Tấn công càng "thô sơ", gieo hậu quả càng kinh hoàng

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:05
Bắc Âu, khu vực vốn được coi là yên bình và luôn có nhiều nước nằm trong Top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thì nay cũng liên tục phải đối mặt với khủng bố. Vụ tấn công khủng bố bằng xe tải hôm 7-4 khiến 4 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương ở Thụy Điển và bom được tìm thấy ở Na Uy đã minh chứng, châu Âu giờ thật khó tìm nơi an toàn.


Không còn bình yên

Ngày 7-4, một chiếc xe tải có mang theo chất nổ đã lao thẳng vào một đám đông trên phố Drottninggatan, khu phố đi bộ lớn nhất của Stockholm (Thụy Điển) và sau đó đâm vào một loạt cửa hàng bách hóa, khiến 4 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố mới nhất theo hình thức lao xe tải vào đám đông tại các nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh và Đức.

Hồi tháng 7-2016, một kẻ tấn công đã lao xe vào đám đông ở thành phố Nice của Pháp, làm 84 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Tháng 12-2016, một vụ đâm xe tải tại chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức đã làm 12 người thiệt mạng. Gần đây nhất, chiều 22-3, một vụ tấn công tương tự đã xảy ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh, làm 4 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Khu phố tan hoang sau vụ xe tải tấn công khủng bố.(Ảnh: Daily Express.

Liên quan tới vụ tấn công trên, ngày 9-4, thẩm phán Helga Hullmann thuộc một tòa án Stockholm của Thụy Điển cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ nghi phạm thứ 2 liên quan đến vụ tấn công khủng bố trên. Giới chức Thụy Điển thông báo cảnh sát nước này cũng đã tiến hành thẩm vấn 7 người có liên quan tới vụ tấn công.

Phát biểu trên kênh truyền hình SVT sau khi một số cuộc đột kích được tiến hành trên khắp Stockholm vào cuối tuần này, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Thụy Điển Jonas Hysing cho biết, các bằng chứng cho thấy nghi phạm người Uzbekistan, 39 tuổi, được cho là có "sự đồng cảm" với các tổ chức cực đoan, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã bị bắt. Cảnh sát Thụy Điển cho biết nghi phạm từng có tên trong tài liệu tình báo, và trên chiếc xe tải có mang theo chất nổ.

Cũng trong ngày 9/4, cảnh sát Na Uy đã nâng mức đánh giá về nguy cơ xảy ra tấn công trên toàn quốc, sau khi phát hiện một thiết bị nổ tự tạo ở trung tâm thủ đô Oslo một ngày trước đó. Cảnh sát Na Uy cho biết đã thực hiện một vụ nổ có kiểm soát đối với một thiết bị nghi là bom, được đặt tại đường phố ở trung tâm thủ đô Oslo.

Cách thức khủng bố mới

Theo giới phân tích, vụ khủng bố lần này là dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại vì nó xảy ra tại thủ đô của Thụy Điển, một đất nước vốn nổi tiếng là yên bình và hầu như không có dấu hiệu cảnh báo nào về vấn đề an ninh. Điều này cũng cho thấy phạm vi hoạt động của lực lượng khủng bố những năm qua đã không ngừng mở rộng từ Tây Âu sang Bắc Âu, nơi vẫn được coi là một trong số những địa bàn an toàn và ổn định nhất thế giới.

Một người dân cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố. Ảnh: DNA India.

Các vụ việc xảy ra với cùng một kịch bản khá giống nhau ở  Thụy Điển, Đức, Anh, Pháp... Một đối tượng lái xe lao thẳng vào đám đông gây ra càng nhiều thương vong, càng kinh hoàng càng tốt. Tất cả các đối tượng được xác định là có liên hệ với IS và nhận mệnh lệnh của IS gieo rắc nỗi sợ hãi tại các quốc gia mà IS cho là "kẻ thù".

Các chuyên gia phân tích sau khi nghiên cứu các cuộc tấn công tương tự đã cho rằng các cuộc tấn công theo kiểu “thô sơ” này không thể nào ngăn chặn được và rất dễ dàng "bắt chước". Điều này đang khiến các cơ quan an ninh đau đầu.

