Thái Lan điêu đứng với nạn hàng giả, hàng nhái

Thứ Sáu, 14/08/2015, 06:15
Theo một báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, chỉ riêng trong năm 2013, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cục Hải quan nước này đã thu giữ 2,3 triệu món hàng giả các loại và bắt giữ 9.795 trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, xem ra những nỗ lực ấy có vẻ như vẫn chưa đủ trước tình trạng hàng giả tràn lan khắp đường phố nước này.

Ở Thái Lan giờ đây, không khó để bắt gặp những món hàng được bày bán công khai mang nhãn mác của các thương hiệu thời trang đắt tiền như Rolex, Gucci… Và mặc dù có được bày bán rong trên đường phố Bangkok hay ngự trong những gian hàng của khu trung tâm thương mại cao cấp, chúng đều có thể là hàng giả.

Nhiều khách du lịch rủ nhau đến Thái Lan, trong đó có không ít khách Việt Nam, ùa vào các khu chợ đường phố nhộn nhịp ở khắp mọi nơi, bị hấp dẫn bởi vô số những món hàng mang nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng nhưng giá bán lại rất rẻ, được nhìn và sờ tận tay, thậm chí là khoác thử lên người bởi những chiêu mời chào độc đáo của những người bán hàng mà không biết rằng mình sắp sập bẫy hàng giả.

Cái không khí tự do mua sắm một cách công khai ấy khiến cho nhiều khách du lịch quên mất rằng họ đang tiếp tay cho một hoạt động có thể coi là phạm pháp. Họ sẽ luôn bắt gặp cảnh những người bản xứ khác đang hăm hở mua những món hàng tương tự, tạo nên ảo tưởng về sự hợp thức hóa của món hàng, mặc dù không ít người thừa biết đó là hàng hóa bất hợp pháp, có thể bị tịch thu và phạt rất nặng.

Ai bán hàng nhái, hàng giả?

Theo điều tra mới đây của Richard S. Ehrlich, nhà báo tự do làm việc tại châu Á từ năm 1978 trên các địa bàn Hong Kong, New Delhi và Bangkok, thì những nhóm tội phạm có vũ trang, những thương gia phát đạt, các đại lý nhập khẩu, những bà nội trợ có máu buôn bán và thậm chí kể cả những sinh viên tìm kiếm công việc thời vụ đều có thể là đầu mối buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Đồng hồ hàng nhái bán công khai trên đường phố Thái Lan.

Bên cạnh đó, lỗ hổng luật pháp, hoạt động điều tra tốn kém, thái độ ngại va chạm - và cả sự thiếu quan tâm đối với vấn đề hàng nhái, hàng giả của chính quyền - đã tạo điều kiện cho những người buôn bán hàng giả, hàng nhái hoạt động công khai, trên đường phố, qua Internet với lời mời mọc hấp dẫn bằng đủ thứ tiếng. Và cuối cùng, chính những món hàng mang thương hiệu hay kiểu dáng hàng hiệu đắt tiền nhưng giá lại rẻ đến không ngờ là nguyên nhân khiến cho người ta mê đắm việc đến Thái Lan để mua sắm, bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng, cho dù đó có là người Mỹ, dân châu Âu hay thậm chí chính người Thái Lan.

"OK, nó là hàng nhái, không phải hàng thật. Nhưng chẳng vấn đề gì cả!", một phụ nữ Thái chỉ tay vào chiếc áo thun ngắn tay màu đen mang thương hiệu Ferrari in trên áo trả lời một cách vui vẻ. "Tại sao tôi lại phải quan tâm đến cảnh sát? Tôi đâu có bán ma túy hay heroin đâu? Và tôi cũng chẳng ăn trộm chiếc áo này của ai cả", bà ta nói oang oang giữa chợ bán sỉ Pratunam, ngay giữa thủ đô Bangkok.

