Tăng cường bảo vệ an ninh hàng không sau vụ máy bay Malaysia bị mất tích

Thứ Hai, 17/03/2014, 12:45

Ngay sau khi nhận được thông tin về chiếc máy bay Boeing 777-200, số hiệu MH370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines mất tích trong chặng bay từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh lúc 0 giờ 22 ngày 8/3/2014 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) đã có công điện khẩn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hàng không ở tất cả các sân bay trong cả nước.

Nội dung công điện nêu rõ, các cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lên cấp độ 1. Tại các khu vực hạn chế trong sân bay, các cảng vụ hàng không tăng cường số lượng nhân viên an ninh; không cho người không có nhiệm vụ vào khu vực này, kiểm tra người bằng máy dò kim loại cầm tay và nâng việc kiểm tra trực quan lên 7% đối với người và đồ vật thay vì 5% như bình thường.

Chiều ngày 10/3, chúng tôi có mặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP HCM. Một nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ tại đây cho biết, ngay từ tối ngày 8/3, sân bay Tân Sơn Nhất đã triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh cấp độ 1. Bên cạnh các nhân viên an ninh, còn có một bộ phận của Lực lượng Cảnh sát 113, Công an quận Tân Bình.

Theo ông Đỗ Xuân Toản, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất, ngay sau khi nhận được công điện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT,  Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất đã tăng cường thêm 40% quân số thường xuyên túc trực để kiểm tra, giám sát, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan như Cảng vụ, Công an cửa khẩu, Hải quan, các hãng hàng không trong nước và quốc tế, Công an quận Tân Bình, Cảnh sát 113 nhằm mục đích bảo đảm an ninh trật tự công cộng khu vực bên ngoài nhà ga, khu vực đón, đưa, bên trong khu vực ga đi, ga đến, phòng cách ly, khu vực bay, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu hành khách, hành lý xách tay, hành lý ký gửi.

Ở khâu kiểm soát hành khách, hành lý, các thiết bị kiểm tra chất nổ, chất cháy, máy ngửi mùi cũng được tăng cường. Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ kiểm tra ngẫu nhiên diễn ra rất quy củ nên không xảy ra hiện tượng ùn tắc hành khách hay hành lý mặc dù thời gian có kéo dài hơn một chút.

Một cán bộ phụ trách soi chiếu cho biết: "Bình thường, sau khi hành khách, hành lý qua máy soi chiếu nếu không phát hiện nghi vấn thì chúng tôi mời vào khu vực bên trong, đợi đến giờ bay. Tuy nhiên, do nâng cấp an ninh lên cấp độ 1 nên có những hành khách, hành lý, dù đã qua máy soi chiếu và không phát hiện bất thường nhưng bộ phận an ninh vẫn kiểm tra ngẫu nhiên với tỉ lệ 10%". Bên cạnh đó, hành khách cũng được nhắc nhở là không nên mang hộ đồ đạc, hành lý cho những người không quen biết.

Ông Trần Văn Bình, một hành khách đi Nhật, nói: "Lúc đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sao đã kiểm tra rồi mà còn bị kiểm tra lại. Nhưng khi nghe các anh an ninh giải thích, tôi hoàn toàn đồng ý vì đây là biện pháp cần thiết".

Bà Liên, khách đi Hà Nội, cho biết ngay khi làm thủ tục lên máy bay, bà đã được thông báo về việc kiểm tra an ninh nên bà không thấy bất ngờ: "Đọc báo thấy máy bay của Malaysia mất tích, mà một trong những nguyên nhân có thể là do khủng bố nên tôi rất tán thành cách làm của hàng không nước mình". Một số người khác không phải là khách đi máy bay lúc nghe thông báo không được vào những khu vực hạn chế của sân bay cũng nghiêm túc chấp hành.

Cổng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng được tăng cường an ninh.

