Thảm cảnh phu vàng

Thứ Sáu, 22/04/2016, 16:20
Chiều ngày 12/4/2016, một nhóm phu vàng 7 người đã cho nổ mìn trong một đường hầm nằm xuyên dưới lòng đất thuộc địa bàn Khe Rách, Khe Rọm của thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) để khai thác vàng. Sau khi nổ mìn, 1 trong số 7 phu vàng đã đu dây để tiếp cận đáy hầm, khi vừa xuống thì gặp phải luồng khí độc gây ngạt, nên người này đã kêu cứu vọng lên.

Nghe tiếng kêu cứu, lần lượt 4 phu vàng khác đu dây xuống để cứu thì cùng bị ngạt khí độc hôn mê. 2 phu vàng còn lại trên mặt đất cũng đã lao vào hầm để cứu bạn, nhưng vừa vào thì phát hiện thấy khí độc nên đã nhanh chân thoát ra bên ngoài để cầu cứu mọi người xung quanh.

Do khai thác vàng trái phép, nên khi sự cố xảy ra, chủ hầm vàng đã không báo tin cho chính quyền sở tại. Phải đến 19 giờ cùng ngày, khi chính quyền địa phương nắm được thông tin mới triển khai lực lượng cứu hộ. Sau khi được ứng cứu, 1 phu vàng tên là Cụt Văn Dung còn trong tình trạng thoi thóp đã được kịp thời đưa đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Nam Giang và sau đó là Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam. 4 phu vàng còn lại dưới đáy hầm đều tử nạn.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường.

Điều đau xót là trong số những phu vàng tử nạn có 3 anh em ruột gồm: Cụt Văn Hiệu, Cụt Văn Sơn và Cụt Văn Nam là người dân tộc Khơ Mú, trú tại bản Xao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và phu vàng Nguyễn Kim Vui, trú thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam). 2 phu vàng may mắn thoát chết là Và Bá Nhia và Cụt Văn Hoành, đều trú tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Vụ ngạt khí độc gây ra cái chết cho 4 phu vàng đã gây choáng váng cho những người dân đang sinh sống ở thị trấn Thạnh Mỹ, đặc biệt là giới khai thác vàng sa khoáng và những phu vàng đang làm việc tại đây.

Với quan điểm nghĩa tử là nghĩa tận, cố gắng chia sẻ mất mát đau thương với gia đình nạn nhân không may tử nạn khi đang lao động chui tại hầm vàng trái phép. Ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đã đến thăm hỏi, động viên những người thân trong gia đình của phu vàng xấu số Nguyễn Kim Vui.

Trong giàn giụa nước mắt và tột cùng của nỗi đau, bà Nguyễn Thị Thanh (mẹ nạn nhân Vui) kể rằng: Vui là người con trai có số phận khá hẩm hiu, năm 2007, anh lấy vợ rồi lần lượt sinh được 3 đứa con, đứa lớn hiện nay 7 tuổi còn đứa nhỏ vừa tròn 17 tháng. Sau khi cưới vợ, Vui xoay xở đủ đường mới vay được hơn trăm triệu đồng để chạy một suất đi xuất khẩu lao động ở Nga.

Sang đến xứ người mới vỡ lẽ là đi lao động chui, nên cứ ngày này qua tháng khác phải sống chui, sống nhủi để tránh sự kiểm tra của cảnh sát. Không kiếm được tiền, nợ vẫn không trả được, công việc và số phận lại quá bấp bênh. Vậy là Vui về nước, về nhà Vui làm đủ thứ nghề để cùng vợ nuôi con, khi thì thợ nề, lúc chạy xe ôm nhưng vẫn không đủ sống.

Cách đây mấy hôm, Vui nghe theo lời rủ của mấy người bạn đến thôn Dung để đào vàng tìm kiếm vận may, ai ngờ chưa lấy được đồng lương nào thì phải bỏ mạng vì ngạt khí độc...

Ở cách xa ngôi nhà nghèo khó của phu vàng xấu số Nguyễn Kim Vui gần cả nghìn cây số là bản Xao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), quê hương của 3 anh em phu vàng cùng tử nạn với Vui trong hầm vàng bị ngạt khí độc. Cũng như bà Thanh (mẹ của Vui), ông Cụt Phò Quyên (bố của 3 nạn nhân Sơn, Hiệu, Nam) cùng với hơn 30 người thân trong gia đình cũng bơ phờ trong đau đớn. Ông Cụt Phò Quyên lấy bà Cụt Mẹ Quyên, sinh được 8 người con gồm 5 trai 3 gái.

2 phu vàng may mắn sống sót trình báo với cơ quan chức năng.

