Thế giới ngầm buôn bán phụ nữ ở Baghdad

Chủ Nhật, 01/12/2019, 10:25
Tựa người vào ô cửa sổ, Nadia (không sử dụng tên thật vì lo ngại vấn đề an ninh) mô tả chi tiết sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần trong hành trình lẩn trốn sự kìm kẹp của những kẻ khủng bố nhưng rồi lại trở thành nạn nhân của thế giới kinh doanh tình dục ở thủ đô Baghdad của Iraq.

Những câu chuyện như của Nadia đã trở nên quá quen thuộc sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq bị đánh bại.

Câu chuyện của Nadia

Sự suy tàn của nhóm chiến binh đã làm nảy sinh một tội ác khác: mạng lưới buôn người phát triển mạnh dựa trên hậu quả của chiến tranh – đó là những người di tản và tuyệt vọng. Nadia đang sống ở Sinjar, miền bắc Iraq, vào năm 2014 khi IS vây bắt hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái như cô từ dân tộc thiểu số Yazidi và buộc họ làm nô lệ tình dục.

Nhưng, Nadia đã may mắn trốn thoát. Nadia chạy trốn cùng gia đình qua những ngọn đồi rải rác đến một trại dành cho người tỵ nạn trong nước (IDP) của người Kurd ở Iraq. Tuy nhiên, Nadia vẫn bị ám ảnh bởi số phận của những người không may mắn.

Bên trong một trại dành cho người tỵ nạn trong nước (IDP) của người Kurd ở Iraq.

Nadia nói cô bắt đầu gửi tiền cho một người đàn ông mà cô tin là một người bạn đáng tin cậy, người mà cô đã gặp khi đang chạy trốn khỏi IS và nói rằng anh ta đang phối hợp viện trợ nhân đạo cho các người Yazidi khác. Được khuyến khích bởi các cuộc trò chuyện của họ và được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ, cô bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình tại trại, yêu cầu thả phụ nữ Yazidi.

Rồi những cuộc gọi bắt đầu. Nadia giải thích rằng cô không chắc ai đã quấy rối mình: “Tôi nhận được các mối đe dọa qua điện thoại. Tôi không sợ cho bản thân mình, nhưng lại lo cho em gái của tôi. Họ nói: “Nếu bạn không đến, chúng tôi biết em gái của bạn đi học ở đâu”.

Khi nhận được lá thư từ một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ đơn xin tị nạn ở Mỹ, Nadia đã tìm đến bạn của mình, yêu cầu giúp đỡ để đến đại sứ quán ở Baghdad. “Anh ấy nói: Em gái anh, anh có thể đưa em đi. Anh quen một người trong quốc hội Iraq, anh có thể đưa em đến gặp người đó”.

Trên đường đến Baghdad, Nadia cảm thấy có gì đó không ổn. Nadia nói với phóng viên hãng tin CNN: “Anh ta liên tục dừng lại để nói chuyện điện thoại và gửi tin nhắn. Tôi nói, đưa tôi trở lại, tôi muốn quay lại nhưng anh ta bảo, Không, không sao, đó là về một nhóm các cô gái Yazidi mà tôi đã giải thoát khỏi Fallujah, họ đang đợi chúng ta ở Baghdad”.

Nadia giải thích: “Anh ta biết điểm yếu của tôi. Tôi rất vui khi nghe tin một số cô gái của chúng tôi được giải thoát. Anh ta thuyết phục tôi tiếp tục chuyến đi”.

Khi đến một khu phố Baghdad tồi tàn, khét tiếng với các băng đảng ma túy, điều khủng khiếp đã xảy ra. Ông già - người mà bạn trai của Nadia đã nói là một nghị sĩ - chào đón họ trong một căn nhà đổ nát.

Nadia kể: “Anh ấy nói với tôi, bây giờ cô em là của tôi. Ông này là người đứng đầu một băng đảng buôn bán tình dục”. Nadia đã bị sốc. Người bạn trai mà Nadia đã tin tưởng đã bán cô làm nô lệ tình dục. Nadia kể tiếp: “Tôi bắt đầu chiến đấu ... Tôi bắt đầu đánh chúng. Cả hai đều đánh tôi rất mạnh”.

Nadia đau đớn vì bị nhiều người đàn ông cưỡng hiếp: “Trong suốt 3 tháng, họ hành hạ tôi mỗi ngày”. Nadia cố gắng chạy trốn, nhưng lần nào cũng bị bắt giữ lại. Một lần họ đánh Nadia tàn nhẫn đến nỗi cô bị chảy máu trong và được đưa đến bệnh viện. Nadia cho biết trong phòng bệnh viện, người đứng đầu băng đảng ngồi bên giường bệnh, vuốt tóc cô và gọi cô là con gái ông ta. Thậm chí, ông ta nói với các nhân viên y tế rằng Nadia bị bệnh tâm thần và ngã xuống cầu thang.