Ở khâu kiểm tra hộ chiếu, các cán bộ an ninh cửa khẩu cũng làm việc với tinh thần cẩn trọng nhưng không gây phiền hà cho hành khách. Theo một cán bộ, Việt Nam có 3 cấp độ về an ninh hàng không. Việc ban bố cấp độ nào thì tùy thuộc vào tính chất sự việc và nguy cơ uy hiếp an toàn an ninh hàng không. Trong trường hợp này, máy bay Malaysia mất tích trên khu vực được cho là có liên quan đến Việt Nam nên ngành giao thông vận tải đủ điều kiện để đưa ra cảnh báo cấp độ 1.

Đến lúc này, tất cả các chuyến bay đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất đều diễn ra bình thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì chưa có trường hợp nào bị lập biên bản vì vi phạm các quy định về an ninh hàng không theo tinh thần công điện của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.


Hộ chiếu bị đánh cắp hoặc thất lạc: Phải trình báo!

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, có ít nhất 2 hộ chiếu đã nằm trong  dữ liệu "Giấy tờ đi lại bị đánh cắp hoặc thất lạc"  trong kho cơ sở dữ liệu của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đã được hành khách sử dụng để tham gia chuyến bay mất tích MH 370 của Hãng Hàng không Quốc gia Malaysia. Điều bất thường này được phát hiện  trong quá trình rà soát toàn bộ giấy tờ được sử dụng trên chuyến bay. Hai hộ chiếu này - một của Áo, một của Italia - đã được bổ sung vào kho dữ liệu sau khi bị lấy cắp ở Thái Lan năm 2012 và 2013.

Theo hệ thống xác nhận vé điện tử Travelsky của Trung Quốc, hai vị hành khách sử dụng hộ chiếu giả này dường như đã mua vé cùng nhau tại Hãng China Southern Airlines bằng tiền baht Thái Lan để khởi hành từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, sau đó tiếp tục đi Amsterdam (Hà Lan). Vé của hộ chiếu Italia tiếp tục đi Copenhagen (Đan Mạch), còn vé của hộ chiếu Áo đi Frankfurt (Đức).

Tuy nhiên, bản tin của TTXVN cũng đã dẫn các tài liệu từ  Interpol cho hay, không hề có quốc gia nào kiểm tra dữ liệu của họ về một cuốn hộ chiếu Áo và một cuốn hộ chiếu Italia trong khoảng thời gian chúng bị đánh cắp và thời điểm máy bay cất cánh.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết, trong kho dữ liệu của Interpol có đề mục "Giấy tờ đi lại bị đánh cắp hoặc thất lạc". Hộ chiếu bị mất cũng nằm ở đây và tất cả các nước thành viên thuộc Interpol, trong đó có Việt Nam, đều có thể truy cập được vào kho dữ liệu này.

Dữ liệu "Giấy tờ đi lại bị đánh cắp hoặc thất lạc" của Interpol được thiết lập từ năm 2002 sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Mỹ ngày 11/9/2001, nhằm giúp các nước đảm bảo an ninh biên giới và bảo vệ người dân trước nguy cơ khủng bố và các tội phạm nguy hiểm khác sử dụng giấy tờ đi lại giả mạo. Thông qua cơ sở dữ liệu này mà Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác đã từng phát hiện bắt giữ một số đối tượng truy nã quốc tế. Văn phòng Interpol Việt Nam đánh giá, việc truy cập vào cơ sở dữ liệu này là một biện pháp rà soát có hiệu quả.

Khi công dân vì một lý do nào đó bị đánh cắp hoặc thất lạc hộ chiếu, cần phải báo tin tới cơ quan chức năng theo các thủ tục đã được quy định. Trong trường hợp nếu tìm lại được thì công dân cũng có trách nhiệm phải thông tin lại tới cơ quan chức năng. Tại Việt Nam, theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, trong trường hợp hộ chiếu bị mất thì trong thành phần hồ sơ xin cấp hộ chiếu mới ngoài các giấy tờ theo quy định chung phải nộp giấy đã trình báo việc mất hộ chiếu theo quy định.

Đ.H.

V.C.
.
.