Thật vậy, cách thức tiến hành rất thô sơ của cuộc tấn công này gợi nhớ đến nhiều cuộc tấn công khác diễn ra trong vài năm gần đây tại một số nước phương Tây: sử dụng xe tải đâm vào đám đông như tại Nice (Pháp) và Berlin (Đức), cứa cổ một linh mục tại Normandie (Pháp), một xe ô tô đâm thẳng vào 2 binh sĩ tại Québec (Canada, năm 2014),…

Vào năm 2014, tên Abou Mohammed Al-Adnani, phụ trách tuyên truyền của IS và bị tiêu diệt vào tháng 8/2016, đã yêu cầu những người "theo sự nghiệp" của IS hãy "tiêu diệt" cảnh sát, binh sĩ quân đội hoặc đơn giản là những người dân thường tại các quốc gia tham gia lực lượng đồng minh quốc tế chống IS tại Syria và Iraq, với bất kỳ vũ khí gì có trong tay, từ hòn đá, con dao cho đến xe ô tô.

Đương đầu với một loạt các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu chưa có trong tiền lệ do các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tiến hành tại châu Âu kể từ năm 2015, các quốc gia như Pháp và Anh đã tăng cường mạnh mẽ những công cụ giám sát và an ninh, và trên thực tế đã làm thất bại nhiều âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát hiện ra âm mưu của cách thức tấn công "thô sơ" này là rất khó khăn.

Trong vụ tấn công ngày 22-3 vừa qua tại London, các cơ quan chức năng của Anh đã có hành động, phản ứng rất mau lẹ và kẻ tấn công đã nhanh chóng bị tiêu diệt. Yves Trotignon, cựu chuyên gia phân tích của cơ quan tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) cho rằng để làm được như vậy thì các cơ quan chức năng của Anh đã chuẩn bị kỹ từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, Trotignon cũng đặt ra câu hỏi: "Có sự chuẩn bị thì giảm được những hậu quả. Nhưng hiển nhiên không tránh được tất cả thiệt hại của kiểu tấn công này. Kẻ tấn công tại London vừa qua đã trang bị một con dao làm bếp và một chiếc ô tô. Vậy thì các cơ quan chức năng phải làm gì đây?

Còn Emily Winterbotham, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hoàng gia về quốc phòng và an ninh tại London, cho rằng các cuộc tấn công theo kiểu này được tiến hành với những vật dụng hàng ngày, ô tô, dao, dường như đã trở thành một cách thức mới, tuy nhiên các cuộc tấn công không thể tin này lại rất khó để ngăn chặn được.

Bà Winterbotham cho rằng vấn đề đó là hiện tượng bắt chước máy móc mà chúng ta nhận thấy qua cuộc tấn công ở London, sau các cuộc tấn công tương tự xảy ra ở Nice và Berlin và điều này gây ra mối de dọa về bước chuyển mới sang hành động tấn công kiểu này. IS đã thừa nhận đứng sau cả hai vụ tấn công này.

Chiếc xe được cảnh sát Thụy Điển rời khỏi hiện trường.  Ảnh: The New York Times.

Theo Otso Iho, chuyên gia thuộc trung tâm phân tích quốc tế về khủng bố Jane (JTIC), nguy cơ về việc các phần tử Hồi giáo cực đoan sử dụng ô tô và các phương tiện thô sơ đã tiến hành các cuộc tấn công tại nước Anh và một số nước châu Âu khác lớn hơn các nơi khác bởi vì súng rất khó có thể kiếm được tại Anh hay Bắc Âu. Luật về kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu súng tại Anh, và việc rất khó có thể mua được vũ khí tự động thậm chí tại chợ đen, đã làm giảm các vụ xả súng hàng loạt tại nước này.     

Kiểm soát vòng xoáy bạo lực

Chuỗi những lễ tưởng niệm các nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ngày càng diễn ra nhiều hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Quan ngại về nguy cơ  bất ổn an ninh gia tăng, các nước châu Âu đã phải điều chỉnh áp dụng Luật Schengen, qua đó tăng cường kiểm soát nhân thân công dân châu Âu qua lại biên giới khu vực tự do đi lại Schengen.

Mọi công dân đều phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân để cơ quan chức năng xác minh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh nước ngoài. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không thể phát huy hiệu quả khi gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết.  Các nhà phân tích cho rằng những diễn biến mới nhất tại châu Âu đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia cùng những giải pháp dài hơi để có thể đảm bảo an ninh cho khu vực.

Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã và đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn thế giới, đặc biệt là châu Âu, khi mà tần suất các vụ tấn công khủng bố nhằm vào châu lục này không có dấu hiệu giảm bớt. Vậy châu Âu sẽ phải đối mặt với hình thức khủng bố Hồi giáo này trong bao lâu? Liệu Anh, Pháp, Bỉ và Đức, những nước chịu tổn thất nhiều nhất do khủng bố - có tiếp tục là mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố hay không? Cần có những giải pháp gì để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố?