Ông Quyên kể: Từ sau tết âm lịch vừa rồi, 4 trong số 5 người con trai của ông nghe theo lời rủ rê của bạn nên dắt díu nhau vào Quảng Nam để đào vàng. Gần 4 tháng xa nhà đi kiếm sống, các con ông rất ít khi liên lạc với gia đình. Ông bà chỉ biết các con đang tham gia đào vàng ở Quảng Nam chứ địa chỉ cụ thể thì không thể biết vì ông chắc các con ông phải làm việc ở nơi rừng sâu núi thẳm.

Trong tiếng nấc nghẹn ngào, ông Quyên than thở, cũng vì miếng cơm, manh áo mà các con trai của ông phải xa nhà đi kiếm sống, giờ trở về chỉ còn 3 cái xác lặng im, không biết rồi đây gia đình sẽ sống thế nào. Trong số 3 người con trai của ông Quyên tử vong trong hầm vàng ở Quảng Nam, có 2 người đã lập gia đình riêng. Anh Sơn và vợ là Cụt Mẹ Hải có 6 đứa con; anh Hiệu và vợ là Cụt Mẹ Pheng có 4 đứa con. Gia đình ông Quyên thuộc diện hộ nghèo nhất của bản thuộc vùng biên giới của tỉnh Nghệ An...

Lúc 14 giờ 30 phút, ngày 14/4, 3 anh em phu vàng người dân tộc Khơ Mú xấu số đã được người thân, gia đình tổ chức an táng theo phong tục địa phương trong niềm tiếc thương của người dân trong bản.

Là người có mặt tại hiện trường và trực tiếp tham gia cứu nạn, Thượng tá Hà Kế Xuyên - Phó trưởng Công an huyện Nam Giang kể lại với báo giới rằng: Ngay sau khi nhận được thông tin có một nhóm phu vàng bị ngạt khí, chúng tôi đã triển khai lực lượng và phối hợp với các đơn vị hữu trách đến ngay hiện trường thực hiện công tác cứu nạn. Xác định phía bên trong hầm đang còn nhiều hơi độc, thiếu ô-xy nghiêm trọng, nên chúng tôi đã bơm ô-xy vào bên trong và dùng quạt gió để phân tán khí độc.

Sau khi thấy an toàn, nhân viên cứu hộ với sự hỗ trợ của mặt nạ chống độc mới tiến sâu vào bên trong đường hầm để tiếp cận với các nạn nhân. Khi vào bên trong, lực lượng cứu hộ phát hiện thấy chỉ 1 nạn nhân còn trong tình trạng thoi thóp, 4 nạn nhân còn lại đều đã tử vong...

Ngay trong đêm xảy ra vụ việc nghiêm trọng này, Đại tá Huỳnh Sông Thu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn, đồng thời ông chỉ đạo Cơ quan Điều tra khẩn trương làm rõ nguyên nhân của vụ việc. Mọi công tác cứu nạn tại hiên trường đã được tổ chức hết sức khẩn trương, đến 23 giờ cùng ngày, các nạn nhân đã được đưa ra khỏi miệng hầm và đưa về Trung tâm Y tế huyện Nam Giang để tiếp tục phục vụ công tác khám nghiệm.

Sáng 13/4, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Công an huyện Nam Giang, Bộ đội Biên phòng, cơ quan pháp y tỉnh Quảng Nam để khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tiến hành lấy lời khai từ 2 phu vàng đã may mắn thoát chết. Một cán bộ điều tra cho biết, những phu vàng này là người đồng bào dân tộc thiểu số, họ không nói rành tiếng Kinh và có người còn không biết chữ, vì vậy quá trình làm việc cũng gặp không ít khó khăn.

Ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: Lãnh đạo huyện đã quyết định hỗ trợ cho mỗi nạn nhân bị thương đang điều trị là 3 triệu đồng, mỗi nạn nhân tử vong là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do gia cảnh của các nạn nhân bị tử vong quá khó khăn, người thân không thể từ Nghệ An vào Nam Giang để nhận thi thể của con em mình được, vì vậy huyện Nam Giang cũng đã hỗ trợ 40 triệu đồng để thuê xe đưa thi thể 3 anh em phu vàng xấu số về quê nhà của họ cho gia đình lo an táng.

Nhiều người tập trung để cứu nạn.

Qua những thông tin của người dân địa phương, chúng tôi biết được rằng, vị trí hầm vàng xảy ra sự cố ngạt khí làm 4 phu vàng tử vong nằm trong diện tích rẫy của người dân. Một nhóm người ở thị trấn đã mua phần đất rẫy này, rồi thuê những thanh niên là người dân tộc ở Nghệ An vào khai thác để tìm vàng sa khoáng.

