Tầm nhìn & ranh giới

Thứ Tư, 19/09/2012, 10:40

Có lẽ không đợi đến lúc đặt chân lên bờ biển, chỉ cần làn gió thoảng qua mang chút hương vị mặn mòi của đại dương là ánh mắt chúng ta đã xoay chiều, phóng tầm nhìn ra xa, mong sớm phát hiện một cánh buồm hay một đợt sóng bạc đầu - những sứ giả thân thuộc mà đầy chất lãng mạn của biển khơi.

Ngày thường đã thế, những ngày giông bão và nhất là những năm tháng gần đây, khi mà "tàu lạ" liên tiếp đâm chìm, bắt bớ thuyền cùng ngư dân Việt, khi mà Trung Quốc - bất chấp luật pháp quốc tế, ngày càng xâm phạm trắng trợn biển đảo Việt Nam, thì mỗi người Việt còn lòng yêu nước, cho dù ở tít tận đỉnh Trường Sơn, dù ở tuổi gần đất xa trời, cũng ngày đêm hướng ra biển Đông, đau đớn vì Hoàng Sa, hồi hộp lo cho Trường Sa đang bị đe dọa từng ngày. Như thầy giáo Thân Trọng Ninh, 90 tuổi, khi nhận được tư liệu từ Pháp gửi về, thêm một bằng chứng khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, đã vui mừng, sốt sắng thông tin cho báo chí như đó là tin mừng của riêng mình. Anh chị em văn nghệ sĩ Huế, đăng ký đi Trường Sa chưa được, vẫn làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc từ tiếng vọng của biển Đông dậy sóng dội về, từ sự thôi thúc của tình yêu Tổ quốc.

"…Trường Sa ơi/ Trường Sa bây giờ không chỉ ra-đa và súng/ Trường Sa đang sinh sôi tiếng trẻ học bài/ Gì sâu hơn mắt trẻ thơ ngơ ngác/ Xoe tròn trước đại dương xanh… Ở Trường Sa/ Tiếng trẻ bổng trầm hát theo cô trong lớp/ Lính đảo lắng nghe/ Như hồn Việt/ gọi tên" (Thơ của Ngô Minh)

Riêng tôi, thay vì "góp đá xây Trường Sa" cùng các bạn trẻ, năm ngoái đã nhờ một bạn ở báo Tuổi trẻ mang ra tặng các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa một thùng sách gồm hai tiểu thuyết "Đường đỏ đá xanh" và "Chỗ đứng người kỹ sư" viết về cuộc chiến đấu ở Trường Sơn vừa tái bản, với lòng tin tưởng: "Các anh nhất định sẽ giữ vững Trường Sa như chúng tôi đã giữ đường Trường Sơn năm xưa…".

Hôm nay, có dịp được đặt chân lên đảo Phú Quốc bình yên - một vùng đất giàu tiềm năng đang chờ cơ hội cất cánh, mỗi lúc hướng tầm nhìn ra biển xa, dù đang đứng bên thềm lục địa phía Tây Nam Tổ quốc, lòng vẫn xốn xang vọng về Hoàng Sa-Trường Sa bên biển Đông đang không ngừng nổi sóng. Nhìn tấm bản đồ Phú Quốc với những đường bay đi TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội, tôi bỗng muốn thốt lên: Ước chi có một đường bay ra Hoàng Sa-Trường Sa, để trong chốc lát được thấy tận mắt "Đảo Chìm" mà Trần Đăng Khoa từng sống, đã hiên ngang trỗi dậy giữa trùng khơi bất chấp đủ thứ hiểm họa vây quanh…

Cửa sông Dương Đông ở Phú Quốc.

