Mối lo ngại từ việc IS mở rộng hoạt động sang toàn khu vực Bắc Phi

Thứ Tư, 29/04/2015, 21:15
Mở rộng hoạt động tại khu vực Bắc Phi, IS đang tìm cách thay đổi chiến lược tấn công của mình ở nhiều nước, đặc biệt tại Libya, nơi có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan tuyên thệ trung thành. Sự bành trướng của IS giờ đây đang trở thành mối lo ngại lớn hơn bao giờ hết đối với cộng đồng quốc tế.

IS thay đổi chiến lược tại Libya

Dù IS hiện nay đang kiểm soát các thành phố như Derna và Sirte của Lybia, nhưng chúng vẫn chỉ là một trong nhiều phe phái tranh giành quyền lực tại các khu vực này. Song điều đó không có nghĩa là IS đang thất bại tại Libya. Trên thực tế, đường hướng của IS tại Libya giống với chiến lược của tổ chức này tại Iraq, đó là tìm cách tối đa hóa những lợi thế cạnh tranh của mình tại địa bàn. Tuy nhiên, khác với Iraq và Syria, Libya đang thiếu một số điều kiện then chốt vốn cho phép IS có những bước tiến như vũ bão tại vùng Levant vào mùa hè năm 2014.

Hình ảnh các con tin bị hành quyết và các tay súng tháo dỡ thánh giá trên nhà thờ.

Cụ thể, IS thiếu các mối quan hệ lâu dài với các bộ tộc và các nhóm xã hội có ảnh hưởng tại Libya, trong khi quốc gia Bắc Phi này không có sự phân chia bè phái mạnh hay một kẻ thù chung để các phe phái tập hợp. Do đó, chiến lược của IS tại Libya dường như nhằm mục tiêu đẩy nhanh sự sụp đổ của nhà nước và phá vỡ ý thức của người dân về nhà nước chung. Đồng thời, IS cũng thúc đẩy các điều kiện nhằm gia tăng ảnh hưởng của họ và tạo ra một bản sắc dân tộc - tôn giáo phù hợp với quan điểm riêng của Caliphate (Vương quốc Hồi giáo).

Sự mở rộng của IS tại Sirte kể từ giữa năm 2014 chắc chắn mang lại cho lực lượng này nhiều lợi thế chiến lược. Trước hết, thành phố này từ lâu đã được biết đến là nơi trú ẩn an toàn của nhiều nhóm Hồi giáo và thánh chiến. Dù chính thức ra đời vào tháng 6/2013, nhóm Ansar al-Sharia tại Sirte là hiện thân của phong trào thánh chiến Hồi giáo từng xuất hiện tại Sirte sau cuộc cách mạng năm 2011. Năm 2012, các nhóm Hồi giáo vũ trang thường xuyên phô diễn lực lượng tại Sirte, trong đó có các cuộc diễu hành với các loại khí tài và lá cờ đen.

Trong khi đó, một số nhóm khác nỗ lực áp đặt các quy định hà khắc của Luật Hồi giáo Sharia tại Sirte. Tháng 6/2013, các tổ chức trên đã sáp nhập và chính thức công bố thành lập nhóm Ansar al-Sharia tại Sirte. Họ duy trì các mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng người Misrata và các lữ đoàn cách mạng hiện diện trong thành phố. Thủ lĩnh đầu tiên của Ansar al-Sharia tại Sirte là Ahmad Ali al-Tayyar - một người Misrata và từng chỉ huy Lữ đoàn Faruq trong cuộc cách mạng năm 2011.

Các nguồn tin cho hay một số lực lượng, trong đó có cả nhà thờ Hồi giáo Rabat ở trung tâm thành phố Sirte, từng tuyển dụng các tay súng để tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria. Thánh đường Hồi giáo này cũng từng mời Sheikh Turki al-Binali - một trong những nhà tư tưởng nổi bật nhất của IS - tham gia hàng loạt buổi giảng đạo vào tháng 6/2013.

Mở địa bàn chiến lược

Tại Sirte, quê nhà và là địa điểm kháng cự cuối cùng của cố Tổng thống Muammar Gaddafi cho tới tháng 10/2011, IS đã tiếp cận các bộ lạc từng trung thành với nhà cựu độc tài này và có lịch sử xung đột lâu dài với các phe phái người Misrata. Trên thực tế, chính IS (chứ không phải là các lực lượng của thủ lĩnh phiến quân Ibrahim Jathran liên kết với tướng hồi hưu Khalifa Haftar ở phía đông) đã nhiều lần tấn công và kích động các lực lượng người Misrata ở Sirte và một số khu vực lân cận. Đây có thể là âm mưu của IS nhằm khai thác sự bất mãn của các bộ lạc nói trên, vốn cũng đang tức giận trước sự gia tăng ảnh hưởng của người Misrata ở lưu vực Sirte kể từ cuộc cách mạng.

