Thách thức nào từ các nghi án hối lộ quốc tế có liên quan đến Việt Nam?

Thứ Ba, 25/11/2014, 17:35

Một trong những yếu tố quan trọng để thể hiện nỗ lực thu hút nguồn vốn quốc tế, mời gọi đầu tư thời gian qua của Việt Nam, đó là thể hiện sự cương quyết đối với các vụ việc, thông tin liên quan đến khuất tất trong hoạt động đầu tư. Vụ án tham nhũng, nhận hối lộ của Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đông Tây và Môi trường nước TP HCM được phát hiện từ tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp và những chứng cứ điều tra khách quan của Bộ Công an.

Tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định tội danh mà Huỳnh Ngọc Sỹ phạm phải là tội nguy hiểm nhất trong các tội tham nhũng, gián tiếp xâm hại lợi ích của nhân dân, gây bất bình dư luận. Số tiền phạm tội ăn hối lộ là đặc biệt lớn - 262.000 USD tương đương hơn 5 tỉ đồng. Ngoài bản án 20 năm tù giam Tòa phúc thẩm đã tuyên với tội danh nhận hối lộ, Huỳnh Ngọc Sỹ còn phải chịu án phạt 6 năm tù giam về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Vụ án của Huỳnh Ngọc Sỹ vừa mới chỉ lắng xuống thì dư luận lại được dịp ồn ào xung quanh vụ việc Chủ tịch JTC Tamio Kakinuma khai báo đã "lại quả" gần 800.000 USD cho một quan chức ngành đường sắt Việt Nam. Ngay khi có thông tin về nghi án "lại quả" liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội số 1 này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã bày tỏ thái độ quyết tâm làm rõ sự việc và tạm dừng việc giải ngân và thương thảo tài chính với nhà thầu JTC, đồng thời dừng thương thảo tài chính hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a đối với đối tác này.

Được biết giai đoạn 2a của dự án là giai đoạn thi công có phạm vi từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi, dài 5,649 km và kết nối với giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư của giai đoạn này là 24.825 tỉ VNĐ, gồm 75,667 tỉ yên và 4.477 tỉ đồng. Hiệp định vay JICA lần 2 cho Dự án đã ký ngày 22/3/2013 với giá trị là 16,588 tỉ yên.

Bio-Rad với nghi án hối lộ tại Việt Nam và Thái Lan với số tiền 2,9 triệu USD. Ảnh nguồn: www.thaitribune.org.

Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, hay còn gọi là Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên được bắt đầu khởi công từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Dự án được chia làm các giai đoạn đầu tư xây dựng để phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng, thu xếp nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Trong giai đoạn 1, dự án có quy mô xây dựng mới đường sắt đôi trên cao điện khí hóa đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với chiều dài 15,36km và khu Tổ hợp Ga Ngọc Hồi dài 3,85km. Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại về tính hiệu quả cũng như tiến độ thực hiện của dự án.

Và gần đây nhất là nghi án hối lộ 2,2 triệu USD liên quan đến một công ty dược phẩm của Mỹ. Trong công văn hỏa tốc gửi đến Bộ trưởng Công an chiều 5/11, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị xác minh thông tin Công ty Bio-Rad của Mỹ hối lộ 2,2 triệu USD tại Việt Nam. Đề nghị trên được đưa ra sau khi ngày 3/11, Bộ Tư pháp Mỹ cùng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch nước này công bố từ năm 2005 đến 2010, các công ty con của Bio-Rad ở châu Âu và châu Á đã hối lộ các quan chức nước sở tại, trong đó có Việt Nam. Cách đưa tiền là tạo những khoản thanh toán cho các công ty trung gian, có khi là công ty giả.

Riêng tại Việt Nam và Thái Lan, số tiền mà nhân viên của Bio-Rad khai bỏ ra để hối lộ nhằm đổi lấy các hợp đồng là 2,9 triệu USD. Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra thông tin nghi án hối lộ trên để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm. Trường hợp thông tin trên không đúng, đề nghị Bộ Công an công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh gây hoang mang, đảm bảo niềm tin của nhân dân với Bộ Y tế.

Nhìn lại các vụ việc nổi bật như trên có thể thấy, cho dù xảy ra trong lĩnh vực nào, các cơ quan của Việt Nam luôn sẵn sàng và bày tỏ thiện chí cao nhất hợp tác làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên, cũng qua đó để thấy, hầu hết những vụ việc lớn cho đến nay đều xuất phát từ các nguồn tin từ bên ngoài, từ các nguồn tin của các cơ quan công và cơ quan thông tấn nước ngoài chứ không phải từ trong nước. Điều này được cho là đã đặt ra những thách thức đáng kể đối với các cơ quan hữu trách trong nước đối với việc đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đầu tư, huy động vốn nước ngoài.

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, thì những tích cực bao giờ cũng đi kèm với tiêu cực. Đó là tham nhũng, là hối lộ, là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh… Và một khi những hành vi ấy biểu hiện ở mức độ vượt ra ngoài biên giới quốc gia, ở cấp độ tội phạm quốc tế núp bóng dưới các hoạt động hợp tác, đầu tư kinh tế thì sẽ là một thách thức rất lớn đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn vì một môi trường đầu tư lành mạnh

Mai Khuê
.
.