"Tôi đã phải trả cho người ta 30.000 baht (khoảng 940USD) mỗi tháng hoặc mỗi ba tháng", người bán hàng bên cạnh của gian hàng nhái Rolex cùng các loại đồng hồ khác xen vào. Khoản tiền này, theo anh ta giải thích, là để cho cửa hàng đồng hồ của anh ta ở Pratunam được tồn tại, tránh được những cuộc kiểm tra đột xuất, bất ngờ. Tuy nhiên, anh này đã né tránh khi được hỏi về số tiền kiếm được từ gian hàng. Anh này còn trưng ra một cuốn catalog chính hãng của Rolex, với mục đích chỉ để khiến cho khách hàng tin rằng đồng hồ của anh ta trông giống y hệt như hàng chính hãng, chỉ có điều rẻ hơn gấp 10 lần.

Tương tự như thế, ngay trong khu chợ đêm dành cho khách du lịch ở gần đường Patpong, một chiếc Rolex Oyster Perpetual Submariner hàng nhái chưa tới 100 đôla. Trong khi đó, nếu là hàng chính hãng, chiếc đồng hồ ấy có giá hơn 6.500USD. "Rolex xịn sản xuất tại Thụy Sĩ. Nhưng đồng hồ của tôi là máy Nhật, sản xuất ở Đài Loan”.

Lại có cửa hàng trưng biển "Dr. Martens" nhưng thực ra toàn là giày và các loại đồ da không có nhãn hiệu. "Những đôi Doctor Marten xịn giá hơn 3.000 baht (tương đương 94USD), nhưng những chiếc tôi bán chỉ 999 bạt (31USD) thôi” - một thanh niên người Thái là chủ cửa hàng cho biết -  "cùng thiết kế, cùng chất liệu, những thứ này sản xuất tại Thái Lan”.

Đủ mọi mánh khóe

Ở Bangkok, Pattaya, Phuket, Koh Samui, Chiang Mai và một vài điểm du lịch khác, những người bán hàng nhỏ lẻ kiểu này thường đến từ Myanmar, Bangladesh, Nepal và một vài quốc gia Nam Á nghèo khổ khác. Dấu hiệu nhận biết được là bởi họ nói tiếng Anh chứ không phải tiếng bản địa, và rằng họ quan tâm tới việc có thể mất hết nếu bị cảnh sát rờ tới.

Triển lãm độc đáo của T&G nhằm thức tỉnh dư luận về nạn hàng nhái, hàng giả tràn lan tại Bangkok, Thái Lan.

Còn như ở tầng trên cùng của các đường dây hàng giả, hàng nhái này, thì lại thường được cầm đầu bởi những người hiểu biết, thậm chí còn có chiến thuật kinh doanh hẳn hoi. Bởi vì qua cả hàng thập kỷ, những quy định, kiểm soát gắt gao ở Bangkok đã nhằm vào những kẻ buôn bán hàng giả, những người có các công xưởng hay nhà máy bí mật ngay trên đất Thái Lan. Việc này dẫn đến hầu hết những mặt hàng giả đều được nhập từ các đầu mối ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Những món hàng này vượt biên giới qua Lào và Campuchia vào Thái Lan, hoặc có thể đi bằng qua đường tàu biển hay hàng không tùy tình hình. "Không còn những công xưởng lớn sản xuất hàng nhái trên đất Thái Lan nữa. Nhưng có khuynh hướng hàng giả được nhập nhiều hơn vào Thái Lan", luật sư Suebsiri Taweepon, chuyên về luật sở hữu trí tuệ của Hãng luật  Tilleke & Gibbins cho biết. "Chủ yếu là từ Trung Hoa đại lục. Một số ít có thể đến từ Việt Nam, Campuchia hay Lào”.

