Tấn công khủng bố ở Anh: Tiếng bom bạo tàn và bóng ma khủng bố

Thứ Ba, 30/05/2017, 09:19
Ngày 25-5, nước Anh đã ngừng mọi hoạt động trên cả nước để dành phút mặc niệm 22 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại sân vận động Manchester Arena ở thành phố Manchester hôm 22-5. Chính phủ Anh cũng đã tăng mức độ nguy cơ an ninh lên mức "đặc biệt nghiêm trọng" do lo ngại khả năng xảy ra một cuộc tấn công khác.

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới chia buồn với nước Anh, đồng thời lên án những kẻ thực hiện “vụ khủng bố hèn hạ nhất”.

Thủ phạm muốn gây sát thương cao nhất

Vụ việc xảy ra vào cuối buổi biểu diễn của nữ ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande tại sân vận động Manchester Arena. Cảnh sát địa phương cho biết, kẻ tấn công đã kích hoạt một thiết bị nổ tự chế trong lúc khán giả đang rời buổi biểu diễn, đồng thời xác nhận đối tượng tấn công đã chết tại hiện trường.

Manchester Arena là sân vận động có mái che lớn nhất ở châu Âu với sức chứa 21.000 người và là lựa chọn hàng đầu của các nhạc hội và sự kiện thể thao lớn.

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều đoạn video cho thấy cảnh người tham gia buổi biểu diễn rời khỏi sân vận động một cách hỗn loạn. Cảnh sát cũng yêu cầu người dân tránh xa khu vực này và đóng cửa các tuyến đường tàu điện ở khu vực Manchester Victori gần đó.

Người bị thương sau vụ đánh bom được cảnh sát đưa đi cấp cứu. Ảnh: ABC.

Ngay tại cuộc họp báo sáng 23-5, Cảnh sát trưởng Manchester Ian Hopkins cho biết vụ tấn công trên là do một nam giới tiến hành. Quả bom tự chế tinh vi kèm cả những mảnh kim loại sắc nhọn và đinh ốc, cho thấy mục đích của thủ phạm là gây sát thương cao nhất.

Liên quan đến quá trình điều tra về vụ đánh bom này, sáng sớm 25/5, cảnh sát Anh đã tiến hành kích nổ có kiểm soát thiết bị nổ tại một địa điểm ở khu vực Moss Side phía nam thành phố Manchester trong một cuộc khám xét. Cảnh sát cũng đã bắt giữ 7 đối tượng tình nghi để phục vụ điều tra.

Triển khai quân đội bảo vệ các vị trí trọng yếu

Do lo ngại có thể còn các vụ tấn công tiếp theo, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd cho hay lực lượng an ninh đã được điều động để bảo vệ những vị trí quan trọng tại thủ đô London. Lực lượng đặc nhiệm thuộc quân đội cũng đã được điều động đến bảo vệ cung điện Buckingham, phố Downing và Quốc hội sau khi Thủ tướng Theresa May cảnh báo có nguy cơ xảy ra một vụ tấn công khủng bố khác.

Đây là một phần trong chiến dịch Temperer được triển khai sau cuộc tấn công khủng bố tại Manchester. Lần cuối cùng Anh tuyên bố mức độ nguy cơ an ninh cao như vậy là sau vụ đánh bom sân bay Glasgow năm 2007.

Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố Anh Mark Rowley cho hay cuộc điều tra có "quy mô lớn, diễn ra nhanh chóng và đang tiến triển tốt".

Nhiều nghi lễ hoàng gia bị tạm dừng. Cung điện Westminster đã đóng cửa theo lời khuyên từ cảnh sát và sẽ không mở cửa lại cho đến khi có thông báo mới. Ngoài ra, lễ đổi gác tại cung điện Buckingham cũng bị hủy bỏ vào ngày 24-5 để tái bố trí lại lực lượng.

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, cho biết ông muốn trấn an người dân London và du khách rằng chính quyền đang làm "mọi thứ có thể" để bảo vệ thành phố và kêu gọi mọi người "bình tĩnh và cảnh giác".

Kẻ tấn công từng được IS huấn luyện

Các nhà chức trách xác nhận, Salman Abedi, công dân Anh 22 tuổi gốc Libya, đã thực hiện vụ tấn công làm 22 người chết sau khi từ Libya trở về. Abedi lớn lên ở vùng Whalley Range, theo học trường trung học Whalley Range và từng làm việc tại nhà thờ Didsbury vào năm 2013.

Một người bạn học của Abedi cho biết, cậu nhìn thấy Abedi để râu trong lần gặp gần đây nhất. Trong khi đó, những người hàng xóm nói rằng Abedi có những “hành động rất lạ” gần đây.

Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd tiết lộ với BBC rằng, Abedi thuộc diện theo dõi của các cơ quan tình báo. Hiện một bản phân tích đầy đủ đang được thực hiện để tổng hợp các chi tiết liên quan đến đối tượng.

