Tập đoàn Siemens (Đức) và chương trình hạt nhân Iran

Thứ Ba, 07/09/2010, 15:30
Tập đoàn công nghệ khổng lồ Siemens của Đức đã chính thức ngưng giao dịch thương mại với Iran từ ngày 1/7/2010. Nhưng, các quan chức hải quan Đức nói mới đây họ đã chặn được một số hàng hóa của tập đoàn được cho là trên đường đến lò phản ứng hạt nhân của Iran ở Bushehr.

Theo hải quan sân bay Frankfurt, họ đã phát hiện một số hàng phụ tùng máy của Siemens, bao gồm số bộ phận như công tắc, các thành phần chuyển mạch và module máy tính, chuyển đến cho một khách hàng người Nga. Theo chính quyền Đức, khách hàng người Nga được cho là chuyển tiếp hàng hóa ở Frankfurt đến Moskva và sau đó đến đích cuối cùng là lò phản ứng hạt nhân đang gây tranh cãi trên thế giới ở Bushehr trên đất Iran.

Cách đây hơn 30 năm, Heinrich von Pierer (người sau này trở thành tổng giám đốc điều hành của Siemens) giành được hợp đồng trị giá nhiều tỉ đô la cho dự án Bushehr gây nhiều tai tiếng và ngày nay, Atomstroyexport - công ty con của Công ty hạt nhân Rosatom của Nga - đang hoàn tất việc xây dựng lò phản ứng. Tuy nhiên, người phát ngôn của Siemens nhấn mạnh không ai trong công ty biết được những gì đang diễn ra ở Moskva.

Số phụ tùng của Siemens nếu thật sự được chuyển đến Bushehr thì công ty Đức đã vi phạm lệnh cấm vận nghiêm ngặt chống Iran của EU. Sự kiện này có thể sẽ gây nên cuộc tranh luận giữa EU, Nga và Iran. Chính quyền Đức cũng như của các quốc gia châu Âu khác nghi ngờ Tổng thống Iran Ahmadinejad đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc là một chương trình hạt nhân dân sự. Người châu Âu lo lắng nhà máy năng lượng hạt nhân ở Bushehr có thể bị lạm dụng vào mục đích chế tạo bom hạt nhân.

Nhà máy hạt nhân gây tranh cãi ở Bushehr, Iran.

Theo lệnh cấm vận của EU chống Iran trước đây, những sản phẩm quan trọng về mặt chiến lược như các thiết bị kiểm soát và máy tính không được vận chuyển đi từ (hay thông qua) lãnh thổ nước Đức  cho dù phục vụ cho những chương trình hạt nhân dân sự như ở Bushehr của Iran. Lệnh cấm vận áp dụng cho bất cứ sản phẩm nào và không cần biết chúng xuất xứ từ đâu. Chỉ có những ngoại lệ là những sản phẩm tương đối vô hại như là bóng đèn và các linh kiện điện tử. Những sản phẩm có thể sử dụng vào "hai mục đích" quân sự và dân sự đều bắt buộc phải có giấy phép xuất khẩu.

Bất chấp sự tồn tại của lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, EU cũng có những quy định riêng chặt chẽ hơn - như trường hợp đối với số hàng phụ tùng của Siemens mới bị bắt giữ ở sân bay Frankfurt. Ở Đức hiện nay nhiều cơ quan cũng bị buộc phải tuân thủ lệnh cấm vận, trong đó bao gồm Cục Liên bang kinh tế và kiểm soát xuất khẩu.

Hải quan sân bay Frankfurt đã chặn được khoảng nửa chục kiện hàng phụ tùng có nguồn gốc không rõ ràng, trong đó bao gồm hàng của Siemens bị bắt vào đầu tháng 7 vừa qua. Hai kiện hàng từ Nga chứa các máy tính, thiết bị giám sát và các hộp công tắc bị bắt trong tháng 11/2009 và tháng 1/2010. Atomstroyexport hợp đồng với các công ty vận tải để chuyển tiếp số hàng thông qua sân bay Frankfurt đến Tehran và Bushehr. Công ty vận chuyển hàng Lufthansa Cargo cũng dính líu đến ít nhất một trong những vụ việc nói trên.

Trong một vụ việc khác, một công ty Nga đã chuyển phụ tùng công nghệ cao từ Moskva đến Tehran thông qua sân bay Frankfurt. Còn những chuyến hàng không rõ ràng khác được chuyển từ Frankfurt đến Moskva, sau đó đến Dubai và cuối cùng là Bushehr. Hiện nay, các công tố viên ở Frankfurt và bang North Rhine-Westphalia, miền Tây nước Đức, đang tiến hành điều tra các quan chức của 3 công ty Đức có khả năng đã vi phạm Luật Ngoại thương của Đức.

Công ty Siemens, đặt trụ sở ở Munich, đã chính thức ngưng nhận các đơn đặt hàng của Iran từ ngày 1/7/2010.

Trên trang web của mình, Atomstroyexport khoe khoang 12.000 tấn hàng phụ tùng Đức đã được lắp đặt ở Bushehr. Các nhà điều tra hiện thời phải xác định rõ xem số phụ tùng nào đã được lắp đặt cách đây rất lâu khi mà Siemens còn chịu trách nhiệm về dự án lò phản ứng ở Bushehr, và số phụ tùng nào mới được lắp đặt trong thời gian sau này bị coi là bất hợp pháp. Mặc dù Olga Zylova, người phát ngôn của Atomstroyexport, không sẵn sàng bình luận trực tiếp về những vụ việc nhưng bà nhấn mạnh rằng công ty "tuyệt đối không" hỗ trợ chương trình vũ trang hạt nhân có thể xảy ra ở Iran và chỉ liên quan đến chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trong tháng 4 năm nay, một đại diện của Tòa đại sứ Nga ở Berlin đã gửi một bức thư kín phản đối từ chính quyền Moskva đến Bộ Ngoại giao Đức. Trong thư, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích "những hành động bất hợp pháp của chính quyền Đức". Không bao lâu sau, một bức thư khác với những lời lẽ gay gắt hơn bức thư đầu được chuyển đến Berlin, trong đó nói số hàng hóa của Nga đã bị đối xử theo một cách "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Trong thư, các đại diện ngoại giao Nga gián tiếp buộc tội chính quyền Đức đang gây cản trở cho sự trao đổi hàng hóa tự do.

Để củng cố cho lập luận của mình, người Nga đưa ra quy định trừng phạt chống Iran có phần nương tay hơn của Liên Hiệp Quốc, ví dụ như cho phép hàng hóa đi từ Nga đến Iran thông qua Dubai. Người phát ngôn của Siemens nhấn mạnh rằng công ty tuân thủ triệt để mọi sự trừng phạt của EU chống lại Iran

Diên San (tổng hợp)
.
.