Khi được xuất viện, một người phụ nữ khác - một nạn nhân khác của băng đảng - được đưa đến để theo dõi Nadia. Nadia cầu xin người phụ nữ buông cô ra, nhưng người phụ nữ chỉ cười. Người phụ nữ vén áo lên, để lộ vết sẹo trên bụng và nói rằng họ lấy trộm một quả thận của cô.

Cô ta nói với Nadia: “Đây là những gì họ đã làm với tôi. Tôi có hai con nhỏ và họ đã bán chúng. Bạn sẽ bị buộc phải ở lại với họ, bạn sẽ quen với điều này, tất cả chỉ là thế”.

Sau nhiều tháng bị xâm hại, ngay khi nghĩ rằng cuộc sống sẽ kết thúc, Nadia được giải cứu. Nadia nói cô không chắc ai là người đã cứu cô, nhưng họ đã đưa cô đến một khách sạn do một người Yazidi điều hành và cuối cùng cô được đoàn tụ với gia đình.

Bây giờ, Nadia nói rằng cô ấy muốn công lý: “Tôi đang chiến đấu với điều này. Tôi đang sử dụng những gì còn lại trong hơi thở của mình để lên tiếng nói cho tất cả chúng ta, để điều này không xảy ra với bất kỳ ai khác.”

Nạn nhân ở khắp mọi nơi

Số liệu thống kê rất khó được đưa ra do chỉ có một số ít các cơ quan phối hợp theo dõi các hoạt động buôn người trong nước cũng có nghĩa là dữ liệu gần như không có. Nhưng theo nhiều chuyên gia, nạn buôn người đã trở nên rầm rộ trong các trại tỵ nạn rải rác khắp Iraq, cũng như tại các thành phố lớn như Baghdad - nơi chế độ nô lệ và mại dâm hiện đại ngày càng phát triển.

Tiến sĩ Ali Akram al-Bayati.

Các mạng lưới buôn người thường hứa sẽ tái định cư cho những người tỵ nạn, nhưng thay vào đó, đưa họ đến các khách sạn và nhà thổ ở Baghdad, Basrah và các thành phố khác trên khắp miền Nam Iraq - theo báo cáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và SEED, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Kurdistan.

Tiến sĩ Ali Akram al-Bayati hoạt động chống lại nạn buôn người của Cao Ủy Nhân quyền Iraq (IHCHR), được thành lập và tài trợ bởi chính phủ. Rõ ràng được thành lập như một tổ chức độc lập, nhiệm vụ của ủy ban là thu thập thông tin, điều tra các vụ án và đưa bọn tội phạm ra tòa, nhưng al-Bayati nói rằng họ thiếu tài chính và quyền lực để thực hiện một cách hiệu quả.

Trường hợp của Nadia là một trong số rất nhiều nạn nhân được IHCHR đang cố gắng hỗ trợ. Trên giấy tờ, chính phủ Iraq đã tăng cường nỗ lực truy tố và kết án những kẻ buôn người, nhưng al-Bayati cho biết họ đã không giải quyết được bản chất của vấn đề.

Tuyên bố của al-Bayati được hỗ trợ bởi “Báo cáo Buôn người” năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ. Báo cáo cho biết chính phủ Iraq “tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật, nhưng không buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm hình sự trong buôn bán, bao gồm buôn bán trẻ em và mại dâm”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các quan chức ở vị trí an ninh quan trọng của Iraq đã đóng vai trò bảo vệ những kẻ buôn người khỏi bị truy tố. “Chính phủ tiếp tục thiếu các quy định thực thi luật chống buôn người, cản trở khả năng thực thi luật pháp, đưa những kẻ buôn người ra trước công lý và bảo vệ nạn nhân.”

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nhân viên an ninh và quân đội trong các trại IDP đồng lõa trong việc khai thác và buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Nêu tên các quan chức sẽ là vô nghĩa bởi vì họ quá mạnh mẽ trong khi tổ chức của al-Bayati quá yếu. Al-Bayati cho biết ông đã nhận được những lời đe dọa tinh vi. 

Các lỗ hổng trong thủ tục đề cử của chính phủ cũng đã ngăn cản nhiều nạn nhân nhận được các dịch vụ phù hợp - các nhà tạm trú do chính phủ điều hành ở Baghdad vẫn trống không trong suốt năm 2017, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Al-Bayati cho biết có khoảng 150 trường hợp kinh doanh tình dục được báo cáo trên khắp Iraq vào năm 2018 nhưng chỉ có 4 đến 5 phụ nữ được đưa vào nhà tạm trú của chính phủ.

Năm 2018, al-Bayati cho biết, 426 người đã bị giam giữ vì cáo buộc liên quan đến tội phạm buôn người nhưng… chỉ có 53 người bị tống vào tù. Những số liệu hiện có không phản ánh quy mô buôn người ở Iraq. Sợ bị trả thù và kỳ thị, cũng như thiếu niềm tin vào chính phủ và quá trình tư pháp, khiến nạn nhân và những người làm việc với họ buộc phải im lặng. Tuy nhiên, vẫn có những người cố gắng giúp đỡ - mặc dù, một cách rời rạc.