Ở Thái Lan, đã từng có vụ công ty có giấy phép hết hạn nhưng vẫn tiếp tục sản xuất túi khí lắp trên xe ôtô của một hãng xe châu Âu hạng sang để xuất khẩu, theo như Suebsiri. Một số làm hàng giả quy mô khác thì chấp nhận đầu tư cả triệu USD để đăng ký làm chi nhánh của các công ty nước ngoài tại Bangkok như một cách để khai thác triệt để thị trường cho đến khi bị kiện bởi chính những công ty gốc. Làm được việc này không phải là loại giang hồ lăm lăm vũ khí nóng. Họ là những người có nhà to, đi xe hơi sang trọng. Họ quen biết rộng, và nhiều người trong số họ có hoạt động kinh doanh được hợp pháp hóa, Suebsiri cho biết.

Ngược lại, những người Thái Lan bán hàng trên phố thường xuyên chịu đủ mọi cuộc truy quét lại không phải người giàu. Họ thường thuộc tầng lớp trung và thấp trong xã hội, với những mánh khóe đường phố vừa đủ để xoay xở một cách ổn thỏa mà thôi. "Vậy thì thế giới bí mật của các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay hàng giả này là gì? Chẳng có gì là bí mật cả. Nó có thể là bất kỳ ai!" -  Suebsiri nói.

Bắt được "cá lớn" không phải dễ

"Tôi đã làm việc với nhiều công ty lớn trên thế giới và hầu hết các khách hàng đều yêu cầu chúng tôi lần ra những con "cá lớn" chứ không phải những người bán lẻ trên phố…" - Suebsiri nói. "Nhưng điều đó thật quá khó! Tôi cho rằng không có ông chủ thực sự tại Thái Lan, bởi vì người Thái đã quá đạt trong việc sản xuất hàng hóa rồi” -  Suebsiri khẳng định.

Một vài thám tử tư giấu tên đã tiết lộ với CNN, hầu hết những đường dây có máu mặt nghi là có hoạt động gia công và nhập số lượng lớn hàng giả, hàng nhái đều tập trung ở tỉnh Sa Kaeo, dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, gần chợ đồ cũ Rong Kluea sầm uất.

Hầu hết các mặt hàng này đều được sản xuất tại Trung Quốc và đưa vào Thái Lan qua đường Campuchia. Những tên buôn lậu dày dạn thường được bảo vệ rất kỹ, bởi vì chúng luôn luôn treo những khoản tiền lớn hoặc sẵn sàng dùng bạo lực nếu thấy nguy hại. Còn những người thợ lành nghề Thái Lan làm cho chúng lại rất biết cách biến các sản phẩm làm giả chất lượng cao trở thành những món hàng có nhãn mác thương mại có giá trị. "Họ có đủ mọi điều kiện, đủ mọi kỹ thuật và đủ mọi chất liệu để làm ra hàng giả giống y như thật".

Trong số món đồ làm giả, làm nhái đem lại lợi nhuận nhiều nhất là các loại phụ tùng, thiết bị cho các hãng xe hơi nổi tiếng hay những món hàng tiêu dùng xa xỉ, bất chấp mọi nỗ lực bảo vệ bản quyền và thương quyền.

Chưa đủ nỗ lực?

"Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan (DIP) đóng vai trò trung tâm trong đẩy mạnh những nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc quản lý đăng ký bản quyền, phát triển những hành lang hợp pháp, tuyên truyền và những chiến dịch nhận thức. Việc làm này là để khuyến khích mọi người có thái độ tôn trọng bản quyền và hợp tác với cơ quan tư pháp đặc biệt là Cục Hải quan và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan nhằm chống lại hành vi sản xuất, nhập khẩu và bán hàng giả, hàng nhái” -  Cục trưởng DIP Malee Choklumlerd trả lời khi được hỏi về nỗ lực ngăn chặn hàng giả -  "Những nỗ lực mới nhất đã được thực thi, chẳng hạn như thông qua sửa đổi luật ngăn chặn chống rửa tiền và đạo luật ngăn chặn… đã thêm vào hành vi xâm phạm luật sở hữu trí tuệ như một cáo buộc tội rửa tiền".

