Tấn công mạnh nạn hàng giả, hàng nhái

Thứ Ba, 14/07/2020, 10:59
Một kho chứa hàng lậu lớn nhất từ trước tới nay tại tỉnh Lào Cai đã bị lực lượng liên ngành ập vào bất ngờ. Trên diện tích rộng hơn 10.000m2 là vô vàn sản phẩm đang được đóng gói hoặc chuẩn bị đóng gói để chuyển đi theo đơn hàng online.

Hàng loạt sản phẩm thời trang, mỹ phẩm là hàng giả, hàng nhái. Nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Adidas, Louis Vuitton, Chanel… cũng xuất hiện tại đây.

Đây là cơ sở bán hàng giả, hàng lậu có liên quan đến thương mại điện tử có quy mô “khủng” nhất với 40 nhân viên làm việc liên tục trên máy tính. Trước khi vụ việc này bị phát hiện, các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan đã liên tiếp xử lý nhiều cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Nhưng tại sao hoạt động này vẫn diễn ra với quy mô ngày càng lớn?

Có tới 40 nhân viên ngồi máy tính thực hiện giao dịch online.

Kho hàng khủng giáp biên

Ngày 7-7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã tấn công vào kho hàng ở số 145 đường Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra có 3 nhân viên đang thay nhau livestream bán hàng trên mạng xã hội Facebook bằng các tài khoản “Thảo Trần”, “Giầy Đồng giá”…

Còn trên mặt sàn, tại các kệ có hàng nghìn sản phẩm là quần áo, giầy dép, kính mắt, đồng hồ, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… Nhiều sản phẩm đã được đóng gói kỹ càng để chuẩn bị chuyển đi giao bán. Nhan nhản sản phẩm in chữ hoặc logo thương hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.

Theo lời khai ban đầu của các nhân viên có mặt tại kho hàng, ngày nào họ cũng chốt được khoảng 1.000 đơn hàng. Sau khi một số nhân viên livestream bán hàng trên mạng, sẽ có hơn 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn bằng phần mềm chuyên nghiệp và quản lý tập trung. Các đơn hàng đã chốt sẽ được đóng gói cẩn thận rồi gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát lớn như Viettel Post.

Chủ kho hàng là một người rất trẻ - Trần Thành Phú SN 1992 có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai. Phú cùng em gái điều hành kho hàng. Các sản phẩm tại kho hàng này đều là sản phẩm nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

Một thương hiệu nổi tiếng bị làm giả.

Theo QLTT đánh giá, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hoá từng khâu, các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet, gồm cả bán buôn và bán lẻ. Việc đầu tư các trang thiết bị livestream rất rẻ tiền, thô sơ nhưng vô cùng phát huy hiệu quả bởi các nền tảng mạng xã hội.

Cơ sở này đã hoạt động trót lọt từ 2 năm qua, đồng nghĩa với việc hàng triệu sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng với số tiền khổng lồ. Nhiều khách hàng phải mua hàng giả, hàng nhái với giá hàng hiệu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng trên. Hiện cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ kho hàng để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo và xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc phát hiện và xử lý kho hàng lậu thuộc diện “khủng” này được dư luận ủng hộ và hoan nghênh, đặc biệt trong xu hướng thương mại điện tử, người dân mua hàng qua mạng xã hội ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để phát hiện, xử lý được kho hàng này, lực lượng chức năng đã kỳ công theo dõi, phối hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ trong suốt thời gian hơn 6 tháng qua.

Hành trình truy tìm dấu vết trên các trang bán hàng online

Theo đại diện QLTT cho biết, cuối năm 2019, đơn vị này triển khai Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1-10-2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020. Đây là một trong những giải pháp chủ lực mà QLTT tập trung nhằm trấn áp vấn nạn hàng giả, hàng nhái, đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh cho thị trường.

Từ cuối năm 2019, đơn vị nghiệp vụ đã đưa vào tầm ngắm một số tài khoản facebook bán hàng có những dấu hiệu bất thường. Quá trình rà soát mạng Internet, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ QLTT đã phân công kiểm soát viên thường xuyên theo dõi, bám sát hoạt động của nhóm đối tượng trên mạng Facebook như “Thảo Trần”, “Giầy Đồng giá”… Đây là các tài khoản chính mà nhóm đối tượng dùng để giới thiệu, livestream bán hàng trên địa bàn cả nước.

Kho hàng giả, hàng nhái được phát hiện tại Lào Cai.