Vị trí của Sirte - nằm Tại miền Đông Libya, mục tiêu của IS nhằm vào các lực lượng trung thành với tướng Haftar và Quốc hội được quốc tế công nhận (vốn đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các bộ lạc trung thành với cố Tổng thống Muammar Gaddafi ở lưu vực Sirte). Tại Sirte, trọng tâm của IS nhằm vào Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC, cơ quan lập pháp cũ của Libya), liên minh Hồi giáo "Bình minh Libya" và các lực lượng người Misrata. IS được cho là đang cố gắng khai thác các cáo buộc trên các mạng xã hội (theo đó các thành viên chế độ cũ đang chiến đấu bên cạnh nhóm thánh chiến Hồi giáo này tại Sirte và các khu vực lân cận) cũng như cảm giác bị gạt ra ngoài lề của những người này. 

Khoảng 30 người được cho là tín đồ của giáo hội Công giáo Ethiopia ở Libya bị IS mang ra hành quyết.

gần địa điểm giao tranh ác liệt giữa liên minh Hồi giáo "Bình minh Libya" và liên minh thế tục "Nhân phẩm Libya" - đã cho phép IS khai thác cuộc xung đột huynh đệ tương tàn này như từng làm ở Syria. Bằng cách đặt mình giữa hai bên tham chiến, IS khiến không bên nào muốn đối đầu vì điều đó làm họ bị tổn thương trước cuộc tấn công từ phía liên minh còn lại. Những toan tính này dường như đang tỏ ra rất hiệu quả: các lực lượng dân quân Misrata đã buộc phải ngừng chiến đấu chống IS tại Sirte để dành sức đối đầu với liên minh "Bình minh Libya" vốn đang tái phát động tấn công nhằm vào thủ đô Tripoli từ cuối tháng 3 vừa qua.

Sirte có các mối dây liên hệ bộ tộc và kinh tế với khu vực Fezzan ở phía tây nam Libya và án ngữ các tuyến đường chính dẫn đến khu vực này. Một trong những nỗ lực tuyển mộ đầu tiên và công khai nhất của IS tại Libya được bộc lộ qua một đoạn video bằng tiếng Tamasheq, trong đó có cảnh hai tay súng Tuareg đang chiến đấu trong hàng ngũ nhóm thánh chiến này. Hai người này cũng kêu gọi người Tuareg ở Libya, cũng như ở khu vực Sahara và Sahel tham gia IS và gọi Caliphate là một "nhà nước thực sự". Với việc giấc mơ của người Tuareg xây dựng nhà nước riêng của mình tại khu vực Azawad ở miền Bắc Mali bị đổ vỡ, các tay súng trẻ của bộ lạc này đang bắt đầu quay trở lại Libya.         

Xa hơn nữa, các mối liên hệ với mạng lưới của nhóm Al-Qaeda ở khu vực Bắc Phi (AQIM) tại miền Nam Libya, và sự gia nhập IS gần đây của tổ chức Boko Haram tại Nigeria chứng tỏ IS có nhiều cơ hội hơn ở Libya cũng như trong toàn khu vực, thay vì "chôn chân" tại thị trấn đầy cát bụi Noufliya nằm ở phía đông nam Sirte.

Nhiều người ở trong và ngoài Libya cho rằng một trận chiến quyết định đối với số phận của IS ở miền Tây Libya đang dần hiện ra tại Sirte và các khu vực phụ cận. Tuy nhiên, hành động trong quá khứ của IS cho thấy tổ chức này đã có tính toán chiến lược để tránh một cuộc đối đầu như vậy vào thời điểm này.

Nhiều khả năng, IS sẽ tiếp tục đặt mình giữa các phe phái tham chiến tại Libya, theo đuổi việc tiếp cận các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề và bất mãn, đồng thời tìm cách làm giảm khả năng của chính quyền, đẩy nhà nước tiếp tục sụp đổ và thúc đẩy tầm nhìn quốc gia của riêng mình. Trong ngắn hạn, việc kiểm soát lãnh thổ sẽ được xếp hàng thứ yếu sau các mục tiêu chính nói trên.

Thế bài khó… "chơi"

Với sự bành trướng trên mọi mặt, IS đang thách thức các cơ quan an ninh trên khắp thế giới. Do cách truyền bá rất khó có thể bị kiểm soát, chúng sử dụng Internet như một công cụ tinh vi để tuyên truyền, tuyển mộ và mở rộng tầm ảnh hưởng, từ đó tạo ra các "tế bào ung thư di căn" vượt ra khỏi biên giới Syria và Iraq, tới Nigeria, Libya, Yemen, Afghanistan, Algeria, Tunisia và xa hơn nữa. Danh sách đang ngày một dài hơn khi ngày càng có nhiều nhóm khủng bố thề trung thành với tổ chức này.

