Quái chiêu lừa đảo qua mạng internet

Thứ Hai, 11/05/2015, 20:15
Thời gian vừa qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo qua mạng internet. Bọn tội phạm có đủ trò, từ "ông chú Viettel", giả danh công an gọi điện thoại kiểm tra tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền cho đến hack facebook để nhờ mua thẻ cào… Lực lượng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trước những chiêu trò mới của chúng.

Từ những game, app chứa mã độc…

Cách đây ít lâu, trên mạng internet đã xuất hiện một nhóm đối tượng chuyên lập các website, apps (ứng dụng cho điện thoại, máy tính bảng) có nội dung khiêu dâm. Từ đó chúng phát tán link (đường dẫn) trên các mạng xã hội, nhằm lừa người sử dụng kích vào để chiếm đoạt tiền của họ. Cho đến thời điểm này, các nội dung khiêu dâm hầu như đã bị xóa bỏ trên các kho ứng dụng, tuy nhiên đã hình thành những trò lừa đảo mới. Đó là việc chế ra các games, apps với vẻ bề ngoài rất bình thường, song lại chứa mã độc để chiếm đoạt tiền của người sử dụng.

Giao diện một App lừa đảo trên Android.

Khánh Hoàng, sinh viên Trường đại học Bách khoa cho tôi biết, là người thường xuyên tải những game, app về smartphone đã có lần Hoàng phải ngậm quả đắng vì cài đặt nhầm phải app chứa mã độc. Khi đó trong tài khoản của Hoàng có hơn 500 ngàn đồng, Hoàng cài đặt một ứng dụng tiết kiệm pin. Cũng nghĩ đơn giản đó là ứng dụng miễn phí, nên Hoàng cứ vô tư bấm cài đặt. Sau chừng 30 phút vào mạng, bỗng dưng Hoàng không thể truy cập vào mạng 3G nữa, vì đã hết tiền trong tài khoản. Tìm hiểu kỹ, Hoàng phát hiện ứng dụng kia đã âm thầm gửi hàng loạt tin nhắn về tổng đài, mỗi tin gửi đi tài khoản của Hoàng bị trừ mất 15 ngàn đồng.

Cũng giống như Hoàng, Thanh - một nhân viên văn phòng cũng thường xuyên tải game về máy để chơi những khi rảnh rỗi. Một lần vô tình Thanh tải một game đang khá "hot" trên mạng. Chơi được một lúc, Thanh phát hiện ra đây là game "fake" (game nhái). Và ôi thôi, tài khoản hơn 300 ngàn của cậu "bỗng dưng" bị trừ sạch sẽ.

Theo Hoàng, hiện tại người dùng smartphone đang bị "bủa vây" bởi rất nhiều ứng dụng lừa đảo. Ngoài việc đưa trực tiếp lên kho ứng dụng, bọn tội phạm còn phát tán vô tội vạ các link lên diễn đàn, mạng xã hội. Các link có chứa mã độc thường được chia sẻ với những tiêu đề rất "hot" để câu khách như: "Xem tivi free", "Gửi tin nhắn miễn phí", "Bói toán số điện thoại", "Hack game tiền xu"... Thực chất đây là những app có khả năng gửi tin nhắn về tổng đài để cướp tiền trong tài khoản. Trung bình mỗi tin nhắn gửi đi sẽ "xơi" mất 15-20 ngàn đồng của khổ chủ. Cũng có những app thậm chí trừ đến 45-50 ngàn đồng/mỗi tin nhắn gửi về tổng đài.

Nhiều phụ nữ trở thành con mồi của đối tượng người nước ngoài khi sử dụng mạng xã hội Tagged.

Lại có những game, app không trừ tiền trong tài khoản của người dùng, mà âm thầm đánh cắp các dữ liệu như ảnh, video, contact, sms… và các thông tin về tài khoản facebook, email cũng như tài khoản ngân hàng. Khi những thông tin này lọt vào tay các đối tượng xấu, chúng sẽ dùng để chiếm quyền sử dụng các tài khoản này. Và khi ấy, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở một vài trăm ngàn nữa.

…đến thả con săn sắt, bắt con… cá kình

Theo Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây ở TP Hà Nội tiếp tục nổi lên hiện tượng kết bạn qua mạng để lừa đảo. Nhưng nếu như ở các vụ việc bị khám phá trước đây các đối tượng chỉ đơn thuần gửi lời nhắn làm quen, rồi nhờ gửi quà hoặc nhờ nhận giùm hành lý để chiếm đoạt một số tiền nhỏ thì hiện tại, thủ đoạn của các đối tượng đã tinh vi hơn hẳn. Chúng bỏ thời gian "nghiên cứu" con mồi, nắm bắt được tâm lý của họ. Rồi còn kết hợp cả nhắn tin, gọi điện thoại tỉ tê chuyện trò để tạo niềm tin. Thậm chí, các đối tượng còn đầu tư gửi quà thật cho các bị hại, để rồi sau đó lấy lại cả vốn lẫn lãi.