Tôi nghĩ đến "tầm nhìn xa" khi đi ngang qua sân bay quốc tế Phú Quốc đang xây dựng, qua các tuyến đường dọc ngang Phú Quốc ngổn ngang đất đá, nhiều nhà dân và cây cối bị phá đổ vì vi phạm lộ giới; giá như chúng ta sớm biết nhìn ra lợi thế "Trời cho" của Phú Quốc - một vùng đất rộng gần bằng diện tích nước Singapore - sớm có quy hoạch đúng đắn, tập trung vốn xây dựng những công trình nói trên thì Phú Quốc hôm nay, có thể chưa phồn thịnh bằng Singapore hay Thâm Quyến, nhưng cũng "dư sức" trở nên một xứ sở đáng mơ ước của nhiều người. Thì nước Singapore vừa kỷ niệm lập quốc 47 năm và Thâm Quyến vài chục năm trước mới chỉ là một làng chài nghèo đói! Mà Việt Nam chúng ta hòa bình thống nhất đã 37 năm. Và bất hạnh thay, trong khi bao nhiêu nơi "khát vốn" thì lại có những công trình hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỉ, như con đường "nghìn tỉ" 8 làn xe, dài 18km ở Kon Tum (Dân Trí  24/3/2012) làm xong rồi bị bỏ hoang! Đó là chưa kể đến các vụ Vinashin, Vinaline  …hủy hoại tài sản quốc gia một cách khủng khiếp mà ai cũng đã biết!...

Tình cờ, trong ngày tôi ở Phú Quốc, nhiều tờ báo lớn đã đăng bài viết nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó có đoạn viết: "…Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc…" (Theo Tuổi trẻ ngày 23/8/2012).

Một sự tình cờ nữa, có thể gọi là kỳ lạ, khi những dòng chữ trên đây lên các mặt báo thì chúng tôi đến thắp hương tưởng niệm "những bậc tiên liệt" ở Phú Quốc, trong đó có đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Phú Quốc là căn cứ địa cuối cùng của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Ngày 19/9/1868, ông bị giặc Pháp bắt ở đây và đã bị chúng xử trảm ngày 27/10/1868 tại Rạch Giá. Sự hy sinh của ông được miêu tả khác nhau trong các truyền thuyết, nhưng đều thể hiện phẩm cách một người anh hùng hết lòng vì dân, vì nước.

Trước đó, khoảng 1782-1783, Phú Quốc cũng là nơi Nguyễn Ánh đứng chân, trong giai đoạn gian lao mở đầu sự nghiệp triều Nguyễn. Và trước nữa, từ cuối thế kỷ XVII, khi Mạc Cửu làm Tổng binh Trấn Hà Tiên, việc khai thác tài nguyên và nhiều ngành nghề đã phát triển ở Phú Quốc, mang lại thu nhập cao cho người dân…

Như thế là các "tiền nhân" đã biết nhìn ra sự "đắc địa" của Phú Quốc từ lâu. Vậy mà sau gần 40 năm hòa bình, Phú Quốc chưa thể cất cánh, vẫn chỉ là một vùng đất "giàu tiềm năng", thì kể cũng đáng phải 'hổ thẹn"…   

* * *

Ở Phú Quốc, ngoài những điểm đến giới thiệu "rừng vàng biển bạc" của hòn "Đảo Ngọc" này như các trang trại trồng tiêu, Công ty nuôi và chế tạo sản phẩm ngọc trai, nhiều hãng sản xuất nước mắm nổi tiếng, rừng nguyên sinh trong Vườn Quốc gia Phú Quốc…, còn có một địa danh đặc biệt: "Trại giam tù binh Phú Quốc", nơi giam giữ tù binh đối phương lớn nhất của chính quyền miền Nam từ năm 1967-1973. Sau khi trao trả tù binh theo Hiệp định Paris (1973), khu trại khổng lồ gồm hơn 500 căn nhà lợp tôn, bịt bùng đủ lớp hàng rào thép gai, có lúc đã nhốt đến gần 4 vạn tù binh, trở nên hoang vắng và đã bị phá bỏ hết sau năm 1975.

Chỉ qua mô hình "chuồng cọp thép gai" và các cực hình khác mà hàng vạn tù nhân ở Phú Quốc phải chịu đựng - trong đó, hiện vật còn lại là những chiếc đinh dài đóng vào chân, tay tù binh, được tìm thấy khi khai quật các ngôi mộ liệt sĩ - chúng ta đã rùng mình ghê sợ trước sự tàn bạo ở Trại giam Phú Quốc và chợt nhận ra một điều thật đau lòng: một chế độ chính trị phản động có thể biến con người thành dã thú, coi mạng sống của đồng bào mình như cỏ rác!