Gần đây, sau một phiên họp của cơ quan chống khủng bố khu vực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một quan chức an ninh cao cấp của Nga đã cảnh báo rằng một số thủ lĩnh của các tiểu vương bị cấm hoạt động trong vùng Caucasus đã cam kết trung thành với IS. Xu hướng này thách thức không chỉ Nga, quốc gia có hơn 1.700 công dân đã tham gia IS, mà cả khu vực Caucasus và các quốc gia lân cận.

Quy mô của các mối đe dọa của IS đối với châu Á cũng đã tăng lên đáng kể. Nhiều công dân của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng đã tham gia IS. Theo số liệu do Sergey Smirnov, Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga, cung cấp thì hiện có trên 4.000 người từ các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây đang chiến đấu trong hàng ngũ IS.

IS không phải là Al-Qaeda. Sức mạnh và sự gắn kết của nó không phụ thuộc vào uy quyền hay sự sùng bái một thủ lĩnh nào đó, mà dựa trên tư tưởng. Nó tồn tại không chỉ trên mặt đất, nơi có thể bị ném bom, mà trong một không gian ảo vốn cần cách tiếp cận tinh vi và phức tạp hơn nhiều. Nếu cộng đồng quốc tế không có được cách tiếp cận đó ngay từ bây giờ thì IS - một "căn bệnh ung thư" của thế giới - sẽ chuyển sang giai đoạn hủy hoại cuối cùng, khi tất cả các biện pháp đấu tranh hiện nay chắc chắn sẽ trở nên vô ích.

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đang bị thương rất nặng?

Theo nguồn tin từ chính quyền Iraq, thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã bị thương rất nặng trong một đợt không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu khi ông ta đang di chuyển trong đoàn xe có 3 chiếc vào ngày 18/3 tại vùng al-Baaj - vùng đất của người Hồi giáo dòng Sunni - thuộc thành phố Nineveh nằm gần biên giới với Syria.

Abu al-Baghdadi (trái) và Abu Muslim al-Turkmani.

Ban đầu, những phụ tá thân cận nhất cho rằng, cơ hội sống sót của al-Baghdadi là rất thấp cho nên giới lãnh đạo IS gấp rút tổ chức một cuộc họp nội bộ nhằm chọn ra một thủ lĩnh mới. Tuy nhiên sức khỏe al-Baghdadi dần hồi phục, còn rất yếu nên chưa thể tiếp tục chỉ huy.

Khu vực Nineveh, nơi rất ít xảy ra những cuộc không kích của liên quân Mỹ, nổi tiếng vô chính phủ và là hang ổ của quân khủng bố. Raffaello Pantucci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc phòng và an ninh (RUSI), cho biết thông tin al-Baghdadi bị thương nặng là đáng tin cậy và IS có thể sẽ bị suy yếu đáng kể nếu như thủ lĩnh bọn chúng qua đời. Al-Baghdadi được cho là thường xuyên trú ẩn ở al-Baaj - cách thành phố Mosul hơn 300km về phía tây - vì biết rằng quân đội Mỹ không tiến hành không kích khu vực này.

Năm 2013, có 2 báo cáo cho rằng al-Baghdadi bị thương song cuối cùng mới vỡ lẽ là thông tin không chính xác. Thủ lĩnh IS may mắn thoát chết vào ngày 14/12/2013 khi máy bay chiến đấu Mỹ tấn công 2 chiếc xe đang di chuyển bên ngoài thành phố Mosul miền Bắc Iraq. Auf Abdul Rahman al-Efery, phụ tá thân cận của al-Baghdadi, bị giết chết khi quả tên lửa bắn trúng một chiếc xe. Riêng chiếc xe thứ 2 không trúng đạn pháo nên al-Baghdadi vẫn an toàn.

Từ tháng 9/2013 đến tháng 2/2015, các cuộc không kích dồn dập của liên quân Mỹ đã tiêu diệt hơn 6.000 chiến binh IS. Hơn một nữa chiến binh nằm trong Hội đồng chỉ huy của IS và trong số những tên bị giết chết có Abu Muslim al-Turkmani - cựu trung tá tình báo quân đội Iraq dưới chế độ Saddam Hussein và được coi là nhân vật số 2 sau al-Baghdadi. Cái chết của al-Turmani cũng như 9 thành viên khác trong Hội đồng chỉ huy tối cao của IS buộc a-Baghdadi phải nhanh chóng phân tán quyền chỉ huy chiến dịch đến các thủ lĩnh địa phương.

An An (tổng hợp)

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.