoáng sản "xanh" trong tương lai.

Đá da trời được bán ở Kabul.

Lithium được đánh giá cao hiện nay do nó là yếu tố chủ yếu cho mọi thiết bị điện tử - từ pin cho laptop đến bút ghi điện não đồ trong y tế. Tuy nhiên, tình hình bất ổn liên tục ở Afghanistan khiến cho nhiều công ty khai mỏ nước ngoài không thể đầu tư, đồng thời khiến cho chính quyền nước này mất kiểm soát đối với 10.000 quặng mỏ. Sau buôn lậu heroin, khai mỏ trái phép là nguồn thu nhập lớn nhất của Taliban.

Báo cáo của Tổng thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) - tổ chức giám sát hàng đầu của chính quyền Mỹ - tuyên bố Bộ Khai mỏ và Dầu khí Afghanistan thiếu "khả năng kỹ thuật để nghiên cứu và điều hành những hợp đồng mới nếu không cóp sự hỗ trợ từ nước ngoài".

Bộ trưởng Khai mỏ và Dầu khí lúc đó là Daud Shah Saba cũng chính thức thừa nhận với hãng truyền thông Bloomberg rằng, "thật không may mắn, chúng tôi đã thất bại trong quản lý cũng như kiểm soát chặt chẽ môi trường khai mỏ của đất nước". Năm 2015, 2 dự án khai mỏ lớn nhất của Afghanistan được báo cáo bị trì hoãn ví lý do an ninh và những tranh cãi liên quan đến hợp đồng. Những khoản thu nhập từ lĩnh vực khai mỏ được coi là yếu tố chủ chốt cho phép Afghanistan thoát khỏi lệ thuộc vào sự hỗ trợ từ nước ngoài.

Cũng trong năm này, những nhà tài trợ quốc tế dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã đóng góp khoảng hai phần ba ngân sách quốc gia Afghanistan, với hơn 7 tỷ USD. SIGAR ghi nhận rằng các nguồn khoáng sản dồi dào của Afghanistan có thể mang về hơn 2 tỷ USD thu nhập hàng năm cho nước này.

Một sản phẩm chế tác từ đá da trời được bán tại một chợ ở Kabul.

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban, các chuyên gia quốc tế lo ngại phiến quân sẽ tăng cường kiểm soát nguồn khoáng sản của Afghanistan. Với chỉ 10.000 binh sĩ Mỹ đang hỗ trợ các lực lượng Afghanistan giữ gìn an ninh, chính quyền nước này chịu sức ép nặng nề trong nhiệm vụ bảo vệ mọi quặng mỏ. Các đối tác quốc tế của Afghanistan cũng đóng vai trò quan trọng.

Global Witness tin rằng Washington thiếu nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh trong lĩnh vực khai mỏ ở Afghanistan đồng thời cho rằng chính quyền Bắc Kinh có thể góp phần kiềm chế hoạt động khai mỏ bất hợp pháp bằng cách gây sức ép đến các công ty Trung Quốc nhập khẩu đá da trời kiểm soát thật chẽ kênh cung cấp loại đá bán quý này.

Diên San (tổng hợp)
.
.