Ở Phú Quốc còn có một hình thức "tra tấn" nữa, tuy không hiện hữu bằng mô hình vật chất ghê sợ, nhưng có khi còn làm đau đớn nhiều tù binh hơn, đau đớn cả đến con cháu họ, ngay cả khi họ đã được trở về gia đình. Đó là âm mưu "cưỡng ép chiêu hồi" được ông Trần Văn Kiêm (một cựu tù binh Phú Quốc) kể lại trong cuốn "Trại giam tù binh Phú Quốc - Những trang sử đẫm máu 1967-1973" (NXB Tổng hợp TP HCM, 2012):

"Một buổi sáng cuối năm 1970… sau trận đánh phủ đầu quyết liệt…tên thiếu úy Tánh vào nói, hoặc các anh em phải về với Việt Nam Cộng hòa, hoặc phải chết dần chết mòn tại đây… Hắn cho vạch một đường dài dưới đất rồi ra lệnh: Ai theo Việt Nam Cộng hòa thì bước qua trái, ai trung thành với Cộng sản bước qua phải…".    

Chỉ một lần ấy thôi, sau cuộc "tra tấn" cân não khốc liệt chọn chỗ đứng bên ranh giới "địch - ta" ấy, những  người dù được tự do trở về với vợ con, cũng phải sống nhiều năm tháng trong sự dằn vặt và cả sự nghi ngờ của đồng đội, đồng bào quê hương! Ôi! Cái "ranh giới" vô hình mà sâu hiểm ấy, do những điều kiện lịch sử, địa - chính trị cụ thể và phức tạp, thực ra đã hiện hình từ lâu trên cả dãy đất Việt suốt gần thế kỷ qua, khiến cả dân tộc ta phải chịu bao thua thiệt và đau đớn, khiến bài học "đại đoàn kết" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao sau Cách mạng Tháng Tám vẫn luôn phải nhắc nhớ, cho đến tận hôm nay…

Bây giờ, giữa cuộc sống đầy biến động, các giá trị bị đảo lộn, con người vẫn luôn phải chọn lựa trước các ranh giới, nhiều khi là những thử thách gay go. Cả ở nơi bình yên như Phú Quốc này, trong việc quy hoạch để Phú Quốc sớm "cất cánh", trước tình trạng một số vùng ở Phú Quốc đang bị "băm nát" như báo "Tuổi trẻ" đã viết, hẳn là đã có kẻ vượt "ranh giới" phục vụ một "nhóm lợi ích" thay vì mục đích xây dựng Phú Quốc thực sự trở thành "Đảo Ngọc", làm giàu cho tỉnh Kiên Giang và cho cả nước. Còn nhớ, từ năm 2004, cũng ở Phú Quốc, đã có những quan chức suy thoái, bất chấp luật pháp, ngang nhiên cướp đất, bán đất, bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng…

Một sáng ở Phú Quốc, sau cơn mưa tầm tã gần như suốt đêm, tôi dạo bước ra bờ biển. Tầm nhìn rộng mở đến chân trời, chẳng có một ranh giới nào ngăn cách. Biển ở ngay sát chân mình, giữa những ngọn sóng nối nhau xô vào bờ, dập dờn hình bóng mấy ông bà "Tây" với áo phao xanh đỏ quanh mình - những sứ giả thân thuộc của Phú Quốc. Hỏi ra mới biết đó là các bạn đến từ xứ sở bạch dương. Sau tháng 10, vào mùa "du lịch", khách Nga đến Phú Quốc còn đông gấp bội, nhiều tốp ở đến 20 ngày. Khi sân bay quốc tế Phú Quốc hoàn thành, từ Nga và nhiều nước khác nữa, du khách được bay trực tiếp đến đây, Phú Quốc chắc chắn sẽ thành một miền đất hội tụ đông vui.

Tưởng đến ngày vui ấy, tôi như thấy ranh giới của Phú Quốc được "Trời cho" rộng mở mãi theo những đường bay ngày một vươn xa với tấm lòng hiếu khách, với tình hữu nghị, hòa bình…

Phú Quốc - Huế.

Những ngày cuối tháng 8/2012

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
.
.