Tờ The Telegraph dẫn nguồn Văn phòng Thủ tướng Anh xác định Salman Abedi sinh ra và lớn lên tại một cộng đồng nhỏ của người Libya ở Manchester. Người này từng học ngành thương mại tại Đại học Salford ở Manchester và được mô tả khá trầm lặng và không có nhiều bạn bè. Một người quen cho biết Abedi đến Libya 3 tuần trước và vừa quay lại Anh vài ngày trước khi xảy ra vụ đánh bom.

Theo giới chức, Abedi nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh từ lâu nhưng dường như họ đã bỏ qua sau khi đối tượng này không có hành vi đáng ngờ nào suốt thời gian dài. Ông Mohammed Saeed, chức sắc cộng đồng Hồi giáo ở Manchester, cho biết từng gặp Abedi trong một buổi cầu nguyện và y nổi giận khi ông lên án tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Anh ta tỏ thái độ thù ghét tôi rõ ràng”, ông kể với The Telegraph.

Cảnh sát và người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại khu vực hiện trường vụ tấn công khủng bố.

Đồng thời với các hoạt động tại Anh, cảnh sát tại thủ đô Tripoli của Libya đã bắt giữ cha và em trai của Salman Abedi. Reuters cho biết cha và em trai của nghi phạm Salman Abedi bị bắt ngày 24-5 bởi thông tin cho rằng họ có âm mưu thực hiện một vụ tấn công ở Libya.

Người phát ngôn của cảnh sát Libya khẳng định ông Ramadan Abedi, cha của Salman Abedi, bị bắt bên ngoài nhà riêng ở khu vực Ayn Zara, ngoại ô thủ đô Tripoli. Trước đó, ông từng khẳng định con trai mình vô tội trong vụ tấn công đẫm máu ở nhà thi đấu Manchester. Sau khi bị bắt, em trai của Salman Abedi đã thừa nhận cả hai anh em họ đều là một phần của IS.

Các nguồn tin chính quyền Anh cho biết Salman Abedi đã được phiến quân IS huấn luyện tấn công. Theo Daily Mail, Abedi chỉ vừa trở về từ Libya, một trong những nơi mà phiến quân IS hoành hành, vài ngày trước khi y gây ra vụ nổ gây thương vong lớn ở nhà thi đấu tại Manchester. Y được cho là cũng đã từng đến vùng đang xảy ra chiến sự ở Syria.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Collomb khẳng định Abedi đã đến Syria và "có mối liên hệ với IS". Một người bạn của Abedi người gốc Libya cho biết nghi phạm thường xuyên đến Libya trong những năm gần đây.

Đêm trước ngày buổi biểu diễn âm nhạc diễn ra ở Manchester, Abedi đã đi tàu điện từ London đến Manchester. Tại đây, nhà điều tra nghi ngờ rằng nghi phạm đã gặp những kẻ đồng lõa rồi nhận từ chúng các thiết bị nổ.

Mối họa từ phần tử thánh chiến bị “giam chân”

Nguồn tin trong Chính phủ Anh cho biết IS và al-Qaeda kêu gọi những kẻ thánh chiến nếu không thể tới Syria thì hãy ở ngay tại Anh để tấn công quốc gia phương Tây này. Những phần tử cực đoan ở Anh cảm thấy việc đến Syria ngày càng khó hơn và đang trở thành đối tượng bị các nhóm thánh chiến khác nhau kích động gây tội ác ngay tại quê nhà. Điều này biến Anh trở thành mục tiêu dễ bị tấn công khủng bố.

"Cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda đều đang kêu gọi những người này ở lại Anh và tấn công phương Tây. Mối đe dọa này hiện nay có vẻ đang lớn hơn rất nhiều. Mối đe dọa này đang thay đổi", Guardian dẫn nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết.

Sự trở về của một số tay súng từ Syria càng khiến cho tình hình thêm phức tạp. Như vậy là cùng lúc, các cơ quan chống khủng bố Anh phải đối mặt với những mối đe dọa tăng cao từ mọi phía.

Giám đốc MI5 Andrew Parker vào năm ngoái đã cảnh báo rằng các cơ quan tình báo chỉ có thể ngăn chặn hầu hết chứ không phải tất cả các vụ tấn công, trong khi Giám đốc MI6 Alex Younger thì cảnh báo về các cơ chế bên trong IS được thiết lập chặt chẽ để tổ chức tấn công ở bên ngoài.

Các nguồn tin chỉ ra một thông điệp được Hamza bin Laden, con trai của Osama bin Laden, đưa ra đầu tháng này. Y thúc giục những kẻ hành động đơn độc hãy tử vì đạo ở các nước phương Tây, lặp lại lời kêu gọi mà IS thường xuyên phát ra trong bối cảnh nhóm khủng bố này đang bị tấn công mạnh mẽ ở Iraq và Syria. Hamza đã kêu gọi các tín đồ "trả thù" cho "những đứa con của Syria", "những góa phụ Palestine", "những phụ nữ tự do và đáng kính ở Iraq" và "những trẻ mồ côi ở Afghanistan".

Những thông điệp kiểu này đang được chúng bổ sung với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về cách thực hiện tấn công liều chết thông qua các dịch vụ tin nhắn như Telegram.