Thông tin ban đầu cho thấy, những phu vàng này không nắm rõ danh tính của chủ hầm vàng, họ chỉ nhận tiền công rồi làm việc theo sự chỉ đạo của những phu vàng người địa phương. Công việc của họ rất nặng nhọc, họ phải ăn ở ngay cửa hầm và thường xuyên đánh mìn để lấy đá tìm vàng cho chủ hầm...

Những người dân địa phương cho biết thêm rằng, hầm vàng này nằm chỉ cách thị trấn Thạnh Mỹ chưa đầy 2km, nhưng nằm ở vị trí giữa lưng chừng núi, nơi có rất nhiều cây cối um tùm. Thực tế, hầm vàng này đã được khai thác từ hơn 2 năm qua, nhưng chẳng hiểu sao chính quyền địa phương không có biện pháp đẩy đuổi, mặc dù người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh với chính quyền rằng cuộc sống của họ bị đe dọa vì thường xuyên phải nghe tiếng nổ mìn bất kể ngày đêm!?

Trả lời những chất vấn cỉa báo giới về việc tồn tại của hầm vàng trái phép này, ông Ka Phu Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: Hầm khai thác vàng sa khoáng trái phép vừa xảy ra ngạt khí độc đã tồn tại từ năm 2014, do ông Nguyễn văn Thành (1973), trú tại thị trấn Thạnh Mỹ làm chủ. Vào thời điểm tháng 10/2014, chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ đã từng tổ chức đoàn truy quét, đẩy đuổi phu vàng đang làm việc tại đây. Qua đó, lực lượng truy quét đã đề nghị chủ hầm ký cam kết sẽ chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép khi chưa có sự đồng ý của chính quyền sở tại và các ban ngành hữu trách.

Ngày 24/10/2014, ông Thành đã thực hiện việc thu dọn đồ đạc, máy móc để vận chuyển ra khỏi vị trí hầm vàng. Tuy nhiên, việc vận chuyển các loại phương tiện khai thác vàng ra khỏi rừng của ông Thành chỉ mang tính đối phó. Ngay sau đó, chủ hầm đã âm thầm tuyển mộ các phu vàng từ Nghệ An và người địa phương mang máy móc, phương tiện vào tiếp tục khai thác vàng trái phép...

Ông Ka Phu Tân giải thích thêm rằng, do thời gian trước trong tết nguyên đán vừa qua, chính quyền thị trấn phải tập trung nhiều cho chuyện tết nhất của bà con và bản thân gia đình họ. Sau tết thì lại bắt tay vào lo cho công tác tổ chức bầu cử, nên ông dự tính sau bầu cử sẽ thành lập đoàn để tổ chức truy quét đẩy đuổi vàng tặc ra khỏi địa phương. Ông khẳng định là bản thân ông và các đồng sự ở thị trấn Thạnh Mỹ đã quá chủ quan để xảy ra vụ việc đáng tiếc này...

Ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thì cho rằng, chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ đã quá sức chủ quan, không báo cáo tình hình khai thác vàng trái phép tại địa phương mình cho lãnh đạo huyện biết. Chỉ đến khi sự việc nghiêm trọng xảy ra thì mới tá hỏa. bây giờ sẽ chờ kết luận từ phía cơ quan công an, lúc ấy huyện mới xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức để xử lý.

Ngày 13/4, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị tại địa phương sớm vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, liên quan đến việc quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện việc khai thác khoáng sản trái phép để xảy ra vụ việc gây chết 4 người vô cùng nghiêm trọng.

Theo đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND huyện Nam Giang có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, thăm hỏi, hỗ trợ việc an táng cho gia đình thân nhân người chết và bị thương; đồng thời kiểm tra toàn bộ các khu vực có biểu hiện khai thác khoáng sản trái phép, truy quét, đẩy đuổi, phá hủy các hầm lò; triển khai và huy động tối đa phương tiện, nhân lực nhằm đảm bảo phòng ngừa, không để xảy ra tai nạn lao động. Thường xuyên báo cáo tình hình cho UBND tỉnh theo dõi; yêu cầu UBND huyện Nam Giang làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý địa bàn lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện xử lý việc đào hầm trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Đối với Sở TN-MT tỉnh, ông Thu chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản để phối hợp với Sở LĐ-TB&XH cùng các địa phương tăng cường kiểm tra hiện trường, giám sát việc khai thác, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.

Sau 2 ngày vào cuộc để điều tra vụ việc một cách khẩn trương theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 15/4, Công an tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với 4 đối tượng gồm: Văn Thị Hoài Thương (1980), trú tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ; Và Bá Nhìa (1993), trú xã Mường Lóng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Cụt Văn Hoanh (1987) và Cụt Văn Bình (1998), cùng trú xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Các nghi can bị khởi tố tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.

Bảo Thy
.
.