Trường hợp chị Trần Phương H. (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) là một ví dụ.

Năm nay ngoài 30 tuổi, Phương H. có một công việc ổn định tại một ngân hàng lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Cuộc sống gia đình kém hạnh phúc nên chị H. thường xuyên tìm niềm vui trên mạng Internet. Muốn mở rộng giao lưu kết bạn nên trang Facebook của H. liên tục được cập nhật bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh. Cũng vì thế mà trong friendlist của H. có khá nhiều người ngoại quốc.

Cách đây 6 tháng, chị H. nhận được một lời kết bạn từ một người đàn ông tên Tim McGray. Thấy có một vài người bạn chung, và xem qua profile (hồ sơ) của Tim thì chị H. lập tức bấm nút đồng ý. Avatar (hình đại diện) là một người đàn ông cao ráo, đẹp trai đứng bên cạnh một chiếc du thuyền rất bắt mắt. Càng chuyện trò, H. càng thấy "hợp gu" vì cách nói duyên dáng, hiểu biết, lịch lãm của Tim. Tim cũng bộc lộ rằng mình đang là tổng giám đốc của một tập đoàn đa quốc gia. Song vì đã có nhiều năm kinh nghiệm nên Tim có thể vừa đi vi vu trên chiếc du thuyền của mình, vừa điều hành cả chục công ty con hoạt động trên toàn thế giới một cách trơn tru. Tim úp mở rằng rất có cảm tình với Việt Nam, với Hà Nội…

Điều tra viên lấy lời khai một nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa tiền tỉ.

Rồi một bữa, Tim bày tỏ muốn gửi tặng cô gái Việt dịu dàng đằm thắm một món quà nhỏ. Đó là một lọ nước hoa Chanel No5. Mấy ngày sau, Tim tiếp tục gửi nhiều lời yêu thương có cánh cho chị H.. Khỏi nói, H. lâng lâng trong hạnh phúc mà không biết rằng cái bẫy đang giăng sẵn.

Tim kể rằng đang có một nguồn vốn rảnh rỗi chừng vài triệu USD, muốn nhờ chị H. tìm giúp một lô đất đẹp để đầu tư kinh doanh bất động sản. Chị H. sốt sắng nhận lời, và chạy đôn chạy đáo khắp nơi hỏi giùm Tim. Tháng 3/2015, Tim nhắn tin cho chị H., nói rằng chuẩn bị sang Việt Nam để được gặp người phụ nữ mà Tim đã cảm mến. Tim hẹn gặp chị H. tại sân bay Tân Sơn Nhất vào một ngày gần nhất.

Đúng hẹn, chị H. lặn lội ra sân bay đón Tim thì nhận được thông tin anh ta bị lỡ chuyến. Vì phải ký một hợp đồng quan trọng nên Tim đành phải chuyển hành lý sang trước, rồi bay chuyến tiếp theo sang Việt Nam. Tim nhờ chị H. nhận hộ số hành lý này, đồng thời nhắn cho chị H. số điện thoại của một người bạn làm ở dịch vụ hàng không, có vấn đề gì chị ta sẽ giúp đỡ.

Chị H. chưa kịp gọi vào số điện thoại kia thì đã thấy máy rung. Phía đầu dây là một phụ nữ tự xưng là Vân, nhân viên Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Chị ta nói giọng miền Nam, xưng là người quen của Tim và đề nghị chị H. nhận hành lý cho Tim. Tuy nhiên, muốn nhận đủ số hành lý (mà theo Vân nói là có nhiều hàng hiệu và nhiều đôla) nên chị H. phải nộp khoản phí hơn 18.000 USD thì mới được mang hành lý về. Chị H. sốt sắng chuyển khoản cho Vân đủ chừng ấy tiền.

Tưởng rằng sẽ nhanh chóng được nhận hàng, song chị H. lại nhận được điện thoại của Vân, nói rằng Hải quan sân bay đã phát hiện ra lô hàng. Và muốn được "thông" thì phải đút lót thêm chừng 18.000 USD nữa. Qua mạng viber, Tim cũng khẩn khoản nhờ chị H. cố gắng nhận giùm anh ta. Vì số hành lý này với hắn cực kỳ quan trọng. Tim bật mí rằng không những có tiền mặt mà còn rất nhiều kim cương Tim giấu trong… đế giày nữa. Chị H. lập tức vay mượn bạn bè, gom đủ hơn 18.000 USD tiếp tục chuyển khoản cho Vân. Vân bảo đợi chừng một ngày hàng sẽ được chuyển về. Nhưng sau đó một ngày thì cả điện thoại của Vân lẫn Tim đều trong tình trạng không liên lạc được. Tài khoản facebook của Tim cũng biến mất.