Các vụ tấn công từ Tây Âu cho tới Bắc Âu thời gian gần đây là lời nhắc nhở toàn châu Âu và thế giới về những gì mà nhân loại đang phải đối mặt. Trong bài phân tích đăng trên trang mạng euobserver.com, chuyên gia Dominique Orsini nhận định EU cần cấp thiết tiến hành cải cách cấu trúc an ninh.

Việc giám sát tất cả các kẻ tình nghi trong một xã hội đòi hỏi việc sử dụng thêm nhiều nguồn thông tin cũng như thay đổi mô hình thu thập tin tức tình báo và thậm chí kéo theo sự thay đổi về luật pháp. Tuy mỗi vụ tấn công mỗi khác, nhưng cũng như tương đồng giữa các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Âu.

Vụ tấn công năm ngoái ở Brussels, cũng như vụ tấn công diễn ra vài tháng trước đó ở Paris, được tiến hành bởi chi nhánh của IS với một loạt các vũ khí và chất gây nổ. Tại Anh, nơi có luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ và là nơi có lực lượng an ninh chuyên nghiệp nhất châu Âu, vụ tấn công kiểu như vậy sẽ rất khó để tiến hành.

Bài trả lời phỏng vấn dưới đây của ông Eric Denécé - Tiến sĩ khoa học chính trị, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp (CF2R), và ông Alexandre del Valle - nhà địa chính trị người Pháp gốc Italy, tác giả của nhiều bài viết và nhiều cuốn sách về an ninh chỉ ra rằng: "Đây chỉ là khởi đầu của làn sóng chủ nghĩa khủng bố nhằm vào châu Âu. Chúng ta đang phải đối mặt với một dạng thức chủ nghĩa khủng bố toàn cầu hoạt động theo mạng lưới thông qua các mạng xã hội và là kết quả của một làn sóng cực đoan hóa mang tính toàn cầu rất sâu sắc trong thế giới Hồi giáo.

Sự quay trở lại châu Âu của nhiều chiến binh thánh chiến thất thế ở Iraq và Syria... sẽ không cho phép hòa giải mọi thứ. Khi quay trở lại châu Âu, các chiến binh này sẽ hình thành một tổ chức bí mật, điều này sẽ củng cố chiến lược thánh chiến. Châu Âu cần phải "làm quen" với các cuộc tấn công diễn ra thường xuyên, có thể là cuộc tấn công thánh chiến bằng dao, bằng xe tải, chặt đầu con tin, các vụ khủng bố hàng loạt hay các vụ khủng bố mang tính cá nhân".

Eric Dénécé nhấn mạnh, kiểu tấn công khủng bố này liên quan trực tiếp đến các phương thức hành động "mới" mà IS kêu gọi các chiến binh thực hiện và thuộc bản chất của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo vốn ra đời từ giữa những năm 1990 cùng với al-Qaeda và không ngừng phát triển kể từ đó. Chắc chắn, từ một vài năm gần đây, IS xuất hiện một cách tích cực hơn và hung hăng hơn so với Phong trào thánh chiến Hồi giáo Ai Cập do Ayman Al-Zawahiri làm thủ lĩnh.

Nhưng tổ chức này đang phát triển mạnh mẽ, song song với những thất bại của IS trên các mặt trận Syria, Iraq và Libya. Do vậy, điều này có nghĩa là chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo còn lâu mới bị dập tắt, mà trái lại đang trong giai đoạn đi lên. Do đó, châu Âu, nhưng trên thực tế là cả thế giới, sẽ bị chao đảo bởi những kiểu hành động man rợ này trong nhiều thập kỷ.

Theo ông Alexandre del Valle, để chấm dứt chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu, cần "khoanh vùng" được mọi phần tử khủng bố tiềm tàng đang bị cuốn hút bởi hệ tư tưởng được lan truyền trên mạng Internet, trên các tạp chí, cũng như được rao giảng bởi nhiều nhà hoạt động cực đoan Hồi giáo, các nhà thuyết giáo và các giáo sĩ.

Cần phải theo dõi sát sao các mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, các nhà thờ, các trung tâm Hồi giáo. Nhưng đây gần như là điều không thể. Chừng nào hệ tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không bị triệt tiêu, chúng ta khó có thể kiềm chế được nó.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế những tổn thất do khủng bố bằng cách tăng cường lực lượng cảnh sát và các cơ quan tình báo để theo dõi sát sao những kẻ tình nghi khủng bố. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát Internet, buộc một số mạng xã hội lớn như Yahoo và Twitter, Facebook cảnh giác nhiều hơn nữa. Cần tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, các mạng xã hội, các cơ quan tình báo và cảnh sát ở châu Âu. Đồng thời, cần tăng cường trao đổi thông tin nhiều hơn nữa ở phạm vi châu Âu với các quốc gia láng giềng.

Hoa Huyền
.
.