Tanzania: Người bạch tạng bị sát hại lấy bộ phận cơ thể

Thứ Sáu, 16/01/2015, 13:35
Những người bạch tạng đang đối mặt với định kiến và cái chết ở Tanzania. Một chiến dịch mới hiện đang được triển khai nhằm chấm dứt sự thù địch chống lại cộng đồng nhỏ bé chỉ vào khoảng 40.000 người bạch tạng ở Tanzania - theo số liệu chính thức từ chính quyền. Người bạch tạng - thiếu sắc tố da nên có làn da trắng bệt - bị giết để cướp lấy bộ phận cơ thể - như là tóc, chân, tay hoặc máu - do tin rằng những thứ đó sẽ mang lại may mắn và sự giàu có. Hơn 70 người bạch tạng bị giết chết trong 3 năm qua ở Tanzania, trong khi chỉ có 10 vụ bị kết án.

Ngư dân Mtobi Namigambo ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế đẩu bên ngoài căn nhà vách đất của mình ở đảo Ukerewe - địa phương từng là nơi trú ẩn an toàn cho người bạch tạng nhưng bây giờ nó không còn như thế nữa. May Mosi, đứa con trai 4 tuổi đang ngồi trong lòng anh. May biết đọc rất sớm và đếm được từ 1 đến 10. Namigambo ném cái nhìn về phía cô vợ Sabina đang ngồi xổm chuẩn bị bữa ăn cho gia đình bé nhỏ. Hai đứa con của họ đang chơi đùa gần đó. Họ cũng có một đứa trẻ sơ sinh đang ngủ trong nhà. Khi được 3 tháng tuổi, May Mosi may mắn thoát được âm mưu bắt cóc.

Namigambo kể: "Tôi ra hồ đánh bắt cá. Vợ con ở nhà khi bọn bắt cóc xuất hiện. Vợ tôi ôm bé May nhảy ra lối  cửa sổ chạy thoát. Hai đứa nhỏ khác còn lại trong nhà nhưng may mắn không bị gì. Bọn chúng chỉ muốn bắt bé May mà thôi". Sabina nói xen vào: "Chồng tôi thường ra khỏi nhà đi đánh bắt cá và bọn chúng biết điều đó. Khi tôi ôm May chạy trốn, bọn chúng vẫn tiếp tục đuổi theo. Tôi la to cầu cứu. Bọn chúng chỉ bỏ đi khi những người láng giềng vây lại". Hai vợ chồng ngư dân Namigambo mong muốn chính quyền Tanzania có biện pháp mạnh và khẩn cấp để cứu lấy cộng đồng người bạch tạng.

Tháng 5/2014, một phụ nữ bạch tạng bị giết chết. Bé May Mosi nằm trong số 70 người bạch tạng sống trên vùng đảo hẻo lánh Ukerewe cách thành phố Mwanza của Tanzania chừng 3 giờ đường ôtô. "Dưới cùng ánh mặt trời" - nhóm chiến dịch hỗ trợ cộng đồng người bạch tạng địa phương - cho biết đảo Ukerewe đang bị đe dọa bởi bọn tội phạm sử dụng canô từ các đảo láng giềng sang. Ông Alfred Kapole, Chủ tịch Hội Người bạch tạng Tanzania ở địa phương và cũng là người bạch tạng sống ở Ukerewe, đã lánh nạn đến thành phố Mwanza.

Nhà hoạt động Alfred Kapole và một em bé bạch tạng.

Vicky Ntetema, lãnh đạo nhóm "Dưới cùng ánh mặt trời", cho biết: "Kapole nằm trong số những người bạch tạng đầu tiên đưa vụ việc đến tòa án sau khi một trưởng làng muốn giết ông để lấy tóc. Năm 2013, căn nhà của Kapole bị tấn công nhưng may mắn là lúc đó ông không có mặt ở nhà. Năm vừa rồi, cũng có âm mưu sát hại Kapole".

Năm 2014, chính quyền Tanzania phát động chiến dịch gây quỹ xây dựng chương trình thuyết phục các cộng đồng từ bỏ quan niệm mê tín và chấm dứt tấn công người bạch tạng. Tuy nhiên, chương trình chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Ramadhani Khalfan, Chủ tịch Hội Người bạch tạng Ukerewe, bộc bạch: "Thật ra, chúng tôi không có khả năng tài chính để vươn tới các cộng đồng nhỏ như làng mạc. Chúng tôi chủ yếu chỉ dựa vào radio hay truyền hình để tuyên truyền".

Ở thành phố Sengerema, một tượng đài bằng kim loại với kích thước người thật được dựng lên ngay giữa trung tâm thành phố mô tả một người cha bình thường đang cõng đứa con trai bạch tạng trên vai trong khi người mẹ giơ cao chiếc nón rộng vành để bảo vệ đứa con khỏi ánh nắng mặt trời. Theo số liệu thống kê, có 139 nạn nhân bị giết chết lấy bộ phận cơ thể, tấn công hay xác của họ bị đánh cắp từ những ngôi mộ. Mashaka Benedict, đại diện Hội Người bạch tạng Sengerema, cho biết thậm chí những người có học vấn cao cũng tin rằng những bộ phận cơ thể của người bạch tạng sẽ giúp mang lại sự giàu có!

Tượng đài bằng kim loại ở Sengerema.

Mashaka Benedict nói rằng những người có vai vế trong xã hội thường dính líu đến những vụ sát hại người bạch tạng, và đó là nguyên do tại sao chỉ có vài người bị bắt giữ, buộc tội hay tống vào tù! Benedict giải thích: "Liệu một người nghèo có thể bỏ ra  10.000 USD để mua một bộ phận của người bạch tạng hay không? Dễ hiểu, chính các doanh nhân và chính khách mới có khả năng như thế".

Về phần mình, Cảnh sát Tanzania luôn tuyên bố họ cố gắng hết sức để điều tra các vụ tấn công người bạch tạng. Valentino Mlowola, Cảnh sát trưởng Mwanza, thừa nhận: "Những vụ án này thường phức tạp bởi vì phần lớn xảy ra tại các vùng nông thôn hẻo lánh, những nơi không có điện, bọn tội phạm dễ dàng tấn công trong đêm tối mà không sợ bị nhận diện. Chúng tôi luôn cố hết sức điều tra từng vụ nhưng điều đó không đơn giản chút nào".

Hội Người bạch tạng Tanzania cho rằng mặc dù chỉ có 40.000 người bạch tạng được thống kê chính thức ở nước này, song trên thực tế con số có thể lên đến 173.000 người.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.