Trước đó vào tháng 7/2014, chị Phạm Thị M.D. (46 tuổi) quen biết với một người tự xưng là David Jackson (quốc tịch Anh) trên mạng xã hội facebook. Sau một thời gian trò chuyện qua facebook và viber, Jackson nói sẽ sang Việt Nam cưới chị D. và đưa chị D. sang nước Anh sinh sống. Ngày 10/2/2015, Jackson nói với chị D. rằng anh ta đã mua vé máy bay sang Việt Nam, chuyến bay  SQ 176 của Hãng hàng không Singapore Airline và sẽ đến sân bay Nội Bài lúc 11 giờ 40 phút ngày 11/2/2015.

Đến 11 giờ 44 phút ngày 11/2/2015, một người phụ nữ tự xưng là Yến, nhân viên nhập cảnh sân bay Nội Bài gọi điện cho chị D. thông báo đang tạm giữ David Jackson tại sân bay với lý do mang một lượng lớn ngoại tệ vào Việt Nam mà không khai báo. Yến đề nghị chị D. chuyển 3.500 USD (khoảng 73 triệu đồng) vào một tài khoản Ngân hàng Sacombank để giải quyết nhanh vụ việc. Sau đó, chị D. đã chuyển tiền vào tài khoản nêu trên theo yêu cầu của Yến.

Từ ngày 12 đến ngày 13/2/2015, Yến tiếp tục gọi điện cho chị D. yêu cầu chuyển thêm 4.500 USD (khoảng 95 triệu đồng) và 7.500 USD (khoảng 157 triệu đồng). Sau 3 lần chuyển tiền mà sự việc chưa được giải quyết, ngày 14/2/2015, Yến tiếp tục yêu cầu chị D. chuyển thêm 45.000 USD. Chị D. không đồng ý và trực tiếp đến sân bay Nội Bài kiểm tra thông tin thì biết mình bị lừa. Tổng số tiền chị D. bị các đối tượng chiếm đoạt lên tới hơn 300 triệu đồng.

Một điều tra viên thuộc phòng PC50 cung cấp cho chúng tôi về một thủ đoạn mới và cực kỳ quái chiêu, bỉ ổi của bọn tội phạm công nghệ cao. Chị L.A. (SN 1974, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) lên mạng tagged để học ngoại ngữ. Từ đó, chị quen với một đối tượng ở nước ngoài với nickname Michel Klash. Sau một thời gian trò chuyện, cảm thấy tâm đầu ý hợp, Klash bày tỏ sẽ sang Việt Nam thăm chị L.A., xúc tiến chuyện cưới xin. Klash cũng gửi về cho chị một số món đồ nhỏ để làm tin. Rồi một hôm Klash muốn "vợ tương lai" (là chị L.A.) gửi cho hắn một vài bức ảnh nude. Và trong lúc lâng lâng trong hạnh phúc, chị L.A. đã gửi cho Klash một vài kiểu.

Mấy hôm sau thì Klash bảo sẽ gửi hành lý sang trước, nhờ chị L.A. nhận hộ. Hắn câu kết với một đối tượng giả làm nhân viên hải quan sân bay, đề nghị chị L.A. phải chuyển tiền vào tài khoản để được nhận hành lý. Khi chị L.A. phát hiện ra đó chỉ là thủ đoạn lừa đảo, và chị không gửi tiền nữa. Đối tượng Klash lập tức giở mặt, doạ nếu chị không chuyển tiền cho hắn thì những bức ảnh "nóng" sẽ bị phơi bày trên mạng. Chị L.A. đành phải đến Cơ quan Công an trình báo.

Khuyến cáo của PC50 Công an TP Hà Nội

Hiện nay, trên địa bàn thành phố liên tục xảy ra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như sau: Đối tượng là người nước ngoài làm quen với bị hại trên mạng xã hội (thường là các phụ nữ đơn thân). Sau một thời gian nói chuyện thân thiết với bị hại, đối tượng nước ngoài đề nghị tặng cho bị hại những đồ vật có giá trị (tiền, dây chuyền, điện thoại,...) qua chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam.

Tiếp đó, đối tượng người nước ngoài cấu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan, nhân viên sân bay gọi điện cho bị hại thông báo lô hàng chuyển từ nước ngoài về cho bị hại đang bị giữ tại sân bay và đề nghị bị hại nộp tiền phí chuyển phát nhanh, tiền thuế cho lô hàng vào các tài khoản ngân hàng Việt Nam do đối tượng cung cấp để được nhận hàng. Khi bị hại nộp tiền vào các tài khoản này, các đối tượng sẽ chiếm đoạt.

Người sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông cần hết sức chú ý khi làm quen, kết bạn trên mạng cũng như các hoạt động chuyển tiền, tránh trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo.

Minh Tiến
.
.