Tuy vậy, quá trình theo dõi, nắm bắt thông tin về vụ việc này, các kiểm soát viên đã gặp phải không ít khó khăn. Do giao dịch thường diễn ra trên mạng xã hội dưới hình thức phát trực tiếp nên khó xác định các giao kết hợp đồng. Người mua và người bán không gặp nhau. Hàng hoá vận chuyển qua bên thứ 3 và thanh toán chủ yếu bằng hình thức COD (giao hàng thu tiền). Việc định danh đối tượng mất nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, chủ cơ sở kinh doanh không đứng tên trực tiếp mà mọi giao dịch với người tiêu dùng được thực hiện thông qua những người đại diện làm thuê.

Đặc biệt, chủ hàng đã chọn địa điểm kỹ, lẩn khuất nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Vị trí kho hàng và địa điểm kinh doanh chính đặt ở vùng giáp ranh biên giới. Kho hàng nằm khuất sau một khu biệt thự, có hàng rào cao, cửa luôn đóng kín. Hơn nữa, tại đây còn có chòi gác, bảo vệ, hệ thống camera giám sát hiện đại, sử dụng chó dữ để cảnh giới… Thủ đoạn của các đối tượng tinh vi, kín kẽ. Bởi thế, lực lượng QLTT và Công an đã phải nỗ lực rất lớn để làm kho hàng này “phát lộ”.

Theo thống kê sơ bộ và qua lời khai của các nhân viên, bình quân hàng tháng nhóm đối tượng này bán ra thị trường khoảng trên 90.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đơn hàng. Doanh số bình quân các tháng là khoảng 10 tỷ đồng.

Ngăn chặn hàng lậu, gian lận thương mại

Trước khi kho hàng lớn tại Lào Cai bị lộ diện, ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Ngay trong sáng 7-7, Đội QLTT số 7, Cục QLTT Đồng Nai cũng tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng của nhà phân phối Duy Hùng ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc.

Tại đây đoàn kiểm tra phát hiện một lượng lớn súng nhựa bắn nước, lọ hoa thuỷ tinh do Trung Quốc sản xuất nhưng không có nhãn phụ. Đặc biệt là gần 2.000 sản phẩm dầu xả, dầu gội hiệu K-Wash, Shoudersick… Ước tính số hàng trên trị giá hàng trăm triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Trước đó, ngày 25-6, Đội QLTT số 2, Cục QLTT Phú Thọ kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo K&L ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Tại cửa hàng bày bán 41 chiếc áo phông cộc tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ và gửi công văn yêu cầu giám định toàn bộ số hàng trên. Sau đó, Cục trưởng Cục QLTT Phú Thọ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở kinh doanh này với số tiền 16 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng vi phạm và đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng.

6 tháng đầu năm 2020 Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.141 vụ với tổng số tiền xử lý là hơn 62 tỷ đồng, trong đó số tiền phạt hành chính là hơn 20 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Cục QLTT Hà Nội đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý 5 vụ việc liên quan đến hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, thuốc giả không có giá trị sử dụng.

Nhiều nhãn hàng nổi tiếng bị làm giả, làm nhái.

Trong diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” được tổ chức cuối năm 2019, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ QLTT (Bộ Công thương) cho biết, nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Đặc biệt, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy các sàn giao dịch điện tử ngày càng nở rộ với lượng người tham gia mua hàng trực tuyến tăng chóng mặt. Các nhóm mặt hàng tiêu dùng bị làm giả nhiều, thậm chí hàng cấm cũng xuất hiện trên các website thương mại điện tử và trang mạng xã hội. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng QLTT cho biết, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi và có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu lậu trên biên giới và trong nội địa. Thậm chí có tình trạng lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặt mua hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài gắn nhãn mác Việt Nam đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ.

Ông Linh cũng khẳng định, lực lượng QLTT xác định năm 2020 là một năm có nhiều khó khăn, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn. Do vậy lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không trở thành vấn nạn, tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, người tiêu dùng được bảo vệ… rất cần sự phối hợp hoạt động hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng: Công an, QLTT, Hải quan, Bộ đội biên phòng, các hiệp hội có liên quan.

Năm 2019, QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ việc, phát hiện xử lý 82.300 vụ vi phạm liên quan hàng giả, gian lận nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã chuyển cơ quan điều tra 60 vụ; đã khởi tố hình sự 4 vụ, đang điều tra 43 vụ, trong đó có 22 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, 8 vụ gian lận thương mại, 22 vụ hàng giả.
Việt Hà - Lưu Hiệp
.
.