"Những thay đổi giờ đây cung cấp những công cụ vô cùng quan trọng làm căn cứ buộc tội, đặc biệt là với những hành vi xâm phạm cá nhân diện rộng và tội phạm có tổ chức. Luật sửa đổi bao gồm cả những công cụ cho phép đóng băng tài khoản liên quan đến hành vi sản xuất bất hợp pháp và buôn bán hàng phạm pháp" -  bà Malee cho biết.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa làm hài lòng một số người. "Chính phủ quân sự hiện tại đang phớt lờ những hành vi vi phạm có thể đe dọa và hủy hoại đất nước và người dân", lời cảnh báo trong một bài bình luận được đăng tải trên tờ Bưu điện Bangkok mới đây. "Thuốc giả được bán tràn lan từng kiện hàng giống y hệt như thuốc thật. Lốp xe kém chất lượng được đánh đồng với sản phẩm chất lượng cao, người tiêu dùng không thể phân biệt được", bài báo phân tích.

"Thái Lan hiện vẫn nằm trong danh sách cần giám sát đặc biệt trong năm 2015", theo Văn phòng của Đại diện thương mại Mỹ, trong bản báo cáo chủ đề về những nỗ lực quốc tế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR). "Hoa Kỳ có đề cập tới nỗ lực và mong muốn của Thái Lan nhằm tăng cường và bảo vệ IPR. Tuy nhiên, việc thi hành IPR lại có vẻ như không phải là sự ưu tiên hàng đầu của các cơ quan bảo vệ pháp luật Thái Lan. Và tình trạng hợp tác lỏng lẻo giữa các cơ quan chính phủ được coi như một hạn chế…", báo cáo cho hay.

Tháng 7/2011, Hãng luật Tilleke & Gibbins (T&G) đã mở một cuộc trưng bày tại Bangkok để cho thấy mức độ "tiến xa" của việc sản xuất các loại hàng giả, hàng nhái ở nước này và nhấn mạnh về mối nguy hiểm của nó đối với nền công nghiệp sản xuất.

Phòng trưng bày ngay tại trụ sở của T&G trên đường Rama III. Mọi thứ từ nước hoa giả cho tới các linh kiện ôtô đều được trưng bày ở đây. Bước vào phòng trưng bày của T&G có cảm giác như đang vào một bản nâng cấp của chợ đường phố Patpong. Những chiếc Lacoste và áo phông Playboy giả bày kín các bức tường. Những gian khác bày chật cứng những vỏ điện thoại, giày, dây đeo chìa khóa, đèn và nhiều thứ khác…

Có cả một gian trưng bày Viagra giả và các loại tân dược khác.

Mua một chiếc quần Jeans giả là một chuyện, nhưng người ta sẽ cảm thấy sao nếu mẹ của họ được con cái biếu những hộp thuốc điều trị ung thư là hàng giả? Hoặc chiếc máy bay chở em gái của họ đi nghỉ dưỡng có thể hạ cánh với một thiết bị bị làm giả trong hộp số?

Những kẻ làm giả hiện nay đã trở thành những bậc thầy sao chép để tạo ra những sản phẩm kém chất lượng cùng kiểu dáng. Với công nghệ làm giả hiện đại, điều này có nghĩa là họ có thể làm giả mọi thứ, từ điện thoại Iphone đến chai nước Coca-Cola hay những chiếc bao cao su với chất lượng thảm hại.

Trong số những loại bị làm giả, làm nhái nhiều nhất có cả những bộ phận của phanh xe gắn máy và lọc dầu, pin điện thoại và cả thực phẩm như sữa cho trẻ em. Thậm chí cả những chai dầu gội đầu thật trăm phần trăm nhưng thực chất lại được nhồi bên trong toàn là dầu gội đầu giả.

Mai Khuê (tổng hợp)
.
.