Hoạt động trong tầm nhìn rõ ràng

Địa chỉ của một tổ chức phi chính phủ chống buôn người không có dấu hiệu bên ngoài và tầng một giả dạng như một thứ khác. Mức độ bí mật như vậy vì sự an toàn tương đối ở thủ đô của Iraq hiện nay. Tổ chức phi chính phủ sợ bị nhắm mục tiêu bởi các băng đảng và các nhóm dân quân hoạt động phạm pháp mà không sợ bị trừng phạt bên dưới vẻ ngoài sôi động của thành phố Baghdad.

Trong một căn phòng, Ahlam ngồi trên một chiếc ghế nhựa, run rẩy dưới một bộ abaya (trang phục Hồi giáo cho phụ nữ) màu đen che giấu khuôn mặt. Ahlam mô tả cách cô trở thành con mồi cho những kẻ kinh doanh tình dục ở Baghdad.

Các tổ chức phi chính phủ chống buôn người cố gắng truyền bá thông điệp của họ thông qua truyền miệng, nhưng họ nói rằng có một số khu phố Baghdad nguy hiểm đến mức họ không dám đi đến.

“Tất cả bắt đầu với anh trai tôi,” Ahlam (tên đã được thay đổi vì sự an toàn của cô). Vào năm 2014, anh trai của Ahlam gia nhập IS tại tỉnh Diyala và nhanh chóng vươn lên hàng ngũ của thủ lĩnh. Anh buộc Ahlam kết hôn với một chiến binh IS, nhưng khi người chồng này bị giam giữ vài tháng sau đó, cô quay lại với anh trai mình. Ahlam cho biết anh trai cô đã trở nên cực đoan và tàn nhẫn hơn trong thời gian ở với IS.

Ahlam cho biết anh ta thường xuyên đánh đập cô và các chị gái của cô và giam cô trong một căn phòng không có thức ăn. Khi Ahlam phàn nàn với người thân khác, anh trai đã dọa giết cô. Một người anh họ cuối cùng đã giúp Ahlam chạy trốn đến Baghdad, nhưng một khi đến đó, cô không có ai để nhờ giúp đỡ.

“Tôi đã ở ngoài đường, đi loanh quanh. Baghdad là một thành phố lớn, một thành phố đông đúc. Tôi đã lên một chiếc taxi. Người lái xe hỏi tôi muốn đi đâu và tôi nói tôi không biết”. Bối rối và sợ hãi, Ahlam đã trút hết câu chuyện của mình ra cho người anh họ. Anh ta thông cảm và đề nghị giúp đỡ. “Tôi nghĩ rằng một vị cứu tinh đã đến. Tôi đã nói với chính mình cuối cùng cũng có điều tốt trên thế giới”. Đầu tiên, Ahlam cho biết cô được đưa đến một sòng bạc, trước khi bị bán cho một nhà thổ.

Tổ chức phi chính phủ - nơi trú ẩn của Ahlam - tập trung vào việc xác định các nạn nhân tiềm năng trước khi họ bị mắc kẹt trong các mạng lưới này. Họ có các đội làm việc trên khắp đất nước với dân số dễ bị tổn thương - những người phải sống trong các trại tỵ nạn, những người tuyệt vọng vì công việc và những người khác sống trên đường phố.

Họ cố gắng truyền bá thông điệp của mình thông qua truyền miệng và cảnh báo các nạn nhân tiềm năng đến các dấu hiệu cảnh báo, nhưng Iman al-Silawi, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ, cho biết có những khu phố mà họ không dám đến. Ahlam bị mắc kẹt trong nhà thổ trong vài tháng trước khi nắm bắt cơ hội để chạy trốn.

Theo những người làm việc với nạn nhân, câu chuyện của Ahlam cho thấy rõ cách thức hoạt động của các đường dây buôn người trên khắp Iraq. Những người có mối quan hệ với các mạng lưới tội phạm này - như tài xế taxi - để mắt đến những người phụ nữ dễ bị tổn thương và cố gắng dụ dỗ họ. Và, với một lượng lớn người dễ bị tổn thương, những mạng lưới đó đã phình to, những xúc tu của chúng vươn ra khắp đất nước và lên đến cấp cao nhất trong chính phủ.

“Tội ác của tôi là gì?” Ahlam hỏi. “Tôi đã làm gì ra nông nỗi này?” Ahlam cúi đầu và suy ngẫm về tương lai của mình. Ahlam hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc, một người chồng yêu thương, một gia đình - những giấc mơ đầu tiên bị IS đánh cắp, sau đó bởi những kẻ lợi dụng sự tổn thương của cô, và cuối cùng bởi chính phủ của cô đã thất bại trong việc bảo vệ cô.

Di An (tổng hợp)
.
.