Raffaello Pantucci, chuyên gia chống khủng bố của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh có trụ sở tại London, nhận định: "Al-Qaeda luôn là mối đe dọa, trong khi IS vẫn tiếp tục kêu gọi tấn công".

Kẻ đánh bom Ramadan Abedi và người cha. Ảnh: Daily Express.

"Có thể thấy điều này qua các cuộc bắt giữ gần đây ở Anh. Đang có nhiều âm mưu tấn công khủng bố hơn trước, không còn là việc tuyên truyền hay tài trợ cho khủng bố như thông thường. Tình hình còn có thể tiếp tục thay đổi", ông Pantucci nói.

Nước Anh phải đối mặt với ít nhất 13 âm mưu khủng bố nghiêm trọng kể từ sau vụ tấn công sát hại binh sĩ Anh Fusilier Lee Rigby hồi tháng 5-2013. Danh sách này còn tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, hầu như hằng tuần cảnh sát đều thực hiện những vụ bắt giữ nhỏ hơn liên quan đến tội tài trợ khủng bố hay tải các dữ liệu dính tới khủng bố từ các trang web thánh chiến.

Hơn 850 công dân Anh tới Syria và Iraq để chiến đấu cho IS và các nhóm thánh chiến khác, một nửa trong số đó đã trở về, khiến cho danh sách các đối tượng bị theo dõi của MI5 đã tăng lên tới 3.000 người.

Theo nhận định của giới quan sát Anh việc các chiến binh người Anh từ Syria trở về nước đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều, đồng thời làm gia tăng sức ép từ mọi phía lên các cơ quan chống khủng bố của Anh.

Khủng bố tăng tấn công vào các “mục tiêu mềm”

Vụ đánh bom liều chết tại sân vận động Manchester Arena như một lời nhắc nhở rằng các nước phương Tây vẫn phải đối mặt với nỗi lo an ninh và chưa thoát khỏi hiểm họa khủng bố. Trong vòng 4 năm qua, các cơ quan an ninh Anh đã đập tan 13 âm mưu tấn công khủng bố nghiêm trọng kể từ sau vụ tấn công sát hại binh sĩ Anh Fusilier Lee Rigby hồi tháng 5-2013. Danh sách này còn tiếp tục tăng lên.

Trước các vụ tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô London và sân vận động Manchester Arena, giới chức an ninh Anh đã nhiều lần cảnh báo rằng lực lượng IS và những phần tử thánh chiến từ Iraq và Syria đang coi Anh là mục tiêu mới. Rõ ràng, "xứ sở sương mù" đang phải đối mặt với hiểm họa giống Liên minh châu Âu (EU) khi theo báo cáo công bố cuối năm 2016 của EU, có khoảng 5.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo người châu Âu đã đến Syria và Iraq, trong đó khoảng 1/3 đã quay trở lại "Lục địa già" và một số phần tử đã nhận lệnh tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Qua vụ tấn công này, IS có vẻ muốn truyền đi thông điệp rằng chúng có thể làm mọi điều tùy thích, ở những nơi chúng muốn và theo cách chúng lựa chọn. Hơn nữa, IS đã đạt mục đích trong việc gây ra tâm lý hoảng loạn tại Anh.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao hầu như hằng ngày, cảnh sát đều thực hiện những vụ bắt giữ lớn nhỏ liên quan đến các đối tượng tình nghi có quan hệ với Hồi giáo cực đoan, nhưng các vụ tấn công vẫn liên tiếp xảy ra và các mục tiêu lại chính là những địa điểm đông người vốn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sự thất bại của các cơ quan tình báo phương Tây trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công gần đây ở Pháp, Bỉ, Đức và Anh cho thấy cuộc chiến chống khủng bố ngày càng gian nan và khó đoán định, đặc biệt những vụ tấn công theo kiểu "con sói đơn độc" đang càng trở nên phố biến. Bóng ma khủng bố vẫn ám ảnh khắp nơi. Một loạt nước trên thế giới đã bắt đầu xem xét thắt chặt an ninh trước các sự kiện thể thao hoặc văn hóa lớn, sau vụ tấn công đánh vào “mục tiêu mềm” là buổi hòa nhạc ở Manchester.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, người Mỹ có thể cảm thấy an ninh gia tăng trong các sự kiện công cộng. Thủ đoạn tấn công của khủng bố vào các “mục tiêu mềm” ngày càng rõ nét, bởi đây là những mục tiêu khá dễ dàng. Ông Ron Hosko, cựu trợ lý Giám đốc FBI cho biết, cuộc tấn công ở Manchester cho thấy lực lượng an ninh cần phải suy nghĩ lại về chiến lược bảo đảm an ninh.

Các vụ tấn công thời gian gần đây tàn nhẫn và đơn độc hơn so với trước kia. Trong 3 năm qua, tần suất các vụ tấn công khủng bố chống lại các nước phương Tây và mức độ thiệt hại của các vụ này đã tăng mạnh. Trong khi đó những kẻ tấn công cực đoan ngày càng trở nên “điêu luyện” hơn trong việc sát hại con người.

Hoa Huyền
.
.