Tham nhũng trong lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ

Thứ Năm, 10/01/2008, 16:30
Báo cáo mới công bố hồi tuần trước của một nhóm đặc trách Liên Hiệp Quốc về tình hình tham nhũng trong các lực lượng gìn giữ hòa bình đã khiến nhiều người giật mình. Báo cáo cho biết, hàng trăm triệu USD trong các hợp đồng mua nhiên liệu, thực phẩm, xây dựng và các vật tư, dịch vụ khác phục vụ hoạt động của các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã bị các quan tham bỏ túi.

Tương tự như báo cáo trên, hàng loạt báo cáo khác trong thời gian qua của nhóm đặc trách cũng cho biết nạn tham nhũng đã diễn ra từ trụ sở LHQ và lan đến các lực lượng đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại rất nhiều điểm nóng trên thế giới.

Báo cáo cũng nêu bật tình trạng dây dưa của LHQ trong việc xử lý các quan chức bị nghi ngờ tham nhũng bấy lâu nay, từ đó vô hình trung tạo điều kiện để các quan tham tiếp tục phạm pháp. Các hành vi sai phạm nêu trong báo cáo của Ủy ban đặc trách bao gồm nhiều hình thức khác nhau như gian lận tài chính, tham ô, lãng phí và làm sai nguyên tắc.

Một trong các báo cáo đó cho biết, chỉ trong vài tuần gần đây đã có đến 10 quan chức phụ trách thu mua vật tư của LHQ bị cáo buộc các tội vòi vĩnh hối lộ và làm sai lệch kết quả đấu thầu tại Haiti và Congo. Tổng số tiền mà 10 vị quan tham này bỏ túi và làm thất thoát lên đến 610 triệu USD. Đây được xem là đợt xử lý các hành vi phạm pháp lớn nhất của LHQ trong hơn 10 năm qua.

Năm 1994, để đối phó với tình trạng tham nhũng lan tràn trong các lực lượng gìn giữ hòa bình ở Campuchia, Somalia và vùng Balkan, LHQ đã thành lập Văn phòng đặc trách Giám sát nội bộ (OIOS) có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện và xử lý các quan chức tham nhũng trong khi làm nhiệm vụ tại các điểm nóng trên thế giới. Thế nhưng, cơ quan này cho đến nay vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình khi không xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng nổi cộm được dư luận quan tâm.

Nổi cộm nhất trong các vụ án tham nhũng ở các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là vụ tham ô của Abdul Karim Masri - quan chức thu mua vật tư hậu cần cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Congo. Masri hiện đã bị buộc thôi việc và bị cấm tham gia các hoạt động của LHQ.

Các cơ quan của LHQ như OIOS, rồi nhóm đặc trách chống tham nhũng đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra về các hành vi sai trái của Masri.

Theo hồ sơ của OIOS, Masri đã nhúng tay vào “rất nhiều vụ tham nhũng khác nhau” trong suốt 7 năm ông ta làm việc ở Congo và những năm trước đó ở Rwanda. OIOS cáo buộc Masri đã nhận hối lộ 10.000 USD từ một công ty, đã can thiệp để trao một hợp đồng phục vụ ăn uống cho công ty của một người bạn, và móc ngoặc với các quan chức tha hóa khác để mua với giá rẻ một chiếc Mercedes-Benz.

Ngoài ra, Masri còn bị nghi đã vòi vĩnh tiền chiết khấu một công ty xây dựng trong một hợp đồng duy tu sân bay dã chiến trị giá 5,5 triệu USD ở miền Đông Congo.

Tại Rwanda, Masri bị cáo buộc đã nhận hối lộ để giao hợp đồng cho một công ty ở Dubai, chưa kể các khoản kê khống giá trị hàng hóa thu mua lên hàng chục lần.

Năm 2000, 5 tháng sau khi đến nhận nhiệm vụ tại Congo, Masri đã gây xôn xao dư luận về các khoản hối lộ mà ông ta nhận từ Công ty l'Avenir và vài nhà thầu khác bằng nhiều hình thức khác nhau.

Giới chuyên gia cho rằng, thực trạng tham nhũng hiện nay trong các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là biểu hiện của những hạn chế trong chương trình cải tổ các lực lượng gìn giữ hòa bình mà LHQ đã triển khai từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX.

Còn một số quan chức LHQ thì cho rằng việc phạm pháp trong các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là “không thể tránh khỏi”, bởi cơ quan này mỗi năm phải xử lý đến hơn 12.000 đơn hàng mua sắm đủ thứ trang thiết bị, vật tư, dịch vụ phục vụ hậu cần tại các điểm nóng. Đó là chưa kể các hợp đồng mua một lượng năng lượng đủ để thắp sáng và cung cấp điện sinh hoạt cho các doanh trại nếu gộp lại sẽ có diện tích lớn hơn cả thủ đô Washington của nước Mỹ!

Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, làm trái càng có cơ hội phát triển khi các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra, giám sát như OIOS không làm hết vai trò của mình. Trong vụ Masri, OIOS đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra trong hơn 7 năm qua, nhưng chưa bao giờ vị quan tham này bị xử lý.

Sau hàng loạt cáo buộc về các hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ tại Congo năm 2000, OIOS đã tiến hành điều tra tới nơi tới chốn, nhưng cuối cùng lại không xử lý ông ta, cho rằng “khi một nhân sự của LHQ làm trái, chỉ nên thuyên chuyển ông ta sang vị trí khác”(!?).

Sau vụ bê bối “đổi dầu lấy lương thực” ở Iraq - trong đó Ủy ban điều tra đặc biệt của LHQ do ông Paul Volcker (người Mỹ) phụ trách đã lôi ra ánh sáng quan chức thu mua của LHQ Alexander Yakovlev, người Nga, và 8 quan chức có liên quan - LHQ đã thành lập nhóm đặc trách điều tra, quy tụ nhiều nhà điều tra cự phách từng tham gia ủy ban của Paul Volcker.

Tháng 6/2007, nhóm đặc trách đã giúp cung cấp chứng cứ để buộc tội Sanjaya Bahel - 1 trong 8 quan chức nghỉ phép dài hạn nói trên, thế nhưng sau đó chính OIOS lại “xóa án” cho ông này.

Tình hình đang gây xôn xao dư luận, bởi nhóm đặc trách điều tra chống tham nhũng của LHQ sẽ phải giải tán vào cuối tháng 12/2007 và chưa biết khi nào sẽ hoạt động trở lại do không tìm được nguồn kinh phí. Tổng thư ký Ban Ki-moon đã yêu cầu Đại hội đồng LHQ tài trợ cho nhóm đặc trách này thêm một năm nữa để xử lý dứt điểm nhiều vụ án tồn đọng

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.